09-08-2012 - 16:09

Nhà thơ LÊ CẢNH NHẠC

Có một sự đồng nhất giữa con người và thơ của Lê Cảnh Nhạc, là sự chân thành đến cảm động. Anh viết như một sự trải lòng. Không cầu kỳ trong tìm kiếm đề tài, thơ anh là những khúc hát về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, tình yêu gia đình, cha mẹ. Chắt lọc vào thơ những trải nghiệm bản thân từ những điều rất nhỏ nhặt, những chi tiết rất hàng ngày trong đời sống, thơ Lê Cảnh Nhạc cho ta một cảm giác dễ chịu về sự hồn hậu đến mức thật thà, đáng yêu.

 

Họ và tên : LÊ CẢNH NHẠC
Bút danh : La Giang
 
Ngày tháng năm sinh: 15 / 8 / 1957
 Quê quán : Xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh
 Công tác hiện nay: Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội
 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1996);
 Địa chỉ liên lạc : 138 A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội
 Điện thoại: 0913229956
 
 Tác phẩm chính đã in:
 - Người học trò thứ 31 (Tập truyện, NXB Kim Đồng, 1990)
 - Nỗi oan của Đốm (Tập truyện, NXB KimĐồng, 1992)
 - Mầm ác và hướng thiện (Tập ký, NXB Thanh Niên, 1994)
 - Lâu đài (Tập truyện, NXB Văn học, 1999)
 - Lời ru không bán (Tập truyện, NXB Kim Đồng, 2000)
 - Khúc giao mùa (Tập thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2005)
 - Không bao giờ trăng khuyết (Tập thơ, NXB Hội Nhà Văn, 2010)
 
 Tác phẩm được giải:
 - Giải nhì cuộc thi sáng tác văn nghệ toàn lên bang do đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô tổ chức năm 1987.
 - Giải thưởng văn học Cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và TƯ Đoàn năm 1990 - 1991
 - Giải thưởng Cuộc thi sáng tác văn học về Quyền trẻ em của Radda Barnen và Viện KHGD Việt Nam năm 1992
 - Giải thưởng Báo chí toàn quốc 1994
 
Những cảm thức gắn bó với quê hương xứ sở
            Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hà Tĩnh, mảnh đất địa linh nhân kiệt, Lê Cảnh Nhạc đến với văn học như một điều gì hết sức tự nhiên. Người thầy đầu tiên đưa anh đến với sách và niềm đam mê sách chính là người cha của anh, một nhà giáo. Nhớ về cha, Lê Cảnh Nhạc tâm sự: "Thuở tôi còn nhỏ, mỗi ngày cha tôi viết lên xà nhà một câu danh ngôn và bắt tôi học thuộc để cụ kiểm tra. Nhờ vậy mà rất nhiều câu nói hay của các bậc tiền nhân tôi thuộc nằm lòng đến bây giờ. Những câu danh ngôn thực ra cũng chính là những bài học cuộc sống mà mỗi khi gặp một hoàn cảnh khó khăn nào đó mình có thể lấy nó ra để tự răn mình". Sách dường như là một món ăn tinh thần không bao giờ thiếu với Lê Cảnh Nhạc. Nó mở ra cho anh những chân trời và khơi gợi tình yêu cuộc sống, trí tưởng tượng. Niềm yêu thích văn chương cũng từ đấy mà ra.
          Lê Cảnh Nhạc có cậu ruột là nhà văn Lương Sỹ Cầm quê ở Bùi Xá- Đức Thọ, một nhà văn trong lực lượng Công an nhân dân. Bài học viết văn đầu tiên trong cuộc đời Lê Cảnh Nhạc nhận được chính là từ người cậu nhà văn nổi tiếng khó tính này. "Khi tôi còn nhỏ, mùa hè cậu tôi về thăm quê, tôi len lén mang cho cậu mấy bài thơ mình viết để cậu đọc và góp ý. Khi đọc xong, cậu nhận xét "tác phẩm" của tôi với những câu làm tôi, khi đó vẫn là một đứa trẻ, cảm thấy rất buồn. Nhưng trước khi đi, cậu gọi tôi lại và dặn: "Ở đời, người ta khen thì mình phải cảnh giác, còn khi người ta chê thì lắng tai mà nghe, cháu ạ". Sau này lớn lên, từng trải việc đời, việc văn chương, Lê Cảnh Nhạc mới thấm thía lời dạy của cậu mình. Anh xem viết là một công việc âm thầm, lặng lẽ. Nói đúng hơn nó là một công việc để tu thân. Anh tâm đắc với quan niệm của nhà thơ Tố Hữu: "Thơ là tiếng lòng". Người ta chỉ thực sự có thơ hay khi sống thật với lòng mình. Mặc dù không dị ứng với những tìm tòi, cách tân của các nhà thơ trẻ hiện nay, nhưng Lê Cảnh Nhạc khẳng định, anh thà viết "cũ" mà đi vào trái tim bạn đọc còn hơn là đổi mới để tắc tị, để đánh đố độc giả. Thơ, với anh đơn giản là sự sẻ chia, sự giao cảm giữa người viết và người đọc. Thiếu sợi dây gắn bó ấy, thơ không còn là chính nó nữa. Trữ tình, sâu lắng, giản dị, ấm áp là những phẩm chất thơ của Lê Cảnh Nhạc. Anh đặc biệt ít sử dụng các mỹ từ cũng như chối bỏ những gì thuộc về sự ồn ào, khoa trương. Thơ Lê Cảnh Nhạc không phải thứ thơ "bắt mắt". Nó thậm chí còn có vẻ nhàm chán với những ai ưa sự đọc ồn ào. Nó là thứ rượu uống từ từ, ngấm lâu và khi đã làm người ta say thì cũng là cái say rất sâu, rất ngọt. Có một sự đồng nhất giữa con người và thơ của Lê Cảnh Nhạc, là sự chân thành đến cảm động. Anh viết như một sự trải lòng. Không cầu kỳ trong tìm kiếm đề tài, thơ anh là những khúc hát về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, tình yêu gia đình, cha mẹ. Chắt lọc vào thơ những trải nghiệm bản thân từ những điều rất nhỏ nhặt, những chi tiết rất hàng ngày trong đời sống, thơ Lê Cảnh Nhạc cho ta một cảm giác dễ chịu về sự hồn hậu đến mức thật thà, đáng yêu. 
           Lê Cảnh Nhạc có nhiều bài thơ hay về quê hương. Miền quê Hà Tĩnh trong anh luôn là một sự ám ảnh. Mà hình ảnh quê hương bao giờ cũng gắn liền với hình ảnh Mẹ. "Con lớn lên, đồng níu mẹ hai vai/ Bão giật tháng ba, lũ tràn tháng tám/ Đắp đập vá đê, be bờ chống hạn/ Hạt gạo nuôi con biết mấy tảo tần". Về mẹ mình, anh kể: "Mẹ tôi là một người nông dân thực thụ. Ký ức tuổi thơ của tôi là bóng dáng mẹ tảo tần với trăm công ngàn việc. Tôi nhớ mỗi buổi sáng tinh sương, khi anh em chúng tôi còn ngủ say, mẹ đã trở dậy giã gạo. Cám thì mẹ để nuôi lợn, tấm thì để nhà ăn, còn gạo trắng thì mẹ mang chợ bán lấy lãi. Giã xong gạo trời hãy còn mờ sương, mẹ đi vào núi nhặt 3 gánh phân trâu, bò về để làm ruộng. Về đến nhà mẹ tất tưởi mang gạo đi chợ. Bán hết gạo rồi mẹ mua gánh chè tươi quẩy về nhà mới đánh thức bầy con dậy. Chiều mẹ lại gánh gánh chè ra chợ bán kiếm lời và khi về là quẩy một gánh thóc nặng để đêm mẹ dậy sớm giã gạo. Cứ như thế mỗi ngày mẹ làm lụng vất vả để nuôi anh em chúng tôi khôn lớn". Dễ hiểu vì sao Lê Cảnh Nhạc có nhiều bài thơ hay về mẹ, về quê hương. Thời trẻ, anh đã chọn nghề sư phạm. Và vì yêu quê hương anh đã tình nguyện trở về quê nhà dạy học, tham gia công tác Đoàn, đội để dìu dắt các em nhỏ. Ít ai biết rằng năm 23 tuổi Lê Cảnh Nhạc đã là Phó hiệu trưởng Trường cấp 2 Kim Liên làng Sen quê Bác. Anh cũng là người Tổng phụ trách Đội rất được các em nhỏ yêu mến. Cuốn sách đầu tiên của anh được Nhà xuất bản Kim Đồng "đặt hàng" không phải là cuốn sách văn học mà là viết về những kinh nghiệm anh làm Tổng phụ trách Đội. Yêu mảnh đất quê nhà còn nghèo, còn vất vả, thầy giáo trẻ Lê Cảnh Nhạc ngày ấy nguyện mang tâm sức mình cống hiến cho quê hương.
           Anh rưng rưng nước mắt khi nhắc lại kỷ niệm ngày lên đường đi du học ở Liên Xô: "Bác ruột tôi là GS Lê Bá Hán. Ông biết tôi vừa giỏi chuyên môn sư phạm, vừa giỏi công tác phong trào, nhưng ông khuyên, tài năng giống như con ngựa bất kham, nó chỉ có thể đưa mình đi tới đích nếu mình biết giật giây cương cho nó đi về một hướng. Tôi chọn nghề giáo để theo đuổi. Và tôi được Nhà nước cử sang Liên Xô học về tâm lý giáo dục. Ngày tôi lên đường, quê hương đang phải gánh chịu một cơn bão cấp 12. Nhìn cây cối đổ ngả nghiêng, tôi đi mà thấy lòng mình như se sắt lại. Tôi thấy mình như đang là người có lỗi, chạy trốn khỏi những khó khăn, nhọc nhằn của quê hương". Và đây là những câu thơ được nhiều người chép vào sổ tay mà Lê Cảnh Nhạc đã viết trong hoàn cảnh ấy: "Ước làm một hạt phù sa/ Ước làm một tiếng chim ca xanh trời/ Ước làm tia nắng vàng tươi/ Ước làm một giọt mưa rơi ấm chồi". Sau này, trở thành một nhà văn, nhà báo, đảm nhiệm nhiều cương vị công tác quan trọng, nhưng quê hương Hà Tĩnh vẫn là một nỗi niềm đau đáu trở đi trở lại trong thơ Lê Cảnh Nhạc. Bài thơ "Huyền thoại Hồng Lam" của anh có thể được xem như một khúc tráng ca về Hà Tĩnh. Lê Cảnh Nhạc có biệt tài đưa các địa danh quê hương vào trong thơ rất tình, rất thi vị. "Gió ngàn xanh đẫm mát nước sông La/ Tùng Ảnh thành tên từ bóng thông Tùng Lĩnh". Những cảm thức ấy chỉ có thể có được từ trái tim gắn bó máu thịt, chân thành của nhà thơ với quê hương, xứ sở.
         Lê Cảnh Nhạc được biết đến như một nhà thơ mặc dầu anh hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực. Anh viết văn xuôi thậm chí còn nhiều hơn thơ và truyện cho thiếu nhi của anh rất được các em nhỏ yêu thích. Tuy nhiên, Lê Cảnh Nhạc thừa nhận, thơ vẫn là một "người tình" cho anh nhiều men say nồng nhất, ám ảnh nhất, cho dù người tình ấy nhiều khi cũng đỏng đảnh, bất thường và làm khổ anh nhiều lắm.
        Sẽ thật khiếm khuyết khi không nhắc về Lê Cảnh Nhạc với những bài thơ tình có hương vị rất riêng. Tình yêu, lúc nào và ở đâu cũng là một món quà quý giá nhất của Thượng đế. Với thi sĩ, nó càng không thể thiếu. Nó là nơi để cái đẹp thăng hoa, nơi bung tỏa của cảm xúc với nhiều trạng thái khác nhau. Hiếm thấy thi sĩ nào viết về vợ hay như Lê Cảnh Nhạc: "Vẫn là em, điên đảo hờn ghen/ Nồng như ớt, mặn như là muối bể/ Cuống quýt vào ra chua chanh chát khế/ Quay quắt thương, quay quắt nhớ xa chồng". Cụ thể, chi tiết, mà vẫn đủ sức lay chứa tâm hồn người đọc  Lê Cảnh Nhạc dường như muốn giấu kỹ con người thi sĩ của anh đi, khi anh mộc mạc như vậy trong ngôn từ. Nhưng anh vẫn làm người đọc xúc động, vì ẩn sau đó là một tấm lòng chân thành. Cái đẹp trong thơ anh đến từ cái Thật. Người ta đi khắp thế gian để nhận ra bao nhiêu mỹ miều, xiêm áo, cuối cùng vẫn chỉ là bọt bèo trước cái Thật, cái bình dị. Tình yêu, hạnh phúc cũng vậy thôi. Tận cùng của nó là sự giản dị đến không ngờ. Lê Cảnh Nhạc chắc chắn đã "ngộ" ra điều ấy. Anh không cần sự phô trương nào hay sự điểm tô nào cho tình yêu. Anh viết về khuôn mặt thật của nó, rất trong trẻo và không kém mãnh liệt: "Anh thành tro của đá/ Anh thành tàn của cây/ Hồn anh thành mây khói/ Hoang trời đêm Phiêng Lơi".
         Ngoài thơ, Lê Cảnh Nhạc là một nhà quản lý. Anh giữ cương vị Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội kiêm Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế phụ trách báo chí, truyền thông, sức khỏe của Bộ Y tế. Gần 20 năm trước, Lê Cảnh Nhạc đã từng một mình làm từ A-Z những số đầu tiên tạp chí "Vì trẻ thơ", rất hay và hấp dẫn. Anh cũng là người viết báo rất "mả" ở nhiều thể loại. Phóng sự "Mầm ác và hướng thiện" của anh đã từng giành giải thưởng Báo chí của Trung ương Đoàn. Bận rộn là gương mặt đời thường Lê Cảnh Nhạc. Cuộc sống lăn lộn của người làm báo đã cho anh nhiều trải nghiệm. Những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, những số phận con người... đã bước vào thơ anh một cách tự nhiên với nhiều day dứt. Và phút làm thơ chính là phút anh soi lại mình. Tôi rất ám ảnh những câu thơ giàu chiêm nghiệm của Lê Cảnh Nhạc: "Ta biết trong ta những góc nào u tối/ Mê hoặc ta đâu dễ dứt lìa/ Bóng tối cuốn đi/ Bóng tối hút về/ Cơn khát cuồng si nô lệ".
          Nhận biết chính mình có lẽ là hành trình khó khăn nhất trong cuộc đời mỗi con người. Mỗi bước lên cao hơn cũng chính là mỗi bước nhìn sâu vào bản thể của mình, để nhận ra đâu là những giá trị thật của đời sống. Trên con đường độc hành ấy, Lê Cảnh Nhạc bất chợt nhận ra: "Một nửa tin yêu một nửa ngờ/ Nửa kết sâu bền, nửa vu vơ/ Nửa trải lòng, nửa đầy bí hiểm/ Nửa sáng như gương, nửa tối mờ". Và anh giật mình: "So cân một nửa cùng một nửa/ Nửa cán cân đời số không thôi"... Phải trải qua rất nhiều những buồn vui của đời sống, thậm chí là cả những vết thương, anh mới đến được gần chân lý ấy. Nó mang màu sắc của Đức Phật. Nó bình yên và thức tỉnh. Những có có, không không là rất vô thường. Con người ta đi qua đời sống và để lại điều gì? Nào phải địa vị sang hèn hay chức tước. Nó có thể là một ánh mắt, một nụ cười, một lời ru, một tình yêu, một tấm lòng. Thấu suốt điều đó để cảm thấy mình hạnh phúc, để yêu hơn mỗi ngày đang có, đang lao động và cống hiến có lẽ là thông điệp lớn nhất mà Lê Cảnh Nhạc muốn gửi gắm vào thơ. Và như anh từng nói, cho dù đời sống có nhiều đổi thay thế nào đi chăng nữa, thì tấm lòng của nhà thơ với cuộc đời lúc nào cũng rất tròn đầy, như vầng trăng không bao giờ khuyết
 
  Bình Nguyên Trang     
     
 Chùm thơ của Lê Cảnh Nhạc rút trong tập “ Khúc giao mùa”


Âm thanh tuổi thơ
 
Ngày thơ ấu đi qua
Mơ ước nhen lên từ chiếc khăn quàng đỏ
Tiếng trống ếch bập bùng trong trí nhớ
Ngân dài theo năm tháng cuộc đời.
Thời gian hòa bao nỗi buồn vui
Buổi duyệt Đội năm xưa tưởng đâu còn trở lại
Đã xa rồi những trại hè thuở ấy
Rạo rực tim tôi tiếng gọi những con đường
Bè bạn chơi trò “Mèo đuổi chuột” đêm trăng
Giờ đã đi xa khắp mọi miền đất nước
Tôi tìm về trong niềm háo hức
Với mái trường xưa... thánh thót tiếng “thưa thầy”
Bên đàn em thơ ngây
Chiếc khăn quàng năm nao thắm vai Người phụ trách
Bao năm rồi khăn vẫn ngời đỏ rực
Tôi nghe vọng thì thầm tiếng nói tuổi thơ xưa.
Kia vẫn trò chơi “Mèo đuổi chuột” đêm khuya
Anh nhún nhảy huýt còi cho em tìm đuổi
Bè bạn vòng quanh reo vui như ngày hội
Trăng nhô lên thức dậy cả vòm trời.
Âm thanh tuổi thơ xao động suốt cuộc đời
Ai cũng một lần qua, xin đừng quên trở lại
Âm thanh tuổi thơ mãi dội về lay gọi
Giữa hồn tôi xòe nở những búp chồi.
 
 
Quê hương trong nỗi nhớ về cha
 
Ước được làm thi sĩ mùa xuân
Viết trường ca tặng Cha và cuộc sống
Nhớ quê hương, lòng nhen đầy khát vọng
Cả cuộc đời được ríu rít quanh Cha.
 
Tuổi ấu thơ như một khúc dân ca
Cất lên lâu rồi dư âm còn vọng mãi
Màu đỏ khăn quàng, sân trường nắng chói
Phượng vĩ rắc đầy trên lối tuổi thơ qua.
 
Những khoảng trời ký ức đã đi xa
Mãi gắn với tuổi thơ đầy háo hức
Núi tắm mưa bay, biển ngời sóng bạc
Dòng La dài dào dạt tiếng ca ngân.
 
Như con chim non lạc giữa rừng xuân
Líu lo hân hoan trong lòng sông núi hát
Tình quê hương tụ bồi như bến nước
Phù sa dồn năm tháng mê say
 
Nhớ khói hương trầm trong thanh vắng lan bay
Tóc Cha rung trước bàn thờ của Mẹ
Nén đau thương giữa một thời trai trẻ
Cha khép cửa dang lòng ôm ấp con thơ
 
“Ngày con ra đời mẹ đã mất chưa Cha?”
Câu hỏi ngây thơ xé lòng lệ chảy
Giữa ấm áp yêu thương Cha vỗ về nuôi dạy
Trăng lặn từ bao giờ trong câu hát Cha ru
 
Suốt cuộc đời thanh bạch chẳng vinh hoa
Sống bình lặng như cuối nguồn sông chảy,
Biển cả mênh mông, những cánh buồm vẫy gọi
Phù sa lắng vào bờ, đâu tiếc chuyến đi xa.
 
Ước mơ cuối đời mãnh liệt của lòng Cha
Được gần gũi bên suối ngàn Mẹ nghỉ
Khi tung cánh vào đời, đàn con đầy sức trẻ
Say lòng Cha những tiếng hót trong lành.
 
Nén hương năm nào, ngày giỗ mẹ thiêng liêng
Giọng Cha trầm dặn dò đàn con nhỏ:
“Ngày Cha qua đời... Các con ơi, hãy nhớ
Giỗ Cha bằng khôn lớn cuộc đời con”.
 
Cha, Cha ơi... mãi mãi với mùa xuân
Đừng bao giờ có ngày băng giá đến,
Dẫu đêm tối đông về theo thời gian hiển hiện
Rợn lòng tay tóc trắng gió bay lìa...
 
Từng phút, từng giờ thao thức với quê hương
Nơi ấy có Cha, có những gì quý nhất
Có tuổi thơ bay trong cánh cò trắng muốt
Nắng ca dao lấp lánh suốt cuộc đời.
 
 
Mẹ vĩnh hằng
 
Con chào đời,
Lộc nhú từ cây, mầm ươm từ đất
Mẹ dắt con đi khi con chưa tập bước
Bằng tiếng ầu ơ trái đất bầu trời.
 
Tiếng ru cất lên nhân nghĩa cuộc đời
Cho con thương yêu cái cò cái vạc
Yêu những luống cày, yêu người gieo hạt
Nâng bát cơm thơm biết quý giọt mồ hôi
 
Con lớn lên, đồng níu mẹ hai vai
Bão giật tháng ba, lũ tràn tháng tám
Đắp đập vá đê, be bờ chống hạn
Hạt gạo nuôi con biết mấy tảo tần
 
Cắm bàn tay giá buốt xuống đồng
Để cây lúa trổ đòng đơm hạt mẩy
Cơm trọ trường xa dành con mùa gạo mới
Mẹ lót chum khoai chống chọi với mùa màng
 
Câu hát lời ru nuôi lớn tâm hồn
Hạt gạo củ khoai cho con dáng vóc
Gửi con vào đời bao niềm mong ước
Tối lửa tắt đèn mẹ chẳng muốn con hay
 
Ngóng tin con bấm đốt từng ngày
Con khôn lớn nên người là bếp nồng đêm lạnh
Mẹ chẳng đợi gì hơn dẫu chiều tà sương động
Vin bóng buông màn khi nắng tắt trăng lên
 
Cuộc đời con có mẹ, có mùa xuân
Có tiếng hát của sông dài biển rộng
Con xin mẹ vĩnh hằng đừng bao giờ tắt nắng
Dù bóng xế chiều, tóc mẹ trắng phơ bay.
 
 
Dậy nào, ban mai
 Dậy đi con, chim hót báo thức rồi
Cha lay gọi mà cứ thương cái ngủ
Một ngày mới đón con ngoài khung cửa
Đừng trễ nào, ngày mới sẽ đi qua
 
Lời ru hằng đêm thấm ngọt giấc mơ
Con mở tiếp mỗi khi mặt trời mọc
Cái ngủ ngoan nồng chưa nhớ được
Đường đến trường lời ru sẽ theo con
 
Mai sau, mai sau, khi con lớn khôn
Ngày mới cùng lời ru lại chờ con trước cửa
Nếu mẹ cha không còn bên con nữa
Con chớ đánh rơi tiếng chim gọi mặt trời
 
Dậy đi nào, cái ngủ ngoan ơi
Ban mai của cha, ban mai của mẹ
Cặp sách mới, tới trường nhiều lối rẽ
Đừng chậm giờ, đừng vấp ngã nghe con ...
 
 
Huyền thoại Hồng Lam
 
 Hà Tĩnh ơi, nhút mặn từ bao giờ
Cho con xa quê say đậm đầu vị lưỡi
Áo tơi chắn gió Lào, nước Ngàn Sâu tắm gội
Để trắng trong da thịt của thị thành
 
Nhấm giọt cà phê nhớ vị chát chè xanh
Trưa râm ran gọi mời rung ngõ xóm
Nghe điệu lý nhớ câu hò Nhượng Bạn
Biển Thiên Cầm huyền cảm vọng đàn trời
 
Trời- biển- núi- sông vấn vít ngàn đời
Từ Cửa Hội đến Đèo Ngang, ra Hòn Ngư, Hòn Én
Những huyền thoại linh thiêng
Tụ khí chất Hồng Lam suốt bao đời hiển hiện
Lạc Long Quân xuất thánh tại đất này
 
Địa linh sinh nhân kiệt
Ông Đùng xếp núi Hồng
Dương Vương lập kinh đô mở nước
Vân Chàng, Minh Lang theo ông Đùng đào quặng sắt
Rèn giáo mác, lưỡi cày, trồng cây và đánh giặc
Chín mươi chín ngọn núi Hồng
Ngoảnh mặt ra Biển Đông
Trấn giữ phong ba
 
Hồ Thiên Tượng, Bàu Tiên,
Vực Thuồng Luồng không đáy
Là nơi các thần linh tụ hội
Sắp đặt thế cờ
Bàn tính chuyện dương gian
Trong xanh lưng chừng núi
Trong xanh soi đại ngàn
Tụ khí đất trời
Toả mạch thiêng nuôi chí người Hà Tĩnh
 
Đứng lên trong gió Lào, cát trắng
Giữa chảo lửa, túi mưa
Thông Ngàn Hống đón mây trắng Hoành Sơn
Hồn đất núi Hồng
Hồn nước Lam Giang
Vi vút lá kim mà kiên trung khí phách
 
Nơi thác Vũ Môn, cá chép hoá rồng
Ngàn Phố, Ngàn Sâu từ ruột núi Giăng Màn
Giao hoà Tam Soa
Để sinh thành những người con trung nghĩa
Thơ đẫm trăng Tiên Điền
Chí đúc thép Cần Vương
 
Mai Phụ, Vụ Quang, Đèo Ngang, Đồng Lộc
Những trang sử hào hùng gắn tên làng, tên đất
Hắc Đế xuất thời
Cao Thắng rèn súng kíp
Đỉnh Núi Mòi chị Tám đếm bom rơi
 
Máu nghĩa binh thắm mãi nước Ngàn Trươi
Rực cháy đuốc cụ Phan dục đời nuôi chí lớn
Trống xô viết dồn vang
La Giang ngày dậy sóng
Trần Phú xuất dương,Tùng Ảnh hội nguồn
 
Lớp lớp cháu con đất huyền thoại Lam Hồng
Cứ vụt lớn lên từ sắn khoai, cổ tích
Người ra đi quyên sinh vì vận nước
Người ở lại quai đê ngăn lũ, gieo mùa
 
Kẻ Gỗ dâng hồ tắm ngọt đất phèn chua
Vũng Áng còi tàu hú vang cập cảng
Mở đường ra biển Đông, bắc cầu sang nước bạn
Nâng cánh Lam Hồng, mây trắng hiển linh bay.
 
Thứ hai, ngày 07 tháng mười hai năm 2009
Sao em không về quê cùng anh
 Sao em không về quê cùng anh?
Hay em ngại ba con sông cách trở
Đò Vạn Rú không còn làng Vạn nữa
Bến Ngàn Sâu chỉ sải một mái chèo
 
 Sao em không về với người yêu
Ngắt trái chín đã đơm đầy mật ngọt
Hay em ngại nếp tranh nghèo miền ngược
Không che tròn bóng mát cuộc đời em
 
Bến Thủy - Cầu Kiều đã nối hai bên
Anh muốn dắt em qua dòng Lam trong vắt
Mái đê xanh dang hình ôm sông nước
Như tình yêu đã có tự bao đời
 
Người yêu ơi, sao em chỉ mỉm cười
Mỗi lần nghe anh nhắc về quê mẹ
Tấm phên nứa gió lùa dù mỏng thế
Vẫn ấm tình che chở trái tim ta
 
Chợ không phiên ran ríu tiếng chào mua
Ngày nào cũng chen chân người xuôi ngược
Thuyền đầy bến rập rình chờ con nước
Chở rừng về, tràn mít bưởi chè xanh
 
Sao em không về quê cùng anh
Chợ đã dựng ven sông vẫn gọi là Chợ Bộng
Cầu treo vắt sông sâu đâu sợ mùa lũ cuốn
Lúa chen lối về làng, phù sa quấn quanh chân
 
Người yêu ơi thôi nũng nịu đi em
Chả ngại thiếu dầu thơm, về gội đầu lá sả
Chim khách gọi đầu hè, sóc chuyền cành trước ngõ
Tàu cau rụng sau nhà, hoa bưởi nở vườn bên...
 
. . . . .
Loading the player...