01-12-2017 - 14:28

Đổi mới phương thức tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật

Nhân Lễ Công bố các tác phẩm và công trình văn học nghệ thuật tiêu biểu trong 2 năm 2015-2016, chiều 30/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo để tìm những giải pháp tốt nhất trong việc tổ chức mở trại sáng tác tại các nhà sáng tác. Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện để các văn nghệ sỹ sáng tác nhiều hơn nữa những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cùng nhiều văn nghệ sỹ trong cả nước. 

Theo thống kê, trong hai năm 2015-2016, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã tổ chức thành công 131 trại sáng tác, đón 2.010 văn nghệ sỹ; từ đây đã có 5.737 tác phẩm dưới nhiều loại hình văn học nghệ thuật được ra đời. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Ngàn cho biết: Hiện Trung tâm có tại 6 nhà sáng tác đặt tại Tam Đảo, Đại Lải, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và Vũng Tàu. Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao trung tâm tổ chức từ 60 đến 80 trại sáng tác cho các loại hình nghệ thuật: Văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh, múa, văn học dân gian, văn học miền núi, kiến trúc của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật cấp tỉnh và các đoàn nghệ thuật, quy tụ từ 1.000 đến 1.200 văn nghệ sỹ có nhu cầu sáng tác trên toàn quốc. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết, hàng năm có rất nhiều tác phẩm được ra đời từ các trại sáng tác. Tuy nhiên, cách phổ cập, giới thiệu những tác phẩm này đến công chúng còn chưa được rộng rãi. Từ những năm sau, các đơn vị liên quan cần đổi mới cách làm, đặc biệt cần chú trọng truyền thông để những tác phẩm này đến được với đông đảo công chúng. 

Trước thực trạng nhiều tác phẩm từ trại sáng tác chỉ được người trong trại sáng tác biết đến, với suy nghĩ làm thế nào để đưa các tác phẩm đến với công chúng nhiều hơn, nhà văn Chu Lai chia sẻ: Mỗi tác phẩm ra đời, để đến được với độc giả cần sự phối kết hợp giữa nhiều đối tượng, đơn vị. Từ tác giả tác phẩm, đến nhà xuất bản, biên tập viên, nhà sách, các đơn vị truyền thông rồi mới đến công chúng. Các hình thức nghệ thuật khác như sân khấu, mỹ thuật, điêu khắc... cũng cần có những hình thức truyền thông hợp lý và mạnh hơn để công chúng biết đến các tác phẩm văn học nghệ thuật. Công chúng chính là nguồn động lực, động viên sáng tác đối với văn nghệ sỹ nên để đẩy mạnh phong trào sáng văn học nghệ thuật, văn nghệ sỹ cần sự ủng hộ của công chúng yêu văn học nghệ thuật. 

Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã cố gắng đổi mới phương thức tổ chức mở trại sáng tác, phối hợp với các các cơ sở Hội Văn học nghệ thuật để tổ chức mở Trại sáng tác có chiều sâu, trọng điểm. Đồng thời, Hội cũng đã lựa chọn những tác phẩm có giá trị để in ấn, xuất bản và phát hành. Tuy nhiên, yêu cầu, mong muốn của xã hội đối với những món ăn tinh thần văn học nghệ thuật ngày càng khắt khe, đòi hỏi sự lao động và cống hiến nghệ thuật hơn nữa của giới văn nghệ sỹ. 

Hình thức sáng tác văn học qua các trại sáng tác hiện chỉ còn tồn tại ở Việt Nam và vẫn đang phát huy hiệu quả nhất định, tuy nhiên sẽ khó có thể khẳng định được hiệu quả thực sự từ hoạt động của các nhà sáng tác. Để có thêm những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, Việt Nam cần nhiều hơn nữa những văn nghệ sỹ có tâm, có tầm, đủ trình độ và say mê sáng tác... để có những sáng tác lay động trái tim công chúng. Các hoạt động hỗ trợ văn nghệ sỹ cũng cần được Đảng, Nhà nước và các đơn vị quản lý quan tâm để hoạt động hỗ trợ sáng tác được tổ chức bài bản, phù hợp và sáng tạo nhằm hỗ trợ tối đa sự nghiệp sáng tác của văn nghệ sỹ Việt Nam./. 

Theo tuyengiao.vn

. . . . .
Loading the player...