04-05-2017 - 21:29

Nghệ thuật kiến trúc cổ Đền Cả Hậu Lộc

Nghệ thuật Kiến trúc cổ Hà Tĩnh là một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị của Họa sỹ Lê Anh Tuấn, tập trung nghiên cứu Kiến trúc Đền, Chùa, Nhà dân dụng, Thành, Lũy, cầu cống…còn tồn tại và cả không còn tồn tại trên đất Hà Tĩnh. Tạp chí Hồng Lĩnh số 129 tháng 5 xin trích giới thiệu một phần trong đề tài: “Nghệ thuật kiến trúc chạm khắc cổ Đền Cả Hậu Lộc.” giới thiệu cùng bạn đọc.

Di tích văn hóa Đền Cả (Tam Lang) được xếp hạng Quốc gia tại xã Ích Hậu
 

Đền Cả là một di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị, đồng thời là nơi ghi nhận những sự kiện lịch sử của đất nước, năm 1930 nơi đây là địa danh hoạt động của xứ ủy Trung Kỳ. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, chiến tranh triền miên, thiên nhiên hà khắc cùng với sự vô thức của con người đã làm cho di tích sa sút đi nhiều, song di tích đền Cả vẫn tồn tại, vẫn để lại cho hậu thế một tài sản nghệ thuật quý hiếm. Với một hệ thống kiến trúc mang đậm nét kiến trúc cuối Lê đầu Nguyễn, những mảnh chạm khắc tinh vi: Nào cuộc hành quân, người rộn ràng, nào cuộc đua thuyền lưng trần trên sông nước, sức mạnh như sóng gió của những chàng trai, rồi đến những đám rước linh đình, voi gầm ngựa hý… tất cả tưng bừng trong một kiến trúc cổ có đến trên 500 tuổi quả là một điều vi diệu. Sau những lần tu sửa, cơ bản tổ hợp kiến trúc đền Cả vẫn còn giữ được cái duyên sắc vốn có của nó, để rồi đến nay nét xưa hậu thế vẫn còn đọc được, đó là một diễm phúc cho mỗi chúng ta. Xét về mặt kiến trúc gỗ trong nội thất hiện nay hết thảy đều đáng báo động, sự xuống cấp hệ thống, nếu không có giải pháp cứu nguy thì công trình sẽ bị đổ nát, tài sản của ông cha để lại không ái cướp mà mất, khi đó trách nhiệm thuộc về ai.
 Ngoại thất và cảnh quan toàn bộ khu đền xây dựng trên một gò đất cao 400 m so với mặt biển, rộng hơn 1000 m2, ngoảnh mặt về hướng Nam, xung quanh là đồng ruộng canh tác. Cây cổ thụ xum xuê, những cây chò có tuổi, vài ba trăm năm, tạo vẻ u tịch cổ kính của một di tích tín ngưỡng. Người xưa truyền lại, biển đông đã từng vươn lên tận đây, vì thế vùng đất này còn có tên gọi làng Pợp, chợ Pợp (Pợp có nghĩa là rờ). Nơi đây xưa kia là một vùng bãi bồi ven biển, trải qua thời gian nước biển rút dần tạo thành một vùng đất duyên hải. Sông kênh cạn nay đã lùi xa, cách di tích khoảng gần cây số, nguyên trước kia sông đi sát cửa đền, dưới sông thuyền bè đi lại, chợ họp đông vui, trên bến dưới thuyền sầm uất lắm, đây chính là một nhánh của sông Nghèn ngày nay.
Đền Cả có quy mô nhỏ hẹp với ba gian nhà theo kiểu chữ Tam (=) gian tiền tế mới xây dựng vào thời Nguyễn. Nhà giữa là quá giang dỡ một trụ ngắn ở giữa thông lên đến chỗ giáp mũi giao kỷ và thượng ốc, hai hồi đều là ván chống, đây cũng là kiểu nhà ít thấy. Những nét trang trí trong đền thì rất phong phú và tuyệt mỹ. Hầu như không có một mảng gỗ nào bị bỏ trống, mặt chính và mặt phụ nghệ nhân đều trang trí rất cầu kỳ kể cả những nơi bị che khuất ít ai nhìn thấy. Đề tài có nhiều loại: Tứ linh, mặt trời, hoa lá, bát bảo và những hoạt cảnh dân gian, cảnh hành quân có đủ voi ngựa gươm giáo… tất cả những đề tài nói trên đã làm cho ngôi đền như một bảo tàng chạm khắc, tài năng của nghệ nhân mặc sức trung hoành trong một kiến trúc tín ngưỡng mà vẫn đậm giá trị nghệ thuật truyền thống. Không có sự thân thiện với tất cả những gì có trong ngôi đền, ngoại trừ những huyền thoại và những lời truyền tụng dân gian.
Với một quy mô nhỏ hẹp, phần ngoại thất khiêm tốn, ẩn nhẫn nằm dưới rừng cây um tùm che chở và chứa đầy tính huyền thoại. Một không gian ngoại thất không nhiều cung bậc, không nhiều trang trí nhưng tính hiệu quả của một công trình kiến trúc tín ngưỡng, với đầy những sự tích thần bí.  
Ngôi đền đã hơn 500 tuổi trải qua rất nhiều thăng trầm, đến nay vẫn tĩnh lặng tọa lạc giữa lòng nhân dân địa phương với tất cả sự tôn kính ở cả hai lĩnh vực: Vật thể và phi vật thể, quả là sự trường tồn ngoài sức tưởng tượng của con người, sức trường tồn ấy có lẽ chỉ có thần linh mới làm được.
Chạm khắc cổ ở Đền Cả (đền Tam Lang): Chạm khắc cổ ở đền Cả tập trung ở phần Trung điện, ngôi nhà được chế tác từ Thăng Long, do những người thợ lành nghề nơi kinh kỳ làm ra thì đó là điều không có gì là lạ. Nghệ nhân đã chạm khắc cả những mặt chính và mặt phụ, kể cả những góc khuất rất ít ai để ý. Nét trang trí thì phong phú, đa dạng, tinh vi và hết sức tuyệt diệu. Hai lớp nhà Thượng và Hạ điện làm ở hai thời kỳ, xưa nhất (Thế kỷ XV và muộn nhất thế kỷ XVII) đều không để lại dấu ấn gì về nghệ thuật chạm khắc. Từ một thực tế như vậy, phần giới thiệu và nghiên cứu về chạm khắc ngôi đền xin dành cả cho nhà Trung điện.
Tại Trung điện đề tài trang trí có nhiều loại: chim muông, hoa lá, bát bảo, đặc biệt là những hoạt cảnh dân gian. Đề tài mô tả những sinh hoạt dân gian chiếm một vị trí thuận lợi trong kiến trúc, chính vì vậy nó tạo nên một không khí sôi động, vui tươi khi bước chân vào đền.
 Không gian nghệ thuật chạm khắc đền Cả ở phần Trung điện là cả một thế giới nghệ thuật, người xem vào đây không khác gì đi xem một cuộc triển lãm điêu khắc. Tất cả hệ thống gỗ trong đền hễ xuất hiện là có chạm   đục, có đề tài, có tính này, việc nọ để xem, để suy ngẫm. Chúng ta thực sự bị cuốn hút bởi cái hay, cái đẹp, có khi, có lúc còn hơn cả mục đích tín ngưỡng. Không phải ngôi đền nào cũng cho ta sự hứng khởi nghệ thuật đến như vậy, không phải ở đâu cũng có được ngôi đền huyền thoại và hấp dẫn như đền Cả ở Hậu Lộc - Hà Tĩnh.
Để tiện cho việc giới thiệu chúng tôi xếp những mảng đề tài theo một trật tự từ đơn giản đến phong phú (cũng chỉ xin dẫn những vấn đề tiêu biểu trong kiến trúc ở mảng chạm khắc của ngôi đền):
1. Đề tài tứ linh;
2. Đề tài muông thú;
3. Đề tài sinh hoạt dân gian và những đề tài khác
1. Đề tài Tứ linh: Trong tất cả các hệ thống kiến trúc tâm linh, hình tượng (long, ly, quy, phượng) luôn luôn được người xưa đặt lên hàng đầu. Dù ở ngoại thất, hay nội thất đề tài này cũng được dành cho những vị trí trang trọng nhất và thích hợp. Đền Tam Lang (đền Cả) không phải là một ngoại lệ, có điều thú vị là những hình tượng này không còn vẻ hung dữ, hăm dọa, mà đã thuần tục ở mức hợp lý, khiến người xem cảm thấy gần gũi và thân thiện. Hệ thống đầu rồng luôn được khai thác triệt để vì ở đó nghệ nhân mặc sức sáng tạo. Từ con rồng mình rắn Thời Lý - Trần đến rồng Lê - Nguyễn có lẽ sự biến đổi nhiều hơn cả vẫn là phần đầu. Trong chuyên mục này chúng tôi xin không được nói đến những sáng tác rồng trên các chất liệu vôi vữa, đồng đá, gốm sứ, mà chỉ chuyên phần gỗ mà thôi. Người thợ xưa khéo kết hợp giữa thành phần kiến trúc (gỗ khối, gỗ mảng) để diễn tả nghệ thuật chạm khắc, sao cho từ một khối gỗ bình thường, vô cảm, làm chức năng kết cấu là chính để rồi qua bàn tay tài khéo với một tư duy trừu tượng cho ra một sản phẩm nghệ thuật vừa đẹp, vừa súc tích (tất cả đều kiến tạo ngẫu hứng, làm gì có phác thảo). Từ những đường kẻ, bẩy, xà thượng, xà hạ, đường quá giang, đến các kẻ, con sơn, cột dấu, cột trốn, đầu dư… rồi cả ván nong, ván thưng cánh cửa, đâu cũng được người thợ chạm khắc tinh vi, vật thể nào cũng trở thành một tác phẩm trang trí tuyệt hảo. Trong đầu người thợ luôn kiểm soát được những ý tưởng sáng tạo của mình, vì vậy họ khôn khéo lựa chọn đề tài cho những khối, mảng gỗ thuận cho bố cục mình định thể hiện. Chạm khắc là việc lấy mất nuôi được, lấy âm nuôi dương, công việc là bỏ cái không cần (cái thừa) để lấy cái được. Đây cũng là cội nguồn của mỹ thuật. Nếu anh biết loại trừ cái xấu, cái thừa trong sản phẩm mỹ thuật của mình thì đó chính là nghệ thuật. Việc tưởng dễ, nhưng thực ra nếu vốn sống ít, óc tưởng tượng chưa đến độ thì coi chừng anh sẽ vứt bỏ cái đẹp mà chỉ còn lại cái xấu, nghệ sỹ chính là quá trình tự loại trừ cái không phải thẩm mỹ mà thôi.
Rồng ở đền Cả (đền Tam Lang) có một kết cấu độc đáo, cứ xem con cá chép hóa rồng của ngôi đền, nghệ nhân tả con cá bằng những nét chạm nông thiên hẳn về chiều hướng chuyển động của vây, đuôi, đặc biệt là hệ thống sóng nước cuốn khúc cho một dải đệm mềm mại đỡ nhẹ phần dưới đầu cá đang vươn lên thoát ra khỏi thân phận của mình. Đầu đã hình thành đầu rồng, mũi đã hình thành lớn hơn, mắt đã lồi to, miệng đã rộng hơn. Những vây phần dưới đang được nhổ ra khỏi thân với những chiều hướng qua lại rất động, chỉ còn vài mảng vây giữa thân và đuôi là còn bám sát lấy con cá, đó cũng là hình ảnh nguyên thể của con cá chép mà ta nhận ra. Một cuộc vật lộn, vùng vẫy trên gỗ của người sáng tạo, một trận lột xác của cá chép để hóa thành rồng, một ước vọng của những kẻ đèn sách.
Một tổ hợp rồng khác được tái tạo thoải mái ở đầu dư và xà ngang trên dưới, chỉ còn cột là không chạm mà thôi. Ở đầu dư này, rồng không còn vẻ uy nghi mà nó được tạo dựng “khoái chá” của người thợ, mồm dẫu ngậm hạt ngọc mà vẫn như cười, chân trên vuốt nhẹ chòm râu dưới, mắt nhỏ hơi có vẻ lim dim, thân uốn lượn mềm mại dù chỉ là vài khúc. Hệ thống râu tóc được cách điệu thành những đao chuội về phía sau rất mềm mại, thong thả và có tốc độ (như đang bơi). Phía trên xà ngang là một con rồng đang bơi thì ngoảnh đầu lại, tóc và râu ngắn và ít (có lẽ là rồng con), vẻ tinh nghịch của con rồng tập trung cả ở cái đầu được người thợ thâm diễn. Tuy ở hai thành phần kiến trúc khác nhau (đầu dư và xà ngang) nhưng mối quan hệ thẩm mỹ lại hòa thuận, cái tinh giản (rồng con) cùng với cái tinh xảo trong nét chạm lộng (rồng lớn) bộc lộc ý đồ của người thợ về triết lý thời gian. 
Chân dung con rồng theo chúng tôi là sinh động và đẹp nhất của kiến trúc nằm ở cái bẩy (một hệ thống kiến trúc khó làm mà dễ đẹp). Trước hết ta nói đến bố cục, trong một thành phần kiến trúc hẹp, không vuông vắn, hình thù đa dạng (do chức năng đỡ mái), nghệ nhân phải rất giàu sức tưởng tượng mới có thể đưa con rồng vào đây được. Con rồng thân ngắn (do hạn chế khối gỗ), phần đầu có đủ râu tóc, mũi sư tử, mắt lồi nhưng miệng thì có vẻ miệng cá sấu, mồm ngậm hạt ngọc, ba chân lộ ra với những chiều hướng khác nhau. Dù là khái quát và ước lệ, nhưng không gian vẫn lộ ra đôi chỗ tả chân, đầu rồng chồi ra ngoài mà vẫn nằm trong mặt phẳng chung của khối gỗ là tài diễn tả hình và đậm nhạt của người thợ. Không có những sự phụ trợ của mây, nước như những con rồng khác, nhưng tài tả động của nghệ nhân cho ta một cảm giác sống như thực trong cái không thực hiện hữu. Con vật mà theo chúng tôi là con rồng, nhưng trong thế giới nghệ thuật vô cùng, biết đâu nó còn là con nghê, con ly, con long mã gì đó cũng nên, trong thế giới hiểu biết ý kiến cá nhân cũng chỉ để tham khảo mà thôi.
 Một loạt những mặt hổ phủ, mặt rồng cỡ nhỏ đỡ các đầu bẩy theo chúng tôi đó là một bức chạm lộng ba chiều khá nhộn nhưng giá trị nghệ thuật còn hạn chế và nó khá thông dụng.
Có hai đầu rồng thời Nguyễn nằm ở nhà sắc, nét chạm khắc kỹ thuật và (giống) với một đường mày mang chi tiết trang trí hình vân lá, miệng ngậm hạt ngọc, râu,   tóc trang trí, có một chân xếp vẩy khuỳnh ra rất oai, mũi gồ mắt lồi có vẻ hăm dọa, có cá tính riêng của rồng thời Nguyễn mà ta thường gặp.
 Bên cạnh với rất nhiều rồng còn có một số con phượng nằm rải rác ở một số nơi trong kiến trúc. Con phượng lớn nhất và khá chi tiết trong trạng thái xòe hai cánh, chân đạp đất cổ vươn như muốn bay, đầu được tả kỹ rất sinh động, thân và lông được trang trí hình xoắn nhẹ dài và tròn xếp chồng lên nhau rất đẹp. Hai cánh cách điệu và tả theo lối thuận mắt, chân đạp mạnh dứt khoát, lông đuôi vểnh lên, những trang trí không rõ ràng vì vậy nom lông đuôi rất động. Trong một bố cục hình chữ nhật, nét chạm rất mềm đi với khả năng gợi khối nhẹ làm bức phù điều như một bức tranh lụa.
 Đề tài tứ linh chúng tôi chỉ thấy rồng, phượng, còn ly, quy thì chỉ có những con rùa ở chân hạc thờ mà thôi. Do điều kiện khảo sát chưa có đủ điều kiện cần thiết, thời gian hợp lý do vậy mà việc chưa khám phá hết là đúng với điều kiện cho phép.
2. Đề tài Muông thú:
Hoa lá, muông thú đi với nhau, tạo một cảnh quan sinh động và lý thú, nhưng chạm khắc ở đền Cả thì có khác, những con thú độc lập được nghệ nhân tả rất kỹ nằm gọn trong những bố cục cụ thể và hoàn thiện. Trước hết là những con voi trận, ngựa trận, một đề tài gắn liền với con người, với binh lính rất vui và ý nghĩa. Ở mảng phía dưới đuôi bẩy đầu hồi nhà phía đông (nhà Trung điện) từ ngoài vào, đây là một người phi ngựa nước đại, hai tay cầm lá cờ tiến thẳng về phía trước. Con ngựa chiến to khỏe, bờm dựng ngược, có đủ yên cương đục đạc được trang trí rất cầu kỳ, hai chân trước và hai chân sau soải hết cỡ. Trên lưng ngựa là một chiến binh, áo giáp, mũ trụ, vóc người to tợn, dáng hơi ngả về phía sau, đây có lẽ là một viên tướng tiên phong, dáng người ngả về phía sau với lá cờ bay phần phật trước gió như thể nhắc nhở đoàn quân tiến lên. Bức chạm này chỉ diễn ra viên tướng và con ngựa chiến, với sức mạnh tung hoành trước trận chiến ác liệt, xung quanh được khung lại bằng hệ thống dây leo làm đường viền giới hạn không gian. Những nhát chạm sâu, dứt khoát với độ nông sâu mạnh, nổi bật bức phù điêu người ngựa vừa đẹp, vừa hết sức kiêu dũng. Nghệ nhân có biểu hiện rõ ràng trong phong cách biểu hiện, bố cụ chặt chẽ, phân bổ nổi bật nội dung chính mà tác giả chủ định thể hiện. Những bức phù điêu tham gia trong kiến trúc phải bảo đảm được ngôn ngữ kiến trúc, chỉ có quyền làm cho công trình đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Những con ngựa còn xuất hiện trong các cuộc hành quân, trong đám rước, ở đâu con ngựa cũng được thể hiện vững chãi, nghệ nhân am hiểu về ngựa, nên dù ở không gian kiến trúc nào chúng đều rất có thần và vô cùng sinh động.     Voi là hình tượng thứ hai tham gia vào các bức chạm của đền Cả Hậu Lộc. Đó là cuộc hành quân của đoàn người thắng trận trở vệ. Con voi có đủ bành, ngai nhưng không có người ngồi (đây là giới hạn của bức chạm có  cỡ 2,00 m x 0,25 m). Khi nghệ nhân chạm con voi đang đi, vòi và ngà khá thực, tai nhỏ và bị bành che lấp một phần đã làm cho con voi có một tổ hợp đường nét rất động - thân bị thu hẹp bởi hai cặp đùi voi to và chắc nịch, do cách để mảng lớn, gây ấn tượng đột biến trong một tổ hợp người, voi, ngựa, tất cả trong một không gian cụ thể, nghệ nhân đã gợi không gian rất khéo nên bức chạm đưa đến một cảm nhận đoàn người, voi, ngựa là khá thật.
Trong một thành phần của bẩy ta còn bắt gặp một con sư tử, mặt rất hiền, hai chân trước uốn rất khéo, có lẽ đây là một chú sư tử con đang tập bắt mỗi, chân sau ở thế lấy đà, đuôi chỏng hơi cong, xung quanh là đám mây hỗ trợ rất vui mắt. Một bố cục khéo, có độ đậm nhạt vừa phải làm cho bức chạm của nghệ nhân rất đáng xem và ngưỡng mộ.
Muông thú là đề tài sở trường của nghệ nhân dân gian Việt Nam, nó có mặt ở hầu hết các kiến trúc tín ngưỡng và tôn giáo, ở đâu người thợ cũng bộc lộ khả năng diễn tả của mình qua tư duy trìu tượng và nhát đục cụ thể. Trong ngôi đền Cả Hậu Lộc không ít những mảnh được nghệ nhân diễn tả về muông thú, ngay đến nhóm tứ linh thì cũng là muông thú mà ra, người ta đã thần thánh hóa giá trị tâm linh của nó, nghệ nhân đã đưa chúng đến giá trị nghệ thuật để rồi mãi mãi tồn tại và được tôn vinh trong nghệ thuật.
 Hai bức phù điều rất hoàn thiện mà chúng tôi được chiêm ngưỡng, đó là cặp gà trống (có người cho là một  trống, một mái) tại nhà Trung điện đền Cả. Trên hệ thống ván nong giữa xà trong và xà nách đầu hồi bên phải từ ngoài vào được chạm hai bức gà trống. Trong một diện tích vừa phải, hai chú gà đối đầu vào nhau (mỗi con một bức chạm riêng). Ta có thể nhận ra là gà trống bởi những cặp cựa dài của mỗi con. Khi diễn tả cặp gà này nghệ nhân đã diễn tả chúng với ngôn ngữ trang trí, tất cả đều cách điệu, mỏ gà ngậm biểu tượng nho giáo (cuốn sách) lông cánh, lông đuôi tả khá kỹ, các chiều hướng uốn lượn khiến cho bức phù điêu hết sức sinh động. Trong một bố cục chặt chẽ (mỗi con có bố cục độc lập), những mảng nổi, tả gà và những cụm mây luôn tạo ba độ đậm nhạt, tạo một không gian có xa gần (cho dù chúng chỉ là một mặt phẳng), Nhiều đường mũi mác kết hợp với hình xoáy ốc gợi một cảm giác động. Hai con gà không giống nhau về hình và chi tiết, nhưng tinh thần của chúng thì chỉ là một “Mạnh mẽ, hiếu thắng, kiêu dũng”. Ngay đầu mỗi con gà dù đều là gà trống nhưng chúng có đặc điểm riêng, điều đó cho ta một suy luận: có lẽ mỗi con do một nghệ nhân tạo tác. Đặt trên một mặt phẳng của nền, bố cục và hình xem kỹ mới thấy cách diễn tả mỗi người một vẻ, nhưng xét cho cùng đó cũng chỉ một chín, một mười mà thôi. Giá trị của hai bức chạm khắc này là rất đẹp, độ bền vững còn rất cao, đây có lẽ là bức chạm muông thú có giá trị cao và rất hoàn thiện.
3. Đề tài sinh hoạt dân gian và các đề tài khác:
Dựng nên đình, chùa, đền, miếu là con người và trong nhiều đề tài con người còn xuất hiện trong những  mảng nghệ thuật, điều đó làm cho kho tàng chạm khắc cổ thêm phong phú và hấp dân, đền Cả cũng là một di tích chứa nhiều yếu tố con người trong trang trí, điều đó làm cho không gian kiến trúc vốn đã đẹp lại càng đẹp hơn.
Những đề tài phản ảnh các mặt sinh hoạt của cuộc sống cho ta những cảm nhận thú vị. Ta hãy xem những người đánh cờ, uống rượu (một thú vui dân gian trong những ngày tết). Trên một hệ thống ván bưng, người ta chạm hai người ngồi đánh cờ, bên cạnh là hai người chầu rìa, còn lại 4 người nữa có lẽ là người hầu. Bức chạm có kích thước 1,40 m x 0,60 m được nghệ nhân diễn ta có không gian xa gần, hai người ngồi mỗi người một tâm trạng: người ngồi bên trái đang gặp nước bí, mặt cúi xuống, người ngồi bên phải thì trạng thái hả hê tay phải chống cằm, tay trái với cầm chén rượu. Một bức chạm ở thế hoành, các nhân vật đứng tạo những trục tung nội bộ khiến cho bức phù điêu không bị nhàm và loãng. Nghệ nhân đã chú ý đến cấu trúc hình và y phục, khăn áo, dáng đi, dáng ngồi rất hội họa, những mảng nền trống hình được cân nhắc kỹ nên không cảm thấy lỏng bố cục.
Cùng trên hệ thống ván bưng ở hồi nhà phía đông trung điện đều được chạm khắc những đề tài khác nhau. Cảnh đua thuyền rất sinh động, trên một kích thước nhỏ (1,20 m x 0,25 m) của xà nách được chạm một con thuyền và mười người cả chỉ huy cả thủy thủ, họ đánh trần, chít khăn và đóng khố, cơ bắp cuồn cuộn, phía trước mũi   thuyền là một người thổi kèn hiệu lệnh, còn lại tất cả cúi rạp xuống căng sức chèo thuyền. Con thuyền lướt sóng, nghệ nhân chạm dòng nước chảy cuồn cuộn bên mạn thuyền làm cho tốc độ con thuyền lên rất cao. Một cụ già quắc thước ngồi phía sau cùng đánh trống làm nhịp.
 Trên ván bưng hồi nhà bức chạm diễn tả cảnh nhạc công và vũ nữ (ở đền chiêu trưng cũng có bức chạm tương tự). Một tấm ván lớn, dày có kích cỡ 1,80m x 0,75m, đây là bức chạm lớn nhất trong đền. Bảy cô thiếu nữ, xiêm áo chỉnh tề, vùa múa vừa hát, giữa bức chạm là dàn nhạc gồm ba người, người thổi sáo, người kéo nhị, người chơi đàn tỳ bà, hai bên là 4 người đang múa hát. Bức chạm có giá trị nghệ thuật cao hơn những bức đối diện, nghệ nhân đã tạo ra một bố cục đẹp, hình sinh động và khá chuẩn, nét chạm nông tạo được sự hài hòa cần thiết.
Trong một kích thước không thuận lợi (2 m x 0,25 m) nghệ nhân đã thể hiện đoàn người hành quân với y phục, giáp, mã và binh khí cầm tay. Đoàn người thong thả hành quân, chắc là sau chiến thắng trở về, một đường trang trí (như một đề co) không có nhiều đất diễn cho nghệ nhân, có lẽ đẹp hơn cả là hai con ngựa chiến, yên cương đục đạc đầy đủ, dáng khỏe chắc với con voi trận ngai bành oai vệ, tạo nên những cảm xúc về một đất nước thanh bình. Chiến binh ở đây không có điều kiện để nghệ nhân khai thác cái riêng của họ, tất cả là một đội quân hùng mạnh và rất nghiêm chỉnh. 
 Hệ thống chạm khắc đền Cả rất phong phú và đa dạng, rất tiếc có những bức chạm (hai ông hộ pháp) đã hư hại quá nhiều, thậm chí không còn nhận ra, nhưng tựu chung các tác giả đã miêu tả với những nét chạm chắc khỏe, sử dụng lối không gian ước lệ là chính, thi thoảng có đôi bức phối cảnh xa gần, luôn tìm cái (giá) ở những không gian trống để tạo thẩm mỹ cho chủ đề. Còn nhiều bức chạm trong công trình kiến trúc cổ đền Cả mà chúng tôi hoặc chưa đủ nhận biết, hoặc chưa có thời gian và phương tiện khai thác, nhưng với một kho tàng quý hiếm như công trình này thì việc làm hôm nay chỉ là sự khởi đầu mà thôi.

                                                                                               L.A.T

 

. . . . .
Loading the player...