11-10-2017 - 08:28

Khai mạc trưng bày chuyên đề Ánh sáng từ Đường kách mệnh

Kỷ niệm 90 năm ngày ra đời tác phẩm Đường kách mệnh của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (1927-2017), sáng 10/10, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 2 Tôn Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội) khai mạc trưng bày chuyên đề "Ánh sáng từ Đường kách mệnh".

Trang 1 tác phẩm "Đường kách mệnh"

Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 90 năm xuất bản cuốn sách “Đường kách mệnh” (1927-2017) – bảo vật quốc gia của Việt Nam. 

"Đường kách mệnh" là cuốn sách tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc dùng để đào tạo những cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Đây được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, có giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam. Thông qua "Đường kách mệnh", Nguyễn Ái Quốc đã trình bày những điều cốt lõi của học thuyết Marx-Lenin và phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam một cách dễ hiểu nhất.

"Đường kách mệnh" được xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu dưới dạng in thạch. Những bản in đầu tiên đó được bí mật chuyển về Việt Nam từ trước năm 1930.

Cuốn sách "Đường kách mệnh" đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những bản gốc in năm 1927, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012. Đây cũng là cuốn Đường kách mệnh gốc duy nhất còn lại đến nay, gồm 100 trang in thạch trên giấy nến, kích thước 22x15cm, trang bìa lót có kích thước 15x20cm.

Hành trình cuốn sách này là câu chuyện thú vị, khi có một tờ trình viết chữ Nôm bằng mực sơn kể về việc thu được cuốn sách: "Tên con là Phó lý Nguyễn Văn Tôn, xã Hạ Trường, xin nộp quan huyện Thanh Hà quyển sách này. Con xin làm đơn trình sau. Bảo Đại năm thứ 5, ngày 29 tháng hai". Tờ trình có chữ ký của phó lý Nguyễn Văn Tôn và dấu của tri huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương).

Theo tờ trình này, ngày 28/3/1930 (ngày 29 tháng hai năm Bảo Đại thứ 5), phó lý xã Hạ Trường bắt được cuốn sách "cấm" tại nơi cư trú và nộp "tang vật" kèm theo tờ trình. Từ Hải Dương, cuốn sách được đưa vào hồ sơ sách cấm và được đưa về tòa án tối cao của thực dân Pháp ở Hà Nội lưu giữ.

Sau khi ta tiếp quản thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hoan - một lão thành cách mạng làm việc ở Tòa án tối cao, trong quá trình sắp xếp lại tư liệu đã phát hiện ra cuốn "Đường kách mệnh" của Nguyễn Ái Quốc và sau đó đã chuyển cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Cuốn "Đường kách mệnh" tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là một trong những tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn cách mạng.

Dưới ánh sáng của “Đường kách mệnh”, lớp học trò đầu tiên đã về nước hoạt động cùng Người chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, lãnh đạo tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.

Ngoài cuốn “Đường kách mệnh” trưng bày chuyên đề còn hơn 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh quý về cách mạng được Việt Nam được giới thiệu đến công chúng trong triển lãm này.

Thông qua những hiện vật này, Ban Tổ chức mong muốn giới thiệu đến công chúng giá trị và ý nghĩa lớn lao của tác phẩm “Đường Kách mệnh”, đóng góp của một thế hệ cách mạng - những “hạt giống đỏ” đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “ươm mầm và gieo trồng”. Thông qua đó, giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết thêm về tầm nhìn, sự vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng cống hiến của lớp thanh niên trong những năm tháng đầu tiên của cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về lịch sử dân tộc, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, dựng xây đất nước.

Phần đầu tiên trưng bày các hiện vật, tài liệu phác họa phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Trong bối cảnh lịch sử đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong quá trình tìm đường cứu dân, cứu nước, hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, công nhân quốc tế đã tìm thấy con đường giải phóng đúng đắn cho nhân dân lao động, toàn thể dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam thoát khỏi sự khủng hoảng về con đường cứu nước. Đó là:"Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".

Từ năm 1919 - 1927, trong các thư từ, báo cáo, bài báo, bài giảng của Nguyễn Ái Quốc, nhất là cuốn "Đường Kách mệnh", Người đã phác họa đường hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam, hướng dẫn nhân dân ta con đường, cách thức tiến hành đấu tranh để đi tới độc lập, tự do và công bằng xã hội; con đường đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với đấu tranh giải phóng những người cần lao bị áp bức.

Phần tiếp theo trưng bày giới thiệu các hiện vật, hình ảnh, tài liệu về những “hạt giống đỏ” -  thanh niên yêu nước được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện, dìu dắt.

Đó là lớp người cùng Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng dân tộc đấu tranh gian khổ, hy sinh để chuẩn bị và tiến hành thắng lợi Tổng khởi nghĩa tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc.

Kết thúc trưng bày là một số đánh giá về giá trị của “Đường Kách mệnh”, các tư tưởng mang ánh sáng mới trong tác phẩm, tư tưởng đã đặt nền tảng cho các cương lĩnh đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng xã hội mới của Đảng ta từ những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước đến nay. Những tư tưởng đó đã được Đảng bổ sung, phát triển trong tiến trình cách mạng để lãnh đạo dân tộc hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ, bước đầu tạo lập những thành tựu to lớn sau 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới…

Trưng bày chuyên đề "Ánh sáng từ Đường Kách mệnh” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia dự kiến kéo dài trong 3 tháng.

Theo baochinhphu.vn

. . . . .
Loading the player...