40 năm gắn bó với nghề đan lát, cuộc sống cũng có nhiều thăng trầm, buồn vui lẫn lộn. Để sống được với nghề này,trước tiên cần phải yêu nghề, chịu khó, kiên trì nâng cao tay nghề để cho ra nhiều sản phẩm đa dạng “bền, đẹp”đáp ứng nhu cầu sử dụng trên thị trường.
Thôn Thịnh Văn, xã Sơn Thịnh, nay là xã (An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh,xưa nay vốn dĩ nổi tiếng một thời với nghề thủ công mỹ nghệ, đan lát các loại rổ, rá, thúng, mủng, dần, tràng(sàng). Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề đan lát đã bị mai một bởi sự ra đời của các mặt hàng bằng nhựa với những công nghệ hiện đại.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nghề đan lát, thì các dịch vụ nhà hàng ăn uống trên thị trường đồng loạt ra đời, trong đó, đáng chú ý là món“đặc sản”dê thui Hương Sơn được thị trường ưa chuộng.Và cũng từ đây đã mở ra hướng làm ăn mới với nghề đan.
Vợ chồng ông Nguyễn Nguyệt trú tại thôn Phúc Thịnh, xã An Hòa Thịnh là một ví dụ.Vợ chồng ông duy trì và phát triển được nghề đan lát thủ công này nhờ biết tận dụng nguyên liệu “từ ruột nứa” tưởng chừng như đã bỏ đi. Ông bà phơi khô ,rồi đem buộc “bó” thành tầng bó to bằng nắm tay để bán cho các nhà hàng kinh doanh thịt dê thui, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
“Bình quân mỗi nắm đuốc (ruột nứa) có độ dài từ 1m50 đến 1m80, to bằng 2 nắm tay, gia đình tôi bán với giá 10 ngàn đồng. Muốn thịt dê thui có màu vàng óng, ăn vừa ngon lại vừa giòn thì chỉ có đuốc “ruột nứa” mới làm được chuyện đó vì thui bằng đuốc ruột nứa ít khói hơn. Nếu dùng nguyên cả cây nứa đập dập để thui thì khói đen sẽ bám vào da con dê,trông không đẹp,mà ăn cũng không ngon” . Bà Trần Thị Minh chia sẻ bí quyết.
Minh Lý
. . . . .