Bị liệt một chân và teo cơ toàn thân lúc mới 5 tuổi, chỉ học hết lớp 7/10, nhưng sau gần 30 năm lão nông tật nguyền đó đã miệt mài gieo chữ, kèm cặp cho hàng ngàn học sinh chắp cánh ước mơ và đỗ đạt thành tài. Đó là ông Đặng Tiến Dũng, 65 tuổi, có biệt danh là Dũng “cà nhắc”ở thôn 5 Phúc Đồng, Hương Khê, Hà Tĩnh .
Từ một đứa bé bình thường nhưng chỉ sau một đêm sốt cao Dũng đã trở thành một kẻ tật nguyền nằm một chỗ. Bố mẹ Dũng đã chữa chạy khắp nơi kể cả đưa cậu ra bệnh viện 108 ở Hà Nội để chữa trị nhưng cũng không khỏi. Bị khuyết tật nhưng Dũng lại học rất giỏi, ham học và thông minh, nhưng do gia đình khó khăn nên chỉ học đến lớp 7/10 cậu đành nghỉ học.
Bị liệt một chân nhưng ông Dũng đã vượt lên số phận, mưu sinh với nhiều nghề như sửa chữa xe đạp, làm thợ mộc, thợ xây dựng...
Do gia đình khó khăn nên Đặng Tiến Dũng đã phải làm rất nhiều việc từ làm công tác Đoàn, thống kê cho xã đến bán tạp hóa, sữa xe đạp, xe máy, làm thợ mộc và cả thợ xây nặng nhọc để nuôi dạy 4 con trưởng thành. Trò chuyện với tôi,ông bật mí “ gần 30 năm tôi đã kèm cặp cho hàng ngàn em từ lớp 2 cho đến ôn thi đại học thành công, đỗ đạt, nhiều em thành tài nhưng tôi không cho các em gọi tôi là thầy mà chúng tôi xưng hô là ông, cháu cho gần gũi. Tôi cũng không nhận mình là thầy, tôi nghĩ mình biết một chữ thì dạy cho người biết nửa chữ, thế thôi. Sở dĩ tôi kèm cặp được các cháu chắc cũng là do trước đây hàng đêm tôi đã kèm các con học và đã học cùng chúng nó. Các con tôi đều học tốt, các cháu đều đỗ loại giỏi vào học các trường đại học. Bà con làng xóm thấy thế nên gửi con nhờ tôi dạy kèm. Tôi kèm con tôi học thế nào thì tôi kèm cặp các cháu học như thế, tất cả các cháu đến học với tôi đều có kết quả tốt. Sau khi tôi kèm cho một cháu ở xã Hòa Hải đậu THPT với số điểm khá cao thì số học sinh đến học ngày càng nhiều”.
Bươn chãi với rất nhiều nghề kiếm sống, nhưng cuối cùng ông lại chọn việc gieo chữ cho học sinh nghèo rốn lũ quê ông. Gần 30 năm nay ông đã kèm học, dạy chữ, bổ sung kiến thức cuộc sống cho hàng ngàn học sinh nghèo
Có nhiều đêm ông thức trắng đêm để tìm ra những lời giải hay nhất, dễ hiểu nhất để truyền thụ lại cho học sinh
Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ, tâm niệm của ông Dũng là còn sức khỏe, ông còn tiếp tục gieo chữ, trồng người,giúp học sinh nghèo chắp cánh ước mơ
Tiếng lành đồn xa, học sinh đến học với ông ngày càng đông, nhất là thời điểm ôn thi cuối kỳ,cuối cấp, học hè...ông phải chia nhiều ca/ngày, thậm chí phải mở thêm điểm học. Những em học sinh khó khăn ông không lấy tiền học phí, học sinh ở xa vợ chồng ông cho các cháu ở lại ăn ở cùng gia đình. Thậm chí ông còn bán cả trâu, bò để mua sắm bàn, ghế, bảng, quạt mát phục vụ học trò.
Ngoài lên lớp tập trung ông Dũng còn dành nhiều thời gian kềm cặp thêm những em học sinh hổng kiến thức,chưa hiểu bài...
Ông Dũng luôn nói với học trò rằng mình không phải là thầy mà chỉ đơn giản mình có biết hơn các em nên truyền thụ lại những điều đã biết cho các em mà thôi
Ông Dũng thường xuyên tạo cho học sinh tự tin chữa bài tập trên bảng!
Phút thư giãn của thầy trò sau tiết học căng thẳng bên khóm hoa trong vườn nhà ông Dũng.
Sau gần 30 năm gieo chữ, ông Dũng đã có hẳn một sập giấy khen, bằng khen của các cấp, trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những cống hiến của mình cho học sinh nghèo quê ông.
Tuy đã bỏ ngề nhiều năm nhưng những lúc học sinh bị hỏng xe, ông Dũng không nề hà vẫn nhiệt tình dùng tay nghề của mình giúp các em.
Điều ông mong mỏi nhất là trời thương cho ông khỏe mạnh để giúp các em học sinh nhiều hơn nữa, nhất là học sinh nghèo thắp sáng ước mơ của mình, học tập, tu dưỡng đạo đức tốt để sau này có ích cho quê hương, đất nước.
Đình Thông