01-02-2024 - 15:56

MẨU CHUYỆN VỀ ĐỒNG CHÍ VÕ NGUYÊN GIÁP THĂM XÃ NHƯỢNG BẠN

Tháng 6 năm 1946, trong chuyến công tác kiểm tra tình hình quân sự ở một số tỉnh miền Trung, đồng chí Võ Nguyên Giáp (lúc bấy giờ đang giữ chức vụ Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã đến thị sát khu vực cửa Nhượng và xã Nhượng Bạn.(1) Khi có thông báo từ chính quyền, đông đảo các tầng lớp nhân dân xã Nhượng Bạn đều nô nức đi chào đón đồng chí Võ Nguyên Giáp.

       Khi tới Nhượng Bạn, đồng chí Võ Nguyên Giáp băng qua khu vực bãi Cồn Mom[2] rồi dừng lại trước đền Cả - ngôi đền to đẹp nhất làng, là nơi làm việc của Ủy ban Hành chính xã Nhượng Bạn. Tại đây, vào những ngày tháng Tám mùa thu lịch sử năm 1945, Ủy ban Khởi nghĩa Nam Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đã đưa hơn hai chục khẩu súng và hai triệu đồng tiền Đông Dương tịch thu được từ bộ máy chính quyền cũ về cất giữ. Vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, đền Cả cũng là nơi đặt công binh xưởng để chế tạo vũ khí cho lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh và Liên khu Bốn.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp thăm xã Nhượng Bạn (Minh họa: ST)

       Trong buổi gặp gỡ đồng bào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã có cuộc nói chuyện thân mật, thăm hỏi và động viên bà con lương, giáo xã Nhượng Bạn hãy luôn phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng của quê hương, một lòng tin tưởng và ủng hộ đường lối của Chính phủ cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Đồng chí Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp cũng căn dặn bà con ra sức lao động, sản xuất để diệt “giặc đói”, hăng hái tham gia phong trào Bình dân học vụ, xóa mù chữ để diệt “giặc dốt” và khẩn trương, tích cực huấn luyện lực lượng, chuẩn bị làng xã chiến đấu để chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt, Nhượng Bạn là xã có cửa biển, là địa bàn trọng yếu về quân sự của tỉnh Hà Tĩnh cũng như cả Liên khu Bốn nên chính quyền, lực lượng dân vũ trang địa phương và nhân dân cần đề cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, chuẩn bị mọi nguồn lực, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Đồng chí Võ Nguyên Giáp còn nhắc nhở bà con Nhượng Bạn đoàn kết, đồng lòng, bài trừ các hủ tục mê tín, lạc hậu, cùng nhau chung tay góp phần dựng xây chế độ mới.

       Có một chi tiết hết sức thú vị đã diễn ra trong buổi gặp gỡ lịch sử này[3]. Đó là trong lúc nói chuyện, bất chợt đồng chí Võ Nguyên Giáp đi lại gần và hỏi một thiếu niên đứng ở đầu hàng bên phải: Cháu có biết Chủ tịch nước ta là ai không?

       Học sinh Nguyễn Xuân Tập trả lời rất nhanh: Bác Cu Kham[4]ạ!

       Một người đứng gần đó đã nhanh chóng giải thích: Bác Cu Kham tức đồng chí Nguyễn Tiến Kham, Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Nhượng Bạn. Đồng chí Võ Nguyên Giáp cười vang, tất cả mọi người đều cười vui vẻ.

       Do yêu cầu về công tác chính trị và quân sự nên buổi gặp gỡ giữa đồng chí Võ Nguyên Giáp với nhân dân Nhượng Bạn không được chụp ảnh. 75 năm sau, với những hồi ức sáng trong và tinh nguyên của mình, họa sĩ Hoàng Nguyên Đoan[5] (khi đó chỉ mới là cậu bé chưa tròn mười tuổi ra cổng đền Cả hòa vào dòng người đón vị Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội về thăm Nhượng Bạn) bằng những nét cọ tinh tế đã khắc họa lại quang cảnh buổi gặp gỡ này. Bức tranh thật chân thực và gây xúc động cho người xem. Trong đó, thể hiện hình ảnh bến nước nơi thuyền bè neo đậu, có đoàn học sinh xếp hàng nghiêm cẩn và những người dân đang chăm chú dõi ánh nhìn vào đồng chí Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp.

       Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng kỷ niệm cuộc gặp gỡ và mẩu chuyện vui này vẫn luôn đọng lại trong tâm trí của nhiều thế hệ người Nhượng Bạn, về sự gần gũi, chân tình và bao dung của đồng chí Võ Nguyên Giáp, người đã trở thành vị Đại tướng tài ba, lỗi lạc của dân tộc Việt Nam - vị tướng của lòng dân. Kỷ niệm về cuộc gặp gỡ này như nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, nguồn động viên, cổ vũ đối với chính quyền, người dân Nhượng Bạn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, dựng xây quê hương./.

Nguyễn Trọng Thanh

 

 


[1] Nay là xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

[2] Một địa danh ở xã Nhượng Bạn gần với đền Cả.

[3] Dương Đình Hy “Đền Cả - những kỷ niệm một thời” in trong sách Đền Cả xã Nhượng Bạn, Nxb Thời đại 2009, trang 62.

[4] Theo phong tục của người dân làng biển Nhượng Bạn hoặc một số địa phương ven biển Hà Tĩnh, nhà nào sinh con trai đầu lòng thì gọi cu, nhà nào sinh con gái đầu lòng thì gọi là cháu trước tên.

[5] Họa sĩ Hoàng Nguyên Đoan từng công tác tại Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, mất năm 2022.

. . . . .
Loading the player...