Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 389/QĐ-BVHTTDL ngày 21/02/2024 về việc công bố danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Theo đó, Quyết định nêu rõ đưa vào vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia: Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hoá phi vật thể, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.
Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm
Được biết, Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm có lịch sử hình thành từ lâu đời. Căn cứ các bản sắc phong còn sót lại thì ít nhất Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm có từ thời Nguyễn, cách đây hàng trăm năm. Hiện Đền Đông Hải lưu giữ 02 sắc phong thời Nguyễn, năm Thành Thái thứ 6 (1894) và năm Khải Định thứ 9 (1924) giao cho trang Cam Lâm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) phụng thờ vị tôn thần Đông Hải Cự Ngư Linh Ứng Chi Thần hay Đông Hải Linh Ứng tôn thần.
Làng Cam Lâm thuộc xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gọi là trang Cam Lâm, tổng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay, làng Cam Lâm gồm 5 thôn: Lâm Hải, Lâm Phú, Lâm Hoa, Lâm Thinh và Lâm Vương. Đền Đông Hải, địa điểm chính diễn ra Lễ hội Cầu ngư làng Cam Lâm thuộc thôn Lâm Hoa. Làng Cam Lâm được hình thành từ lâu đời do ông Trần Cánh, Lê Công Toản và Nguyễn Nhật Tiến, làng Phú Lạp (xã Cổ Đạm) xin bãi cát hoang ven biển rồi chiêu dân lập ấp. Từ mảnh đất cằn nay trở thành vùng đánh cá sầm uất.
Nghề đánh cá gắn với tập tục lâu đời của miền quê biển. Tương truyền, một buổi sáng, dân làng Cam Lâm thấy trên bãi cát biển có bộ xương cá voi trôi dạt vào. Vì cá voi được coi là cá thần (Đông Hải Cự Ngư Linh Ứng Chi Thần), thường giúp ngư dân gặp nạn. Thuyền và người bị gặp nạn thì cá voi cứu giúp, nâng đẩy thuyền vào bờ. Công ơn ấy được con người tôn thành vị thần của biển cả cứu giúp ngư dân trên biển. Khi bị lụy vào bờ, cá voi được tổ chức lễ tang như người thân, ngư dân làng Cam Lâm tập đền thờ để thờ thần Đông Hải Cự Ngư (Thần cá voi Biển Đông).
Thời điểm tổ chức lễ hội chính lại diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) khi cá Ông đầu tiên lụy vào bờ biển làng Cam Lâm. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, với nghi thức phần lễ và phần nghệ thuật biểu diễn truyền thống - diễn xướng dân gian như trò Kiều, Dân ca Ví - Giặm, trò chơi dân gian đi cà kheo và các môn thể thao vật cổ truyền, đánh bóng chuyền bãi biển nam, nữ.
Lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm được xem là một sự kiện văn hóa tín ngưỡng quan trọng nhất của làng Cam Lâm và được cộng đồng cư dân rất quan tâm, chuẩn bị chu đáo trong hàng tháng trời trước khi lễ hội diễn ra nhằm tưởng nhớ, biết ơn vị tôn thần Đông Hải Cự Ngư (Cá lớn biển Đông) đã bảo hộ cho ngư dân đi biển. Đồng thời, lễ hội cũng biểu hiện sức mạnh của cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết trong sản xuất và chiến đấu; hướng con người trở về cội nguồn, về văn hóa, về dân tộc.
Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh có 4 lễ hội được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Lễ hội đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (huyện Thạch Hà), lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn), lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn (huyện Cẩm Xuyên), lễ hội cầu ngư làng Cam Lâm (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân).
Nguyễn Nga