Từ ngàn xưa, hình ảnh về rồng đã gắn bó với con người và đời sống; rồng được tôn thờ trong tín ngưỡng bái vật và văn hóa tâm linh của người cổ đại. Hình tượng con Rồng thường được khắc, được chạm trổ một cách công phu, tinh vi và trang trọng, được sử dụng vào các công trình kiến trúc văn hóa, trong các cung điện nhà Vua hoặc ở những nơi công viên công cộng, ở những khu vui chơi giải trí, hoặc ở những nơi trang nghiêm thờ phượng, như bàn thờ gia tiên, đình, chùa, miếu, đền…
Người Việt chúng ta coi rồng là một vị thần linh, là chủ của nguồn nước, là sự hiện thân của hạnh phúc cho nhà nông, được thần linh hóa trong những huyền thoại, sự tích. Hình tượng rồng còn được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sỹ luôn là những chủ đề tạo nên những cảm hứng sáng tác, điêu khắc tạo thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị trong đời sống sinh hoạt.
Từ những cảm hứng về hình tượng con rồng mà lúc sinh thời nghệ nhân Lê Mưu, trú tại xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã dày công miệt mài nghiên cứu, lặn lội trên chiếc xe đạp cũ kỹ để tìm kiếm các gốc tre ở các vùng quê tại miền sơn cước. Từ những gốc tre tưởng chừng như bỏ đi, nghệ nhân Lê Mưu đã mang về nhà rồi chế tác, tạo hình con rồng trên “gốc cây tre” trở thành những tác phẩm “rồng tre” vô cùng đẹp mắt và gây nhiều ấn tượng mạnh mẽ đối với người thưởng lãm trong và ngoài địa bàn huyện Hương Sơn.
Những tác phẩm về “rồng tre” của cụ nghệ nhân Lê Mưu với những nỗ lực, miệt mài sáng tạo nghệ thuật không mệt mỏi. Năm 1985 các tác phẩm nghệ thuật được chế tác bằng “rồng tre” qua đôi bàn tay tài hoa của cụ đã vinh dự được triển lãm tại Hà Nội. Nay tuy cụ đã rời khỏi trần thế nhưng những hình ảnh về nghệ nhân Lê Mưu và những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của cụ được chế tác bằng những gốc tre Việt Nam “thô ráp” mang đậm chất văn hoá dân tộc và đọng mãi với thời gian khiến cho mọi người vô cùng ngưỡng mộ và tôn kính về một tài năng luôn khát khao cháy bỏng niềm đam mê sáng tạo.
Một số hình ảnh về Nghệ nhân Lê Mưu thổi hồn rồng vào những gốc tre
Minh Lý