Nói đến PGS-TS; Nhà thơ Lê Quốc Hán là nói đến một nhà khoa học, một nhà thơ hài hòa được những đối nghịch: Đời và Đạo; Toán học và Thi ca; giữa hiện thực và ước mơ, ngắn ngủi đời người và vô cùng vô tận của vũ trụ…
Tôi hỏi PGS-TS Lê Quốc Hán: “Điều gì giúp ông có thể hài hòa được những đối nghịch đó”?. Lê Quốc Hán im lặng, chỉ cười- nụ cười thật hiền. Một lúc, ông chậm rãi: “Có thể là Đạo” . Tôi bổ sung thêm: “Và còn là cái Tâm. Thích ca Mâu Ni chủ trương bác ái. Với Chúa Giê Su thương người như thương mình. Bác Hồ nêu cao lòng yêu nước thương dân…Phải chăng cái Tâm sáng quy tụ, hóa giải được mọi đối nghịch!?”. Nghe xong PGS-TS Lê Quốc Hán trầm ngâm. Tối hôm đó, ông gửi cho tôi một số bài viết cảu văn nghệ sĩ khắc họa chân dung ông và một số tư liệu mà ông muốn cải chính một số thông tin chưa chính xác.
Lê Quốc Hán có đức tính cẩn trọng của một nhà khoa học. Sự chính xác là đòi hỏi nghiệt ngã. Toán học hay bất cứ khoa học nào đều gặp gỡ thi ca ở trí tưởng tưởng bay bỗng. Không khát vọng, không bay trên đôi cánh lãng mạn, khoa học làm sao có ý tưởng để sáng tạo?Ngược lại hàm súc là bản chất của Thi ca. Ở chỗ này, Toán học với Thi ca là cặp đôi hoàn hảo.
Vẻ đẹp thơ Lê Quốc Hán chính là vẻ đẹp khúc chiết của Toán học. Đồng thời ,những lời giải Toán của thầy Lê Quốc Hán chưa đựng vẻ đẹp của một bài thơ. Nhiều thế hệ học sinh và sinh viên yêu môn Toán bắt đầu từ những bài giảng Toán tràn đầy chất thơ của PGS-TS Lê Quốc Hán. Nhưng nói như vậy cũng chưa đủ. Những băn khoăn, thao thức về những đối nghịch giữa vô cùng, vô tận của vũ trụ và bé nhỏ mỏng manh của kiếp người, giữa Trần gian và Thiên đường, giữa Khoảnh khắc và Bất tử; giữa Quá khứ/ Hiện tại / và Tương lai khiến cho nhà thơ làm cuộc hành trình đi tìm mình, khám phá chính mình với nỗi thao thức ta là ai? từ đâu đến? Cuộc đời sẽ đi về đâu? Trên hành trình nhọc nhằn của kiếp nhân sinh , Lê Quốc Hán đã có cơ duyên cho hội ngộ giữa Tôn giáo và Thơ ca.
Lê Quốc Hán sinh ngày 16/4/1949 ở làng công giáo toàn tòng ( làng Dinh Cầu, nay là xóm Châu Long xã Kỳ Châu huyện Kỳ Anh). Theo Lê Quốc Hán, sinh được 3 ngày, ông đã chịu phép rửa tội. Mười năm sau, năm 1959, bố ông mới chịu phép rửa tội. Thời cải cách ruộng đất, bố ông làm Thư ký cho Ủy ban kháng chiến huyện Kỳ Anh. Bố ông thuộc dòng họ Lê Hữu (Xa Lang, Sơn Tân, Hương Sơn) ;một dòng họ tri thức, yêu nước. Vì vậy Lê Quốc Hán được nuôi dưỡng, lớn lên trong bầu sữa yêu thương của Mẹ và ngọn lửa yêu nước của Cha. Chính những vẻ đẹp Thánh thiện đó đã khiến cho Lê Quốc Hán vượt qua được những mặc cảm, oan trái mà không phải bất cứ một học sinh nào ở lứa tuổi ông dễ dàng vượt qua được.
Được tôn vinh là thần đồng toán học, năm học lớp 7 đã từng đạt giải khuyến khích Toán miền Bắc; ba lần giải Nhất HSG Văn lớp 6, 7, 9. Dự thi vào Chuyên Toán tỉnh (lớp năng khiếu đặc biệt) đạt điểm cao nhất tỉnh: 15,5/20; cuối lớp 8 thi vào chuyên Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội vượt điểm tối đa: 20,5/20, nhưng cả hai lần chính quyền xã không chuyển hộ khẩu cho đi học.Tốt nghiệp lớp 10 phổ thông bằng ưu nhưng không được tuyển vào Đại học.; Lê Quốc Hán trở về tham gia sản xuất ở Họp tác xã thay chị ruột đi thanh niên xung phong ở Ngã Ba Đồng, tịnh không có bất cứ phản ứng tiêu cực nào mà lặng lẽ bằng lòng với số phận, lặng lẽ tự học, kiên nhẫn chờ đợi cơ hội. Cái gì đến sẽ đến! Năm 1969, Lê Quốc Hán được đi học lớp Sư phạm Tự nhiên 10+1 và sau đó về dạy học ở Kỳ Bắc, Kỳ Tân, liên tục đạt GV giỏi.
Khi đã về hưu, PGS-TS, nhà thơ Lê Quốc Hán vẫn say mê làm việc và cống hiến
Niềm đam mê Toán học khiến Lê Quốc Hán tự học chương trình Đại học Toán và Ngoại ngữ, thường xuyên viết cho báo Toán học và Tuổi trẻ. GS Lê Văn Thiêm (lúc đó là Chủ tịch Hội Toán học; Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam) và ông Nguyễn Tiến Chương (Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh) đã can thiệp để Lê Quốc Hán được nhập học vào Khoa Toán Đại học Vinh. Bốn năm đều đạt sinh viên ưu tú, tốt nghiệp Thủ khoa, Lê Quốc Hán được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Năm 1991, Lê Quốc Hán là 1 trong 9 người tham gia đào tạo Nghiên cứu sinh đầu tiên trong nước. Năm 1996, Lê Quốc Hán bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Năm 2003, Lê Quốc Hán được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 2008, Lê Quốc Hán vinh dự được phong tặng Giáo viên ưu tú.
Hành trình của Lê Quốc Hán là hành trình phấn đấu không mệt mỏi. Đó là hành trình dấn thân của một nhà khoa học, nhà thơ chân chính, của một công dân yêu nước, của một con chiên ngoan đạo luôn đặt niềm tin ở vẻ đẹp Thánh thiện, vẻ Đẹp con Người sẽ cứu rỗi tâm hồn và thế giới. Chính niềm tin mãnh liệt ấy đã giúp cho Lê Quốc Hán âm thầm, lăng lẽ vượt qua được những trở ngại cuộc đời, trở ngại của chính mình để nỗ lực vươn lên không ngừng cống hiến cho đất nước, quê hương, nhân dân những giá trị đích thực.
Lê Văn Vỵ