18-11-2017 - 15:58

Hồi ức " Nhớ trường xưa" của tác giả Đậu Văn Côi

Kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, trân trọng giới thiệu hồi ức của Th.s Đậu Văn Côi, quê Cẩm Xuyên, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, hiện là Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Ban Kinh tế Trung ương viết nhân kỷ niệm 70 năm thành lập trường THCS Đại Thành, huyện Cẩm Xuyên.

NHỚ TRƯỜNG XƯA     

     

( Th.s Đậu Văn Côi- nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, cựu học sinh trường THCS Đại Thành, Cẩm Xuyên)    

       Tôi thật xúc động khi nghe thầy Trần Xuân Toàn, Hiệu trưởng trường Đại Thành điện mời về dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường. Điều đặc biệt, thầy Toàn là giáo viên Chủ nhiệm và trực tiếp dạy Văn tôi lớp Bảy và bây giờ lại về làm Hiệu trưởng nhà trường. Bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ về ngôi trường xưa, về tình cảm thầy, cô, bạn bè cứ ùa về, rõ mồn một và xao xuyến trong tôi sau bao năm đi xa quê hương, đất nước…

       Trường Đại Thành hồi tôi học gọi là trường cấp I, II Cẩm Thành, thuộc xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Nghệ Tĩnh cũ. Trước trường là một dòng sông nhỏ, nước ngọt từ Kẻ Gỗ về, luôn xanh mát. Học sinh cấp I chúng tôi học buổi chiều nên mùa nắng khi nào cũng rủ nhau đi rất sớm, có khi 10 giờ sáng đã gọi nhau đi học để lên tắm sông. Chúng tôi tắm ở đoạn đối diện cửa trường là đoạn cạn, bãi sông xoãi sâu dần sang bên cánh đồng hữu ngạn thì nước cũng chỉ đến cổ. Xuôi dòng hơn trăm mét, chỗ khúc quanh của con sông là vực sâu, không mấy đứa dám bén mảng xuống đó. Trên bờ vực phía tả ngạn là một cây đa cổ thụ rất xanh tươi, rợp bóng râm và gió mát. Hầu hết chúng tôi đều cởi bỏ quần áo trên bờ, rồi nhảy ào xuống nước tắm thỏa thích. Lạ là, suốt mấy năm trời tuổi thơ như vậy chúng tôi chưa khi nào nghe người lớn, cha mẹ hay thầy cô nào rầy la, nhắc nhở là đừng tắm sông hoặc cấm đoán gì cả! Hồi đó, người lớn coi bọn trẻ con tắm sông, tắm ao, hồ, tập bơi, nhảy nước là chuyện đương nhiên của bọn con nít…Lặn ngụp chán, nghe tiếng trống trường kéo dài là chúng tôi hò nhau lên bờ mặc quần áo, ôm sách vở ướt lướt thướt chạy vào lớp và… học bài. Ôi, không biết học được mấy chữ chứ chỉ nghe mát rượi, khỏe và vui niềm vui của tuổi học trò thì nhớ mãi…Đã lâu lắm rồi, dễ đến hơn một phần tư thế kỷ tôi không có dịp tắm lại trên dòng sông ấy!. Nhớ câu của triết gia Hê-ra-clit: “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Dòng sông xưa còn nhưng nước sông luôn chảy mãi và nước sông xưa tôi tắm cùng tuổi thơ tôi đã xuôi về nơi  biển cả mênh mông…

         

         Giờ ra chơi của chúng tôi rất dài, chúng tôi chạy nhảy, chơi trò đánh trận giả chán chê, đến một hồi trống kéo dài là vào học tiếp. Đứa nào đứa nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại, áo quần bung cúc, phanh bụng, phanh ngực ra mà nghe thầy cô giảng…chữ nghĩa mông lung, bay theo gió chiều trên đồng lúa, mong hết giờ thầy cho về để ăn cơm vì đã đói bụng. Tiếng trống trường kéo một hồi dài như phần thưởng quý giá của học trò. Tất cả bung ra, không có lệ chào thầy cô như giờ mà chạy thục mạng từng bầy, đổ ra cổng trường, theo từng con đường đất, băng ra đồng lúa, lên đường đê để về với mẹ, với nhà…Người lớn đang làm đồng, cắt cỏ thấy từng đoàn học sinh trên cánh đồng là gọi nhau í ới:“Thôi, thôi, học sinh đi học đã về rồi, phải mau về nấu cho con ăn!”. Mỗi người đều rời công việc, về với con, đoàn tụ gia đình buổi tối…Thời đó dù nghèo nhưng nhớ lại cuộc sống vẫn bình yên biết bao!

      Trong các thầy cô, tôi nhớ nhất là thầy Toàn trẻ trung mới ra trường, đẹp trai, dạy Văn, làm Chủ nhiệm. Thầy giảng bài thật say sưa, nói không biết mệt mỏi. Chữ thầy rất đẹp. Mối khi lên lớp, thầy trình bày trên bảng như một niềm say mê yêu thích, chứ không chỉ thuần túy trách nhiệm. Tôi nhớ, đến năm lên lớp 7, nhà trường có chủ trương thành lập lớp chuyên 7A, sau cải cách giáo dục gọi thành lớp 8A. Tôi được chuyển sang lớp A này nhưng tôi không đi. Lí do thật đơn giản là tôi quen học lớp B và gắn bó với bạn bè tôi từ hồi cấp I lên. Nay phải xa bạn, xa lớp, xa thầy cô tôi không đành. Tôi quyết định lì ra, chỉ sang được một hôm là tôi lại quay về lớp cũ, không đi nữa! Sau khi vận động, thuyết phục mãi không được, có lần tôi bị đuổi ra khỏi lớp. Tôi khóc. Thầy Toàn cũng rơm rớm nước mắt. Thầy to tiếng đấu tranh, tôi còn nhớ mồn một: “Tôi thấy không công bằng, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương nhưng em nó đã không chịu đi thì thôi, tùy nó chứ! Cứ bắt ép căng thẳng làm gì, vừa vi phạm quyền học sinh và cũng ảnh hưởng đến giờ dạy của tôi và của lớp tôi…”. Có lẽ vì tôi mà các thầy có ý kiến hơi căng thẳng với nhau, thật buồn. Tuy nhiên, sau đó các thầy bàn thống nhất sao mà không thấy bắt tôi phải sang lớp chọn nữa…

       Tôi nhớ cô Hạnh dạy Văn, Chủ nhiệm lớp 5, cô Viện dạy Sử và Chủ nhiệm lớp 6, cô Đào dạy lớp 3, cô Cảnh dạy lớp 4 rồi cô Lục thay dạy lớp 4. Trước đó, ở cấp I, tôi nhớ cô Hoan dạy cả lớp 1 và lớp 2 ở lán xóm Làng Cần. Hồi đó, tôi mới vào học lớp 1 được vài tháng thì nghe cô nói có Phòng Giáo dục về kiểm tra để chọn triển lãm vở sạch, chữ đẹp. Chúng tôi rất hồi hộp và chuẩn bị. Số là những ngày đầu vào lớp 1 tôi vẫn không biết chuyển sang viết chữ nhỏ (một ô ly) mà tôi vẫn giữ viết cỡ to như vở lòng (4 ô ly). Sau vài trang, cô phát hiện ra và nhắc tôi viết xuống chữ nhỏ thì tôi viết khá đẹp. Khi Phòng về, cô gọi 4 bạn có chữ đẹp lên hàng đầu là bạn Thu, Tần, Thành và tôi, bày sách vở ra. Các thầy cô ở Phòng vào giở vở chúng tôi ra, qua của ba bạn đầu thì có vẻ gật gật, đến tôi, khi giở trang đầu tiên ra thì tất cả cười ồ! Thấy “chữ gà mạ” to quá! Giở trang thứ hai thì cười to hơn…rồi thôi. Có cô còn nói: “Thế này mà triển lãm chữ đẹp!”. Tôi xấu hổ và vẫn tiếc sao thầy cô không giở tiếp đến trang sau? Mình viết đẹp mà! Từ đó, tôi luôn luôn chú ý rèn luyện nét chữ đẹp. Tôi luyện miệt mài, say mê đến sau này và chữ tôi cũng thuộc dạng…đẹp!

         Tác giả Đậu Văn Côi cùng  Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

        Tôi nhớ, các thầy cô đều rất hiền, thương học trò nghèo khổ và chính các thầy cô cũng đều vất vả như bao giáo viên cấp I, cấp II ngày ấy. Ngoài đi dạy, các cô thầy đều phải xin ruộng hợp tác xã để làm thêm, kiếm đủ gạo cho gia đình. Đồng lương giáo viên lúc đó tôi còn nhỏ không biết nhưng chắc không thể đủ ăn nhưng thầy cô nào cũng rất yêu nghề, yêu trò và tận tâm dạy dỗ học sinh. Tôi nhớ có thầy Hợi dạy toán chúng tôi lớp 5, lớp 6 và có cả lớp 7, dáng người thâm thấp, rất hiền. Thầy thường nói như van lơn chúng tôi: “Các em không nhớ được nhiều thì cố gắng nhớ cho thầy chừng này…chừng này thôi! Thầy gạch lên bảng phần thầy đã giảng đi, giảng lại. Khi kiểm tra các em nhớ cố gắng cho được 5 điểm. Đói thế này, rét thế này thì 5 điểm là giỏi rồi, được nữa thì càng giỏi, các con nhé!…”. Chúng tôi rất xúc động nghe lời thầy và khi kiểm tra, thi chúng tôi cũng chỉ làm được 4,5 - 5 điểm như lời Thầy dặn mà thôi! Sau này, đọc cuốn “Người thầy đầu tiên”của nhà văn Ai-ma-tốp, tôi mới hiểu sâu sắc: Làm người thầy giáo, cô giáo, điều đầu tiên là tấm lòng, tấm lòng vì học sinh là quyết định. Học sinh sau bao năm vẫn nhớ thầy cô là nhớ tấm lòng, nhớ tình cảm thầy cô giành cho mình là trước hết!

       Lên cấp II, do đã lớn, đỡ đần công việc gia đình, tham gia sản xuất nên chúng tôi bận rộn hơn. Học xong là lo về để đi cấy, đi gặt…Theo đó, kỷ niệm tuổi thơ, kỷ niệm thời học sinh cũng ít dần. Hơn nữa, chúng tôi còn phấn đấu học để thi lên cấp III, và tôi đã thi đậu cấp III phổ thông Cẩm Bình với số điểm cao. Nhiều thầy cô biết chuyện vẫn khen mãi. Các thầy cô coi đó như một thành tích giảng dạy của mình…

Trường THCS Đại Thành, Cẩm Xuyên hiện nay

      Sau này, nhớ lời thầy cô dặn, tôi luôn cố gắng học hành và thi đậu vào Đại học Sư phạm Vinh, thỏa mãn ước mơ trở thành một thầy giáo đứng lớp, dìu dắt những em bé thơ ngây đi xây dựng ngày mai như tôi hằng mơ ước thủa còn cắp sách đến trường. Lẽ dĩ nhiên, các thầy cô trường Cẩm Thành là niềm tin, là động lực lớn nhất của tôi trên con đường phấn đấu biến ước mơ thành hiện thực và tôi coi thành tích đó như một món quà tri ân đến thầy cô đã yêu mến, tận tâm dạy dỗ mình. Đã hơn 40 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi trường tôi, lớp tôi và các thầy, các cô ngày ấy. Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường, càng thấy tình cảm dâng tràn, không bao giờ phai nhạt bởi thời gian…  Xin cám ơn các Thầy, các Cô và các bạn thật nhiều!

                                                            Hà Nội,  tháng 11/2017

Đ. V. C

 

. . . . .
Loading the player...