11-04-2018 - 08:04

Chùm truyện mini của Phan Tấn Linh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 140 tháng 4/2018 giới thiệu chùm truyện mini của tác giả Phan Tấn Linh.

BÀ NGOẠI

Ngày tôi mới có thai bé Ty, mẹ tôi tong tả ở quê ra với đủ loại thực phẩm sạch và một đống kinh nghiệm nuôi con trong.
Tôi sinh, mẹ lại lăn lóc mấy ngày ở viện và mấy tháng tôi ở cữ. Chăm cháu rồi chăm con, bà ngoại bé Ty gầy ốm tong teo.
Giờ bé Ty đã được 7 tuổi, chồng giục sinh con mà tôi thương mẹ nên lần lữa hoài.
 Mẹ biết, bảo: Chị thương mẹ thì chị đẻ sớm, lúc mẹ còn có sức khoẻ ấy! Già rồi mẹ không còn sức làm gì được đâu.
Muôn đời vẫn là cháu nội - tội ngoại./.

XUẤT GIÁ TÒNG PHU

Tôi lấy chồng xa. Kinh tế cũng chẳng khá giả gì. Hai đứa con lần lượt ra đời. Rồi bố mẹ chồng tuổi cao. Tôi hầu như không ra khỏi góc phố quê chồng.
Cha mẹ ngày càng già yếu, mong con cháu từng ngày. Trước thì dăm bữa nửa tháng gọi điện, giờ ngày nào cha cũng gọi. Cha gọi, tôi lại rớt nước mắt nhớ về thời con gái được cha mẹ chăm chiều...
Định bụng về thăm ngoại bao lần mà việc lớn việc bé cứ liền tay, không dứt ra được. Giật mình nhìn lại cũng đến mươi năm.
Biết là “xuất giá tòng phu” nhưng có cái gì nghẹn lại ở cổ mỗi khi bần thần ngóng về phương ấy.
Biết bao giờ con gái mới nấu cho cha mẹ được bát canh cần đây?!

NHÀ CÓ HAI ANH EM

Giỗ mẹ. Bác cả ngoài thành phố lớn về. Đưa chú út cọc tiền, bảo: chú thím lo chu đáo. Vợ con anh không về được, mai anh lại bay đi Mỹ.
Chú không nói gì. Cũng quen rồi. Đã bao năm nay bác đều như thế. Có năm, bác còn chuyển tiền qua bưu điện.
Chú cũng không hề phàn nàn. Như ngày xưa, khi ông bà đề nghị chú nghỉ học để dồn gạo, tiền cho bác học đại học, chú cũng đã ngoan ngoãn chấp nhận. Bác luôn được đánh giá là thông minh, sáng láng hơn cơ mà.
Nhà có hai anh em. Giỗ mẹ, cũng khói hương, cỗ bàn, mà sao trống trếnh./.

BẠN

Anh là người bạn của mọi người. Nói thế là vì giỗ chạp, ma chay, sinh nhật, cưới hỏi của bạn bè, anh đều đến. Nhiệt tình một cách sốt sắng với công việc của nhà bạn. Có nơi, anh ngồi ba ngày tròn.
Anh ốm đến gần tháng tôi mới biết. Hôm qua, tôi đến thăm anh. Chị vợ phàn nàn, đại ý anh nhiều bạn thế, sao hôm anh ốm đến giờ chả thấy ai.
Dường như biết lỡ lời khi thấy tôi lúng túng, bối rối, chị nói thêm, rất khẽ đủ để tôi nghe:
- Bác là người ghé thăm anh ấy đầu tiên đấy ạ!

Minh họa: HÀ NAM

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Thắng tốt nghiệp cấp 3, thêm cái cao đẳng, mấy năm không có việc làm. Thấy mấy anh đi Tây, va li lớn, nhỏ, thơm tho về quê, tía má tính liều, vay mướn cho Thắng xuất ngoại.
Lần hồi rồi Thắng cũng trả được nợ. Thoắt cái đã sáu, bảy năm. Thắng định về thăm tía má mà nghĩ cái đận về trước, mồ hôi nhớt búa xua.
Lần ấy, để tía má yên lòng, Thắng nói, ở bển cũng sung túc và nhớ tía má. Tía nó bảo, thì thu xếp về. Thắng lỡ lời, đành ừ à rồi vay mượn để quà cáp. Tía thì thuốc lá, lọ nước hoa cho má. Chú ba thì cái điện thoại, cái áo khoác cho cô tư, thùng socola cho láng giềng. Rồi bác cả, bác hai, cậu ba, ai cũng phải có quà. Tía má rạng rỡ.
Thắng cày hai năm sau mới trả hết nợ. Ở quê Thắng chả ai biết, bên ấy, Thắng chạy ba bốn nghề, tùng tiệm lắm cũng đủ chi tiêu. Nhưng, tiếng là xuất khẩu lao động, về nước, ắt phải có quà.
Tía má nó thì vẫn đinh ninh, ở bển, Thắng sung túc lắm./.

TÀU CHẠY VỀ KÝ ỨC

Anh công tác ở thành phố lớn. Cuộc sống khó khăn khiến anh ít có dịp về quê thăm cha. Mẹ mất lúc anh chào đời, cha từ chối tục huyền, vật lộn nuôi bốn anh em anh khôn lớn. Là con út, lại sớm mất mẹ, cha dồn tình thương cho anh. Hồi anh đi học, cha ki cóp dành dụm được đồng nào là gửi hết cho anh.
Gần đây đời sống khá hơn, con cái đã lớn, anh giục chị về thăm cha. Cha già như chuối chín cây...
Chị bảo “Cha đã có các bác ở quê. Thỉnh thoảng gửi biếu cha ít tiền là được rồi. Chứ về thì nhà cửa, hàng quán của em thế nào”
Ở quê, cha buồn rượi, chống gậy vào ra than thở vắn dài với các bác: “Cái thằng đến khổ, làm không ra mà còn gửi tiền về cho cha. Các con thu xếp đưa cha ra thăm vợ chồng nó trước khi cha trăm tuổi nhé”.
Sáng nay, anh ra ga một mình. Tàu chạy rẽ về ký ức làm mắt anh nhoà lệ./.

ĐÀN CHIM SẺ BAY VỀ

Mỗi sáng, ông Tự thức dậy làm vườn với ít thóc cho đàn chim sẻ. Đàn sẻ quen ăn, cứ đến giờ ông thức dậy là sà xuống kín vườn. Ông Tự cũng không nhớ, đàn sẻ về đây từ bao giờ, chỉ nhớ chúng đã ở đây từ thời mẹ ông còn sống. Đàn sẻ dạn dĩ, có con còn sà xuống vai ông, mổ thóc từ tay ông.
Hôm qua, sau khi vãi thóc, ông Tự đã thảng thốt khi không thấy đàn sẻ. Ông ngồi váng vất, ngẩn ngơ, trạng thái y như ngày mẹ ông bỏ ông đi vì bạo bệnh.
Sáng nay, hàng xóm sang, bảo: Vừa khai trương quán nhậu chim sẻ đầu làng, chắc bọn nó bắt mất rồi. Đừng buồn, rồi sẽ có đàn sẻ khác về thôi, bạn già ạ.
Ông Tự thở dài đánh thượt, mồ hôi nhớt vã ra, run run suýt ngã. Loáng thoáng hình ảnh những gương mặt đỏ gay, nhăn nhở, nhồm nhoàm quanh đĩa chim nướng...
Mỗi sớm, ông Tự vẫn dậy làm vườn với ít thóc cho đàn chim sẻ.
Đàn sẻ thì mãi chưa bay về./.

CHA TÔI

Cha nhẫn nại dìu tôi từ bước chập chững. Kiên nhẫn chờ tôi mỗi buổi đến trường. Sau này là âu lo phấp phỏng trước mỗi bước trưởng thành của tôi.
Tôi lấy chồng, vẫn còn cậy nhờ cha đưa đón cháu mỗi khi vướng bận công việc.
Vậy mà hôm qua, lúc dắt và chờ cha ở nhà vệ sinh trong bệnh viện, tôi đã gắt ầm lên: Cha mau mau cho con về cơm nước nữa với chứ!
Giờ thì tôi ngồi đây, trước thềm bệnh viện, nước mắt hồn nhiên rơi. Trong kia, cha tôi vẫn đang vật lộn với bạo bệnh./.

BÃO TAN

Bão. Vun vút. Quăng quật. Dãy hàng phố vốn đã im ỉm, giờ càng khép chặt.
Nhà Quân, nhà Thuỷ, nhà Hồng, nhà Hoa suốt ngày chành choẹ nhau vì cái rác, vì đỗ xe, vì tiếng ồn, vì chó vì mèo. Những lúc ấy, thể nào anh cũng là người hoà giải. Đơn giản vì anh là thày học và vì nhà anh không dính líu vào những chuyện nọ.
Bão tan. Dãy phố không nhà nào còn nguyên vẹn. Giờ thì í ới, tíu tít giúp nhau dựng lại hoang tàn. 
Tình làng nghĩa xóm lâu nay bị rách nát bỗng dưng được vá víu một cách hồ hởi. Bão, có khi nào lại là nguyên nhân của những hàn gắn không. 
Anh mỉm cười nghĩ như vậy trong lúc ngồi bệt xuống đống tường rào đổ nát./.

CHỐNG GẬY VÀ ĐÍCH TÔN

Thằng út cưới vợ, ông bà mừng lắm. Ông bà đã gần 70, mong chút cháu đích tôn bế bồng cho thoả. Nhà có 5 vịt giời thì đã lần lượt bay đi.
Vợ chồng út ở thành phố. Vì muốn gần chống gậy, gần đích tôn, ông bà quyết định bán nhà cửa vườn tược ở quê, lên thành phố dồn tiền cho út được một căn hộ rộng rãi.
Đó là những ngày đầu út mới cưới vợ, sinh con, là lúc ông bà đang khoẻ, cuộc sống đang thuận. Còn bây giờ, ông bà đang nghĩ về một cái nhà nho nhỏ ở quê. 
Trước mắt, ông bà cứ phải tạm tá túc luân phiên ở nhà của 5 vịt giời đã./.

Minh họa: HÀ LAN

GIỌT BUỒN CỦA CHA

Cha 70 tuổi, râu tóc bạc phơ. Là bạn thân nhất của anh năm anh lên bảy. Năm ấy, mẹ anh mất. Sau mấy đêm, tóc cha đổ trắng. Nhà có mỗi mình anh, bé xíu, chỉ nhớ được nụ cười đầy nước mắt của cha lúc chăm con.
Anh lớn lên, ăn học đủ đầy. Mấy lần, thấy cha lủi thủi một mình, anh động viên cha đi bước nữa. Cha ậm ừ, bảo: “Lúc nào anh lấy vợ, có con”. Rồi ngước lên bàn thờ vợ, khoé mắt lay một giọt buồn.
Anh lấy vợ, có con, đầm ấm, hạnh phúc. Cha vẫn lủi thủi. Dần rồi anh cũng quên, nghĩ: cha già rồi, vui vầy con cháu, chắc không còn ý định.
Một dạo, cha buồn mà anh vô tâm không biết lý do. Tưởng cha bệnh, anh đưa đi khám và mua đủ loại thuốc bổ. 
Mãi sau này, khi cha nằm xuống, xem được nhật ký của cha thì đã muộn./.

. . . . .
Loading the player...