Câu chuyện vượt khó, vươn lên của tỉnh Hà Tĩnh không chỉ mang lại những kết quả đáng mừng cho vùng quê giàu bản sắc mà còn truyền cảm hứng để các thế hệ người dân nơi đây tự tin phát huy giá trị bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh khẳng định quan điểm nhất quán là phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực, khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo.
Phóng viên: Hà Tĩnh là một trong những địa phương luôn thể hiện sự nỗ lực và khát vọng phát triển. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của tỉnh Hà Tĩnh trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 trong nửa nhiệm kỳ qua?
Đồng chí Hoàng Trung Dũng: Nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do hệ lụy của sự cố môi trường biển, ảnh hưởng của trận lũ lịch sử cuối năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.
Phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu giành kết quả khá toàn diện. Nhìn tổng thể, Hà Tĩnh đã có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực, tạo tiền đề để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ từ nay đến cuối nhiệm kỳ và những năm tiếp theo. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được mở rộng, tăng 11% so với năm 2020, thuộc nhóm giữa của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/năm.Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá. Các dự án công nghiệp lớn như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD đã hoàn thành hơn 45% khối lượng. Hai nhà máy pin của Tập đoàn Vingroup tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, trong đó nhà máy một chuẩn bị vận hành, nhà máy hai dự kiến hoàn thành cuối năm 2023...
Hiện tại tỉnh đang tập trung triển khai một số dự án hạ tầng công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đô thị quy mô lớn, hiện đại như: Khu công nghiệp-đô thị tại Thạch Hà, Hồng Lĩnh, Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, các khu đô thị tại Nghi Xuân, Khu đô thị Thiên Cầm.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng (thứ hai từ phải sang, hàng đầu) kiểm tra tình hình phát triển du lịch tại huyện Nghi Xuân.
Sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá. Đề án thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới được tập trung thực hiện. Toàn tỉnh đến nay đã có 177 trong số 181 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 50 xã đạt chuẩn nâng cao, bảy xã đạt chuẩn kiểu mẫu; 9 trong số 13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu ngân sách trên địa bàn tăng dần qua các năm. Năm 2021 đạt 17.000 tỷ đồng, vượt 39% so với dự toán; năm 2022, thu 18.100 tỷ đồng, vượt 25% dự toán và cao nhất từ trước đến nay.
Sáu tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 8.000 tỷ đồng, bằng gần 40% dự toán, trong đó thu nội địa chiếm tỷ trọng hơn 50% tổng thu ngân sách. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện. Năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 9 bậc, xếp thứ 18 cả nước; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 28 cả nước; các chỉ số về cải cách hành chính khác đều đạt kết quả tốt.
Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tạo cơ sở để tỉnh triển khai định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với sự phát triển của vùng và cả nước. Tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư cuối tháng 5/2023, tỉnh đã trao chứng nhận đầu tư và ký biên bản ghi nhớ với nhiều nhà đầu tư lớn, mở ra dư địa tăng trưởng và phát triển mới trong thời gian tới.
Đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới gần 2.800 doanh nghiệp, đến nay toàn tỉnh có 7.500 doanh nghiệp, gần 1.500 dự án, trong đó có 1.400 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 137.000 tỷ đồng và 68 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 17 tỷ USD. Hà Tĩnh là một trong 10 địa phương có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Riêng Khu kinh tế Vũng Áng đến nay có 153 dự án trong và ngoài nước với tổng mức 17,3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.
Về lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Giáo dục và đào tạo tiếp tục duy trì chất lượng toàn diện; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao. Năm học 2021-2022, Hà Tĩnh xếp thứ năm toàn quốc trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; năm học 2022-2023, số học sinh đoạt giải nhất xếp thứ hai toàn quốc (sau Hà Nội), trong đó có hai em đạt điểm thủ khoa toàn quốc, hai em được tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế. Công tác an sinh xã hội được chăm lo và đạt kết quả cao.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã huy động xã hội hóa được hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng 58 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ, và hơn 4.000 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai; hỗ trợ cho 220 em học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học; các tổ chức đoàn thể đã đỡ đầu cho hơn 3.500 trẻ mồ côi. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; là tỉnh thứ 2 hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% số công dân đủ điều kiện trên địa bàn theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ một số kinh nghiệm của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nửa nhiệm kỳ qua?
Đồng chí Hoàng Trung Dũng: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh luôn kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, đoàn kết của địa phương; tiếp tục đánh thức ý chí, khát vọng vượt lên hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề cấp bách, những nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình phát triển. Hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chủ động tháo gỡ những khó khăn thuộc trách nhiệm của tỉnh; tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những vướng mắc vượt thẩm quyền, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với phát huy nội lực, phải tranh thủ hiệu quả các nguồn lực bên ngoài. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, đồng thời hết sức chăm lo công tác an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, yếu thế. Phát huy sức mạnh khối đoàn kết, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và xử lý các vấn đề phát sinh.
Phóng viên: Để hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Hà Tĩnh sớm đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 và sớm trở thành tỉnh khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 19 đã đề ra, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh sẽ ưu tiên và thực hiện những giải pháp nào trong thời gian tới?
Đồng chí Hoàng Trung Dũng: Với mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ, đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, tỉnh Hà Tĩnh nhất quán thực hiện quan điểm phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực, khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh.
Địa phương sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tập trung thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành về các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm liên quan đến nông nghiệp, nông thôn mới, đô thị, phát triển doanh nghiệp, xuất khẩu, dịch vụ logistics gắn với phát triển Khu kinh tế Vũng Áng.
Thực hiện chiến lược xuyên suốt phát triển bốn ngành trọng điểm; ba trung tâm đô thị; ba hành lang kinh tế; một trung tâm động lực. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ; tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025”, gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chú trọng khâu chế biến nông sản, tạo nhiều sản phẩm có thương hiệu để xuất khẩu. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, vì lợi ích chung.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguồn bài: Nhandan.vn