28-04-2017 - 21:27

Dùng đàn Accordion thay giàn nhạc chào mừng ngày giải phóng miền nam

Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2017). Tạp chí Hồng Lĩnh giới thiệu hồi ký "Dùng đàn Accordion thay giàn nhạc chào mừng ngày giải phóng miền nam" của tác giả Phan Thanh Ngữ

         
Nhà hát Nhân dân Thị xã Hà Tĩnh (1989) - Ảnh: Sỹ Ngọ

         Hàng năm cứ đến ngày 30- 4, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, tôi lại nhớ về một kỉ niệm đẹp cách đây hơn 40 năm ngay tại thị xã Hà Tĩnh quê hương tôi và trong cuộc đời hoạt động văn hóa nghệ thuật của mình. Ngày ấy, tôi vinh dự là người đã dùng đàn Accordion thay dàn nhạc của đoàn văn công tỉnh Hà Tĩnh cử hành nghi thức buổi lễ mít tinh trong ngày hội trọng đại ấy của dân tộc tại Nhà hát Nhân dân thị xã Hà Tĩnh.
         Hòa bình chưa được bao lâu, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lại đến. Các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy và quân dân thị xã Hà Tĩnh lại phải đi sơ tán về nông thôn vì cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nơi sơ tán gần nhất cũng trên 10 km và xa thì trên 50km và đều phải làm làm hầm chữ A để tránh bom đạn. Chúng ta chưa quên những cuộc đánh phá đầu tiên ở rú Nài, cầu Phủ và Ngân hàng của tỉnh là tòa nhà lớn nhất của thị xã lúc bấy giờ. Tất cả đều bị san phẳng, cả thị xã Hà Tĩnh vắng bóng người đi lại.
        Với chiến thắng 30- 4-1975, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối. Sau bao năm sơ tán, nhân dân lại về thị xã, già trẻ gái trai đều háo hức, mong chờ. Thị xã vẫn còn đó các di tích, danh lam thắng cảnh, nhà thờ, chùa chiền, miếu mạo. Các đặc sản như kẹo cu đơ, giò lụa, bánh cặp, bánh mướt, chả ram vẫn ngon như ngày xưa. Thị xã bắt đầu hồi sinh sau hai cuộc chiến tranh phá hoại. Các dòng người từ các hướng đổ về Nhà hát nhân dân (nay là Trung tâm văn hóa thông tin triển lãm và điện ảnh của tỉnh). Hoa tươi được bày bán để mọi người mua tặng nhau. Hòa bình đã trở về với một Thị xã đã hồi sinh.
         Trước đó, ngày 20 - 4 -1975, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có cuộc họp mời 9 huyện thị, các Ty (Sở) lúc bấy giờ và một số ban ngành để phân công nhiệm vụ phục vụ lễ mít tinh kỉ niệm ngày Quốc tế lao động 1- 5 tại Nhà hát Nhân dân. Các Trưởng Ty, các đơn vị và chính quyền địa phương… đều nhận trách nhiệm và hứa sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao. Các họa sĩ của Ty Văn hóa, Ty Thông tin như Phạm Lê Khang, Lê Khả, Hoàng Trung, Hoàng Nguyên Ái … được giao nhiệm vụ làm tranh cổ động, băng rôn khẩu hiệu qua các đường phố lớn và trang trí Nhà hát Nhân dân. Ty Văn hóa còn được giao nhiệm vụ là dàn nhạc Đoàn ca múa phục vụ buổi mít tinh gồm: chào cờ, quốc tế ca, mặc niệm, chúc thọ Bác và một đơn ca nam 2 bài, một đơn ca nữ 2 bài.
         Trưởng Ty Văn hóa Hà Huy Lư về báo cáo lại với anh em văn phòng Ty nhiệm vụ được phân công. Đến chiều khoảng 14 h ngày 30 – 4, tỉnh có công điện đúng 19 h 30 tổ chức mít tinh và kết hợp kỉ niệm ngày 30- 4 là ngày giải phóng Sài Gòn và giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Nội dung phần  kỉ niệm ngày 30- 4 sẽ do tỉnh đảm nhiệm. Các Ty Công an,Tỉnh đội, Y tế phải tăng cường quân số tối đa vì hôm dự kiến cuộc mít tinh sẽ rất đông, khoảng trên 2 vạn người.
         Khoảng 16h chiều, anh Thái Quang Tình, đơn ca nam của Đoàn văn công hớt hải đạp xe đạp không chuông không phanh, không gác đơ bu từ bên kia cầu Bến Thủy về báo cáo với ông Hà Huy Lư - Trưởng ty là tối nay Đoàn văn công không thể về kịp vì đang ở bên kia phà Bến Thủy, xe của đoàn đang xếp hàng kéo dài khoảng 15 km. Hồi đó, chưa có cầu Bến Thủy, tất cả đều phải đi phà, mỗi phà chỉ chở 6 xe ô - tô. Nghe anh Tình báo cáo, ông  Hà Huy Lư đã mất bình tĩnh, nói lặp “Ông cho người mời gọi anh Phan Thanh Ngữ sang đây nghe luôn”. Phòng Văn nghệ của Ty lúc ấy phụ trách âm nhạc có tôi, anh Phạm Thắng, anh Nguyễn Thuyên đều chơi đàn ghita nhưng các anh đi vắng. Phụ trách về sân khấu có các anh Phan Lương Hảo, Thế Kỷ, Nguyên Phú, phụ trách múa có anh Ngọc Minh và một số anh chị em phụ trách các mảng khác nữa.
         Thời ấy ở xã Thạch Tân, hàng rào xây tường chưa có mà đi sang nhà nhau bằng “bộng trẹm” - chui qua hàng rào tre sơ sài nên tôi có mặt ngay sau ít phút. Tôi sang, ông Hà Huy Lư vẫn đang nói lắp với thái độ mất bình tĩnh, anh Tình lại nói thêm “Em nhận nhiệm vụ từ Nhạc sỹ Lê Hàm - Trưởng đoàn ca múa và phó đoàn Lê Doãn Song thế là xong”. Tôi đề nghị sang xin giấy ưu tiên của tỉnh cho Đoàn văn công đi về trước nhưng ông Hà Huy Lư nhìn đồng hồ bảo không kịp vì hồi ấy xe máy chưa có, điện thoại di động chưa có, không có cách nào để báo tin cho đoàn. Thế là ông Hà Huy Lư nhìn sang tôi “Việc này tôi giao cho anh Ngữ  dùng đàn Accordeon thay dàn nhạc, tôi tin anh sẽ làm tốt”. Tôi nhận ngay nhiệm vụ và đề xuất mời thêm một số anh em nghiệp dư chơi đàn Violon như anh Vỹ phó chủ tịch UBND thị xã, anh Hiền ở xưởng in và một số anh em khác nữa vì Thị xã chúng tôi có một câu lạc bộ âm nhạc, có một ban nhạc với nhiều loại nhạc cụ hòa nhạc rất hay. Chơi nhiều nhạc cụ sẽ không đơn điệu. Ông Hà Huy Lư gạt ngay: Thời gian đâu còn, thời gian luyện tập cũng không có. Thôi anh cứ cố gắng chơi đàn một mình. Làm không tốt tỉnh sẽ cho chúng ta “chết”, làm tốt tỉnh sẽ khen thưởng.  Lúc đó, tôi cũng nhanh trí bảo anh Tình cậu hát hai bài, bài gì cho tôi biết để đệm đàn và cho người mời cô Tín của xưởng in tuy nghiệp dư nhưng cô ta hát rất tốt. Thế là ổn.
         Nhớ hồi đó, anh Tạ Bôn tốt nghiệp nhạc viện Traicopski mới về nước, chúng tôi là sinh viên học sinh đi đón ở sân bay nhờ thế cũng đã quen biết anh Tạ Bôn. Thế rồi ít năm sau anh Tạ Bôn về công tác tỉnh nhà, lại về Ty Văn hóa sơ tán tại xã Thạch Tân. Được một nghệ sỹ Violon lừng danh như anh Tạ Bôn về là quá mừng, quá hãnh diện và chúng tôi đề nghị anh biểu diễn một tối cho anh em cán bộ văn phòng Ty Văn hóa và chủ yếu là nông dân xã Thạch Tân. Thế là trước tối biểu diễn một hai ngày, anh Tạ Bôn đã tập đàn Violon những bài của Moza, Betthoven, Traicopsky, Chopin… Tôi thấy anh tập căng thẳng say mê, tập trung cao độ, nhằm lúc anh nghỉ uống nước, tôi có nói với anh. Tối ấy đối tượng nông dân là chính, việc gì anh phải tập căng thẳng mệt nhọc đến thế, anh trả lời ngay với tôi: “Thế là em nhầm rồi, bất cứ đối tượng nào người nghệ sỹ đều phải trân trọng như nhau, một ngày không luyện tập, bản thân mình biết, vài ngày không luyện tập khán giả sẽ biết, em chơi đàn Accordeon thì cũng thế thôi”. Những câu nói của anh Tạ Bôn làm tôi nhớ mãi đến sau này. Nhớ những đêm văn nghệ kết nghĩa văn phòng Ty Văn hóa Hà Tĩnh với đội văn nghệ của xã Thạch Tân. Ngày đó văn phòng Ty Văn hóa còn kết nghĩa với thanh niên xung phong, kết nghĩa với bộ đội (Vì bộ đội, thanh niên xung phong thường hành quân thường nghỉ ở đường 15A cũng khá gần xã Thạch Tân, gần Văn phòng Ty sơ tán). Bất cứ ở đâu, hội trường, sân khấu, bãi cỏ đều dùng đàn Accordion, thậm chí không cần Micro, vì đàn Accordion có âm lượng lớn mà tôi đã từng phục vụ.
         Tôi trở về nhà (chỗ sơ tán, thay quần áo tươm tất, vì còn mặc áo quần rách) lấy giá nhạc, mấy bài nghi thức và những bài đơn ca của hai ca sĩ đã đăng ký. Đàn mới tinh của Ý (nhất Ý, nhì Đức). Tôi ôn lại chừng 30 - 40 phút và phối trên đàn tùy hứng, tập đi tập lại cho thuộc. Tôi suy nghĩ rằng phải trân trọng nhiệm vụ tối nay, xem như tối nay là một trận “đánh lớn” đối với tôi, cũng may thời học đàn Accordion, thầy bảo các em học phần cơ bản là tốt rồi, nhưng phải thuộc một số ca khúc hay trong và ngoài nước, đặc biệt phải thuộc một số bài về nghi thức và một số bài quốc ca các nước trên thế giới. Nhớ lời thầy dạy cho nên tôi rất tự tin, trước hàng vạn khán giả tối nay.
         Đến giờ xuất phát, dẫn đầu là Trưởng ty văn hóa Hà Huy Lư, tôi vai mang đàn cùng một số anh em ở Ty Văn hóa đi bằng xe đạp từ xã Thạch Tân về Nhà hát Nhân dân mà không kịp ăn cơm tối. Đến nơi, Ban tổ chức thở phào nhẹ nhõm. Đồng chí Thiếu tá Tỉnh đội chỉ huy sân khấu (như MC bây giờ) và vài đồng chí ở Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thị Ủy, UBND thị xã đón chúng tôi tại sân khấu. Chào hỏi hồ hởi bắt tay xong thì đồng chí Thiếu tá hướng dẫn cho tôi hiểu về động lệnh, dự lệnh. Tôi nói tôi đã qua quân đội và phục vụ nhiều nơi rồi, đồng chí cứ hô là tôi sẵn sàng ngay. Thế thì tốt, trên sân khấu để sẵn 7 - 8 Micro đã hạ thấp và một chiếc ghế đẩu. Khi tôi chơi đàn nghi thức xong, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Chương đọc lời khai mạc và diễn văn kỷ niệm ngày 30/4. Tiếp đến anh Thái Quang Tình đơn ca 2 bài, bài thứ nhất là “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu. Bài thứ hai là “Đường chúng ta đi” của nhạc sỹ Huy Du. Tiếp theo là Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Đạt đọc diễn văn kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5. Sau đó, cô Tín hát bài “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” của nhạc sỹ Hoàng Vân và bài “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Toàn là những bài hát quen thuộc nên tôi đã đệm rất hay, rất bốc, phối trên đàn ngẫu hứng. Phải chăng niềm vinh dự được chơi đàn trong sự kiện quan trọng đã hòa cùng niềm vui chiến thắng của dân tộc, của đất nước đã khiến cho tôi tự tin và đệm đàn hay đến như thế.
         Cuối buổi mít tinh là chào hạ cờ, cũng tiếng đàn Accordion nổi lên dõng dạc. Khi tiếng đàn vừa dứt, toàn thể nhân dân vẫn đứng nán lại lặng nhìn lên sân khấu như âu yếm, như mê hoặc. Loa phóng thanh phải nhắc đi nhắc lại mấy lần: buổi mít tinh tối này là kết thúc, nhân dân mới chịu ra về. Trong lúc đó đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thị ủy, UBND thị xã, Ty Văn hóa và một số anh em đến chúc mừng tôi có người còn bồng nổi tôi lên như huấn luyện viên bóng đá thắng trận vậy. Có lẽ tôi một mình dùng đàn Accordion thay dàn nhạc mà thành công ngoài ý muốn trước hàng vạn người.
         Sau đó đồng chí Thiếu tá thay mặt Ban tổ chức gặp riêng tôi, anh Hà Huy Lư và một số anh em Ty văn hóa cảm ơn và mời chúng tôi ở lại uống nước. Trong lúc trò chuyện, anh Trần Quang Đạt có nói với tôi và anh Hà Huy Lư: nghe tin Đoàn ca múa không về kịp, mình cũng thấy áy náy lo lo. Anh Lư đề xuất dùng đàn Accordion thay dàn nhạc, anh Ngữ làm tốt thế, thế là được, tốt quá rồi, các anh đã góp phần vào thành công của buổi mít tinh hôm nay...
         Đến nay đã hơn 40 năm, thị xã Hà Tĩnh đã lên thành phố hơn 10 năm rồi, tôi vẫn nhớ mãi kỷ niệm một mình dùng đàn Accordion thay cho cả dàn nhạc chào mừng ngày giải phóng Miền Nam thủa ấy.

                                                                                            P.T.N (Nguồn Tạp chí Hồng Lĩnh số 128)

. . . . .
Loading the player...