02-08-2012 - 08:56

Nhà văn HOÀNG NGỌC PHÁCH

Lịch sử văn học Việt Nam đã chọn Hoàng Ngọc Phách làm người mở cánh cửa đầu tiên cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Tác phẩm “Tố Tâm” đã tạo nên một cuộc cách tân lớn trong nghệ thuật và Hoàng Ngọc Phách đã trở thành người đi tiên phong mở đường cho cả phong trào tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn sau này.



Nhà văn  HOÀNG NGỌC PHÁCH
(1896 - 1973)
 
Hoàng Ngọc Phách, tên huý là Tước, ông còn có bút hiệu Song An, sinh năm 1896, quê ở làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, yêu nước, cha ông từng tham gia phong trào Cần Vương. Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán rồi học trường Pháp Việt. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tiểu học ở Vinh, ông ra học Trường Bưởi, Hà Nội.
Khiếu văn chương của ông cũng được bộc lộ từ sớm. Năm 1916 khi mới học xong năm thứ hai trường Bưởi, Hoàng Ngọc Phách đã trúng giải 8 trong 20 giải của cuộc thi thơ do Ban Quản trị rạp Sán Nhiên Đài tổ chức. Cũng trong thời gian học ở trường Bưởi, ông tham gia và chỉ đạo các phong trào bãi khóa, thành lập Hội Học sinh tương tế chống bọn giám thị khinh rẻ, bạc đãi học sinh nghèo.
Năm 1919, Hoàng Ngọc Phách đỗ cả hai bằng Cao đẳng tiểu học Pháp và bằng Thành Chung. Cùng năm đó, ông trúng tuyển luôn kỳ thi tuyển vào trường Cao đẳng sư phạm, Ban văn chương. Năm cuối khóa học ở đây, Hoàng Ngọc Phách hoàn thành tiểu thuyết Tố Tâm. Với tác phẩm này, ông là người mở đầu cho nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam. Nhiều ý kiến còn cho rằng Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1922 tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, Hoàng Ngọc Phách được bổ làm giáo sư trường Thành Chung, Nam Định. Ba năm sau ông chuyển về Hà Nội làm Tổng thư ký trường Cao đẳng sư phạm. Thời gian đó, phong trào để tang Phan Chu Trinh, đòi thả Phan Bội Châu diễn ra sôi nổi, nhất là trong học sinh, sinh viên. Do có liên can tới các hoạt động chính trị này, Hoàng Ngọc Phách bị đổi xuống Kiến An rồi xin chuyển sang dạy ở trường Cao đẳng tiểu học Bonnal Hải Phòng.
Trong thời gian dạy học ở Hải Phòng, Hoàng Ngọc Phách còn làm Hội trưởng Hội Trí Tri Hải Phòng. Ông thường tổ chức những buổi diễn thuyết, tổ chức đội kịch mà đạo diễn, diễn viên là thầy trò trường Bonnal. Số tiền thu được dùng vào việc từ thiện. Những vở Lọ vàng, Bạn và vợ, ông Tây An Nam... có tiếng vang thu hút được nhiều khán giả. Dưới sự dìu dắt của Hoàng Ngọc Phách, Thế Lữ và một số nghệ sĩ khác đã trưởng thành và gặt hái được nhiều thành công trong ngành nghệ thuật sân khấu.
Năm 1931 Hoàng Ngọc Phách lên dạy học ở trường Cao đẳng tiểu học Lạng Sơn. Năm 1935 ông về dạy học ở Bắc Ninh cho đến ngày Tổng khởi nghĩa. Ở đây, ông cũng tham gia tổ chức Hội Khuyến học, Hội Truyền bá quốc ngữ tỉnh và giữ chức Hội trưởng hai tổ chức xã hội này.
Sau cách mạng tháng Tám đến năm 1959, Hoàng Ngọc Phách giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục: Giám đốc học khu Bắc Ninh kiêm Hiệu trưởng trường trung học Hàn Thuyên, Giám đốc giáo dục chiến khu 12, Liên khu 1, Giám đốc Cao đẳng sư phạm Trung ương, Thanh tra học vụ toàn quốc, Hiệu trưởng trường phổ thông Phan Đình Phùng, rồi về ban tu thư Bộ Giáo dục, tham gia nhóm nghiên cứu Lê Quý Đôn. Năm 1959 ông chuyển sang Viện văn học làm công tác nghiên cứu cho đến năm 1963 thì nghỉ hưu. Năm 1973, Song An Hoàng Ngọc Phách ốm nặng nằm bệnh viện Việt - Xô (Hà Nội), Tú Mỡ vào thăm và đọc tặng ông bài thơ tiễn biệt “Viếng sống” trước khi ông mất mấy ngày: “Mấy lời thăm hỏi bác Song An/ Có phải va-li đã sẵn sàng?/ Công việc trần gian đà trọn vẹn/ Đường về tiên giới rất xênh xang./ Đây thằng bố lếu thơ tinh nghịch/ Đấy bạn “cô-le” nghĩa cũ càng./ Bác thượng thọ rồi tôi cũng thượng/ Bác ra tàu trước, đệ còn khoan”.
Các sáng tác tiêu biểu:
Tố Tâm - tiểu thuyết (1925), tính đến năm 1990 tái bản 24 lần.
Thời thế với văn chương - tiểu luận, phê bình văn thơ (1941).
Đâu là chân lý (1941)
Bên bờ sông Lô (1966)
Chuyện trường Cao đẳng sư phạm (1968)
Tuyển tập Hoàng Ngọc Phách (1989).
 
Cùng nhiều tác phẩm in chung:
Cung oán ngâm khúc (bình luận, hiệu đính, 1957)
Thơ văn Nguyễn Khuyến - hợp soạn, nghiên cứu (1957).
Chèo và tuồng (1958).
Văn thơ Trần Tế Xương (1958).
Sơ tuyển thơ văn yêu nước và cách mạng (biên soạn, tập 1 năm 1958, tập 2 năm 1959, tập 3a năm 1959, tập 3b năm 1959).
Nhị Độ Mai (1960)
Giai thoại văn học Việt Nam (1965)
Thơ văn Phan Châu Trinh (1983)
 
Nhà văn Hoàng Ngọc Phách và tiểu thuyết Tố Tâm
 


Bìa cuốn tiểu thuyết Tố Tâm.

 
         Hoàng Ngọc Phách (1896-1973) - tác giả tiểu thuyết Tố tâm, được đánh giá là một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam, tác phẩm đã được giáo sư Michele Sullivan và Emmanuel Lê Ốc Mạch dịch sang tiếng Pháp. Nhà xuất bản Gallimard - nổi tiếng với bộ sách “Tìm hiểu phương Đông”, chuyên dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học nổi tiếng ở các nước Ảrập, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam - đã ấn hành cuốn sách này với tên gọi "Một trái tim trong sáng".
       Hoàng Ngọc Phách ra đời vào giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ, giai đoạn mà xã hội Việt Nam đòi hỏi những bước chuyển mình từ cái cũ sang cái mới. Đó là giai đoạn mà những tinh hoa của nền văn học Phương Tây, tiêu biểu là văn học Pháp tác động mạnh mẽ và tạo nên những biến đổi về chất trong văn học Việt Nam và thấm dần vào các tầng lớp trí thức tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ trong ý thức của họ. Lịch sử văn học Việt Nam đã chọn Hoàng Ngọc Phách làm người thể hiện những bước chuyển về chất ấy - người mở cánh cửa đầu tiên cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Với tác phẩm “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách đã tạo nên một cuộc cách tân lớn trong nghệ thuật, ông trở thành người đi tiên phong mở đường cho cả phong trào tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn sau này. Lần đầu tiên một cuốn tiểu thuyết hiện đại đặt ra một vấn đề xã hội bức xúc bấy giờ: đó là cuộc đấu tranh chống lại những ràng buộc khắt khe trong lễ giáo phong kiến mà đỉnh cao là cuộc đấu tranh âm thầm cho tình yêu chân chính xuất phát từ con tim. Nhưng ý nghĩa lớn lớn lao trong tác phẩm của ông chính là ở chổ nó đã chứa đựng những giá trị khách quan vượt khỏi ý muốn của tác giả. Tố Tâm khẳng định quyền sống, quyền tự do lựa chọn trong tình yêu hôn nhân cũng như sự dũng cảm của lớp người mới dám hy sinh cho tình yêu đó trước quyền uy của lễ giáo phong kiến khắc nghiệt. Vấn đề giải phóng cá nhân của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học đã có từ trước nhưng phải đến Hoàng Ngọc Phách nó mới trở thành nhu cầu cấp bách của toàn xã hội, mới đầy đủ có điều kiện để dần đần biến thành một cuộc đấu tranh, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách chính là phát pháo đầu tiên của cuộc đấu tranh ấy. Chỉ với một cuốn tiểu thuyết gần 100 trang giấy ông đã đặt ra hàng lọat vấn đề của thể loại làm thay đổi hẳn những quan điểm nghệ thuật xưa cũ. Hoàng Ngọc Phách không chỉ đến với chúng ta với tư cách là một nhà văn có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của văn học và sự trưởng thành của khoa học xã hội mà ông còn là một nhà giáo thế hệ của những người khai sinh ra nền giáo dục của chế độ mới.
           Tiểu thuyết Tố Tâm được viết 1922, in lần đầu 1925. Nội dung cốt truyện kể về một đôi thanh niên nam nữ yêu nhau, vì lễ giáo phong kiến mà không được sum họp. Đạm Thủy, một chàng sinh viên đã có nhiều thơ đăng báo, một lần về quê, đánh rơi ví dọc đường, chàng đến trình quan huyện sở tại. Sau khi về trường, chàng được nhắn đến nhà bà Án, chị của quan, để nhận ví. Tại đây, chàng kết thân với cậu Tân, con bà Án. Cũng tại đây, chàng gặp và thầm yêu chị của Tân, nàng Nguyễn Thị Xuân Lan, một cô gái đẹp nhất phố, hiền thục, nết na, giỏi giang và cũng rất yêu thích văn chương và đã từng say mê thơ Đạm Thủy, nên nay biết mặt chàng, nàng thêm quyến luyến. Hai người thường mạn đàm văn chương mỗi khi gặp mặt. Đạm Thủy đặt biệt hiệu cho nàng là Tố Tâm. Hai người trẻ tuổi cảm thấy không thể sống thiếu nhau. Tuy vậy, gia đình Đạm Thủy đã hỏi vợ cho chàng và chàng không dám hủy lời giao ước của cha mẹ. Tố Tâm thì cũng đã có nơi xứng đáng dạm hỏi, mặc dù Đạm Thủy khuyên bảo nhưng nàng vẫn không nghe vì tình yêu mãnh liệt dành cho Đạm Thủy. Khi mẹ Tố Tâm ốm nặng, gia đình buộc nàng lấy chồng. Nàng nhất quyết khước từ. Đạm Thủy, vì quá yêu, nên có ý tưởng cùng nàng trốn đi, xây hạnh phúc, nhưng chàng bỏ ý định vì vướng bận gia đình và Tố Tâm cũng can ngăn chàng. Sau, phần bị gia đình thúc ép, phần do thương mẹ và cũng bởi nghe lời khuyên nhủ của Đạm Thủy, Tố Tâm lấy chồng. Trước ngày cưới, nàng hẹn gặp Đạm Thủy, trao chàng kỷ vật và khóc từ biệt. Nhận lá thư vĩnh biệt của Tố Tâm, Đạm Thủy đáp từ, tặng nàng mấy cành hoa lan mừng ngày cưới. Sau lễ cưới, nhân hội chùa Đồng Quang, hai người thoáng thấy nhau, nhưng Tố Tâm quay mặt đi. Lúc này, nàng đã ốm nặng. Về, biết mình không khỏi bệnh, nàng tiếp tục viết nhật ký cho Đạm Thủy. Nàng cũng kể sự thật với chồng. Rồi nàng qua đời, chỉ sau ba mươi sáu ngày lên xe hoa do bị thổ huyết.  Ngày đưa tang Tố Tâm, Đạm Thủy đau xót đến viếng, nhưng không dám xuất hiện. Hôm sau, chàng ra thăm mộ nàng, lấy áo mình đắp lên mộ và trở lại thăm nhà bà Án, chàng được gia đình trao hộp kỷ vật có quyển nhật ký của Tố Tâm. Đọc nhật ký, Đạm Thủy thương tiếc nàng, hối hận mà thành bệnh. Anh trai Đạm Thủy biết em suy sụp vì tình yêu nên kịp thời động viên, an ủi. Từ đó, Đạm Thủy quyết tâm học hành, lòng giữ hai điều thiêng liêng: công danh sự nghiệp và mối tình nồng nàn, cao thượng với Tố Tâm.
Sau khi tiểu thuyết Tố Tâm ra đời đã dấy lên phong trào say mê tìm đọc của thanh niên, học sinh Việt Nam vào thời điểm ấy. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết có số lần tái bản kỷ lục lên tới hàng mấy chục lần, đưa tên tuổi Song An - Hoàng Ngọc Phách vào hàng các nhà văn tên tuổi lúc bấy giờ “Trong cái rừng văn chương tương đối rậm rạp có trăm ngàn bông hoa đua nở, sản xuất ra các nhà văn viết đủ các loại truyện… Song An Hoàng Ngọc Phách chính là một thứ văn gia, tiểu thuyết “của một cuốn sách” trong văn học sử nước ta” (Vũ Bằng).
 

 
. . . . .
Loading the player...