Tết đến, xuân về cũng là thời điểm những người lính đang làm nhiệm vụ nơi biên cương, hải đảo phải gác lại hạnh phúc ngày đoàn viên, ngày đêm bám đảo, bám cột mốc biên giới bảo vệ bình yên cho nhân dân đón tết. Ở hậu phương, những người vợ, người mẹ ngày đêm tần tảo chăm lo quán xuyến việc gia đình để họ yên tâm vững chắc tay súng để bảo vệ biển, đảo tiền tiêu.
Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Lê Thị Thanh Bình, ở tổ dân phố Hưng Thịnh, phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh tôi mới hiểu được phần nào nỗi vất vả, cực nhọc của người phụ nữ khi thiếu vắng trụ cột gia đình. Chồng chị, Đại úy QNCN Phan Ngọc Anh, hiện đang là Trưởng xe tăng thuộc Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Quân chủng Hải Quân, đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa lớn, bởi vậy, những ngày cận tết, công việc của chị Bình càng tất bật hơn thường lệ. Chị phải tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc, lau dọn bàn thờ, bày mâm ngũ quả, cắm lọ hoa... được chị chuẩn bị tươm tất, trọn vẹn.
Chị Lê Thị Thanh Bình, ở tổ dân phố Hưng Thịnh, phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh luôn đảm đang quán xuyến gia đình, nuôi dạy con khôn lớn để chồng và đồng đội yên tâm bảo vệ biển đảo quê hương
Cảnh gia đình anh chị “một chốn, đôi quê” vì chị làm việc ở Văn phòng Cty CPMT đô thị TX Kỳ Anh, bởi vậy, cưới nhau, anh chị làm nhà, định cư ở phường Hưng Trí để tiện cho công việc của chị. Bên nội ở thị trấn Lộc Hà, ông nội đã mất, bà nội đã già yếu; còn bên ngoại ở xã Kỳ Ninh, nhưng bà ngoại cũng đã mất, vậy nên từ ngày cưới nhau rồi sinh hai đứa con, một mình chị tự xoay xở quán xuyến gia đình, nuôi dạy con cái ăn học đỗ đạt. Hiện con trai đầu đang học Đại học Y Huế, chuyên ngành Y đa khoa và con gái út là học sinh giỏi lớp 9.
Gần 20 năm công tác nơi đầu sóng ngọn gió, gắn bó với 7 đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa như đảo An Bang, Sơn Ca, Phan Vinh, Nam Yết, Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Trường Sa Đông. Thời gian về với vợ con gia đình rất ít ỏi. Song, anh luôn có một điểm tựa vững chắc nơi hậu phương khi có một người vợ đảm đang, tảo tần, không chỉ thay anh nuôi dạy con cái trưởng thành, đỗ đạt mà còn chăm lo quán xuyến chu tất mọi việc trong gia đình và đôi bên nội ngoại.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết vững tay súng bảo vệ biển đảo quê hương cho nhân dân đón tết bình yên, hạnh phúc
Chị Bình tâm sự: “Từ ngày cưới nhau đến nay, anh cứ đi biền biệt vì nhiệm vụ thế nên một cái tết đoàn viên chỉ là mơ ước. Hai lần “vược cạn” anh không ở bên cạnh để động viên. Mỗi lần con cái hay bố mẹ hai bên đau ốm cũng một mình em lo toan, gánh vác. Những lúc như thế, em tự an ủi, là vợ lính đảo mình phải chấp nhận hy sinh, thiệt thòi, có như thế chồng mới yên tâm công tác”.
Đại úy QNCN Trần Phi Doãn, bếp trưởng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân, quê ở thôn Hạ Tứ, xã Bùi La Nhân (Đức Thọ - Hà Tĩnh) cũng đã có gần 8 năm công tác ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Dù không có điều kiện thời gian về giúp đỡ vợ con, nhưng anh Doãn luôn yên tâm bám đảo, bởi nơi hậu phương, vợ anh - chị Trần Thị Lan (sinh 1978), nhân viên Trạm y tế xã luôn biết hy sinh hạnh phúc riêng, tần tảo chăm lo quán xuyến gia đình, nuôi dạy 2 đứa con ăn học, năm nay con trai đầu đang học năm thứ 2 Đại học Y Huế.
Bà Trần Thị Ngụ, 87 tuổi, mẹ chồng chị Lan dù ở một mình trong ngôi “nhà tình nghĩa” khang tranh còn thơm mùi sơn vừa được Mặt trận Tổ quốc xã và huyện hỗ trợ xây tặng, nhưng dường như thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của con dâu khi chồng công tác xa nhà, nên bà rất thấu hiểu, cảm thông với hoàn cảnh của con dâu. Vậy nên, mọi việc trong nhà, bà hầu như tự chăm lo cho bản thân và động viên hỗ trợ con dâu những việc thường ngày để con có thời gian thu xếp công việc gia đình.
“Hoàn cảnh gia đình tôi nhà neo người, con dâu tôi dù rất đảm đang nhưng trong nhà thiếu vắng bàn tay của chồng lo toan mọi thứ, nên những ngày tết đến xuân về, một tay con dâu phải tất bật chuẩn bị mọi thứ cho đón tết. Biết vậy nên tôi luôn động viên, chia sẻ và hỗ trợ con thu xếp chu tất mọi công việc để chồng yên tâm công tác” - Bà Ngụ bộc bạch!
Những ngày cận tết, nhưng những người lính biên phòng nơi biên cương vẫn hy sinh hạnh phúc riêng, gác lại niềm vui đoàn viên bên gia đình, ngày đêm bám cột mốc bảo vệ từng tấc đất quê hương
Đến thăm gia đình chị Đào Thị Hoan, ở thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn tôi mới cảm nhận được sự tất bật, vất vả của những người vợ khi phải thay chồng lo cho một cái Tết khi chồng chị - Thượng úy QNCN Từ Ngọc Tuấn, nhân viên kỹ thuật thông tin thuộc Lữ đoàn tàu ngầm 189 - Quân chủng Hải quân đang làm nhiệm vụ canh trực bảo đảm thông tin liên lạc cho đơn vị trực chiến sẵn sàng chiến đấu Tết nguyên đán trên bán đảo Cam Ranh.
Ngày chị Hoan về làm dâu gia đình anh Tuấn năm 2019 và cũng ngần ấy năm, chồng chị cứ biền biệt xa nhà. Mọi việc trong gia đình một tay chị gánh vác vẹn toàn. Mẹ chồng dù còn trẻ nhưng bị bệnh ung thư vú di căn sang xương, đau ốm thường xuyên phải chữa chạy, thuốc men thường xuyên. Mọi công việc gia đình từ nuôi dạy con cái, chăm sóc, thuốc thang cho mẹ chồng một mình chị Hoan quán xuyến trọn vẹn.
“Biết hoàn cảnh gia đình rất khó khăn vất vả, nhưng em vẫn âm thầm tự thu xếp mọi việc ổn thỏa mọi việc gia đình, chăm sóc, thuốc men chữa bệnh cho mẹ chồng để anh yên tâm làm nhiệm vụ. Có như vậy, anh mới yên tâm làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Dù chống công tác xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng ở hậu phương, mẹ con em luôn nhận được sự quan tâm thăm hỏi, động viên kịp thời của lãnh đạo địa phương, anh em bạn bè và bà con lối xóm” - Chị Hoan chia sẻ!
Những người lính biên phòng Đội K, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh gác niềm vui đoàn viên bên gia đình người thân để bảo vệ chủ quyền biên giới cho nhân dân đón Xuân mới an lành, hạnh phúc
Còn với Trung tá QNCN Nguyễn Văn Mỹ, nhân viên trinh sát thuộc Đội K, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cũng đang ngày đêm cùng đồng đội và các lực lượng chức năng của bạn Lào canh giữ từng tấc đất nơi biên cương của Tổ quốc. Dù các anh không được về quê đón tết cùng gia đình, vợ con, nhưng họ vẫn luôn hướng về hậu phương dõi theo, động viên, chia sẻ với những người vợ, người mẹ đang ngày đêm tần tảo hy sinh hạnh phúc riêng để chồng mình vững tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Qua điện thoại, anh Mỹ chia sẻ:
“Khi chồng công tác nơi biên giới xa, nghĩa là những người vợ, người mẹ nơi hậu phương thêm phần vất vả, cực nhọc. Những cuộc điện thoại ngắn ngủi với những lời hỏi thăm, chia sẻ chân thành, ân cần, đầy ắp yêu thương gửi đến vợ con cũng làm cho “hậu phương” nơi quê nhà thêm ấm áp”.
Đã thành thông lệ, mỗi độ tết đến xuân về, để kịp thời động viên, khích lệ các gia đình có con em đang làm nhiệm vụ ở các vùng biển đảo, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội thông qua việc tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình có cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo. Những nghĩa cử nhân văn, sự quan tâm của các cấp, các ngành chính là động lực, niềm tin để những người lính đảo yên tâm bảo vệ biển trời quê hương.
Hậu phương vững chắc là điểm tựa để người lính vững tâm bảo vệ biển đảo tiền tiêu
Đằng sau những người lính là con em quê hương Hà Tĩnh đang thầm lặng làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo luôn có “hậu phương” vững chắc, đó là những người vợ, người mẹ tần tảo gánh vác việc gia đình. Họ là điểm tựa tinh thần, tiếp thêm động lực, sức mạnh, niềm tin vững tay súng bảo vệ chủ quyền, biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Bài và ảnh: Xuân Liệu