20-06-2025 - 07:55

Tùy bút Nhà báo với hành trang nghề báo của Nguyễn Ngọc Phú

Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tùy bút “Nhà báo với hành trang nghề báo” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

Trong hành trình lịch sử đấu tranh của cách mạng Việt Nam báo chí có một vai trò rất quan trọng. Ngày 21/06/1925 báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập số đầu tiên đến nay đã tròn một thế kỷ. Một thế kỷ báo chí luôn đồng hành với đất nước và dân tộc xứng đáng là lực lượng nòng cốt tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, có những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, xây dựng bảo vệ phát triển đất nước. Đúng như nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh) đã viết: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ - Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền. Cán bút đó chính là ngọn bút như ngọn cây xanh vút luôn vươn thẳng chạm với những vấn đề nhạy cảm nhất của đời sống xã hội. Ngọn cây là nơi những tế bào diệp lục hút bao sương nắng hứng chịu bao ngọn gió quyết liệt; cũng như ngọn bút là nơi khám phá những hiện thực mới mẻ luôn đối diện với những áp lực của cuộc sống đời thường để đấu tranh chống cái xấu ca ngợi cái tốt thể hiện bản lĩnh dũng cảm đương đầu với những thách thức. Ngọn bút cũng như ngọn cây đó chính là khát vọng vươn lên từ chùm rễ sâu bám chắc vào nguồn cội của lòng đất mẹ Tổ quốc thân yêu hút màu mỡ phù sa của niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người với một cái nhìn nhân văn, nhân ái. Đó cũng là một trong những hành trang của lương tâm nghề báo. Khi nghĩ về hình ảnh nhà báo tôi liên tưởng đến người thầy thuốc cả hai cùng “chữa bệnh cứu người”. Nếu như thầy thuốc chữa những “ung nhọt cơ thể” để giải phẩu cắt đi những khối u “ác tính” thì nhà báo lại chữa những “ung nhọt” của cái ác trong đời sống xã hội để cắt đi những khối u những độc tố với những căn bệnh mà khó có máy móc tinh vi nào phát hiện được ngoài nghiệp vụ chuyên môn, bản lĩnh và cái tâm trong sáng của nhà báo.

Ra đời và phát triển trong khói lửa của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trưởng thành cùng bao thăm trầm của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đi đầu như lời khẳng định của Bác Hồ kính yêu: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Và quả thật suốt dọc hành trình một thế kỷ, báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là một binh chủng “đặc biệt”. Đặc biệt bởi hành trang của họ là cây bút, máy ảnh, máy quay phim và bao thiết bị hiện đại khác. Đặc biệt bởi chiếc áo đặc chủng của họ với nhiều túi, hợp với công việc tác nghiệp mà tôi đã có lần ví đó như một chiếc áo phao cứu hộ giữa sóng gió đời thường nhiều cạm bẩy. Và điều đặc biệt nữa mà nhà báo lão thành Hữu Thọ bằng cuộc đời làm báo và tích lũy kinh nghiệm của mình đã đúc kết rất hay về hình ảnh phẩm chất người làm báo: “Mắt sáng – Lòng trong – Bút sắc”. Chính nét sắc của ngọn bút: sắc sảo, sắc bén kết hợp với cái tâm, cái tài, cái tầm của ngòi bút luôn được trau dồi rèn luyện bản lĩnh hình thành nhân cách nhà báo. Dân tộc Việt Nam ta rất coi trọng nghề giáo và nghề báo. Vì thế mà dân gian thường gọi nhà giáo, nghề giáo và nhà báo, nghề báo. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm - Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Con đường của nhà báo là hướng đạo, trang báo là con thuyền chở đạo.

Các phóng viên báo chí tác nghiệp tại đảo Thuyền Chài B trong chuyến công tác tháng 5/2022. Ảnh: baotintuc.vn

Nhiều tác phẩm xuất sắc báo chí đã trở thành tiếng gọi non sông thúc dục đồng bào đứng lên cứu nước. Đối mặt với muôn vàn gian khổ, nguy hiểm cái chết cận kề, những người làm báo đã ra trận với tư thế người chiến sĩ vừa cầm bút vừa cầm súng chiến đấu. Có những tấm gương đã anh dũng hi sinh. Có nhiều thước phim được quay tại trận mà trong đó không có hình ảnh người quay phim đã ngã xuống và trong bối cảnh khói lửa ấy ta vẫn hình dung ra những người làm sống lại cuộc chiến với những thước phim tư liệu vô giá. Khi vào thăm bảo tàng Hội Nhà báo Việt Nam tôi bồi hồi xúc động đến bên các hiện vật, bút tích mà các nhà báo để lại. Đó là những chiếc ba lô, trăng võng, bi đông nước lỗ chổ vết đạn. Đó là những trang bản thảo nhòe mực: Có thể người viết đang lên cơn sốt rét rừng; Có trang viết còn thấm máu. Nhũng chiếc máy ảnh quay phim cũ kĩ, những chiếc bút Trường Sơn đã khô dòng mực nhưng tôi vẫn còn ngỡ như nghe được tiếng máy quay phim chạy xè xè, nghe được tiếng “tách” khoảnh khắc lóe sáng của máy ảnh. Và dòng mực, dòng máu vẫn chảy đầy nhiệt huyết trong ruột bút kia viết vội những trang sổ tay ghi chép của người phóng viên chiến trường đã dựng dậy không khí, tinh thần và sự thật lịch sử của một thời và mãi mãi.

Nhà báo là một danh xưng đáng trân trọng thiêng liêng và quý giá. Nói đến báo chí là nói đến chức năng làm rõ sự thật, sứ mệnh bảo vệ lẽ phải và công lý.  Đằng sau mỗi tác phẩm báo chí là số phận một con người, số phận một gia đình, một cộng đồng tác động đến cả xã hội. Vì thế tính nhân văn cao cả luôn được đặt lên hàng đầu đó cũng chính là đạo đức nghề nghiệp. Tính nhân văn và tính chiến đấu luôn đi song hành với nhau. Báo chí cũng là một bộ phận khăng khít của văn hóa, truyền tải những giá trị văn hóa tốt đẹp cho xã hội, văn hóa là môi sinh của báo chí. Các nhà báo đã đi qua chiến trường ác liệt bây giờ trong thời bình lại đối diện với cuộc sống thương trường, cuộc sống đời thường có khi hi sinh cả tính mệnh của mình như trong bài thơ “Nghề báo” của nhà báo Trịnh Thanh Hằng viết tặng một đồng nghiệp hi sinh khi đang tác nghiệp bị nước lũ cuốn đi: “Giữa bão dông hay bên dòng nước xiết - Phóng sự này con chân thực ghi nhanh - Có ngờ đâu trận lũ quét tan tành - Đã mãi mãi cuốn con vào dòng chảy”.

Trong những ngày nay chúng ta lại càng nhớ và vô cùng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh người đã sáng lập chỉ đạo và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam và đã viết hàng ngàn bài báo với hàng trăm bút danh. Một thế kỷ qua báo chí cách mạng Việt Nam có một đội ngũ các lãnh tụ của Đảng cũng đồng thời là các nhà báo xuất sắc như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu… và sau này: Lê Duẫn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… gần đây là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà báo xuất sắc và đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm với nhiều bài viết sâu sắc chỉ đạo trực tiếp thường xuyên các vấn đề quan trọng của đất nước để đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Sinh thời Bác Hồ kính yêu không chỉ là một nhà báo vĩ đại mà những quan điểm của Bác về báo chí còn giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Trước hết đó là sự kiện báo “Thanh niên” ra đời 5 năm trước khi thành lập Đảng cho thấy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm coi báo chí là một vũ khí đặc biệt, đặc hiệu có tính mở đường. Báo chí xuất hiện và phát triển do yêu cầu thông tin chính trị, kinh tế và giao lưu văn hóa tư tưởng của xã hội. Bác luôn chú ý đến đối tượng phục vụ, khi căn dặn những người làm báo: “Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trinh độ của người xem, viết rõ ràng gọn gàng chứ dùng chữ nhiều”. Bác nhấn mạnh: “Báo  chí là công cụ tuyên truyền cổ động, tổ chức”. Người còn nói cụ thể hơn: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Hoặc Người đã tóm tắt nhiệm vụ của các nhà báo bằng bốn chữ gắn gọn súc tích mà hàm chứa nhiều ý nghĩa đó là: Phò chính, trừ tà. Trong bức thư gửi tri thức Nam Bộ trong đó có các nhà báo (25/05/1947), Bác viết: “Ngòi bút của các bạn là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong cuộc sống chiến đấu để dành lại thống nhất độc lập tổ quốc”. Ở đây qua lời dặn của Bác ta thấy “phò chính” tức là bảo vệ chính nghĩa nói lên sự thật lẽ phải, “trừ tà” là lên án cái xấu chống lại sự phi nghĩa. “Tà” ấy có thể là “ngoại tà” nhưng cũng có thể là “nội tà” trong chính lương tâm nhà báo.

Hiện nay báo chí Việt Nam đang đổi mạnh chuyển đổi số, hoạt động của các cơ quan báo chí đang chuyển sang mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng thực hiện nhiều loại hình báo chí cung cấp nhiều dịch vụ truyền thông đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Một tác phẩm báo chí xuất sắc không những về nội dung lại được tuyền tải trên nền tảng công nghiệp tiên tiến thì trái tim và khối óc của ngươi làm báo vẫn là quyết định quan trọng. Nhà báo - Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã viết rất hay khi kết bài thơ “Nhà báo” với sự khiêm nhường, sẻ chia và tâm tình với các đồng nghiệp: “Ngày xưa cây súng, lòng thanh thản - Cây bút bây giờ mới nặng thay! - Tài mọn, thôi làm viên đá lát - Làm ngọn đèn chong khát ánh ngày”. Vâng, ngọn đèn chong trong lương tâm, tình cảm, trí tuệ và bản lĩnh của người làm báo vẫn luôn tỏa rạng sáng mãi…

Hà Tĩnh, ngày 18  tháng 6  năm 2025

N.N.P

. . . . .
  00:00           
00:00
 
00:00