25-07-2018 - 14:37

Có một tượng đài Đồng Lộc trong thơ

Tạp chí Hồng Lĩnh số 143 giới thiệu bài viết "Có một tượng đài Đồng Lộc trong thơ" của tác giả Nguyễn Hà Huy

Linh chuông Đồng Lộc - Ảnh: Linh Châu

Ngã ba Đồng Lộc - Một địa chỉ đỏ của lịch sử cũng là địa chỉ văn hóa tâm linh. Ở đây chúng ta được chiêm ngưỡng như khối tượng đài về sự hy sinh bất tử của các lực lượng bộ đội, TNXP trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt là sự hy sinh oanh liệt của 10 cô gái tiểu đội 4 chiều ngày 24 tháng 7 năm 1968. Một tháp chuông 7 tầng được dựng nên ngân vọng tiếng linh chuông như hồi ức của quá khứ vọng về. Có một tượng đài thơ, một tháp chuông thơ trong lòng mọi người ….

Thơ viết về Ngã ba Đồng Lộc mà trọng tâm là hình ảnh 10 cô TNXP là tiếng lòng  sẻ chia, nốt trầm sâu thẳm, là sự giao cảm và đồng cảm. Không chỉ có thơ  của các nhà thơ thành danh mà còn tiếng thơ đồng vọng thiết tha ngân rung như một cây đàn muôn điệu của các du khách về viếng thăm Đồng Lộc. Vì thế mà khi đọc lại thơ viết về Ngã ba Đồng Lộc tôi thật bất ngờ nhận ra những bài thơ hay lại là những lời thơ bình dị và chân thực mà da diết. Bình dị như những chùm hoa mua mọc trên đồi Trọ Voi, mọc bên hố bom với màu tím thủy chung. Bình dị như mây trắng trên vòm trời cao thảng thốt của Đồng Lộc. Thi sĩ Thi Hoàng thật có lý khi ông viết: “Trời thì xanh như rút ruột mà xanh”. Vòm trời xanh Đồng Lộc là xanh rút ruột, thơ viết về Đồng Lộc là thơ rút ruột từ cõi lòng cõi thiêng. Tiếng thơ ân tình tự sự và cũng rất trữ tình thăng hoa trên một nền  hiện thực nhiều ám ảnh, ấn tượng. Có lẽ bài thơ viết sớm nhất về sự hy sinh của 10 cô gái TNXP là “Cúc ơi” của Yến Thanh - Một người trong cuộc cùng đồng đội. Đó là lời gọi hồn khẩn thiết vượt lên cả thơ. Bài thơ dài sớm nhất viết về Đồng Lộc là “Ngã ba Đồng Lộc” của nhà thơ Huy Cận viết năm 1971 với lời tự sự nói với con mà cũng nói với  chính mình. Chính cái chất độc thoại, đối thoại của hai bài thơ trên đã chạm được đến cõi lòng trắc ẩn. Bởi ở đó là lời tâm tình thống thiết như sau 27 năm - Năm 1995 nhà thơ Vương Trọng lại viết thành công bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Ngã ba Đồng Lộc” được tạc lên bia đá gắn ở khu mộ 10 cô gái. Nếu phần lớn những bài thơ viết về Đồng Lộc thường giải bài sẻ chia tình cảm thắm thiết, thì nhà thơ Huy Cận lại khái quát nâng lên tầm triết lý sâu sắc. Mạch thơ trầm tĩnh nhiều day dứt với một bề dày trầm tích của văn hóa, lịch sử, triết học, ông đã chọn cho thơ một con đường ngắn nhất đến với người đọc có sức đồng cảm và thuyết phục nhất; “Là ngã ba nhưng nào có băn khoăn do dự - Là ngã ba trên chặng đường quyết liệt những hướng đi đã quyết”. Đó là một “Ngã ba Đồng Lộc xây bằng xương máu”. Từ một ngã ba của đất nước Việt Nam cụ thể ông đã khái quát vươn đến tầm suy tưởng lớn lao hơn: “Bạn bè ta trong cơn gió lốc - Hẳn cũng đang vượt những ngã ba Đồng Lộc”…

Thơ viết về Đồng Lộc nhiều bài nói về hương sắc trực giác - Sắc để nhìn và hương để thấm. Nhà thơ Đặng bá Tiến - Một người con quê hương Can Lộc đã cảm nhận được, ngấm được sâu sắc “Mùi bồ kết ở ngã ba Đồng Lộc” . Đó là hương quê, tình quê từ cụ thể hai cây bồ kết được anh hùng Nguyễn Tiến Tuẩn trồng cạnh khu mộ từ sự gợi ý “Lời thỉnh cầu của Ngã Ba Đồng Lộc”: “Cho mọc dậy một vài cây bồ kết - Hương tỏa bay trong hư ảo khói nhang” của nhà thơ Vương Trọng. Nhưng rộng sâu xa hơn đó là hương của mẹ của một vùng quê của cội nguồn của cả bản sắc người dân Việt. Cái hay của thơ Đặng Bá Tiến là ông dùng lối nói tương  phản nên có sức gợi lay thức mạnh: “Quanh mộ chị giờ bao mỹ phẩm - Hàng hiệu Pháp - Hàn … các cô có dùng quen - Sao Đồng Lộc trong gió trưa vương vấn - Vẫn thoảng như mùi bồ kết dịu êm”. Khi thắp những nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc nhà thơ Mai Văn Phấn một trong những người đang độ sung sức nhiều cảm hứng cách tân tìm tòi đổi mới thơ Việt bởi một thứ ngôn ngữ thơ khá ám ảnh mở ra nhiều giác quan với cái nhìn ảo hóa nhập cuộc với tư duy thơ hiện đại thì ở bài thơ “10 nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc” ông lại chọn thể thơ lục bát thuần Việt cân đối với nhịp thơ uyển chuyển ngân vọng. Bút pháp trong bài thơ của Mai Văn Phấn là từ những chi tiết cụ thể đẩy lên khái quát mang tính biểu tưởng: “Khăn thêu những dấu tay gầy - Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời.”. Sự thật của cuộc chiến tranh khốc liệt”: “Người ơi tôi lại gặp người - Hơi bom vẫn thổi rụng rời cát khô” nhà thơ không nói “khói bom”“Hơi bom”. Khói có thể bay và tan loãng nhưng hơi bom và sức ép của bom làm sao xóa nhòa được thấm vào cỏ cây ngấm vào da thịt ký ức khi: “Nhang này quặn nỗi đau xưa” chữ quặn như xoắn lại - Xoắn lại  nỗi lòng. Một cảm hứng thế sự quen thuộc với  giọng thơ đầy tính công dân của mình, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lại xác nhận một tứ thơ khi ông qua Truông  Bồn (Nghệ An) đến với Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Cả hai địa danh này đều có sự hy sinh vô cùng oanh liệt của lực lượng thanh niên xung phong. Trong bài thơ “Mưa đồng lộc - Gió Truông  Bồn”, Nguyễn Việt Chiến thả rung võng xuống một nhịp trầm sâu thẳm võng xuống những cung đường, cung đàn đất nước. Một sự hóa thân vĩnh cứu, một tượng đài thơ tráng lệ mà thấm cả bao giọt lệ “Thương Đồng Lộc, nhớ Truông  Bồn - Dáng bao liệt nữ vẫn còn đâu đây - Xanh vào cỏ trắng vào mây - Thân thương áo bạc vai  gầy các em”. Nhà thơ Nguyễn Thanh  Đạm nói về sự “Bất tử Đồng Lộc” như một thông điệp giàu tính nhân văn của sự hồi sinh, sự sống, sức sống. Tuổi đời của các cô dừng lại mãi mãi hai mươi. Các cô không chết trong lòng mọi người, các cô hiện diện trong từng cỏ cây hoa lá, các cô là điểm tựa cho cuộc sống hôm nay:“Đồi Trọ Voi tuy xanh vết thương xưa - Nhưng bất tử là niềm cảm kính - Mười bia mộ sắp hàng ngang lối dọc - Như hôm nào tiểu đội bốn sẵn sàng” . Sự hiện diện các cô vẫn trong đội hình của: “Tuổi thanh xuân không chỉ nghĩ riêng mình”. Cũng viết về sự bất tử đó nhà thơ Nguyễn Trọng Bính - Một người lính từng đi qua chiến tranh đã ươm lại hình ảnh “Cỏ - thời gian” : “Em ơi Đồng Lộc chiều nay - Cỏ  thời gian đã ken dày lối đi - Cỏ ơi tên cỏ là gì - Hút khô nước mắt cứa lì con tim - Đâu rồi những dấu chân in - Đâu bom nổ chậm trốn tìm bóng em”. Nhà thơ rất có lý khi dùng hình tượng cỏ để nói bao nỗi niềm. Cỏ sẽ đan dày vá lại những vết thương trên mặt đất, vá lại những mất mát đau thương, vì cỏ là bất diệt như Nguyễn Trãi đã từng viết: “Hoa thường hay héo - Cỏ thường tươi”... Trong các bài thơ gây được xúc động mạnh nhất với người đọc có những bài viết về một con người cụ thể. Bùi Quang Thanh đã nức nở khi gọi tên: “Hà ơi” (cô gái trẻ nhất tiểu đội bốn khi hy sinh mới 17 tuổi): “Tiểu đội dàn hàng hai ngoảnh mặt xuống đường - Hố bom Mỹ chắn ngàn sâu xoáy ruột,- Chị Tần thương em không cho em đứng trước - Lúc hy sinh, Hà ơi! có nguyên lành.” Đứa em út của tiểu đội luôn được mọi người cưu mang che chở, giờ đây đã ngằm yên nghỉ với các chị với gương mặt bầu bĩnh trẻ trung đôi mắt trong veo, trong trẻo. Và ta cứ ngỡ như còn nghe được cả tiếng người và giọng nói hồn nhiên tràn đầy sức sóng cả cô gái “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu.” Mỗi khi đến thắp hương cho 10 cô đến bên mộ cô Võ Thị  Hà tôi vẫn như còn đọc được trong mắt Hà sự ngạc nhiên thảng thốt như không biết chuyện gì đã xảy ra!? Nhà thơ Bình Nguyên khá đọc đáo khi lập tứ thơ “Những vầng trăng Đồng Lộc” để nói về sự tuần hoàn 12 tháng - Mỗi tháng mang một sắc màu tâm  trạng, tâm linh. Ở đây khai niệm thời gian dịch chuyển giống như sự vận động sự sống càng tô đẹp thêm vẻ đẹp cao cả của 10 cô TNXP. Bắt đầu từ hình ảnh: “Mây bay Đồng Lộc trắng trời - Khói mây thấp thoáng bóng người hiện lên”. Để bắt đầu từ: “Có Giêng Hai tóc xanh mượt” qua: “Có tháng tư hay giải bày” đến :”Có tháng sáu cặp má hồng” và: “Có tháng bảy thích thêu thùa”. Có thể nào quên: “Có tháng tám mắt  dao cau” để rồi qua: “Có tháng chín dáng mảnh mai” và : “có một Chạp miệng hay cười”... Nói thời gian nhưng chính là dựng lên hình hài, tính cách, vẽ đẹp tâm hồn của các cô để rồi kết bài làm ta quặn thắt: “Các cô đấy, các cô đâu - Nén nhang cháy đỏ xuống màu cỏ tươi”…

Gợi lại quá  khứ đau thương chính là truyền thâm sức mạnh cho ngày hôm nay. Thơ chính là sự lay thức lay động và cao hơn là sự nhận thức như một sự tri ân. Nhà thơ Vũ Quần Phương là người hay nghĩ ngợi về cuộc đời về thân phận. Thơ ông thường lật đi lật lại vấn đề vì thế thơ sâu và bền bỉ sống lâu hơn khi ông viết: “Mười ngôi mộ song song - Mười gương mặt tươi ròng ký ức - Nghe nặng trĩu như người chưa trả được - Tôi ngẩng đầu nhận nợ tháng năm xa”. Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng đã quay lại cận cảnh “Khoảnh khắc Đồng Lộc” khi được chứng kiến nhà thơ Lê Thị Mây viếng thăm 10 cô gái và chị đã khóc: “Khóc như lâu ngày gặp lại người thân - Khóc như kẻ mắc nợ - Quỳ gập xuống trước 10 ngôi mộ cỏ -  Chị nói  bằng ngôn ngữ trong ngần”. Với bao cung bậc khác nhau những nỗi niềm khác nhau nhưng thơ viết về Ngã ba Đồng Lộc hòa chung, hòa thanh một âm điệu cộng hưởng đó là lòng thành kính biết ơn sâu sắc, lòng  ngưỡng mộ và tự vấn với mình để sống tốt hơn. Đó cũng chính là thông điệp trải bao tâm trạng dù viết dài hay ngắn  thì cõi lòng có chung một hội tụ, một da diết một thỉnh cầu ước nguyện...

Trong  mảng thơ viết về Đồng Lộc có nhiều trường ca. Ở thể loại  này các nhà thơ mới có điều kiện dựng lại tái hiện sinh động cuộc sống chiến đấu ở Ngã Ba Đồng Lộc. “Con đường của những vì sao “của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có lẽ trường ca sớm nhất và  cũng đầy đặn nhất. Ông đã dựng lại hình ảnh cô La (Hình mẫu La Thị Tám) và tình yêu trẻ trung ngỡ cứ như huyền  thoại của cô Võ Thị Tần “A trưởng”. Đặc biệt là chương chín “Khúc hát 10 cây xanh” như một khúc vĩ thanh của một dàn hợp xướng hào hùng dạt dào và da diết. 10 cây xanh đó là 10 cây bạch đàn còn sống sót lại sau chiến tranh ở Ngã ba Đồng Lộc như hình tượng 10 cô TNXP vẫn còn sống mai với thời gian, trường tồn mãi mãi với sự sống hôm nay. Nhà thơ viết: “Bạch đàn xõa mái tóc xanh - Tôi đi qua cuộc chiến tránh trở về …”. Và: “Bạch Đàn 10 chị em tôi - Những ngày lửa táp bom rơi mịt mờ”. Bạch đàn đã được chứng kiến : “Họ trò chuyện, họ vui cười - Tôi tranh nhành lá họ cài tóc thơm,-. Tôi luôn luôn sống với đường-, Bao cô gái cũng nắng sương không rời.” Bây giờ đồi Trọ Voi đã thành đồi thông xanh, những hình bóng của 10 cây bạch đàn mảnh mai dẻo dai vẫn luôn sống cùng ký ức Đồng Lộc. Đó cũng chính là một trong những tượng - đài - xanh đã tạc thành tượng - đài - Thơ. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã phát hiện thật tinh tế và xúc động nhận ra trong hố bom bên cạnh khu mộ 10 cô TNXP ở Đồng Lộc: “Cái hố bom không còn nham  nhở nữa - Cỏ đã xanh và hoa cũng lấm tấm vàng - Hồn trinh nữ lung linh 10  vầng sáng - Mây trắng lưng trời từ đấy bay lên” Vâng , từ đáy hố bom bay lên dựng lên một tượng đài thơ  lồng lộng giữa gió lào cát trắng trên đồi sim mua tím màu rực rỡ. Một “Ngã ba trẻ mãi” (thơ Thế Bính) “Một ngã ba thương” (thơ Phan Huy) như tên gọi các bài thơ viết về ngã ba Đồng Lộc...

                                                                                    N.H.H

. . . . .
Loading the player...