19-05-2025 - 07:31

Làm theo lời Bác có được “Rừng xanh, đồng xanh, dân yên”

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025). Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết Làm theo lời Bác có được “Rừng xanh, đồng xanh, dân yên” của tác giả Hoàng Duy

Trong những năm Hà Tĩnh đang tập trung xóa đói, giảm nghèo, bước đầu đạt được những kết quả thiết thực nhờ làm theo lời Bác Hồ căn dặn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm, khi ra về nắm chặt tay Bí thư Tỉnh ủy Đặng Duy Báu nói: “Tôi rất mừng xin tặng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy 6 chữ: Rừng xanh, đồng xanh, dân yên”.

Ở một tỉnh đất cằn, đá sỏi thiên tai bốn mùa hạn hán, lũ lụt, đời sống nhân dân nghèo khổ nhưng phải tìm cách phấn đấu để thực hiện được lời Bác Hồ mong muốn: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”. Đó là điều trăn trở của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh kể từ ngày Bác Hồ về thăm (năm 1957). Bác nói: “Hà Tĩnh phải ra sức đắp đê để chống lụt, phải đào mương để chống hạn, phải chủ động phòng chống hạn hán, lũ lụt”. Nghe lời Bác ngay cả khi trong chiến tranh, phải đương đầu với “mưa bom, bão đạn” Hà Tĩnh đã nổi lên “Phong trào thủy lợi Bồng Sơn”, “Một người làm việc bằng hai, vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”… và đã mang lại những kết quả thiết thực. Hàng loạt hồ đập tưới tiêu ra đời như hồ Vực Trống, hồ Bộc Nguyên, hồ Thượng Tuy, đập Cồn Tranh, hồ Khe Lang, hồ Cửa Thờ - Trại Tiểu… Ngay sau khi kết thúc chiến tranh bắt tay xây hồ Kẻ Gỗ với trữ lượng trên 350 triệu m3, tưới cho trên 15.000 ha ở hai huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà; hồ Sông Rác trữ lượng trên 100 triệu m3 tưới cho trên 4.000 ha huyện Kỳ Anh; hồ Xuân Hoa trữ lượng 14 triệu m3 tưới cho huyện Nghi Xuân, rồi đập Ngàn Trươi - Cẩm Trang trữ lượng trên 700 triệu m3 tưới cho cả vùng Bắc Hà Tĩnh. Cùng với việc nâng cấp đê La Giang, có thể nói đến nay Hà Tĩnh đã cơ bản giải quyết được hai vấn đề lớn là phòng chống được hạn hán và lũ lụt.

Ngày 15/6/1957, Bác Hồ và đoàn công tác Trung ương có chuyến thăm, nói chuyện với cán bộ và Nhân dân Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu

Bác căn dặn phong chống hạn hán, lũ lụt phải đi đôi với “tăng gia sản xuất, phải lo làm cho tốt vụ mùa, vụ bát, phải cố gắng sản xuất mọi mặt như hoa màu, chăn nuôi…”. Bác nói Hà Tĩnh muốn xóa nghèo thì phải lo trước tiên là sản xuất nông nghiệp, đa số dân là nông dân nên lo phát triển nông nghiệp là thiết thực, muốn phát triển kinh tế phải xây dựng công nghiệp, nhưng với Hà Tĩnh trước hết là phải khôi phục nông nghiệp làm được như vậy thì mới thiết thực làm cho nhân dân được no ấm, đó là phục vụ nhân dân”. Bác chỉ ra những điều rất cụ thể như là nông nghiệp muốn phát triển được thì phải tính “vùng đất nào trồng cây gì cho hợp, phải phát huy truyền thống và kinh nghiệm cha ông, nhưng phải đưa kỹ thuật vào, phải ra sức lao động, phải đổ mồ hôi ra”… Bác cho rằng “Sở dĩ năng suất còn thấp không phải do đất đai xấu mà do áp dụng khoa học kỹ thuật kém”. Bác chỉ ra rằng Hà Tĩnh là vùng đất hẹp, độ dốc lớn, mưa lũ xói mòn nên phải lo trồng cây, gây rừng “phải biết nhìn xa, lo trồng cây gây rừng, phải trồng cây nào sống cây ấy, phải lo bảo vệ rừng, không được chặt phá rừng bừa bãi”…

Lời Bác dạy là kim chỉ nam để cho Hà Tĩnh đề ra được những chủ trương thiết thực về phát triển nông nghiệp và đã mang lại những kết quả rất khả quan. Muốn xóa đói giảm nghèo thì phải tập trung phát triển nông nghiệp theo lời Bác dạy. Phải đi lên từ đất và người, phải quan tâm thay đổi tập quán bằng cách đưa khoa học kỹ thuật vào để tăng năng suất cây trồng. Tỉnh đã chủ trương “Chuyển đổi sử dụng ruộng đất nông nghiệp” (năm 2000) với hai nội dung chính là chuyển đổi mùa vụ và cây trồng, hình thành những vùng chuyên canh, thâm canh. Khi đã có nước thủy lợi và có giống mới quyết tâm chuyển vụ chiêm và vụ mười thành hai vụ mới, hè thu và đông xuân. Kết quả năng suất lúa tăng bình quân từ 2 - 3 tấn/ha/vụ lên 5 - 6 tấn/ha/vụ, đưa sản lượng lương thực từ 20 vạn tấn (năm 1991) lên trên 50 vạn tấn (năm 2005) và đến nay gần 60 vạn tấn. Hình thành nhiều vùng chuyên canh lúa và hoa màu ở Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên với năng suất lúa bình quân trên 6 tấn/ha/vụ. Vùng rừng đầu nguồn dọc Trường Sơn, ở Hương Sơn, Hương Khê, Cẩm Xuyên kết hợp khai thác với trồng và bảo vệ rừng. Vùng cây công nghiệp chủ yếu là cam, bưởi, cây cao su ở Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc… với bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, cam Thượng Can, cam bù Hương Sơn… Trồng và bảo vệ hàng ngàn ha rừng ở Hương Sơn hiện đã đạt tiêu chuẩn tín chỉ carbon quốc tế...

Đặc biệt Hà Tĩnh là tỉnh có chủ trương “Xây dựng nông thôn mới” đi trước cả nước. Manh nha từ cuối năm 90, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo huyện Đức Thọ thí điểm “Xây dựng nông thôn mới”. Yêu cầu Đức Thọ phải làm đổi mới được nông thôn mà trước mắt là tập trung xóa đói giảm nghèo. Từ kết quả ở Đức Thọ năm 2001 Ban Chấp hành Đảng bộ đã ra Nghị quyết 02-NQ/TU “Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm gắn với xây dựng nông thôn mới” với một bộ tiêu chí chung cho toàn tỉnh nhưng được vận dụng cụ thể vào từng địa phương từng vùng cho phù hợp. Nội dung cơ bản là đổi mới nông thôn từ nhà ra vườn, ra ngõ, ra đồng, ra thôn xóm, làng xã. Quyết tâm “xóa hết nhà tranh tre, dột nát”, đưa điện đưa đường nhựa, đường bê tông về khắp xã, xóm; kiên cố toàn bộ kênh mương tưới tiêu; kiên cố và ngói hóa toàn bộ trường học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông; tiến tới đưa nước sạch, làm nhà vệ sinh tự hoại cho mọi nhà… Tất cả đều với phương châm nhà nước và dân cùng làm,

Thật không ngờ chỉ sau hơn ba năm Hà Tĩnh đã xóa được gần 1 vạn nhà tranh tre dột nát, đưa điện về tận thôn, xóm; đã làm được trên 1500km đường nhựa về nông thôn, kiên cố hóa hầu hết kênh mương nội đồng khắp cả tỉnh… Bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh thực sự được đổi mới, hộ nghèo giảm từ 58% năm 1991 xuống còn dưới 10% năm 2003 (đến nay dưới 3%). Xuất hiện nhiều đơn vị đi đầu đạt kết quả toàn diện được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới như các xã: Gia Phố, Tùng Ảnh, Trường Sơn, Quang Lộc, Thiên Lộc, Cẩm Nam, Cương Gián; Lâm Trường Hương Sơn. Năm 2003 Thủ tướng Phan Văn Khải về thăm xã Gia Phố nhận xét: “Đây thực sự là nông thôn xã hội chủ nghĩa”. Vào cuối năm 2003 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt cùng với Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh xã hội Nguyễn Thị Hằng về dự hội nghị Tổng kết “Xóa nhà tranh tre dột nát”. Đồng chí Phạm Thế Duyệt nói: “Rút kinh nghiệm xóa nhà tranh tre dột nát ở Hà Tĩnh, Mặt trận Tổ quốc sẽ phát động cả nước làm nhà Đại đoàn kết”. Đầu năm 2004 Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm Hà Tĩnh khi về bản Rào Tre của đồng bào dân tộc Chứt, đồng chí đã nói: “Nhờ xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh đã cứu cho nhân loại một dân tộc khỏi bị diệt vong hơn thế còn mang lại đời sống mới cho đồng bào ở đây”. Khi làm việc với cốt cán của tỉnh Hà Tĩnh đồng chí Tổng Bí thư nói: “Trung ương sẽ rút kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh để có chủ trương về tam nông và xây dựng nông thôn mới cho cả nước”. Đến năm 2010 thì Trung ương có chủ trương Xây dựng nông thôn mới và đến nay từ kết quả Xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn nước ta đã thay đổi rõ rệt, góp phần quan trọng đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,9%. Hà Tĩnh đang phấn đấu thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025.

Kỷ niệm 135 năm sinh nhật (1890-2025) và 68 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hà Tĩnh (1957-2025), cần tiếp tục khắc sâu lời Bác dạy đưa Hà Tĩnh tiếp tục “nổi bật lên” đồng hành cùng cả nước tiến hành sự nghiệp đổi mới với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 thành nước phát triển thu nhập cao, vươn mình cùng thời đại, “sánh vai cùng với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ.

H.D

. . . . .
Loading the player...