Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Ất Tỵ (221+222) trân trọng giới thiệu bài viết “Giải pháp phát huy lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện Hương Sơn” của đồng chí Hồ Thái Sơn - Ủy viên BTV huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn
Đồng chí Hồ Thái Sơn
Ủy viên BTV huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn
Tổ chức UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là danh nhân văn hóa Thế giới, Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông (1724 - 2024), đây là các nội dung làm tăng thêm ý nghĩa của di tích; mở ra dấu mốc mới trong hành trình bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trên quê hương Hương Sơn.
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác là các điểm di tích gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Lê Hữu Trác (Khu lưu niệm Lê Hữu Trác tại thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm chính là nơi Lê Hữu Trác đã sinh sống, bốc thuốc chữa bệnh cứu người và viết trọn bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh; Mộ và tượng đài Lê Hữu Trác tại thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, là nơi an nghỉ của Lê Hữu Trác từ khi mất (1791) đến nay; Nếu nhìn từ trên cao xuống sẽ thấy điểm đặc biệt của mộ Lê Hữu Trác đó là ngôi mộ có hình giống như một cánh diều nằm giữa núi rừng bao la, yên tĩnh. Tượng đài Lê Hữu Trác nằm trên ngọn núi Minh Tự, nơi gắn liền với cuộc đời làm thầy thuốc, vui thú cảnh núi rừng Hương Sơn của Hải Thượng Lãn Ông).
Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong ngày lễ hội. Ảnh: PV
Cùng với Khu di tích quốc gia đặc biệt, trên địa bàn huyện có Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2015. Là Lễ hội được tổ chức hằng năm vào trung tuần tháng Giêng âm lịch, đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hương Sơn nói riêng và Hà Tĩnh nói chung nhằm tri ân công đức Đại danh y Lê Hữu Trác. Lễ hội trở thành môi trường giáo dục đạo đức cho cán bộ, nhân viên ngành y, cho các thế hệ trẻ, cho cán bộ, đảng viên hôm nay và mai sau; là dịp tăng cường đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong xã hội, giữa bà con thân nhân dòng họ Lê Hữu từ Hưng Yên đến Hà Tĩnh…
Những năm gần đây, với chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh là đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, Lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông đã trở thành một sự kiện quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển các điểm du lịch tâm linh, cầu sức khỏe và sinh thái của tỉnh. Hàng năm đã thu hút hàng vạn lượt khách du lịch về với Hương Sơn, một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Mặc dù đã đạt được kết quả trong việc bảo tồn, phát huy di sản của Đại Danh y trên địa bàn. Tuy vậy so với tầm vóc, những giá trị mà Đại danh y để lại cho hậu thế thì còn khá khiêm tốn và chưa tương xứng. Thời gian tới huyện nhà tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục bổ sung quy hoạch mở rộng không gian tổng thể Khu di tích; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Phố Châu, thêm 10 ha tại khu vực giáp đường mòn Hồ Chí Minh để thực hiện dự án mô hình chăm sóc sức khỏe dưới chân tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Huy động các nguồn lực, sự đóng góp về tinh thần, trí tuệ của các tổ chức, cá nhân để tiếp tục trùng tu, xây dựng, nâng cấp các công trình di tích đảm bảo quy mô, chất lượng và xứng tầm với những đóng góp của Đại danh y, từng bước xây dựng quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Lễ hội Hải Thượng trở thành một không gian văn hóa tâm linh thu hút khách trong và ngoài nước đến viếng thăm, du ngoạn, để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ một tấm lòng nhân cách, tài năng, đức độ của một bậc hiền nhân đã đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà.
Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội gắn với quy hoạch phát triển cụm di tích Hải Thượng để tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa phát triển kinh tế - xã hội và khai thác, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, gắn phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sức khỏe, tham quan và trải nghiệm; gắn xây dựng, phát triển cụm di tích Hải Thượng với hệ thống các di tích trong huyện.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là các tầng lớp thanh thiếu niên về thân thế, sự nghiệp cũng như những giá trị di sản văn hóa mà Đại danh y để lại nhằm góp phần nâng cao ý thức, chủ động, tự giác tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Đại danh y và lịch sử truyền thống của địa phương; không ngừng quảng bá giá trị của di tích và lễ hội để thu hút Nhân dân, đội ngũ y, bác sĩ trong cả nước về tham quan, học tập, nghiên cứu tại Khu di tích, góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các thế hệ cộng đồng dân cư, là môi trường giáo dục về y đức, y đạo, y thuật cho cán bộ và nhân viên ngành y, đây cũng là nơi mà Nhân dân gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống thái bình, thịnh trị, thể hiện tấm lòng tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - người đã có công lao to lớn trong việc cứu dân độ thế.
Ba là, tiếp tục phát huy, nâng tầm cách thức tổ chức Lễ hội Hải Thượng để lễ hội thật sự thấm sâu vào mọi tầng lớp Nhân dân và trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hương Sơn nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung. Nghiên cứu đưa vào trong chuỗi lễ hội các hoạt động thi sao chế thuốc, ngửi hương vị đoán cây thuốc, hội thi thả diều, đua thuyền…
Bốn là, tổ chức sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời sự nghiệp của Đại danh y để trưng bày, giới thiệu; Phối hợp với Hội Đông y các trường đào tạo ngành y và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động lễ kỷ niệm, lễ vinh danh và trao bằng tốt nghiệp tại Khu di tích.
Hàng năm liên kết với các trường đào tạo Y - Dược học, các Hội Đông y trong toàn tỉnh, có những buổi học ngoại khóa, các buổi nói chuyện chuyên đề về cây thuốc Nam của Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông; tổ chức phát động trồng và hiến tặng cây thuốc, bài thuốc quý cho Vườn thuốc để phổ biến cho Nhân dân chữa bệnh.
Xây dựng hình thành các cơ sở bốc thuốc, bắt mạch, kê đơn, châm cứu tại Khu di tích và các địa điểm thích hợp trên địa bàn huyện; quy hoạch các vùng trồng cây nguyên liệu thuốc. Hình thành chuỗi nhà hàng chuyên chế biến các món ăn tẩm các gia vị thuốc nam và các cây lá có hương vị thuốc ăn kèm có tính chất bổ dưỡng, có tác dụng chữa bệnh nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống nhằm phục vụ khách du lịch khi đến Hương Sơn, quê hương của cụ Hải Thượng.
Năm là, thiết kế, xây dựng các ấn phẩm như sách, tờ gấp, QR có nội dung, hình ảnh giới thiệu di tích, cuộc đời sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông, tư liệu Hán Nôm, mộc bản sách Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, các câu thơ, những điều y huấn thể hiện rõ y đức, y đạo, y thuật của Lê Hữu Trác... để trao truyền đến với nhiều người; nâng cao tính chuyên nghiệp cho cán bộ quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm di tích; lập trang website của Ban quản lý để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di tích, giới thiệu quảng bá di sản trên các nền tảng số, phương tiện truyền thông nhằm lan tỏa giá trị di sản di sản đến nhân dân cả nước và quốc tế nhằm bảo tồn, khai thác phát huy giá trị; kết nối các Công ty lữ hành, đoàn Famtrip để hình thành và đưa vào tua, tuyến tham quan du lịch, có thể mời các nhân vật nổi tiếng về trải nghiệm và quảng bá. Đồng thời khai thác hiệu quả thương hiệu du lịch sức khỏe, dưỡng bệnh gắn với tên tuổi của Đại danh y/.
H.T.S