Tối 21/10/2023, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, Lễ kỷ niệm 300 năm sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã được diễn ra một cách trang trọng.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Tơi tham dự buổi lễ có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng trong nước; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh; lãnh đạo sở VH-TT Nghệ An, Bình Định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu trình bày diễn văn lễ kỷ niệm
Trong diễn văn kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh: Hà Tĩnh là vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử - văn hoá và cách mạng, thời nào cũng sản sinh ra những bậc hiền tài làm rạng danh quê hương, đất nước; là mảnh đất hội tụ nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được cả nước và thế giới biết đến.
Một trong những danh nhân nổi tiếng của quê hương Hà Tĩnh là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Ông sinh năm 1723 trong một gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt thành danh ở làng Mật - xã Nguyệt Ao, nay là xã Kim Song Trường - huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Năm 1743, Nguyễn Thiếp đi thi và đậu Hương giải. Năm 1748, ông dự thi Hội và đậu Tam trường nhưng ông không ra làm quan mà ở nhà đọc sách, dạy học.
Năm 1756, Nguyễn Thiếp nhận chức Huấn đạo ở Anh Đô (Nghệ An). Sau 6 năm làm Huấn đạo, Nguyễn Thiếp được bổ làm Tri huyện Thanh Giang (Thanh Chương - Nghệ An ngày nay). Đến năm 1768, Nguyễn Thiếp xin từ quan, trở về núi Thiên Nhẫn (Nam Đàn - Nghệ An) tiếp tục cuộc sống ẩn cư và dạy học.
Qua nhiều năm dạy học trong Nhân dân, uy tín và tiếng tăm của Nguyễn Thiếp ngày càng nức tiếng, lan xa khắp cả nước. Chúa Trịnh đã mời ông ra làm quan nhưng ông từ chối. Chỉ đến khi vua Quang Trung - một lãnh tụ kiệt xuất, có nhãn quan tinh tường, biết quý trọng nhân tài và tiết tháo của kẻ sĩ kiên nhẫn cầu hiền, ông mới nhận lời giúp.
Bằng trí tuệ uyên thâm, lỗi lạc, Nguyễn Thiếp đã phò vua, giúp nước, góp phần quan trọng đánh bại quân Thanh. Sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Thiếp đã cùng vua Quang Trung lo việc chấn hưng, xây dựng đất nước.
Ông dốc sức giúp việc thi cử, tuyển chọn nhân tài, chọn đất lập đô. Dưới triều đại Quang Trung, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã dành nhiều tâm sức dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức một thời của nước ta.
Chương trình nghệ thuật với với tên gọi “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - Danh bất hư truyền” đã mang đến cho khán giả những trích đoạn kịch dân ca, tổ khúc dân ca và các ca khúc đặc sắc nhằm ca ngợi mảnh đất Can Lộc nói riêng, quê hương Hà Tĩnh nói chung, một vùng địa linh, nhân kiệt đã sinh ra bậc hiền tài; qua đó cũng khắc họa tài đức, sự cống hiến, công lao phò vua, giúp nước của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cũng như những đóng góp to lớn của ông với triều đại Tây Sơn.
Tổ khúc dân ca “Kẻ sỹ đất La Sơn” do ca sỹ Đăng Thuật, Thu Hà và nhà hát NTTT Hà Tĩnh biểu diễn. Tiết mục tái hiện quê hương núi Hồng, sông La với truyền thống hiếu học và lời ru ví giặm của mẹ đã nuôi dưỡng, hun đúc nên con người và nhân cách Nguyễn Thiếp
Hình tượng của La Sơn phu tử được tái hiện qua sự thể hiện của diễn viên Hữu Thể (Nhà hát NTTT Hà Tĩnh)
Trích đoạn kịch dân ca “Ẩn sỹ núi Bùi Phong”. Dưới triều đại Tây Sơn, Nguyễn Thiếp ra phò vua, giúp nước, trở thành vị phu tử của dân tộc ở thế kỷ XVIII.
Nguyễn Thiếp xin diện kiến, vua Quang Trung vui mừng khôn xiết, Tin tưởng và nghe theo hiến kế của Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung quyết định nhanh chóng xuất quân đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giữ nguyên bờ cõi núi sông, giành độc lập cho dân tộc vào mùa xuân 1789
Quân thần cùng đồng lòng chống giặc ngoại xâm
Ca khúc “Tây Sơn bước chân hào kiệt” do ca sỹ Tiến Hưng và nhà hát NTTT đã thể hiện hình ảnh những “bước chân thần tốc” của quân Tây Sơn trong trận chiến với quân xâm lược phương Bắc, giành lại bờ cõi đất nước
Trích đoạn kịch dân ca: Phượng Hoàng Trung Đô. Nhà vua đã triệu Nguyễn Thiếp và hỏi ý kiến về việc chọn đất lập đô. Nguyễn Thiếp đã chỉ rõ vùng đất Phượng Hoàng - Trung Đô là vùng đất lam sơn tụ khí, vua Quang Trung vô cùng phấn khởi. Ông đã quyết định giao Nguyễn Thiếp cùng các danh sỹ khác chuẩn bị các công việc để xây dựng kinh đô mới
Ca khúc “Hà Tĩnh đất Phượng Hoàng” của nhạc sỹ An Thuyên do Đăng Thuật, Thu Hà cùng tốp múa Nhà hát NTTT Hà Tĩnh biểu diễn đã khép lại chương trình nghệ thuật kỷ niệm 300 năm Ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, để lại trong lòng mỗi người những cảm xúc chen lẫn tự hào về một nhân cách, một tài năng của con người Hà Tĩnh.
Nhật Linh.