Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Ất Tỵ (221+222) tháng 1-2/2025 trân trọng giới thiệu bài viết “Khu kinh tế, khu công nghiệp Hà Tĩnh - Bứt phá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của đồng chí Lê Trung Phước - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
Đồng chí Lê Trung Phước
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh nói riêng và đối với toàn tỉnh nói chung nhằm tăng tốc, bứt phá thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025). Năm qua vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách đặt ra cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, như đặc thù công tác quản lý nhà nước trên địa bàn trải rộng toàn tỉnh, thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện đi lại không thuận lợi, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và thu hút đầu tư, trong khi đó số lượng cán bộ, công chức vẫn còn thiếu nhiều so với biên chế được giao, một khối lượng tồn đọng, vướng mắc kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án và môi trường đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương và hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao, tập trung quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực với tinh thần “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Qua những nỗ lực không ngừng nghỉ, kết quả đạt được trong năm qua được thể hiện trên một số lĩnh vực chính như sau:
Khu kinh tế Vũng Áng. Ảnh: PV
Trong công tác quy hoạch, Ban Quản lý đã chủ động tham mưu UBND tỉnh tổ chức lập, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng trong khu kinh tế, khu công nghiệp để cụ thể hóa phương án phát triển đã nêu trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, như: Công tác lập đề cương nhiệm vụ, chuẩn bị lập Đề án mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng; điều chỉnh Quy hoạch KCN Gia Lách, lập Quy hoạch KCN Gia Lách mở rộng; KCN Bắc Hồng Lĩnh; KCN Hạ Vàng tại huyện Can Lộc; KCN Kỳ Kinh, Kỳ Trinh tại thị xã Kỳ Anh; KCN phía Tây thành phố Hà Tĩnh tại huyện Thạch Hà. Từ các quy hoạch đã phê duyệt, trong năm 2024, có 02 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp mới đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư là KCN Vinhomes Vũng Áng (964,84 ha) và KCN Gia Lách mở rộng (194,36 ha). Đây là những bước đi quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện mạng lưới các khu công nghiệp trong toàn tỉnh, cùng với 02 khu kinh tế để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư các dự án công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển trong Quy hoạch tỉnh.
Trong công tác thu hút và quản lý đầu tư, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong năm 2024 đã thu hút mới 12 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 24.215 tỷ đồng. Trong đó, những dự án lớn như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng (13.276 tỷ đồng), Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng (2.265 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất ô tô điện (7.300 tỷ đồng). Đây là những dự án nền tảng, có ý nghĩa động lực trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh nhà, tạo cơ sở và tiền đề vững chắc trong thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. Các khó khăn, vướng mắc được tập trung giải quyết, tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh: Nhà máy Nhiệt điện II đã tiến hành chạy thử và chuẩn bị vận hành thương mại trong năm 2025; Nhà máy Cell Pin V-G đã hoàn thành công tác xây dựng; Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà của Tập đoàn VSIP đã chính thức khởi công; các vướng mắc về thủ tục pháp lý tại Khu công nghiệp Phú Vinh và Khu công nghiệp Hoành Sơn đã được Trung ương giải quyết…
Song song với việc thu hút đầu tư, Ban Quản lý thường xuyên rà soát các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm quy định để kiên quyết xử lý dứt điểm. Trong năm 2024, Ban Quản lý đã chấm dứt hoạt động của 11 dự án trong các khu kinh tế, khu công nghiệp (toàn tỉnh chấm dứt 15 dự án đầu tư); lũy kế đến nay đã chấm dứt 83 dự án nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về đầu tư trên địa bàn, xây dựng môi trường đầu tư công bằng, lành mạnh, hạn chế tối đa việc lãng phí các nguồn lực xã hội. Tính đến nay, các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh có 194 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó Khu kinh tế Vũng Áng có 150 dự án với tổng vốn đầu tư quy đổi trên 450.000 tỷ đồng, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có 28 dự án với tổng vốn đầu tư quy đổi trên 2.100 tỷ đồng, các khu công nghiệp Gia Lách, Gia Lách mở rộng, Bắc Thạch Hà có 16 dự án với tổng vốn đầu tư trên 5.400 tỷ đồng. Hoạt động của các dự án đầu tư đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết nhu cầu lao động và tăng thu ngân sách trên địa bàn. Thu ngân sách nhà nước năm 2024 của các khu kinh tế, khu công nghiệp ước đạt 10.000 tỷ đồng, đóng góp 56% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường, năm 2024, Ban Quản lý đã giao đất, cho thuê đất đối với 07 dự án với tổng diện tích 5,2 ha, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên và môi trường trên địa bàn. Ban Quản lý thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong việc giám sát tiến độ sử dụng đất của các dự án đầu tư, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm như Formosa Hà Tĩnh, Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Vũng Áng 2; kiên quyết tham mưu xử lý các dự án sử dụng đất chậm tiến độ, có nguy cơ gây lãng phí. Đồng thời, phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi các dự án. Đến nay, các vướng mắc trong công tác bồi thường từng bước được tháo gỡ, bàn giao mặt bằng cho các dự án triển khai đúng tiến độ, phát huy hiệu quả tổng thể, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với các chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước.
Năm 2025 là năm cuối cùng để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh xác định cần phải tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thu hút đầu tư và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp để làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà. Để đạt được mục tiêu, kỳ vọng, trong thời gian tới, Ban Quản lý tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm, tăng cường xúc tiến và thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chuyên ngành gắn với phát triển các dự án thương mại dịch vụ, đô thị gắn với công nghiệp đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững, nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý hoạt động đầu tư, hoàn thiện các đề án, quy hoạch xây dựng liên quan để phát huy hiệu quả quỹ đất, từng bước đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu kinh tế, khu công nghiệp thông qua huy động nguồn vốn đầu tư công với các nguồn lực đầu tư của xã hội.
Với nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tin tưởng rằng năm 2025 sẽ là một năm thắng lợi của Hà Tĩnh nói chung và của các khu kinh tế, khu công nghiệp nói riêng./.
L.T.P