30-12-2019 - 19:58

Ghi chép ẤN TƯỢNG ISLAMABAD của Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng

Nhận lời mời của Chi hội PAKISTAN thuộc “Hội Nhà văn Á, Phi và Mỹ Latinh”, tổ chức sự kiện “Hội nghị nhà văn Quốc tế” với chủ đề “Điểm gặp thẩm mỹ giữa truyền thống và hiện đại” tại Islamabad, từ ngày 22 – 24/ 11/2019 (có 11 nước tham gia), Hội Nhà văn Việt Nam cử đoàn đại biểu tham dự(với hai tham luận: “Những giá trị nhân văn bền vững trong tiến trình đổi mới văn học” của nhà thơ Bằng Việt và “Bản sắc thẩm mỹ của văn học Việt Nam trong thế giới phẳng và những thách thức đương đại” của nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng). Văn nghệ Hà Tĩnh xin giới thiệu bài viết ẤN TƯỢNG ISLAMABAD của Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng ghi lại những ấn tượng đẹp trong chuyến đi đáng nhớ này.

         BÙI VIỆT THẮNG

 

ẤN TƯỢNG ISLAMABAD

(Những sắc màu PAKISTAN)

                                                                            

Nhận lời mời của Chi hội PAKISTAN thuộc “Hội Nhà văn Á, Phi và Mỹ Latinh”, tổ chức sự kiện “Hội nghị nhà văn Quốc tế” với chủ đề “Điểm gặp thẩm mỹ giữa truyền thống và hiện đại” tại Islamabad, từ ngày 22 – 24/ 11/2019 (có 11 nước tham gia), Hội Nhà văn Việt Nam cử đoàn đại biểu tham dự(với hai tham luận: “Những giá trị nhân văn bền vững trong tiến trình đổi mới văn học” của nhà thơ Bằng Việt và “Bản sắc thẩm mỹ của văn học Việt Nam trong thế giới phẳng và những thách thức đương đại” của nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng). Trong khuôn khổ bài báo nhỏ, tôi chỉ ghi lại những trải nghiệm cá nhân về cảnh, người, văn hóa, đời sống (tâm linh), ẩm thực,... của  đất nước Cộng hòa Hồi giáo PAKISTAN, một xứ sở với đa số người Việt Nam còn khá xa lạ, có phần bí hiểm.

 Bạn rất chu đáo. Đúng 14h30p ngày 12/11/2019, nghĩa là 8 ngày trước khi đoàn lên đường đi dự Hội nghị, Phó Đại sứ PAKISTAN tại Việt Nam - ông Qamar Abbas Khokhar - đã thân mật tiếp đoàn. Biết trước ông Phó Đại sứ yêu văn chương, nên chúng tôi mang sách tặng. Trước lúc chia tay, ông Phó Đại sứ tặng mỗi chúng tôi một ấn phẩm văn hoá đẹp - SẮC MÀU RỰC RỠ CỦA PAKISTAN. Trên hành trình dài đến nước bạn, chúng tôi mang theo ấn phẩm văn hóa này như một “cẩm nang” để hỗ trợ tinh thần khi tiếp xúc với một nền văn hóa khác.

 Nồng hậu đón tiếp. Đó là cảm xúc của chúng tôi khi đặt chân xuống sân bay Quốc tế ISLAMABAD, được bạn đón tiếp vào lúc 22g20p ngày 20/11/2019 (giờ địa phương, chậm hơn giờ Việt Nam 120 phút). Mỗi vị khách quý được tặng một chuỗi hoa hồng đeo cổ. Chủ và khách tay bắt mặt mừng. Chừng 45 phút sau ô tô về tới khách sạn mà Ban tổ chức đã chuẩn bị. Có một chi tiết tôi đặc biệt quan tâm: Khách sạn, cớ sao tường cao, rào kín (có dây thép gai), vệ sỹ đeo súng quân dụng, cổng đóng kín mít, khách đến mở ra và đóng ngay (!?). Hóa ra, bạn quan tâm đến an toàn của khách Quốc tế, nên ban đầu đặt khách sạn ngoài phố, sau chuyển vào khách sạn này (thực chất là nhà khách/nhà ăn/quán bar- BAR and RESTAURANT COMPLEX) của một cơ quan Nhà nước (Tòa án Tối cao). Vì bên bạn làm việc và sinh hoạt khác ta (10h sáng mới vào làm việc công sở, còn cửa hàng/ cửa hiệu thì 11h mới mở), nên hai anh em ngủ đến tận 8 giờ sáng (tức 10 sáng ở ta). Ngày đầu (21/11/2019) đoàn được tự do nghỉ ngơi và dạo phố. PAKISTAN dùng tiền Rupi. Để có tiền tiêu, chúng tôi “sáng kiến” ăn một bữa tự do (tự thanh toán ngoài tiêu chuẩn ở khách sạn), để đổi tiền USD. Khách sạn chúng tôi ở, không được phép đổi ngoại tệ. Tình huống đặt ra buộc quản lý nhà ăn phải xử lý với khách Quốc tế. Rủng rỉnh tiền Rupi trong túi, hai anh em bắt ta-xi đi dạo phố. Nhưng ngặt nỗi, ở PAKISTAN ít khách du lịch nên bắt ta-xi không dễ. Khoảng 30 phút sau, với sự giúp đỡ của nhân viên Lễ tân, hai anh em mới lên được một xe gia đình. Đi ta-xi ở ISLAMABAD rẻ bất ngờ (chỉ bằng 2/3giá Việt Nam).

 

Ảnh: Tác giả

 Giao thông tuyệt vời. Thủ đô ISLAMABAD, dân số chỉ khoảng hơn 1 triệu người, rộng mênh mông và nhiều cây xanh, thảm cỏ. Giao thông của bạn, theo mô hình phương Tây. Ô tô tay lái nghịch (phải). Phương tiện đi lại 90 0/0 bằng ô- tô (nhưngchủ yếu xe nhỏ và không đắt tiền). Xe máy rất ít (tuyệt đại đa số là đàn ông đi xe máy nam, phân khối lớn). Không vượt đèn đỏ, không lấn làn, không đua xe, càng không trèo lên vỉa hè dù ùn tắc. Ngoài đường, ngày hay đêm, không nhìn thấy người (có lẽ họ đều ngồi trong ô-tô), đặc biệt phụ nữ và trẻ vị thành niên không đi xe máy. Vỉa hè không rộng nhưng dành hoàn toàn cho người đi bộ. Đất nước cấm rượu/bia nên vỉa hè không bị chiếm dụng. Người dân nhàn tản thả bộ, không lo lắng bức xúc. Giao thông tĩnh của bạn rất tốt. Trước mỗi trụ sở/công sở/cửa hàng/quán ăn đều có làn đường dành riêng cho ô-tô đỗ. Trên đường đi không thấy bóng dáng CSGT. Nhưng cứ thử vi phạm Luật Giao thông xem. Lập tức CS (tôi thấy tất cả CS đều cùng sắc phục) như từ trên trời rơi xuống. Xử phạt rất nghiêm. Chắc lần sau không dám vi phạm (!?).

Phụ nữ- trẻ em- trang phục- giao tiếp như ánh phản văn hóa bản địa. Phụ nữ PAKISTAN ngày nay ra đường không còn phải che mạng. Nhưng quấn khăn, áo đầy mình, đầy bí ẩn. Phụ nữ PAKISTAN không làm việc nặng nhọc ở những nơi như bến xe, sân bay, WC công cộng, cửa hàng thực phẩm,... những chỗ đó tuyền đàn ông gánh vác. Người PAKISTAN, giống người phương Tây, trọng lời chào, lời cảm ơn, lời xin lỗi. Gặp nhau mỗi buổi đều có lời chào (good morning,....). Ai giúp đỡ, hay tặng gì (đôi khi chỉ là nhường đường, xách hộ vật nặng) thìthanks yuo, làm điều gì đó có thể phật lòng người khác thì xin lỗi i’m sorry. Trẻ em (nhất là học sinh phổ thông), rất thích thăm quan bảo tàng.Tôi chứng kiến, vào ngày thứ bảy, cảnh tấp nập của nhiều đoàn học sinh các cấp, tưng bừng và phấn khích khi vào thăm Bảo tàng Quốc gia TAXILA (cách Thủ đô ISLAMABAD chừng một giờ xe ô tô chạy). Bảo tàng này nằm trong một thung lũng rộng lớn, lưu giữ cổ vật của PAKISTAN hơn 2000 năm, được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới. Học sinh mặc đồng phục đẹp, nhiều màu sắc rực rỡ hợp với tuổi học trò. Các em trật tự dưới sự hướng dẫn của các cô giáo. Cô và trò đều đẹp như tranh.

Ẩm thực đặc trưng vùng miền.Tuy thuộc khu vực Nam Á, nhưng ẩm thực PAKISTANgần với Âu-Mỹ. Họ không dùng đũa khi ăn, mà dùng dao/thìa/dĩa. Tất cả thức ăn đong vào một đĩa to. Chất bột chủ yếu bánh mỳ chế biến các kiểu (rán, nướng, hấp). Ăn nhiều thịt gà (vì kiêng thịt lợn). Gia vị chỉ có muối tinh, tiêu đen, ớt; khẩu vị của họ lại giống người Thái (mặn/ ngọt/chua/ cay). Món cháo sữa được coi như canh của ta (nếu có súp thì cũng đặc). Ai cũng một bát ăn đầu tiên như là món khai vị. Bữa ăn của họ ít rau. Khi ăn im lặng, không nói cười, ngồi gần chỉ nghe tiếng thìa/dĩa lách cách. Đất nước không bia/ rượu nên bữa ăn không kéo dài. Người PAKISTAN khi vào nhà hàng cũng thích dùngbuffet. Thức uống chủ yếu nước khoáng, trà, cafe, họa hoằn mới thấy người dùng COCA-COLA; ăn sáng/ trưa/ tối muộn (tầm 9g/14 g/20 g).

Đời sống tâm linh - văn hóa được đề cao. PAKISTAN có Quốc đạo – Đạo Hồi. Dường như có Quốc đạo thì con người căn cơ, bền vững hơn về tâm thế, tâm hồn, tâm linh, ứng xử (!?). Đang chờ tàu bay, nhưng đến giờ là các công dân Hồi Quốc liền trải một tấm thảm (hay khăn) vào một góc kín đáo, sụp xuống hành lễ. Ở sân bay Quốc tế ISLAMABAD,tại một góc nhà chờ trong phòng cách ly, có một cái bệ, ghi cả bằng tiếng dân tộc, cả bằng tiếng Anh, chỉ dẫn nơi hành lễ cho các tín đồ. Ngày cuối cùng được tự do, chúng tôi quyết chí thực địa, vào trung tâm thành phốshopping. Lúc ra về, tìm ta-xi. Một thanh niên áng chừng 30 tuổi, khi biết chúng tôi là người Việt Nam đã nhiệt tình mời lên xe gia đình. Nhà thơ Bằng Việt mở điện thoại có chụp hình khách sạn. Anh ta nhìn nhanh và OK! Quãng đường không xa, áng chừng 10 cây số, bình hường phải trả 450-500 Rupi(khoảng 70.000VNĐ). Đến nơi ở, giả tiền, anh ta đặt tay lên ngực và nói “Tôi giúp các bạn Việt Nam, tôi nói từ  trái tim mình!”. Một thoáng ngạc nhiên. Nhưng hai anh em quyết định vẫn trả 500 Rupi. Hai bên nói lời cảm ơn, chia tay. Cho đến tận hôm nay, khi ngồi viết bài báo nhỏ này, tôi vẫn cứ ấn tượng mãi về sự việc trước lúc rời nước bạn, phải chăng đó là văn hóa PAKISTAN./.

 

                                                                                      HÀ NỘI, 2-12-2019

                                                                                                B.V.T

 

. . . . .
Loading the player...