04-05-2023 - 07:03

Giáo sư Nguyễn Đình Tứ

Tạp chí Hồng Lĩnh số 200 tháng 4/2023 trân trọng giới thiệu bài viết “Giáo sư Nguyễn Đình Tứ (1932 – 1996)” của tác giả Lê Trần Sửu

Giáo sư Nguyễn Đình Tứ

Giáo sư Nguyễn Đình Tứ sinh ngày 01/10/1932 trong một gia đình trí thức nghèo, truyền thống yêu nước và cách mạng, quê hương là làng Nguyễn Xá nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh

Thân phụ là thầy giáo Nguyễn Mỹ Tài, đậu thành chung, học thêm một năm sư phạm, được bổ dụng dạy tiểu học ở tỉnh Bình Định. Thân mẫu là em ruột nhà nho yêu nước, cách mạng Võ Liêm Sơn, một thời là bạn đồng học với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quốc học Huế.

Làng quê của Nguyễn Đình Tứ nằm phía Tây Sông Cài, Núi Sạc, bao quanh ngọn danh sơn này là những làng khoa bảng giàu truyền thống học hành và cống hiến cho đất nước. Phía Bắc là làng Kiệt Thạch (nay là Thanh Lộc) có cư tộc Nguyễn Văn, phía Nam là làng Song Lộc có Nguyễn Huy Oánh không nhận chức tham tụng (tể tướng) để về làng mở trường dạy học, học trò đông đảo, có trên 30 người đỗ tiến sĩ và hàng ngàn người đỗ Hương Cống (Cử nhân) và thi tài, phía Tây là xã Lam Kiều (nay là Song Lộc) ngoài gia đình giáo sư Nguyễn Đình Tứ có họ Phan với Phan Kính một nhà nho nghèo “không đủ tiền mua dầu đèn, giấy bút”, nhưng nuôi chí lớn tự cường, quyết tâm học hành thi đỗ Thám hoa năm Quý Hợi (1974). Lúc nhỏ 4, 5 tuổi nghe mẹ kể nhiều lần về những gương học hành và cống hiến của các hiền tài trên đất quê đã khắc họa sâu trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Đình Tứ những hình ảnh về các bậc hiền tài thân thuộc cho đến lúc anh trưởng thành.

Lên 6 tuổi, Nguyễn Đình Tứ theo thân phụ vào An Lương (Bình Định) học tiểu học tại trường thân phụ làm Hiệu trưởng. Tốt nghiệp tiểu học, anh theo học năm thứ nhất, thứ hai (1944, 1945) tại trường quốc học Quy Nhơn. Đầu năm 1946, thực dân Pháp mở rộng lấn chiến các tỉnh cực Nam Trung Bộ, thầy Mỹ Tài chuyển về Hà Tĩnh làm Thanh tra tiểu học ty giáo dục Tỉnh, Nguyễn Đình Tứ theo học lớp đệ tam và đệ tứ niên trường Phan Đình Phùng, học hành gian nan vì phải di chuyển liên tục, nhưng anh luôn đứng đầu lớp. Tốt nghiệp bằng thành chung loại ưu, anh theo học trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, tiền thân là trường Chuyên khoa quốc học Huế chuyển ra đóng tại xã Châu Phong (Đông Thái - Đức Thọ - Hà Tĩnh). Quá trình học ở bậc phổ thông Nguyễn Đình Tứ luôn không có đối thủ. Đặc biệt là môn Toán, anh luôn tìm ra cách giải độc đáo, sáng tạo, các thầy dạy toán thán phục, nể trọng. Đang học năm thứ nhất trường chuyên khoa, anh đã tự tìm hiểu, học hết chương trình năm thứ hai và được nhà trường đồng ý cho vượt lớp, từ năm thứ nhất lên năm thứ ba. Cuối năm đó khi tốt nghiệp chuyên khoa, anh đậu thủ khoa và được kết nạp Đảng  lúc mới 17 tuổi (1949).

Nguyễn Đình Tứ còn có một thiên hướng học tập sáng tạo tự xây dựng cho mình những tri thức thông qua những hoạt động thực nghiệm.

Nguyễn Đình Tứ sưu tầm mắt kính lão, mắt kính cận thị, có thấu kính máy chụp ảnh cũ, mày mò tính toán lại tiêu cự, bố trí sắp xếp các hệ thống thấu kính lồi, lõm trong một các ống nứa sao cho góc hẹp của vật thể đến mắt người ngắm là lớn nhất để lắp đặt thành công một chiếc ống thiên văn ngắm trăng sao. Chiếc ống thiên văn hoàn thành. Công an địa phương yêu cầu không được sử dụng vì cho là khí cụ quân sự. Anh lại phải cải tạo thành chiếc ống kính hiển vi để quan sát các vi trùng không nhìn thấy

Nguyễn Đình Tứ dùng một sợi dây, quy thành một đơn vị (ví dụ 1 mét) anh quay sợi dây quanh một tâm điểm, rồi đo hình chiếu của sợi dây lên trục ngang (x), trục đứng (y) mà biết được hàm số lượng giác của một góc. Sau đó, từ một số liệu cơ bản mà anh lập thành biểu đồ. Độ chính xác hoàn toàn phụ thuộc vào việc đo góc quay và xác định hình chiếu lên các trục.

Năm 1951 Nguyễn Đình Tứ được cử sang khu học xá của ta đặt nhờ trên Nam Ninh (Quảng Tây Trung Quốc, học lớp toán học cao cấp 2 năm và 1 năm học tiếng Trung Văn (1951 - 1954) sau đó anh được cử đi học tiếp ở Đại học Vũ Hán ngành năng lượng Thủy điện - Thủy Lợi. Tốt nghiệp loại ưu, anh được đề nghị học nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ.

Đến đây một bước ngoặt lớn đã đến. Nhà nước ta chọn 3 thanh niên ưu tú là Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Đình Công (sau là giáo sư Nguyễn Hoàng Phương) và Dương Trọng Bái sang công tác nghiên cứu tại viện Liên hiệp nghiên cứu Nguyên tử Dúp Na, một thành phó khoa học lớn của các nước xã hội chủ nghĩa bấy giờ. Nguyễn Đình Tứ được giao trách nhiệm là nhóm trưởng nhóm Việt Nam.

Thế là từ tháng 8 năm 1957, Nguyễn Đình Tứ trở thành cộng tác viên khoa học trẻ của phòng thí nghiệm năng lượng cao. Tại đây dưới sự lãnh đạo của viện sĩ viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô Vesler, người đề xuất nguyên lý và chỉ đạo xây dựng thành công ở Dupna máy gia tộc Synchrophatron tiên tiến nhất thời bấy giờ.

Bước vào một lĩnh vực cao về tri thức vật lý hạt cơ bản, sau thời gian hai năm ông đã nắm bắt được những kiến thức vật lý lý thuyết khá sâu sắc và cần thiết và sử dụng máy tính, đêm đêm mày mò tìm hiểu và cũng trong hai năm Nguyễn Đình Tứ là người Việt Nam đầu tiên làm chủ được nó.

Với sức học tập, sáng tạo vượt trội, trong hơn 10 năm ở Dúp Na Nguyễn Đình Tứ trở thành nhà vật lý hạt cơ bản xuất sắc nổi tiếng là nhà vật lý Việt Nam tài năng, có uy tín khoa học tầm cỡ quốc tế. Ngoài việc đi sâu vào vật lý hạt cơ bản, Nguyễn Đình Tứ còn quan tâm dành thời gian tìm hiểu một lĩnh vực khác về ngành năng lượng nguyên tử, đã được tổ chức nhiều buổi thuyết trình trong tập thể khoa học Việt Nam ở Dupna những vấn đề về tin học, về kỹ thuật lò phản ứng và về điện nguyên tử.

Và khi mới ở tuổi 30, ở diễn đàn hội nghị khoa học quốc tế ở Tây Âu, Nguyễn Đình Tứ đã báo cáo kết quả phát minh phát hiện bằng thực nghiệm hiện tượng về sự tạo thành phân hiệu Hyperon Sigma âm và sự phân rã thành các hạt pi-meson dương và phản notron... Ngay sau khi công bố công trình, tác giả Nguyễn Đình Tứ đã nhận được giải thường của Hội đồng khoa học của Liên hiệp hợp nguyên tử Dupsna và năm 1968 được Chính phủ Liên Xô cấp bằng phát minh cùng với nhóm tác giả quốc tế. Năm 2000, Chủ tịch nước cộng XHCN Việt Nam đã ký quyết định trao phần thưởng cao quý, giải thưởng Hồ Chí Minh cho giáo sư Nguyễn Đình Tứ về “Cụm công trình phát hiện phân hạt Hyperon sigma âm và tương tác các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao”.

Năm 1971, về Việt Nam đầu tiên ông được phân công giao trách nhiệm phó Hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Đầu năm 1976 làm thứ tưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Từ tháng 7/1976 ông là Bộ trưởng và giữ trách nhiệm trọng trách này cho đến năm 1986.

Ông đã sắp xếp các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp miền Nam theo mô hình nhà trường xã hội chủ nghĩa thống nhất cả nước, mở ba trường dự bị đại học để đào tạo các đối tượng chính sách, các dân tộc miền núi, thành lập trong cả nước 5 trường trung học chuyên nghiệp để đào tạo lực lượng lao động cho địa phương tiền thân của các trung tâm giáo dục thường xuyên sau này.

Dù bận rộn do những trọng trách ở ngành giáo dục, giáo sư Nguyễn Đình Tứ cũng dành nhiều tâm lực cho việc hình thành ngành năng lượng nguyên từ quốc gia. Sau 5 năm chuẩn bị, từ một phòng thí nghiệm nghiên cứu, tháng 6/1984 trở thành viện nguyên tử quốc gia trực thuộc Chính phủ, giáo sư Nguyễn Đình Tứ là Chủ tịch hội đồng khoa học cho đến khi ông qua đời. Dưới sự lãnh đạo của ông, ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Lò phản ứng Đà Lạt được khôi phục, công nghệ chiếu xạ mở rộng, cho ngành kinh tế quốc dân ứng dụng khoa học và kỹ thuật năng lượng nguyên tử rộng rãi, hợp tác quốc tế được mở rộng với cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAFA) với Liên Xô, Cu Ba, Ấn Độ, Nhật Bản ngày càng phát triển. Nhà máy điện nguyên tử đã có đề án giao cho Bộ công thương chủ trì. Giáo sư Nguyễn Đình Tứ được coi là “Người tìm đường mở lối” cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Dù ở cương vị nào, giáo sư Nguyễn Đình Tứ cũng là một người rất chân thành, giản dị, khiêm nhường, nói năng nhỏ nhẹ, luôn lắng nghe ý kiến của cấp dưới.

Thời bao cấp ông làm Bộ trưởng, ủy viên Trung ương nhưng vẫn ăn cơm cặp lồng mang theo thức ăn giản đơn chủ yếu rau dưa, ở nhà tập thể được phân 2 buồng nhỏ hẹp trên tầng 4 nhà B18 khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa năm 1978, Nhà nước cấp nhà độc lập cho các Bộ trưởng ông vẫn không nhận và phát biểu bản thân chưa cống hiến gì nhiều cho đất nước, mãi đến 5 năm sau 1983 mới nhận nhà độc lập ở khu vực Trung tự cho đến lúc qua đời.

Ông là một nhân cách đạo đức trong sáng, chân thành, giản dị, luôn luôn suy nghĩ đến việc của đất nước, một nhà khoa học say mê sáng tạo không ngừng.

Ông từng là Bộ trưởng ủy viên Trung ương Đảng rồi Ủy viên Bộ Chính trị. Những chức trách đó có nhiều người đảm trách được nhưng một nhà khoa học tài năng như Nguyễn Đình Tứ thì rất hiếm, có khi vài ba thế hệ, thậm chí hàng trăm năm mới thấy xuất hiện.

Giáo sư Nguyễn Đình Tứ mất đột ngột vào ngày 28/6/1996 khi đang diễn ra đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8. Tiếc rằng ông ra đi quá sớm, toàn Đảng, toàn dân thương tiếc một người con ưu tú của núi Hồng, Sông Lam, một nhà khoa học tầm cỡ thế giới, một nhà hoạt động chính trị xuất sắc trong thời đại chúng ta.

L.T.S

. . . . .
Loading the player...