Ngày 10/3 âm lịch, không chỉ ở đất tổ Phú Thọ mà tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng (chùa Đại Hùng) ở phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) cũng diễn ra lễ Giỗ tổ Hùng Vương.
Giỗ tổ Hùng Vương từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh ở vùng đất thiêng Hồng Lĩnh…
Lãnh đạo TX Hồng Lĩnh đọc văn tế Quốc tổ Hùng Vương tại lễ giỗ năm 2019.
Dãy Hồng Lĩnh đẹp và thơ mộng. Trên 99 đỉnh non Hồng mang nhiều huyền tích cổ. Huyền sử còn ghi: Vua Kinh Dương Vương tuần du, đi thuyền trên sông, gặp người con gái đẹp từ dưới nước nổi lên, xưng tên là Long Thần rồi cưới làm vợ và dựng đô ấp Việt Thường ở Ngàn Hống.
Kinh Dương Vương đóng đô ở Hồng Lĩnh sinh ra Lạc Long Quân, sau đó mới dời đô về Ao Việt (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay).
Giỗ tổ Hùng Vương...
Đại đức Thích Thanh Vượng - Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TX Hồng Lĩnh, trụ trì chùa Đại Hùng cho biết: “Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng là Quốc tổ có công dựng nước. Từ đó, tín ngưỡng thờ Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước".
...từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh ở vùng đất thiêng Hồng Lĩnh
“Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân. Bởi chúng ta luôn tự hào được mang trong mình dòng máu Lạc Hồng”, Đại đức Thích Thanh Vượng chia sẻ.
Theo Đại đức Thích Thanh Vượng, chùa Đại Hùng là một trong 4 ngôi cổ tự bao gồm: Thiên Tượng - Long Đàm - Đại Hùng - Cực Lạc, mà theo sử sách chép lại thì được xây dựng vào khoảng đời nhà Trần. Theo thống kê chưa đầy đủ thì chùa Đại Hùng là một trong 1.417 di tích có thờ cúng các Vua Hùng trên cả nước và là điểm thờ Thủy tổ và các Vua Hùng duy nhất có trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An.
Lễ rước linh vị, các vật phẩm cúng tế Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương cùng các Vua Hùng tại Khu di tích Đại Hùng
Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người Việt Nam cũng đều hướng về Giỗ tổ Hùng Vương như hướng về nguồn cội thiêng liêng với niềm tự hào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Hằng năm, cứ đến dịp Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Nhân dân trong và ngoài tỉnh lại tụ hội về Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng để thành kính dâng hương Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng.
Lễ Giổ tổ hàng năm luôn có sự tham gia của đông đảo người dân với tấm lòng thành kính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương năm 2021 diễn ra tại Khu di tích Đại Hùng từ ngày 18 - 21/4/2021 (tức từ ngày 7 - 10/3 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao đặc sắc nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bảo tồn các giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống; tăng cường quảng bá hình ảnh của TX Hồng Lĩnh sau 29 năm xây dựng và trưởng thành, qua đây nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn.
Cán bộ và nhân dân phường Đậu Liêu sắm nhiều lễ vật dâng tế Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng...
Ông Đinh Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết: Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương gồm hai phần. Phần lễ gồm: tổ chức dâng hương báo lễ và lễ tế dân gian; lễ rước bài vị và dâng vật phẩm cúng tế các Vua Hùng; lễ tế Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng; nghi lễ Nhà nước. Phần hội có các hoạt động: thi đấu kéo co nam, nữ toàn thị xã; Giải bóng chuyền cúp tứ hùng lần thứ nhất; Hội thi “Gói bánh chưng dâng Quốc Tổ” và đêm giao lưu văn nghệ “Tiếng hát từ cội nguồn”…
Lễ Giỗ Tổ theo nghi thức truyền thống không thể thiếu lễ vật dâng cúng là những sản vật như bánh chưng, xôi, hoa quả... Chị Thái Thị Điểm - Chủ tịch Hội LHPN phường Đậu Liêu cho biết: Lễ Giỗ tổ năm nay, thị xã tổ chức hội thi “Gói bánh chưng dâng Quốc Tổ”, vì vậy, ngay từ đầu tháng 3 (âm lịch), Hội LHPN phường đã phân công chị em hội viên lựa chọn những sản vật của địa phương như gạo nếp, đậu, thịt lợn, lá dong để gói những chiếc bánh chưng ngon nhất. Dự kiến năm nay, Hội LHPN phường sẽ gói 200 chiếc bánh chưng dự thi, sau đó dâng lên Quốc Tổ để tưởng nhớ cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, những bậc tiền nhân đã có công lập quốc”.
Gói bánh chưng dâng Quốc Tổ tại Lễ Giỗ tổ năm 2019.
Từ nhiều năm nay, đến ngày Giỗ Tổ, gia đình bà Đậu Thị Sáu ở tổ dân phố 6, phường Đậu Liêu đều chuẩn bị mâm xôi, gà dâng lên bàn thờ Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương. “Tôi cũng như bao người dân Hà Tĩnh hay ở một địa phương nào khác trên đất nước Việt Nam, đến ngày Giỗ Tổ, mọi người đều nhớ về nguồn cội, tưởng nhớ công ơn lập nước của các Vua Hùng và nhắc nhở nhau cùng đóng góp sức người, sức của để tham gia xây dựng, bảo vệ đất nước, như lời Bác Hồ đã dạy”, bà Đậu Thị Sáu bộc bạch.
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương ở vùng đất Ngàn Hống thể hiện lòng tri ân hướng về cội nguồn dân tộc của con người Hà Tĩnh. Những giá trị lịch sử của ngôi chùa Đại Hùng đã làm phong phú thêm văn hóa tín ngưỡng của mảnh đất, con người Hồng Lĩnh.
Nguồn tin: Báo Hà Tĩnh