13-10-2017 - 15:29

Hội nghị bàn về bài trí nội thất Di tích Văn Miếu Hà Tĩnh

Sáng ngày 13/10/2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Thành phố Hà Tĩnh tổ chức hội nghị họp bàn phương án bài trí nội thất nhà Đại bái đường; chọn Danh nhân thờ tự; sử dụng câu đối, Hoàng phi trong di tích Văn Miếu Hà Tĩnh.

     Tham dự hội nghị có Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh; Phó Chủ tịch HĐND Tỉnh Võ Hồng Hải; Nguyên Cục trưởng Cục Di sản Việt Nam  GS. Đặng Văn Bài ; Nhà nghiên cứu di sản GS. Trần Lâm Biền cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt cả tỉnh và thành phố, các nhà nghiên cứu Di sản văn hóa, lịch sử; đại diện một số sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh. 

     Sau khi nghe báo cáo về tình hình thực hiện dự án “ Phục hồi và phát huy giá trị Di tích Văn miếu Hà Tĩnh” và những vấn đề liên quan; các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến để có thể đưa ra được những phương án tốt nhất trong việc chọn Danh nhân thờ tự; cách bài trí nội thất nhà Đại bái đường; sử dụng câu đối, hoành phi trong di tích Văn miếu Hà Tĩnh.

     Văn Miếu Hà Tĩnh được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) . Năm 2010, tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt triển khai dự án phục hồi và phát huy các giá trị di tích Văn Miếu Hà Tĩnh. Công trình được xây dựng trên khu đất cánh đồng Đông Lỗ, phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) với diện tích 1,67 hecta  với một quần thể di tích tương đối lớn, được thiết kế theo kiến trúc cổ để phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong tỉnh.

    Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, vị trí của lầu chiêng, lầu trống phải được hoán vị theo nguyên tắc" Tả chinh hữu cổ"; Tứ trụ nên chuyển dời về phía bên trong hồ bán nguyệt, chữ Thọ cần được chạm khắc thêm các họa tiết dơi bốn góc để đảm bảo tính chất " ngũ phúc lâm môn", cặp rồng giữa chính diện trên lối đi vào chính phải là rồng thật chứ không phải rồng mây, không nên trồng đa mà chọn các loài cây đại, trúc, ..

Các đại biểu tham quan thực tế di tích Văn miếu Hà Tĩnh.

Sau khi tham quan thực địa không gian, kiến trúc Khu di tích Văn Miếu và nghe báo cáo các phương án tổ chức thờ tự của UBND thành phố Hà Tĩnh, các đại biểu, trong đó có các chuyên gia nghiên cứu văn hóa đã có nhiều ý kiến phát biểu về các phương án bài trí thờ tự tại gian chính nhà bái đường. Một số ý kiến cho rằng, ngoài việc thờ Khổng Tử, Chu Văn An thì nên lập ban thờ chung cho các vị tiên hiền, các danh nhân tiêu biểu có công với quê hương đất nước thay cho phương án chỉ chọn một số danh nhân để đúc tượng như hiện nay, bao gồm: Đại thi hào Nguyễn Du, Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác, Nguyễn Huy Oánh. Như vậy,  việc chọn câu đối, hoành phi cũng sẽ theo hướng tinh gọn, khái quát. Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý về việc quan tâm đến không gian sinh hoạt cộng đồng nhằm góp phần phục hồi, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Hà Tĩnh xưa và nay.

      Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng khẳng định: Văn Miếu là nơi lưu danh các bậc hiền tài, điểm nhấn tôn vinh đạo học, giá trị văn hóa truyền thống của đất Thành Sen. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND thành phố Hà Tĩnh sẽ tiếp thu, tập hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của đại biểu để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định phương án cụ thể để sớm đưa di tích phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của các tầng lớp nhân dân trong thời gian tới.



Linh Châu
 

. . . . .
Loading the player...