06-11-2017 - 07:12

Hành trình giới thiệu một nền văn học

Sinh thời, có lần trên báo Văn nghệ Trẻ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã nói đến con đường thơ ca Nga đến đất nước chúng ta: “Một con đường kỳ diệu của thơ ca Nga đến với Việt Nam, là con đường thơ đi qua các ca khúc Nga. Ở Nga, các nhạc sĩ và các nhà thơ đi với nhau từng cặp. Gần như đã là ca khúc tức là nhạc phổ thơ của một ai đó. Hồn thơ, hồn nhạc quyện vào nhau và bay đến với mỗi trái tim người”.

Nhà thơ Xuân Hoàng có lần nhớ lại là ngay từ năm 1942, trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, giới thanh niên học sinh Việt Nam bấy giờ đã rất thích nhiều bài hát nước ngoài được các thủy thủ Pháp đưa từ châu Âu sang bến cảng Hải Phòng, bên cạnh những bài như Tiếng hát của người thủy thủ của Pháp, Xerenada của I-ta-li-a, Một ngày của Anh, có cả bài Cachiusa của Nga.

Kể từ đó, có thể qua sách báo nước ngoài bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Hán, một số trí thức, văn nghệ sĩ, nhất là các nhà thơ lúc ấy, bắt đầu tiếp cận ít nhiều với thơ ca Nga. Nhưng phải tới sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, rồi đến những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thơ ca Nga mới lẻ tẻ được dịch sang tiếng Việt, đến với công chúng rộng rãi.

Cho tới nay mọi người đều thừa nhận bài thơ Ðợi anh về của nhà thơ Nga Xô-viết Constantin Simonov là bài thơ Nga đầu tiên được dịch ra tiếng Việt. Bài thơ do nhà thơ Tố Hữu dịch từ bản tiếng Pháp của P.Lugael, đăng trên tạp chí Văn nghệ mới vừa ra đời được số 2, vào tháng 5 năm 1948. Bài thơ đã lập tức được bạn đọc khắp nơi chào đón, đọc thuộc lòng, ghi chép vào sổ tay gửi cho bạn bè, mang trong ba-lô đi công tác, ra chiến trường. Bản dịch bài thơ Ðợi anh về được lưu truyền, hâm mộ suốt hơn nửa thế kỷ cho đến tận hôm nay. Có thể nói nó đã đi vào tâm hồn người Việt và khơi dậy sự hứng thú ở bạn đọc Việt Nam đối với thơ ca Nga nói chung.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta càng đi gần đến thắng lợi, lực lượng văn nghệ kháng chiến cũng càng phát triển và lớn mạnh nhanh chóng. Chỉ một năm sau nữa, năm 1953, đã xuất hiện cả một tập sách thơ dịch, tuy còn mỏng manh, chỉ bằng một tay sách. Ðó là tập 6 bài thơ của Maiakovxki do nhà thơ Hoàng Trung Thông tuyển dịch từ các bản tiếng Hán và tiếng Pháp.

Bước thứ hai của quá trình thơ ca Nga đến với Việt Nam có thể kể từ sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam được ký kết năm 1954. Nửa nước, từ vĩ tuyến 17 trở lên bắt đầu được yên bình, mọi người bắt tay vào xây dựng lại cuộc sống bị chiến tranh tàn phá và mở rộng đến những chân trời mới. Từ năm 1950 đã bắt đầu có những lớp thanh, thiếu niên được đào tạo tiếng Trung Quốc, tiếng Nga. Xuất hiện sách giáo khoa không chỉ dạy tiếng Trung Quốc, tiếng Nga mà cả sách giáo khoa giảng dạy văn học Nga, văn học Xô-viết. Trong khi đó các nhà văn vốn đã thông thạo tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc từ trước tiếp tục công việc dịch tác phẩm. Trong hàng loạt sách dịch được in ấn vào những năm nửa sau của những năm 1950 đặc biệt có không ít tác phẩm thơ ca Nga đến với đông đảo bạn đọc. Thơ Maiakovxki được dịch thêm nhiều.

Ðặc biệt cũng từ những năm này xuất hiện các bản dịch đầu tiên tác phẩm của đại văn hào Nga A.X.Puskin. Sau các công trình sách giáo khoa của giáo sư Hoàng Xuân Nhị về văn học Nga, có trích dịch một số tác phẩm của Puskin, vẫn nhà thơ - dịch giả Hoàng Trung Thông đưa xuất bản ở NXB Kim Ðồng bản dịch truyện cổ tích bằng thơ của Puskin Chuyện công chúa thiên nga. Năm 1959 ông lại cho công bố bản dịch trường ca - truyện thơ Người tù Capcadơ của Puskin trên tờ tạp chí Văn nghệ, số 24.

Năm 1962, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 45 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Hội Nhà văn Việt Nam đã chủ trương xuất bản tập Thơ Liên Xô, giới thiệu 54 tác phẩm của 34 nhà thơ Xô-viết, trong đó đa số là các nhà thơ Nga, do 16 nhà thơ Việt Nam, trong đó có một người dịch trực tiếp từ nguyên bản tiếng Nga và nhiều bản dịch khác cũng được thực hiện theo bản dịch nghĩa trực tiếp từ tiếng Nga. Tập Thơ trữ tình Puskin ra năm 1966 có thể nói là cái mốc đánh dấu tạm kết thúc bước đi thứ hai của thơ ca Nga đến với Việt Nam.

Bước đi thứ ba hay giai đoạn thứ ba của quá trình này, theo tôi, thể hiện ở chỗ: các nhà thơ chuyên nghiệp lần này ít nhiều tham gia vào dịch thơ Nga dần nhường chỗ chủ yếu cho lớp các dịch giả trẻ được đào tạo tiếng Nga, nghiên cứu văn học Nga ở các trường Liên Xô cũng như ở các trường đại học trong nước từng bước trưởng thành. Trong số các dịch giả này đã có người ngay bước đầu đã chứng tỏ là người đi chuyên sâu, am tường văn học Nga, có định hướng dịch giới thiệu nhà thơ Nga này hoặc nhà thơ Nga khác. Trước hết phải kể đến dịch giả Hoàng Ngọc Hiến, người “mê” nhà thơ Nga Xô-viết V. Maiakovxki.

Bên cạnh số dịch giả được đào tạo chuyên môn về ngữ văn, còn có các nhà giáo tiếng Nga, rồi những người được đào tạo các ngành chuyên môn khác nhau ở các trường Xô-viết, không dính líu đến văn chương nhưng đều là những người say mê văn học Nga, có khiếu văn thơ, có khả năng sáng tạo, cũng đóng góp không ít vào quá trình phổ biến thơ ca Nga ở Việt Nam ở những thập kỷ cuối của thế kỷ XX: kỹ sư cơ khí Ðăng Bẩy tham gia dịch A. Bloc, Xergay Exenhin, nhiều nhà thơ Xô-viết; nhà giáo Ðức Mẫn có nhiều bản dịch thành công tác phẩm của Lermontov; kỹ sư vô tuyến điện quân sự ở Liên Xô về, anh sĩ quan thông tin Hồng Thanh Quang vào những năm 1990 đã trở thành một người dịch thơ Nga với hàng loạt tập thơ dịch có tiếng vang xa, đặc biệt là tập Gửi người con gái xa xôi (1996) thơ của C.Simonov và Một góc thơ Nga (2001).

So với việc tiếp cận và phổ biến thơ Trung Quốc suốt mấy thế kỷ, thơ Pháp trong gần một trăm năm, bức tranh toàn cảnh của thơ ca Nga ở Việt Nam, xem ra, rõ ràng phong phú hơn, ngoạn mục hơn, dù thơ ca Nga đến Việt Nam chậm hơn và mới có mặt một thời gian chưa lấy gì làm nhiều.

Hơn nửa thế kỷ có mặt ở Việt Nam, thơ ca Nga đã để lại dấu ấn gì trong đời sống tinh thần của xã hội, trong thơ ca Việt Nam? Nó đã có ảnh hưởng đến đâu? Ðể trả lời câu hỏi này cần có nhiều công trình nghiên cứu tỉ mỉ, công phu và lâu dài... Mà không phải chỉ của một người.

Theo tuyengiao.vn

 

. . . . .
Loading the player...