08-11-2021 - 07:53

Ghi chép rào Mỹ Dương của tác giả Đặng Viết Tường

Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu ghi chép Rào Mỹ Dương của tác giả Đặng Viết Tường, Hội viên chuyên ngành Văn nghệ dân gian, Hội LHVHNT Hà Tĩnh.

   Người dân quê tôi có thói quen không gọi dòng sông lớn chảy ra biển là sông mà gọi là rào. Sông Lam được gọi là rào Rum. Hồi còn trẻ đi ra bãi sông Lam. Ai hỏi: “Đi đâu thế ?” Tôi đáp: “Ra rào”. Người dân quê tôi nói “rào” để chỉ  sông. Rào Mỹ Dương được hiểu đó là sông Mỹ Dương. 
   Quy luật tự nhiên, hơi nước từ đất bốc hơi, ngưng tụ tạo thành những đám mây mọng nước. Từ mây trên trời rơi xuống thành những trận mưa. Nước đổ xuống núi rừng, đồng bằng gây xói lở thành dòng chảy. Kiến tạo địa chất đất nứt vỡ, xói mòn mà sinh ra sông suối. Rào Mỹ Dương cũng thế. Mưa đổ xuống núi rừng Hồng Lĩnh, tạo thành những dòng suối nhỏ chảy xuống các mái núi. Vùng đất phía bắc núi Hồng thuộc đất Nghi Xuân phát sinh một dòng chảy quanh co uốn khúc dưới chân các triền núi thấp. Dòng nước này chảy qua xã Xuân Lĩnh, Xuân Viên,  Xuân Mỹ, Cổ Đạm, Xuân Liên, Cương Gián ngày nay. Người  Nghi Xuân gọi là rào Mỹ Dương. Rào Mỹ Dương có nhiều tên gọi khác nhau. Đoạn chảy dưới chân núi Vực xã Xuân Viên gọi là Ba Khe, rào Trạng Vưng, rào Vực, Nhà Nghẹ. Rào Mỹ Dương từ đoạn qua xã Xuân Mỹ, chảy dưới chân núi Sét, Mồng Gà, xuôi xuống cầu Đạm xã Cổ Đạm, đổ vào núi Gâm xã Xuân Liên, chảy dưới chân núi Yên Ngựa qua cầu Thượng, cầu Rào phía tây chợ Cương Gián. Đoạn dòng chảy trên đất thôn Song Phượng, Song Nam có tên Phượng Giang tức sông Phượng, lạch Động Kèn đổ ra biển tại giáp ranh đất Cương Gián và Thịnh Lộc, dưới chân núi Chân Tiên. 
     Tác giả Đông hồ Lê Văn Diễn trong sách Nghi Xuân địa chí viết: “Rào Mỹ Dương bắt nguồn từ núi Hồng Lĩnh. Từ khe Dương ở Hồng thôn (Cộng Khánh tức Xuân Lĩnh) chảy qua trộ cửa Mương (khe Hai Huyện), đến các khe Cây Vông, khe Phúc Mồng, lại một nhánh từ các khe Thanh Việt, Nhà Lương, (Nam Viên) Ma Trang, Nê Lão, hợp thành. Chảy xuống đến chân núi Vực tụ thành vực Giao Long (Thuồng Luồng), ngày xưa gọi là Ba khe. Thơ Hạnh Am (La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp) có câu “Ba khe cất ngọn gió Hồng sơn” là nói khe đó. (đầm Vực). Lại có ngọn nước chảy qua núi Sét, núi Mồng Gà, rồi rẽ sang hướng đông, có các ngọn khe ở núi Liêu Đông (nay ở thôn Xuân Sơn, Chọ Lài xã Cổ Đạm-TG chú thích) cùng với các nguồn nước ruộng hợp lại, chuyển sang hướng nam qua chân núi Gâm tụ lại thành một bàu sâu. Từ đó đổ xuống, ngoằn nghèo không biết bao nhiêu khúc, đến địa phận xã Động Gián thì đổ ra biển.”
      Lưu vực rào Mỹ Dương cơ bản hẹp, chủ yếu là các nguồn khe suối từ dãy núi Hồng Lĩnh như khe Voi chảy xuống rào Trạng Vưng, vực Thuồng Luồng xã Xuân Viên. Ở thôn Xuân Sơn, Chọ Lài xã Cổ Đạm về phía tây và nam núi đều có các khe nước đổ xuống hợp dòng chảy quanh phía đông khu dân cư. Lại có các khe suối ở núi Lài, núi Yên Ngựa chảy xuống hợp dòng với rào Mỹ Dương phía nam mộ tổ họ Phan ca trù. Ngôi mộ tổ do thầy địa lý Tả Ao lấy hướng. Từ đó sông chảy theo hướng đông nam đổ vào bàu Gâm. 
      Ngày nay các ngọn khe suối ở vùng núi Lài và núi Yên Ngựa được cải tạo thành đập thủy lợi Cồn Tranh. Đập thủy lợi Đồng Quốc nay là hồ nước sạch Xuân Hoa. Bàu Gâm ở xã Xuân Liên, dưới chân núi Gâm có hang sâu. Tương truyền hễ trời sắp có mưa gió, ở bàu Gâm vào ban đêm vẳng nghe tiếng chiêng trống, tiếng người reo, ngựa  hí. Các cánh đồng ở Xuân Thành, Xuân Mỹ, Cổ Đạm, Cương Gián đều có bàu hồ như bàu Múc, bàu Rói, đập Hành Khiển, đập Cao Sơn, hồ Nước Xanh …đều thuộc lưu vực rào Mỹ Dương. Tài liệu lưu trữ ở xã Xuân Mỹ chép: “Xuân Mỹ là một xã bán sơn địa. Phía nam có dãy núi Yên Chu, phía bắc là đồng bằng, ở giữa có rào Mỹ Dương với chiều dài khoảng 3 km. Ngoài ra trong xã có 2 bàu nước là bàu Múc và bàu Rói. Hai bàu này với rào Mỹ Dương trước đây cũng như bây giờ là nơi tụ hội của các loài cá tôm phát triển tự nhiên.”
      Rào Mỹ Dương bắt nguồn từ khe Phúc Mồng, địa phận xã Xuân Lĩnh giáp ranh thị trấn Xuân An, dòng chảy hàng trăm khúc quanh co qua Xuân Lĩnh, Xuân Viên, Xuân Mỹ, Xuân Thành, Cổ Đạm, Xuân Liên, Cương Gián đổ ra biển ở trước chùa Bụt Mọc. Rào Mỹ Dương có chiều dài ước lượng khoảng hơn 30 km. Theo số liệu thu thập được: Đoạn rào xã Xuân Mỹ khoảng 3 km. Xuân Thành 2 km. Tài liệu xã Cổ Đạm chép: “Rào Mỹ Dương chảy qua xã Cổ Đạm dài 3 km”. Dòng chảy qua cầu Cổ Đạm xuôi về hướng nam trước cửa chùa Hộ Quốc, đền hàng tổng thờ Nguyễn Xí rồi chảy theo hướng đông nam đổ xuống núi Gâm. Đoạn từ xã Xuân Liên đến cầu Thượng chảy phía tây chợ cá Cương Gián đổ vào sông Phượng dài hơn 10 km. 
      Phượng Giang, đoạn cuối rào Mỹ Dương uốn lượn từ mũi Hàm Rồng theo mái núi xuống núi Đá Bạc, Đá Bùa xuôi thẳng xuống đồng Sác, đồng Ba Mẫu, rồi chảy xuống Nam Ngạn qua cửa chùa Bụt  Mọc đổ ra cửa lạch Động Kèn. Sông bồi thành bãi phù sa, phía đông đê Đá Bạc ngày nay.
     Cửa lạch Động Kèn đến nay không thay đổi. Lạch Động Kèn được xác định thuộc đất Động Gián. Năm 1936, niên hiệu Bảo Đại năm thứ 11, xã Yên Điềm (Thịnh Lộc) kiện yêu cầu chia đôi lạch Động Kèn. Tuy nhiên Tuần phủ Hà Tĩnh xử kiện, phán lạch Động Kèn thuộc địa giới làng Động Gián quản lý. Theo tài liệu “LÀNG ĐỘNG GIÁN XƯA VÀ NAY”, sau Cách mạng tháng 8 / 1945 đò cửa lạch Động Kèn là bến đò chung của  Động Gián và Yên Điềm. Tháng 9/1956 một cơn bão lớn, nước lũ rào Mỹ Dương đổ xuống đã tạo ra cửa lạnh mới ở bến Trò Đổ, cách cửa lạch cũ hơn 1 km. 
      Mùa thu, mùa đông khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch trở lên vùng đất Nghi Xuân, Hà Tĩnh mưa nhiều, lắm gió bão. Nước trên núi, từ các khe suối đổ xuống, nước từ các bàu, hồ, đồng lúa phía bắc đổ vào rào Mỹ Dương. Mùa mưa nước dâng cao, chảy xiết, lòng rào Mỹ Dương rộng mênh mông, sâu thăm thẳm. Từ xưa ở các xã Xuân Mỹ, Cổ Đạm, Xuân Liên, Cương Gián có cầu bắc qua rào Mỹ Dương đi vào núi Hồng Lĩnh. Cầu Đồng Ba ở xã Xuân Viên. Xã Xuân Mỹ có cầu Cậm, cầu Sét. Cầu Đạm ở xã Cổ Đạm. Cầu Tre xã Xuân Liên. Cầu Thượng, cầu Rào ở xã Cương Gián. Các thôn nam xã Cương Gián, xưa có một hệ thống bến đò qua lại rào Mỹ Dương. Đó là bến đò Ngang, đò Lạch, đò Bát Trạc, đò Bến Lội. Ngày nay, các bến đò trên đường vào xã Thịnh Lộc đã bỏ, thay  vào đó là những cây cầu vững chắc bắc qua Phượng Giang.

Rào Mỹ Dương ( Ảnh: Đặng Viết Tường)


       Mùa hè, mùa nắng, dòng chảy rào Mỹ Dương hẹp, chỗ rộng nhất khoảng 20 đến 30 m. Nước rào cạn nhiều chổ có thể lội qua dễ dàng. Ven bờ thảm thực vật hoang dại sinh sôi, cỏ đăn, cỏ lác, bèo dâu, hoa súng, hoa sen dày đặc. Năm 1980, tôi tham gia đội chuyên nghiêp của Đoàn xã Xuân Giang, thực thi lệnh huyện huy động đi chiến dịch khai hoang phục hóa nắn dòng rào Mỹ Dương, đoạn chảy qua trại chăn nuôi ở xã Xuân Mỹ. Dòng chảy rào Mỹ Dương hiện nay được nạo vét nắn dòng lúc đó. Chiến dịch khai hoang và thủy lợi đã tạo ra những cánh đồng màu mỡ, “bờ xôi ruộng mật” ven rào Mỹ Dương từ Xuân Viên, Xuân Mỹ đến Cương Gián. 
      Thủy triều lên xuống theo con nước. Rào Mỹ Dương là nơi quần tụ của các loài thủy sản như bò sát, tôm cá, cua ốc, ếch nhái …Các loài thủy sản có ở rào Mỹ Dương là một nguồn lợi của người dân địa phương sống vùng ven rào. Từ xưa đã diễn ra các hoạt động đánh bắt cá nước ngọt, nước lợ bằng ngư cụ truyền thống như te, vó, lưới, nơm, trộ nhảy…Ở Nghi Xuân xưa nay có hội đánh Vực ở Xuân Viên, hội nơm cá rào Mỹ Dương và đánh cá trên sông Phượng xã Cương Gián.Thời trai trẻ, tôi đã từng theo bầu bạn qua cầu Đồng Ba, tham dự hội đánh vực Xuân Viên. Những ngày hè oi ả cùng chúng bạn trai trẻ vượt 4 cây số đến rào Mỹ Dương bắt cá bằng nơm - một ngư cụ truyền thống. Xuất phát lúc 9 giờ sáng. Bắt đầu khoảng 10 giờ đến nơi, xuống nơm từ Trộ Lội thuộc Xuân Mỹ giáp Xuân Viên. Khoảng 15 giờ cùng ngày nơm đến cầu Cẩm, cầu Sét, núi Mồng Gà gặp nơi có nhiều hố sâu thẳm do dân lấy đất làm nồi thì dừng lại. Lên bờ ra về. Sau đó, tôi đi bộ đội bảo vệ biên giới, rồi xuất ngũ đi học. Rồi xa quê đi biền biệt….
       Nạn kích điện, giã cào làm cá mú, tôm cua cạn dần. Các địa phương cho thuê rào Mỹ Dương làm kinh tế, cấm cá nhân bắt cá không ai đi nơm rào nữa. Hiện nay rào Mỹ Dương vẫn là một nguồn lợi kinh tế đáng kể. Hoạt động đánh bắt cá nước ngọt bằng ngư cụ truyền thóng được phục hồi hội đánh Vực hàng năm ở xã Xuân Viên.

 

. . . . .
Loading the player...