25-09-2024 - 03:20

Hà Tĩnh đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, trong 9 tháng đầu năm 2024, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đạt được một số kết quả nhất định, có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiệu quả, bền vững.

Trước hết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình tỉnh đã kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 320/KH-UBND ngày 10/7/2024 về thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng, phát triển văn hoá và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới”. Tổ chức hội nghị ký kết các hoạt động phối hợp với 19 sở, ngành, đơn vị liên quan về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hội thi Tìm hiểu kiến thức về giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình năm 2024

Việc xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, trên không gian mạng được tiếp tục đẩy mạnh. Tỷ lệ gia đình văn hóa ngày càng tăng, các mô hình gia đình tiếp tục được xây dựng và phát triển. Đến nay, ngành Văn hóa đã xây dựng 19 mô hình điểm tại các địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng hàng nghìn câu lạc bộ gia đình với nhiều loại hình tại các địa phương. Công tác tuyên truyền về gia đình được đẩy mạnh. Thực hiện hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; ngày Gia đình Việt Nam 28/6 như lễ phát động “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, Hội thi “Tìm hiểu kiến thức về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”…

Về xây dựng môi trường văn hóa học đường, đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 522 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 81,6%. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” thu hút đông đảo học sinh tham gia. Xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư tiếp tục được quan tâm. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa tăng. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thao diễn ra sôi nổi và đa dạng các loại hình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 209 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm; hàng nghìn câu lạc bộ văn nghệ, thể thao. Tỷ lệ người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên đạt tỷ lệ 39,1%. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng được các tầng lớp Nhân dân nhận thức đầy đủ và quan tâm thực hiện. Tỷ lệ đám tang, cưới vi phạm nếp sống văn hóa giảm, thực hiện hỏa táng trong việc tang ngày càng tăng. Hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nề nếp. Các di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh được tăng cường quản lý, quan tâm bảo tồn, trùng tu, tôn tạo nhằm tạo không gian văn hóa giáo dục truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Việc xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng được quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, theo dõi các thông tin đăng tải trên báo chí, mạng xã hội, kịp thời có biện pháp xử lý đối với các thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đến sự phát triển của tỉnh.

 Hà Tĩnh tổ chức tổng kết cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa ở các địa phương ngày càng được quan tâm, phát triển. Nhiều loại hình câu lạc bộ gia đình được thành lập đã góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển. Ban Chỉ đạo tỉnh đã hướng dẫn các địa phương tiến hành xây dựng các danh hiệu văn hóa theo Quyết định số 19/2024/QĐ-UBND ngày 30/8/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa ngày càng được chú trọng. Đầu năm 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất các nội dung công nhận danh hiệu “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Đến nay, 100% các địa phương đã hướng dẫn tuyên truyền các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tiến hành đăng kí xây dựng danh hiệu; có 810 công đoàn cơ sở phối hợp chuyên môn đăng kí xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2023-2028; có 793 công đoàn cơ sở phối hợp chuyên môn tự kiểm tra, ghi nhớ đạt năm 2023 (tỷ lệ 54%).

Đặc biệt, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh” tiếp tục được triển khai và tập trung hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, từng bước tạo sức lan tỏa, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, đem lại hiệu quả thiết thực trên các mặt của đời sống xã hội. Đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh đã có 1.202/1.626 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 73,9%), 181/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 09 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Thành phố Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đô thị văn minh, đến nay, toàn tỉnh có 11/34 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 9 tháng đầu năm 2024, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có những hạn chế. Đó là Ban chỉ đạo các cấp đã được quan tâm kiện toàn nhưng nhìn chung vai trò của các thành viên Ban chỉ đạo chưa rõ nét, đặc biệt là ở cấp xã. Tại một số địa phương, việc công nhận các danh hiệu văn hóa vẫn còn chạy theo thành tích, đánh giá còn chưa thực chất. Các địa phương chưa thực sự đi sâu vào các giá trị văn hoá, chưa nhân rộng được nhiều tập thể, cá nhân điển hình. Còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Việc sử dụng, khai thác các thiết chế văn hóa cơ sở tại một số địa phương hiệu quả chưa cao. Công tác triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình về gia đình còn chậm, chưa hiệu quả. Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn khó khăn: nhân lực ít, kinh phí đầu tư cho hoạt động phong trào hạn chế, ngân sách và huy động xã hội hoá gặp nhiều khó khăn…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong thời gian tới, cần nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nâng cao trách nhiệm của từng thành viên nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình phát triển phong trào và điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Tham mưu triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Lồng ghép tuyên truyền hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “Quy định một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025”. Tổ chức kiểm tra hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Tập trung trong việc phối hợp đánh giá, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Phối hợp chỉ đạo thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với triển khai Đề án xây dựng Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; xây dựng Đô thị văn minh theo Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Nguyễn Nga

. . . . .
Loading the player...