26-10-2019 - 00:43

Hương Sơn: Trải nghiệm cùng nhóm thợ ngược ngàn săn ong rừng về nuôi

Hàng năm, cứ đến tiết trời Thu phân (23 đến 24/9 dương lịch), nhóm “thợ săn” sống tại vùng thượng Hương Sơn cùng nhau ngược lên rừng để săn ong. Đây là thời điểm thời tiết từ mát mẻ chuyển sang lạnh nên loài ong mật sống tự nhiên trong những cánh rừng sâu bắt đầu chuyến hành trình di cư để tìm chỗ trú đông tránh rét cho cả đàn. Đây là thời điểm để các nhóm thợ săn thường kéo nhau đi bắt “ong sứ” về bán hoặc thuần hóa đàn ong để lấy mật.

        Nghề săn ong cũng có nhiều niềm vui, nỗi buồn lẫn lộn. Thường người thợ bắt ong phải có tính kiên nhẫn rất cao, có nhiều trải nghiệm trong thực tế thì mới phát hiện được con ong sứ đang bay lượn xung quanh bìa rừng hay trên các cột điện dọc đường để “tiền trạm” làm tổ.

        Sau khi quan sát, nếu thấy không gian và địa điểm đó thích nghi để làm tổ thì “ong sứ” mới ra tín hiệu cho cả đàn kéo đến. Lúc này, người thợ chỉ việc tìm và bắt cho được “ong chúa” thì cả đàn ong (hàng ngàn con) sẽ bám vào tổ của người thợ mang sẵn để cùng về nơi ở mới. Nếu không xem như ngày đó thợ săn ong sẽ bỏ cuộc trở về với bàn tay trắng!

         Theo chân nhóm “thợ săn” ong mật.

        Vào một ngày cuối thu, tôi theo chân cùng nhóm thợ ngược ngàn đi săn “ong sứ”. Trong nhóm thợ săn có nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau, có người thì nông dân lao động, có người trước đây là cán bộ công nhân viên chức, bộ đội về nghỉ hưu… Có người đi bắt ong chủ yếu làm thú vui để trải nghiệm và hòa mình vào thế giới thiên nhiên. Nhưng có người xem đó là cái nghề mưu sinh để cải thiện cuộc sống gia đình. 

       

Những người thợ săn ong tìm kiếm "ong sứ" từ trong rừng bay ra làm tổ trú đông

        Muốn đi bắt “ong sứ” người thợ phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị phương tiện (chủ yếu là xe gắn máy) cùng với bộ đồ nghề là cái vợt bằng vải màn, vài ba cái chang (tổ mồi) mang theo một chuyến đi.

Dụng cụ để săn "ong sứ"

        Dọc theo tuyến đường Quốc lộ 8A, các thợ săn từ các xã Sơn Diệm, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Kim sẽ gặp nhau và tạo thành nhóm khoảng 20 người, rong ruổi dọc đường. Khi ánh nắng mặt trời bừng sáng, sương trên cành cây, ngọn cỏ tan ra thì các nhóm thợ dừng chân tại đỉnh đèo thuộc đồi chè Sơn Kim 2 và chia nhau 2-3 người một tốp, tản ra các khu vực, bắt đầu cuộc săn tìm “ong sứ” đi làm tổ trú đông cho cả đàn. Khi phát hiện thấy “ong sứ”, người thợ nhanh chóng dùng vợt để bắt, khéo léo đưa “ong sứ” vào các tổ ong mồi treo sẵn, rồi nhốt kín trong vòng 1-2 phút sau đó mới mở cửa để ong “sứ” quan sát. Nếu thấy thích nghi cho việc xây tổ thì “ong sứ” sẽ bay đi gọi cả đàn bay về trú ngụ trong tổ mồi.

          Tổ ong mồi rất quan trọng cho việc dụ dỗ đàn ong bay về làm tổ.

       Tổ ong mồi được người dân làm bằng loại gỗ mít, có hình thù hơi cong cong, dài khoảng 50-60 cm, rồi đục rỗng ở giữa, hai đầu bịt kín và khoét một cái cửa nhỏ ở giữa tổ. Trước khi đi săn “ong sứ”, người thợ  phải lấy một ít mật ong nguyên chất quệt lên trên thành tổ để tạo mùi hấp dẫn thu hút đàn ong. Khi đến địa điểm “ong sứ” xuất hiện, người thợ săn nhanh chóng treo tổ mồi lên khu vực xung quanh để nhử ong sứ bay vào tổ.

Bìa rừng hay những vườn cây rậm rạp là địa điểm ưa thích của loài ong làm tổ

 

Người thợ dùng vợt để bắt "ong sứ" cho vào tổ mồi

        Từ khi “ong sứ” bị bắt đưa vào tổ mồi đến hết đợt ong liên tiếp bay đến gọi là quá trình ong thăm. Đây là thời điểm mà người thợ săn ong hết sức lo lắng, hồi hộp. Bởi từ lúc “ong sứ” rời tổ mồi bay đi sẽ có 2 khả năng xảy ra, một là con “ong sứ” đó sẽ bay đi chỗ khác làm tổ hoặc nó sẽ gọi cả đàn về. Nếu đợi từ 3 đến 7 phút không thấy đàn ong trở lại xem như là thất bại, người thợ phải đi tìm con khác làm lại từ đầu. Cùng đi săn ong nhưng không phải ai cũng gặp may bắt được ong mang về mà còn phụ thuộc cái duyên của mỗi người.

 

Những tổ ong mồi được các thợ săn đặt nhiều nơi, ngụy trang dụ đàn ong về làm tổ

        Sau khi đàn ong vào hết trong tổ, người thợ sẽ lấy giấy hoặc lá cây bịt lỗ lại rồi mang về nhà. Khi về đến nhà, người thợ bắt đầu quy trình san ong chia đàn vừa bắt được sang một tổ ong nuôi rộng lớn hơn. Từ đây đàn ong bắt đầu quá trình sinh trưởng, sau thời gian 2 - 3 tháng khi đến mùa hoa nở rộ sẽ cho những tổ ong một màu vàng chín mọng, thơm lừng. Làm nghề nuôi và săn ong rừng về thuần hóa mới biết được ong là loài rất tinh khôn, nhạy cảm với thời tiết, môi trường. Ong có tính kỷ luật rất cao, các con ong thợ làm việc rất tự giác và chăm chỉ. Tình từ đầu mùa đến nay, nhóm thợ săn “ong sứ” đã bắt được hàng trăm đàn ong từ rừng sâu bay ra.

        Theo ông Phạm Văn Tình cho biết: Nghề săn “ong sứ” là một nghề rất độc đáo ở huyện miền núi Hương Sơn, công việc vừa nhẹ nhàng vừa tranh thủ thời gian nhàn rỗi, lại được ngắm cảnh núi non bao la hùng vỹ, vốn đầu tư ít nhưng lại vừa cho thu nhập tương đối cao. Bình quân mỗi đàn ong có giá dao động từ 300 đến 700 ngàn đồng trên ngày nên nhiều người trở nên nhiều người muốn được trải nghiệm vào nghề thợ săn “ong sứ”.

                                                                                          Minh Lý

. . . . .
Loading the player...