Giữa cơn cuồng phong khủng khiếp của bão số 3, mọi người không khỏi xúc động khi thấy được hình ảnh một hàng ô tô nối đuôi nhau chầm chậm che chắn gió cho những người đi xe máy trên cầu Nhật Tân (Hà Nội).
Trong cơn hoạn nạn gió mưa này, tình thương giữa những người đồng bào đã làm chảy dài những giọt nước mắt ấm áp.
Thương nhau trong thường nhật đã đáng trọng. Thương nhau trong khó khăn lại càng trân quý. Trong buổi chiều bão tố này, chúng ta càng thấy rõ tình người nương nhau. Một gia đình ở Hà Nội lo lắng mời hàng chục người lỡ đường vào nhà tá túc. Đang trên đường đi vội, một chiếc ô tô cài số lùi tấp sát vào lề mời một người đang bị gió cuốn ngồi rạp bên đường lên xe, dù người ấy chưa gặp nhau bao giờ…
Trực tiếp và cụ thể, ngay trong sáng 7-9 khi cơn bão chưa vào đất liền, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã có chỉ đạo khẩn, trong đó đặc biệt yêu cầu TP HCM có kế hoạch sẵn sàng chia sẻ với Hà Nội và những nơi vùng tâm bão đi qua.
Và cũng trong ngày này - một ngày đáng nhớ - mạng xã hội lại tràn ngập lời sẻ chia, lo lắng cho người dân các tỉnh, thành phố đang bị bão uy hiếp. "Cầu mong mọi người bình an", "Hãy vững vàng, chúng tôi luôn đứng bên các bạn", "Thương quá bạn bè ơi, mong an lành đến với mọi người"… Những lời động viên vượt qua gió mưa, băng qua giông tố đã đến với người dân vùng tâm bão trong lúc khó khăn và nguy nan cận kề. Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ đã lên mạng xã hội kêu gọi chung tay đóng góp, để trong ngày gần nhất có thể kịp thời hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão.
Lòng người lặng yên dõi theo, lòng người cũng thổn thức, lòng người cũng thương lo cho đồng bào máu đỏ da vàng.
Những ngày này chúng ta càng thấy rõ tinh thần đoàn kết của người dân. Một tinh thần quý giá vốn được nuôi dưỡng qua cả chiều dài lịch sử và văn hóa của dân tộc. Dải đất hình chữ S này đã trải qua bao phong ba, nghịch cảnh. Thiên nhiên ưu đãi nhưng thiên nhiên cũng phẫn nộ. Thế nhưng, tình người nương tựa, nghĩa đồng bào máu thịt, tinh thần đoàn kết đã gắn bó mọi người vượt qua gian nan, vững vàng xây dựng lại tương lai. Đây không chỉ là tình cảm tương đồng, mà chính điều này được bồi lắng trở thành nếp trầm tích văn hóa sâu dày của người Việt.
Qua nghịch cảnh, chúng ta càng hiểu hơn bài học đầu đời "trăm trứng nở trăm con". Duy nhất trên trái đất này, chỉ người Việt gọi nhau là đồng bào - người cùng một mẹ.
Dẫn nguồn: Báo Người Lao động