20-07-2018 - 13:13

Hội thảo Khoa học 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc: Giá trị lịch sử và hiện thực

Sáng ngày 20/7/2018, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Nhân dân, Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối hợp tổ chức hội thảo Khoa học “50 năm Chiến thắng Đồng Lộc: Giá trị lịch sử và hiện thực” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ðồng Lộc (24-7-1968 - 24-7-2018).

          Tham dự hội thảo có có GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lương; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Phan Huy Hiền; Phó GS Phan Xuân Biên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; TS Nguyễn Cao Vãng - Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam; Đại tá Lê Thành Tài - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và đại diện lãnh đạo một số hội, đoàn thể trung ương. Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể địa phương. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn và Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Phan Huy Hiền chủ trì hội thảo .

           Phát biểu tại hội thảo khoa học, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định : “Chiến thắng Ðồng Lộc cho thấy chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng bộ Hà Tĩnh đối với mặt trận giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là sự vinh danh những đóng góp, hy sinh to lớn của quân và dân ta tại Ngã ba Ðồng Lộc, là biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam anh hùng đồng thời phát huy những bài học, kinh nghiệm quý báu, những giá trị cao quý và ý nghĩa lịch sử to lớn của Chiến thắng Ðồng Lộc.”

         Hội thảo đã tiếp nhận 34 tham luận khoa học, trong đó có 10 tham luận  được trình bày trực tiếp đã làm rõ và khẳng định nhiều nội dung quan trọng. Các tham luận đã phân tích rõ vai trò, sự đóng góp của lực lượng TNXP, dân quân tự vệ, bộ đội phòng không, nữ chiến sỹ Trường Sơn, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương… đã góp phần làm nên chiến thắng huyền thoại tại Ngã Ba Đồng Lộc nói riêng và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung. Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Cựu chiến binh Trung đoàn Phòng không 210PGS, TS Đào Duy Quát trong bài tham luận “50 năm Chiến thắng Đồng Lộc: Giá trị lịch sử và hiện thực” chỉ ra rằng “Để phát huy ý nghĩa của chiến thắng Đồng Lộc trong thời kỳ mới - thời kỳ đổi mới toàn diện đồng bộ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; cần tổng kết một cách khoa học và hiệu quả việc hình thành và phát triển hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước nói chung và trong thế hệ những con người làm nên chiến thắng Đồng Lộc nói riêng để có đầy đủ quyết tâm chính trị, cơ sở khoa học thực tiễn, để thực hiện có hiệu quả chiến lược xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.”

         Bà Nguyễn Thị Tuyết với bài tham luận " Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc- biểu tượng chủ nghĩa cách mạng của phụ nữ Việt Nam":những chiến sĩ dũng cảm hy sinh tại Ngã ba  Đồng Lộc là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những tấm gương liệt nữ đó không chỉ trong cuộc chiến tranh ái quốc mà còn sáng mãi muôn đời để nhân dân ta; nhất là thế hệ trẻ noi theo; cố gắng phấn đấu; viết tiếp trường ca của các chị, xây dựng đất nước thịnh vượng, giữ gìn hoà bình trên mảnh đất Việt Nam với tâm thế vững vàng


       Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Thị Tám với bài tham luận " Hồi ức tuổi trẻ nơi toạ độ lửa Ngã ba Đồng Lộc" mong muốn ngày càng nhiều hơn các nghĩa cử cao đẹp, hành động tri ân cho những người đang hàng ngày chịu nỗi đau vì thân thể không lành lặn; những người một thời không hề nghĩ cho mình mà chỉ một lòng vì sự nghiệp thống nhất đất nước đồng thời hi vọng thế hệ trẻ luôn sống xứng đáng với sự hi sinh, cống hiến của cha anh; làm sống dậy mạnh mẽ tinh thần cách mạng quê hương Hà Tĩnh; dương cao ngọn cờ Đoàn, cờ Đảng cùng đất nước, quê hương tiến lên giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như mục tiêu Đảng đề ra.


         PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà trong tham luận " Ý nghĩa, tầm vóc của chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc"  nhấn mạnh Chiến thắng Ngã Ba Đồng Lộc góp phần làm thất bại âm mưu cắt  đứt con đường vận chuyển Bắc - Nam; ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam của đế quốc Mỹ; là điển hình của cuộc chiến tranh nhân dân, biểu tượng cao đẹp củ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay noi theo.


         Tại hội thảo, Anh hùng LLVTND Uông Xuân Lý chia sẻ những câu chuyện về một thời máu lửa chiến tranh ác liệt; về những người đồng đội đã ngã xuống vì lý tưởng cao đẹp của đất nước.


       Đại tá, Th.S Nguyễn Trọng Thắng với tham luận " Sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương làm nên chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước" khẳng định quá trình chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải ở Ngã Ba Đồng Lộc còn có sự đóng góp rất lớn của nhân dân và lực lượng DQDK xã Đồng Lộc cùng các xã vùng lân cận; vùng đất Ngã ba huyền thoại đi vào lịch sử dân tộc như bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá, ý chí kiên cường bất chấp, dũng cảm, mưu lược của quân và dân ta để giữ vững mạch máu giao thông, chi viện tiền tuyến, góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.


       Kết luận tại hội thảo, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn chúc mừng hội thảo khoa học "50 năm Chiến thắng Đồng Lộc - Giá trị lịch sử và hiện thực" đã thành công và thu được kết quả tốt đẹp và khẳng định đây là một hoạt động khơi nguồn và phát huy các giá trị lịch sử, vừa là để tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, nuôi dưỡng truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.


Linh Châu

. . . . .
Loading the player...