Chùa chiền ở Hà Tĩnh không chỉ là nơi tu hành của các tăng ni mà còn là trung tâm văn hóa, nơi gìn giữ và truyền bá các giá trị truyền thống của Phật giáo. Những ngôi chùa như chùa Hương Tích, chùa Kim Quang, chùa Đá (Thiên Lộc)... không chỉ mang đậm dấu ấn của kiến trúc cổ mà còn chứa đựng những câu chuyện lịch sử, những giá trị văn hóa phi vật thể quý báu. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết Chùa trong dòng chảy tâm linh của người Hà Tĩnh của tác giả Phan Hương.
Chùa trong dòng chảy tâm linh của người Hà Tĩnh
Phan Hương
Trong tâm thức của người Việt Nam nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng từ xưa đến nay thường quan niệm “sinh vi tướng, tử vì thần” - sống làm tướng cứu dân, chết làm thần giúp dân nên chùa làng chính là nơi gửi gắm niềm tin, biểu tượng của tín ngưỡng cộng đồng. Đi lễ chùa đã trở thành tục lệ, sinh hoạt văn hóa không thể thiếu. Chùa là nơi con người có thể hướng thiện, cầu mong sự bình an trong tâm hồn cho gia đình và bản thân. Cùng với sự du nhập của Phật giáo, các ngôi chùa được xây dựng, trở thành một thiết chế tôn giáo có vai trò trung tâm trong sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử.
Cơ sở truyền bá, phát triển Phật giáo
Tư tưởng tín ngưỡng của người Hà Tĩnh gần gũi, không cao siêu, khó hiểu, mà là sản phẩm được kết tinh từ lao động sản xuất, tiếp biến bồi đắp, hoàn thiện theo thời gian. Cùng chung sự ảnh hưởng về mặt tư tưởng, người Hà Tĩnh tin theo nhiều thứ tôn giáo, tín ngưỡng nhưng chỉ lựa chọn tôn giáo, tín ngưỡng nào không đi ngược lại nền tảng đạo đức dân tộc, không chống lại những chuẩn mực văn hóa được công nhận. Ngoài tín ngưỡng thờ Phật, người Hà Tĩnh còn có tục thờ Mẫu, thờ Tổ với nhiều hình thức mà đỉnh cao là thờ Thành hoàng làng, chủ yếu là các anh hùng lịch sử, danh nhân văn hóa - người có công với dân với nước, những vị thủy tổ của làng có công khai dân, lập ấp, các vị tổ sư nghề thủ công truyền thống.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam khoảng đầu Công nguyên. Qua quá trình du nhập, tiếp thu, Phật giáo đã có những thời kỳ phát triển rực rỡ như đời Lý, cực thịnh ở đời Trần và theo thời gian, đạo Phật ngày càng chiếm một một vị trí quan trọng trong tâm thức nhân dân. Từ một số tư liệu của các nhà nghiên cứu văn hóa cho thấy, Phật giáo được truyền đến Nghệ Tĩnh khá sớm, khoảng vào đầu thế kỷ VII đến thế kỷ IX thời thuộc Tùy, Đường hoặc sớm hơn nữa. Hệ thống chùa chiền và những nhà tu hành xuất hiện ngày càng nhiều. Ở xứ Nghệ, những thiền viện nổi tiếng đều tập trung trong vùng Ngàn Hống. Bất cứ làng xã nào cũng có hệ thống công trình thờ phụng khá hoàn chỉnh gồm các đền, miếu thờ thần, nhà Văn Thánh hay văn chỉ thờ Thánh Khổng và chùa thờ Phật, nên cha ông ta có câu “đất vua, chùa làng” là vì thế. Ban đầu mới chỉ là những am thảo nhỏ, về sau chùa được xây dựng ngày càng quy mô, kiên cố. Đây chính là lí do để khẳng định các chùa ở Hà Tĩnh là cơ sở truyền bá, phát triển Phật giáo (ngoài thờ Phật còn thờ các vị thiền sư, Phật, Lão, Khổng). Theo sách Chùa Cổ Hà Tĩnh của nhà Nghiên cứu Văn hóa Thái Kim Đỉnh(1926-2017) thì trong đợt tổng kiểm kê di tích ở Hà Tĩnh năm 1994, Bảo tàng Hà Tĩnh thống kê được 54 ngôi chùa nhưng theo khảo sát thì đến trước 1945, toàn tỉnh có 417 ngôi chùa hiện đang còn hoặc còn di tích hoặc còn đang biết được, trong đó có 7 Di tích xếp hạng Quốc gia, 28 chùa xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Chùa Hương Tích
Kiến trúc và không gian độc đáo
Nằm ở vùng phên dậu của Tổ quốc, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, địch họa, kinh phí xây chùa thường do nhân dân góp, nên chùa ở Hà Tĩnh chủ yếu là chùa nhỏ. Vật liệu để xây dựng tùy vào điều kiện kinh tế, từng thời kỳ. Triều Lê trở về trước, chùa đều sườn gỗ, lợp tranh, vách gỗ ván, ở vùng núi tường xây đá trái dày. Đến cuối Lê, đầu Nguyễn về sau mới có nhà lợp ngói vảy, xây gạch tường, còn lại vẫn là nhà tranh. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kinh Đỉnh thì “Chùa Hà Tĩnh…dung dị, không đồ sộ, nguy nga như chùa ngoài Bắc, trong Nam. Mỗi ngôi chùa có một, vài đến ba ngôi nhà gỗ ba gian, một số nhà năm gian. Căn thờ dọc thì gian trong là bàn thờ Phật, gian ngoài là bái đường, còn thờ ngang thì thường có thêm gian lồi phía sau, gọi là hậu cung. Hai, ba nhà thì thường xếp theo hình chữ “nhị”, chữ “tam”; ba nhà có khi xây theo hình chữ “công””1. Riêng ở chùa Diên Quang (Chùa Am - Đức Thọ) là ngôi chùa có kiến trúc lạ. Chùa chỉ có một tòa nhà lớn, trùng diêm, tám mái tường gạch, mái lợp ngói vảy. Mặt trước trông như ngôi nhà ba gian hai hồi, có ba cửa chính đóng bức bàn và hai cửa khém; hai mái với bốn đầu đao cong vút; trên nóc đắp hình “lưỡng long triều nguyệt”, mái hình chữ “công”, dưới hình chữ nhật trông rất đồ sộ, thanh thoát. Nhiều chùa ở Hà Tĩnh có gác chuông như công trình nghệ thuật hoàn chỉnh (chùa Phù Yên - Đức Thọ); chạm trổ tinh xảo (Tứ Mỹ - Hương Sơn, Hữu Phương - Thạch Hà, Huyền Lâm - Đức Thọ); cột, trần nhà sơn son, vẽ rồng mây đẹp (Yên Lạc - Cẩm Xuyên)…
Không chỉ đạt chuẩn về kiến trúc, đường nét, hình thức thể hiện ở nội thất mà còn phải kể đến không gian, vị trí tọa lạc hết sức đắc địa. Chùa thường xây ở các vị trí trung tâm, điểm nhấn tiêu biểu của làng xã. Trước đây, phía trước mỗi ngôi chùa còn là nơi họp chợ của dân làng, chùa và chợ đã gắn kết với nhau thể hiện sự gắn bó giữa đạo và đời. Càng về sau, cha ông ta đã áp dụng những nguyên tắc cơ bản của thuật phong thủy, dựa vào hình sông, thế núi để tạo sự hài hòa giữa âm-dương. Chùa ở đồng bằng thường có không gian vườn thoáng đãng. Cũng có nhiều chùa được xây dựng giữa núi rừng hùng vĩ, xung quanh có hồ, khe suối.. tạo nên khung cảnh tĩnh mịch của chốn tu hành. Chẳng hạn, chùa Thiên Tượng (Hồng Lĩnh) dựng trên ngọn núi cùng tên, phía tây dãy Ngàn Hống nay là thị xã Hồng Lĩnh. Chùa nằm ở trên ngọn núi rất đẹp, bên sườn núi có đá giống hình con voi nên mới đặt tên là núi Thiên Tượng. Trên cửa chùa có hồ nước được tạo từ các khe suối. Cách đó không xa, Chùa Hương Tích cũng được dựng trên ngọn Hương Tích thuộc địa bàn xã Thiên Lộc, Can Lộc được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, có nhiều kỳ quan, cụm thắng tích như Động tiên nữ, Am Phun mây, khe Tiên Tắm, thông cổ thụ, suối ướp hương…
Cùng với công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giữ gìn độc lập, phát triển kinh tế, chống đói nghèo lạc hậu, người Hà Tĩnh cũng như các vùng cả nước đều chăm lo xây dựng, giữ gìn, phát huy những công trình tâm linh. Trong các thời kỳ lịch sử, nhiều tăng ni, phật tử, người dân đã đóng góp công sức, tiền của, không ít mạnh thường quân đã kêu gọi, đóng góp từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng công đức xây chùa, đúc chuông, đúc tượng, mua sắm trang bị cơ sở vật chất, trùng tu giúp nhiều công trình thoát khỏi nguy cơ xuống cấp, bị xóa sổ. Giá trị, ý nghĩa đem lại của các công trình tâm linh là căn bản song ở không ít địa chỉ vẫn có hiện tượng một số bộ phận lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để gây rối kích động đi ngược lại lợi ích dân tộc, sử dụng tiền công đức không đúng mục đích. Cùng với tâm lí trục lợi, mê tín dị đoan… tạo ra những hình ảnh phản cảm làm mất mỹ quan, giá trị vốn có của hoạt động tín ngưỡng tại các lễ chùa. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, ngành chuyên môn cần vào cuộc hơn nữa để chấn chỉnh, đồng thời tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của người dân, ban quản lí các công trình để trả lại giá trị, ý nghĩa đích thực cho các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh.