12-12-2017 - 10:15

Hội Nhạc sĩ Việt Nam và chặng đường 60 năm đồng hành cùng dân tộc

Ngày 7/12/2017 tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 60 năm đồng hành cùng dân tộc với sự tham gia của đông đảo các nhạc sĩ có tên tuổi trong cả nước. Xin giới thiệu tham luận của nhạc sĩ Ngọc Thịnh - Chi hội Chi hội trưởng NSVN tỉnh Hà Tĩnh.

Nhạc sĩ Ngọc Thịnh phát biểu tham luận - Ảnh: VOV

"Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh..."(*)

Hà Tĩnh nằm trên dải đất miền Trung nắng gió, thiên nhiên không mấy ưu đãi có một vị trí địa lý rất nhỏ hẹp nối liền nhau giữa núi cao, đồng bằng và biển cả trên bản đồ đất nước Việt Nam. Nơi đây là một miền quê đầy dư vị phong tình, đất của thi ca, của tao nhân mặc khách. Về nghệ thuật truyền thống nơi này được nhiều người biết đến như Ca trù Cổ Đạm, Sắc bùa Kỳ Anh, Chèo cạn Cẩm Xuyên, Hò khoan Thạch Hà..., đặc biệt là những làn điệu Dân ca Ví, Giặm say đắm lòng người. Trải qua thăng trầm của lịch sử đất nước, biết bao thế hệ văn nghệ sĩ đã từng đến đây, lấy cảm hứng từ chất liệu Ví, Giặm để phát triển, viết nên những tác phẩm ngợi ca về mảnh đất và con người Hà Tĩnh mang trong đó hơi thở của người đương thời nhưng thấm đẫm chất liệu dân ca. Dân ca Ví, Giặm mộc mạc, trong sáng như những thôn nữ luôn được khoác trên mình những chiếc áo mới của mọi thời đại, nó luôn được tiếp biến phong phú, đa dạng, vừa bảo tồn vừa phát huy được những giá trị tinh túy của nền văn hóa truyền thống quê hương.

Một thời chiến tranh đã qua, vẫn còn đó những ca khúc vượt thời gian đi cùng năm tháng như: "Trông cây lại nhớ đến Người", "Vui mở đường" của Đỗ Nhuận, "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" của Nguyễn Văn Tý, "Người con gái sông La" của Doãn Nho, thơ Phương Thúy, "Nhớ về Hà Tĩnh" của Giang Minh Thực, "Xa khơi" của Nguyễn Tài Tuệ, "Gái sông La" của Lê Hàm, "Hà Tĩnh trên đường chiến thắng" của Thái Quý, "Bài ca Hà Tĩnh" của Đỗ Dũng, thơ Lương Văn Trọng, "Qua đèo Ngang" của Phan Huỳnh Điểu, "Hà Tĩnh trên đường chiến thắng" của Hồ Bắc, "Đường về Hà Tĩnh" của Vĩnh An, "Chào em cô gái Lam Hồng" của Ánh Dương, "Bài ca cánh võng" của Nguyên Nhung, "Câu hò trên những dòng kênh" của Đinh Quang Hợp, "Gửi sông La" của Lê Việt Hòa, thơ của Hoàng Thị Minh Khanh v.v...

Một số ca khúc sau thời bình như: "Tuổi trẻ Hà Tĩnh đi lên" của Trọng Bằng, "Hà Tĩnh mình thương" của An Thuyên, "Một mình với sông La" của Tân Huyền, "Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc" của Huy Thục, "Cảm xúc đèo Ngang" của Vi Phong, "Chim hót dưới trời đồng Lộc" của  Phạm Tuyên, "Thành Sen hoa nở" của Thuận Yến, "Sông hội và tôi" của Cát Vận, "Nắng hạ bồi hồi" của Hồng Đăng, "Ngã ba chiều" của Đỗ Hồng Quân, thơ của Trần Sỹ Tuấn, "Linh chuông Đồng Lộc" nhạc Đức Trịnh, thơ Nguyễn Cảnh Nhạc, "Nhớ về Hà Tĩnh" của Hồ Hữu Thới, "Nghe câu ví phường vải trên sông La" của Vũ Minh Vỹ, v.v... và một số tác phẩm nhạc múa độc lập như "Hoa sen" của Đỗ Hồng Quân, "Hồn quê" của Đinh Linh, "Thóc vàng" của Quang Vinh, "Hạt lúa tình người của Doãn Nguyên cùng rất nhiều tác phẩm quen thuộc khác của các nhạc sĩ của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh như: Hoàng Thành, Xuân Thủy, Thanh chương, Mạnh Chiến, Hồ Trọng Tuấn, Quốc Nam, Văn Thế, Trịnh Ngọc Châu, Tiến Dũng, Trần Danh Viện, Sỹ Chinh, Quốc Việt...

Ngoài ra một số nhạc sĩ đã tìm đến với những bài thơ để phổ nhạc và đã thành công, đưa đến cho người nghe nhiều cảm xúc ngọt ngào, tiêu biểu là các tác phẩm của nhạc sĩ Trần Hoàn như: "Con sông La", thơ Hoàng Xuân Liễu, "Mai em về Hà Tĩnh", thơ Đinh Nho Liêm, "Vỗ bến Lam chiều", thơ Thúy Bắc, hay "Quê mình quê thơ" nhạc An Thuyên, thơ Yến Thanh, "Đêm trăng rơi" nhạc Đỗ Hồng Quân, thơ Đức Ban, "Đồng dao Hồng Lĩnh xứ Tiên" nhạc Trọng Tạo, thơ Đặng Quốc Vinh, "Câu hát quê hương" nhạc Hồ Hữu Thới, thơ Trọng Tạo, "Núi Hồng sông Lam", nhạc Quốc Việt, thơ Xuân Hoài, v.v...

Hà Tĩnh trong lòng các nhạc sĩ cả nước, chính vì thế thời kỳ nào cũng có những ca khúc được phát triển từ chất liệu dân ca truyền thống say đắm lòng người. Ca khúc là một thể loại luôn được số đông khán, thính giả yêu thích, nó đồng thời với nhiều thể loại khác có mặt trong đời sống âm nhạc, nhưng người ta thường tìm đến với dòng nhạc này bởi sắc thái, giai điệu, tiết tấu phù hợp với tâm lý, với văn hóa thưởng thức của người Việt. Chính vì thế các tác giả, các nhạc sĩ đến với quê hương Hà Tĩnh đã khai thác triệt để chất liệu âm nhạc truyền thống để phát triển thành những ca khúc trong đó Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là chất liệu được khai thác nhiều nhất, điều này đã được khẳng định thông qua hàng ngàn ca khúc từ các nhạc sĩ gạo cội đầu tiên của Việt Nam cho đến các thế hệ trẻ hôm nay.  

Trong thời kỳ chiến tranh, rồi sau hòa bình và thời đại hội nhập phát triển sau này, có thể nói rằng Hà Tĩnh là nơi mà rất nhiều các nhạc sĩ trên toàn quốc đã dành cho những ưu ái, sự ưu ái thể hiện qua rất nhiều tác phẩm âm nhạc đã góp phần làm thăng hoa đời sống tinh thần của nhân dân, làm lung linh thêm muôn sắc màu trong nền âm nhạc Việt Nam. Các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh luôn sẵn có tấm lòng thân thiện, rộng mở chào đón giới văn nghệ sĩ và ngược lại đội ngũ văn nghệ sĩ cũng dành cho Hà Tĩnh những tình cảm trong sáng, chân thực. Đó là một "Nhân duyên" và hàng ngàn ca khúc, nhạc múa là những bức tranh về quê hương và tình yêu con người Hà Tĩnh rất sinh động đã nói lên điều ấy, đó là những cung bậc thật cảm xúc dạt dào của các nhạc sĩ rất đáng được trân trọng.  

Nếu kể đến những ca khúc hay được nhiều người biết đến thì ngoài thành phố Hà Nội, ca khúc hay xếp liền sau đó phải nói đến là Hà Tĩnh. Ca khúc viết về Hà Tĩnh thường đi vào lòng người bởi âm nhạc được phát triển từ chất liệu Ví, Giặmca từ luôn được chắt chiu chọn lọc, mộc mạc nhưng thấm đẫm chất thơ. Về giọng nói thổ âm, thổ ngữ của cư dân Hà Tĩnh cũng góp phầm làm nên đặc trưng trong giai điệu âm nhạc, đây là một đặc điểm rất cơ bản để tạo ra Ví, Giặm và cũng chính vì vậy nên Dân ca Ví, Giặm có thể tạm thời chìm lắng xuống hay phát triển rực rỡ theo từng thời kỳ, nhưng nó sẽ không bao giờ mất đi. Về địa lý có thể xem Hà Tĩnh là nơi giao thoa văn hóa của Xứ Đàng ngoài và Xứ Đàng trong, nơi đây hội tụ những tinh hoa văn hóa các vùng miền để tạo nên một bản sắc riêng biệt.

Trong công tác triển khai các hoạt động âm nhạc, Hà Tĩnh luôn chủ động và luôn được sự quan tâm của các cấp, ngành, là nơi tổ chức nhiều liên hoan, hội thảo, các sự kiện âm nhạc, lễ hội văn hóa lớn. Sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa địa phương với các đơn vị Trung ương như Hội nhạc sĩ Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Đương đại, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội ... đã tạo nên nhiều chương trình hấp dẫn thu hút đông đảo lượt người xem.

Đối với Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh được thành lập từ năm 1997 đến nay đã đóng góp nhiều thành tựu cho sự phát triển âm nhạc trên quê hương Hà Tĩnh. Cùng với các Chi hội địa phương hay các Chi hội các ban ngành đoàn thể khác như Công an, Quân đội..., tựa như cánh tay nối dài của Hội nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội Hà Tĩnh đã tổ chức hoạt động khá hiệu quả. Chi hội là nơi thực hiện chủ trương, đường lối chung của Trung ương Hội nhạc sĩ Việt Nam, là nơi thường xuyên bám sát đời sống kinh tế chính trính trị văn hoá của địa bàn cơ sở để định ra kế hoạch, chương trình hành động theo từng thời kỳ, thời điểm, nhằm tuyên truyền, quảng bá kịp thời các sự kiện chính trị lớn của quê hương, đất nước...

Chi hội Hà Tĩnh còn là nơi bồi dưỡng đội ngũ nhạc sĩ kế cận về chuyên môn, chính trị, về ý thức trách nhiệm của hội viên và tổ chức những cuộc đi thâm nhập thực tế sáng tác, biểu diễn góp tiếng nói của mình phản ánh chân thực khách quan đời sống văn hoá, xã hội đương đại. Các tác phẩm của các nhạc sĩ ở Chi hội cơ sở luôn mang được bản sắc vùng miền rất rõ nét, nó làm phong phú thêm bức tranh âm nhạc nước nhà.

Các Nhạc sĩ trong cả nước chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: VOV

Trong thời gian tới Hội nhạc sĩ Việt Nam cũng cần tăng cường hơn nữa tạo dựng các mối quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo địa phương và các Ban, Ngành đồng thời chỉ đạo sự phối hợp liên kết giữa các Chi hội trong từng khu vực, vùng, miền, tiến tới có thể thành lập “Liên Chi hội” nhằm mở rộng địa bàn, đẩy mạnh công tác xã hội hoá, tạo điều kiện thuận lợi nâng tầm tổ chức triển khai các hoạt động âm nhạc đạt hiệu quả tốt nhất.

“Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh...” - một câu nói cửa miệng bình dị đã hóa thành một giai điệu âm nhạc, nó mộc mạc như chính con người Hà Tĩnh, nó có thể dùng chung cho cả chủ thể và khách thể đã thành một câu hát, một dấu ấn không thể nào quên. Hà Tĩnh với các nhạc sĩ cả nước và các nhạc sĩ cả nước với Hà Tĩnh quả là một "Nhân duyên" lớn./.

Ngọc Thịnh

____________________

(*)Lời ca trong ca khúc "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" của Nguyễn Văn Tý.

 

. . . . .
Loading the player...