05-09-2022 - 00:21

NHÀ VĂN HOÀNG NGỌC PHÁCH NGƯỜI MỞ ĐẦU NỀN TIỂU THUYẾT VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 8.2022 trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Quang Ái "Nhà văn Hoàng Ngọc Phách người mở đầu nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại"

 

nhà văn hoàng ngọc phách người mở đầu

nền tiểu thuyết việt nam hiện đại

 

  Hoàng Ngọc Phách, nhà văn, nhà giáo Việt Nam, có tên huý là Tước, bút danh là Song An, sinh ngày 20 tháng 8 năm 1896, quê ở làng Đông Thái (nay là xã Tùng Ảnh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, yêu nước, cha ông từng tham gia phong trào Cần Vương. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, để tránh sự khủng bố của thực dân Pháp, gia đình Hoàng Ngọc Phách chuyển ra sống ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.          

Thuận Thành, Bắc Ninh cũng như Đức Thọ, Hà Tĩnh đều là những vùng quê văn hiến nổi tiếng với truyền thống học hành, khoa bảng.

Thuận Thành là một trong những vùng đất cổ của người Việt, quê hương của những huyền thoại về văn hóa - lịch sử. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, mảnh đất và con người Luy Lâu, Siêu Loại, Thuận Thành đã tạo dựng nên những giá trị văn hóa giàu tính nhân văn lưu truyền lại cho đời sau.

Đức Thọ xưa nay vốn cũng được xem là chốn “Địa linh nhân kiệt” của xứ Nghệ. Trong thời kỳ phong kiến, Đức Thọ có 39 vị đại khoa (Tiến sĩ) với những dòng họ nổi tiếng khoa bảng như: Lê Văn, Hoàng Xuân, Phan Đình, Hà Học,... và các làng giàu truyền thống văn hoá như: Yên Hồ, Đông Thái, Trung Lễ, Bùi Xá... Thời phong kiến Hà Tĩnh có 4 vị trạng nguyên thì Đức Thọ có 2 vị là Đào Tiêu và Đoàn Nguyên Lợi đều quê ở Yên Hồ. Nhiều người thành đạt xuất thân từ Đức Thọ, như nhà ngoại giao Nguyễn Biểu (đời Trần), nhà văn hóa Bùi Dương Lịch; Hoàng giáp Bùi Thức Kiên; Thượng thư, Tiến sĩ Phan Bá Đạt; lãnh đạo phong trào Cần Vương, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, các chí sĩ Lê Văn Huân, Lê Thước, Lê Ninh, nhà cách mạng Trần Phú, nhà thơ Huy Cận, nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn, Luật sư Phan Anh, Luật sư Phan Mỹ, nhà toán học Lê Văn Thiêm, nhà văn Hoàng Ngọc Phách, Bác sĩ Phạm Văn Huyến; Nhà thơ Thái Can, Luật sư Phạm Khắc Hòe…

Cả hai miền quê giàu truyền thống lịch sử - văn hóa ấy đều đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp của nhà giáo, nhà văn Hoàng Ngọc Phách.

Khởi đầu con đường học vấn, Hoàng Ngọc Phách học chữ Nho với thân phụ cho đến năm 1911 mới lên Hà Nội học tiếng Pháp. Năm 1913, ông thi đỗ bằng khoá sinh, năm 1914 đỗ bằng tiểu học Pháp - Việt và trúng tuyển vào trường Trung học Bảo hộ. Năm 1919, Hoàng Ngọc Phách đỗ cả hai bằng Cao đẳng tiểu học Pháp và bằng Thành chung. Cùng năm đó, ông trúng tuyển luôn kỳ thi tuyển sinh vào trường Cao đẳng sư phạm, Ban văn chương. Năm 1922, năm cuối khóa học ở đây, Hoàng Ngọc Phách hoàn thành tiểu thuyết Tố Tâm.

Năm 1922 tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, Hoàng Ngọc Phách được bổ làm Giáo sư trường Thành chung Nam Định. Ba năm sau ông chuyển về Hà Nội làm Tổng Thư ký trường Cao đẳng sư phạm. Thời gian đó, phong trào để tang Phan Chu Trinh, đòi thả Phan Bội Châu diễn ra sôi nổi, nhất là trong học sinh, sinh viên. Do có liên can tới các hoạt động chính trị này, Hoàng Ngọc Phách bị đổi xuống Kiến An rồi xin chuyển sang dạy ở trường Cao đẳng tiểu học Bonnal Hải Phòng.                 

Trong thời gian dạy học ở Hải Phòng, Hoàng Ngọc Phách còn làm Hội trưởng hội Trí Tri Hải Phòng. Ông thường tổ chức những buổi diễn thuyết, tổ chức đội kịch mà đạo diễn, diễn viên là thầy trò trường Bonnal. Số tiền thu được dùng vào việc từ thiện. Những vở kịch như: Lọ vàng, Bạn và vợ, ông Tây An Nam... có tiếng vang thu hút được nhiều khán giả. Dưới sự dìu dắt của Hoàng Ngọc Phách, Thế Lữ và một số nghệ sĩ trẻ khác đã trưởng thành và gặt hái được nhiều thành công trong ngành nghệ thuật sân khấu.

Năm 1931 Hoàng Ngọc Phách lên dạy học ở trường Cao đẳng tiểu học Lạng Sơn. Năm 1935, ông về dạy học ở Bắc Ninh cho đến ngày Tổng khởi nghĩa. Ở đây, ông cũng tham gia tổ chức Hội Khuyến học, Hội Truyền bá Quốc ngữ tỉnh và giữ chức Hội trưởng hai tổ chức xã hội này.

Sau cách mạng tháng Tám đến năm 1959, Hoàng Ngọc Phách đảm nhận nhiều chức trách quan trọng trong ngành giáo dục: Giám đốc học khu Bắc Ninh kiêm Hiệu trưởng trường trung học Hàn Thuyên, Giám đốc giáo dục chiến khu 12, Liên khu 1, Giám đốc Cao đẳng sư phạm Trung ương, Thanh tra học vụ toàn quốc, Hiệu trưởng trường phổ thông Phan Đình Phùng; rồi về ban tu thư Bộ Giáo dục, tham gia nhóm nghiên cứu Lê Quý Đôn. Năm 1959 ông chuyển sang Viện Văn học làm công tác nghiên cứu cho đến năm 1963 thì nghỉ hưu.                                   

Từ lúc nghỉ hưu cho đến khi tạ thế vào năm 1973, Hoàng Ngọc Phách vẫn tiếp tục trước tác, biên khảo và đã để lại cho hậu thế không ít tác phẩm có giá trị. 

Sự nghiệp nổi bật của Hoàng Ngọc Phách được xây dựng chủ yếu trên hai lĩnh vực: giáo dục và sáng tác, biên khảo về văn chương. Nhưng sự cống hiến làm nên tên tuổi Hoàng Ngọc Phách là ở lĩnh vực trước tác văn chương. Khiếu văn chương của ông cũng được bộc lộ khá sớm. Năm 1916, khi mới học xong năm thứ hai trường Bưởi, Hoàng Ngọc Phách đã trúng giải 8 trong 20 giải của cuộc thi thơ do Ban Quản trị rạp Sán Nhiên Đài tổ chức. Sau 50 năm cầm bút, Hoàng Ngọc Phách đã để lại cho đời gần hai chục đầu sách vừa viết riêng vừa viết chung, cả sáng tác lẫn biên khảo. Về sáng tác, tiêu biểu có tiểu thuyết Tố Tâm (xuất bản 1925) và từ đó đến nay đã được tái bản 24 lần. Về biên khảo, có các đầu sách: Cung oán ngâm khúc (bình luận, hiệu đính, 1957), Thơ văn Nguyễn Khuyến - hợp soạn, nghiên cứu (1957), Chèo và tuồng (1958), Văn thơ Trần Tế Xương (1958), Sơ tuyển thơ văn yêu nước và cách mạng (biên soạn, tập 1 năm 1958, tập 2 năm 1959, tập 3a năm 1959, tập 3b năm 1959), Nhị Độ Mai (1960), Giai thoại văn học Việt Nam (1965), Thơ văn Phan Châu Trinh (1983). Trong khoảng nửa thế kỷ cầm bút, số lượng tác phẩm của ông không thật nhiều nhưng cũng đủ để ông giành được một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn chương, học thuật nước nhà.

Tuy nhiên, vinh dự lớn nhất của Hoàng Ngọc Phách là với tiểu thuyết Tố Tâm, ông được lịch sử văn học dân tộc trân trọng ghi tên là nhà văn mở đầu cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Nhiều ý kiến còn cho rằng, Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn chương Việt.

Tiểu thuyết Tố Tâm được viết xong năm 1922, xuất bản lần đầu vào năm 1925. Truyện kể về mối tình dang dở của một đôi thanh niên nam nữ tân thời. Họ yêu nhau tha thiết nhưng vì lễ giáo phong kiến mà không được thành đôi, thành lứa. Đạm Thủy, một chàng sinh viên đã có nhiều thơ đăng báo, một lần về quê, đánh rơi ví dọc đường, chàng đến trình quan huyện sở tại. Sau khi về trường, chàng được nhắn đến nhà bà Án, chị của quan huyện, để nhận lại ví. Không chỉ tìm lại được của rơi, chàng còn kết thân được với cậu Tân, con bà Án và có duyên gặp gỡ rồi thương trộm nhớ thầm người chị của Tân, nàng Nguyễn Thị Xuân Lan, một cô gái đẹp nhất phố, hiền thục, nết na, giỏi giang và cũng rất yêu thích văn chương, từng say mê thơ Đạm Thủy, nên nay biết mặt chàng, nàng thêm quyến luyến. Hai người thường mạn đàm văn chương mỗi khi gặp mặt. Đạm Thủy đặt biệt hiệu cho nàng là Tố Tâm. Hai người trẻ tuổi cảm thấy không thể sống thiếu nhau. Tuy vậy, gia đình Đạm Thủy đã hỏi vợ cho chàng và chàng không dám hủy lời giao ước của cha mẹ. Tố Tâm thì cũng đã có nơi xứng đáng dạm hỏi, mặc dù Đạm Thủy khuyên bảo nhưng nàng vẫn không nghe vì trái tim nàng đã dành cho Đạm Thủy.                 

Khi mẹ Tố Tâm ốm nặng, gia đình buộc nàng phải lên xe hoa nhưng nàng một mực khước từ. Đạm Thủy, vì quá yêu, nên có ý tưởng cùng nàng trốn đi để xây tổ ấm ở một phương trời khác, nhưng rồi vì gia đình ép buộc và cũng vì Tố Tâm hết sức can ngăn, chàng đành phải bỏ ý định. Sau, phần bị gia đình thúc ép, phần do thương mẹ và cũng bởi nghe lời khuyên nhủ của Đạm Thủy, Tố Tâm lấy chồng. Trước ngày cưới, nàng hẹn gặp Đạm Thủy, trao chàng kỷ vật và khóc từ biệt. Nhận lá thư vĩnh quyết của Tố Tâm, Đạm Thủy đáp từ, tặng nàng mấy cành hoa lan mừng ngày cưới. Sau lễ cưới, nhân hội chùa Đồng Quang, hai người thoáng thấy nhau, nhưng Tố Tâm quay mặt đi. Do sầu tương tư, lúc này, nàng đã lâm bệnh nặng. Biết mình phận bạc, nàng tiếp tục viết nhật ký cho Đạm Thủy. Nàng cũng kể cho chồng biết mối tình riêng của mình. Và chỉ sau ba mươi sáu ngày lên xe hoa, nàng đã bị thổ huyết mà từ trần.               

Ngày đưa tiễn Tố Tâm, Đạm Thủy tan nát cõi lòng, âm thầm đến viếng. Hôm sau, đi thăm mộ nàng, Đạm Thủy cởi áo đắp lên mộ người tình và trở lại thăm nhà bà Án. Chàng được gia đình người yêu trao cho hộp kỷ vật có quyển nhật ký của Tố Tâm. Đọc nhật ký, Đạm Thủy thương tiếc khôn nguôi, hối hận mà thành bệnh. Biết em suy sụp vì hận tình, anh trai Đạm Thủy đã kịp thời động viên, an ủi chàng. Từ đó, Đạm Thủy, đã quyết chí học hành để giành lấy công danh sự nghiệp cho xứng với mối tình nồng nàn, cao thượng của Tố Tâm. Bối cảnh xã hội lúc Hoàng Ngọc Phách sinh ra và lớn lên là giai đoạn chuyển giao giữa hai thời đại. Đây là giai đoạn mà xã hội Việt Nam đòi hỏi những bước chuyển mình từ cái cũ sang cái mới. Ở giai đoạn này, những tinh hoa của nền văn học Phương Tây, tiêu biểu là văn học Pháp tác động mạnh mẽ và tạo nên những biến đổi về chất trong văn học Việt Nam. Hoàng Ngọc Phách là một trong những tác giả tiền khu được lịch sử văn học Việt Nam chọn làm người cắm những mốc son đầu tiên cho bước ngoặt ấy. Với Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đã có đóng góp rất quan trọng cho sự đổi mới  thể loại tiểu thuyết Việt Nam ở chặng đường đầu tiên của văn học hiện đại, từ đầu thế kỷ XX đến 1930. Tiểu thuyết Tố Tâm ra đời đã thổi vào đời sống văn học một luồng sinh khí mới. Tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt “Sách có nhiều người mua, nhiều người đọc, nhiều người cho là hay mà thật không ai dám tỏ cái thái độ hoan nghênh nó cả. Vì nó mới quá” (Thiếu Sơn). Quả thật tác phẩm đã đánh dấu một “cuộc cách mạng trong làng văn về tư tưởng và lối viết” (Vũ Bằng).

Để làm nên “một cuộc cách mạng” như thế, trước hết phải nói đến sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Con người được nói đến trong truyện không phải là những người trong văn học cổ, những người phi thường, những tài tử giai nhân mà mọi hành động đều được đánh giá bằng những quan điểm đạo đức xã hội như trung, hiếu, tiết, nghĩa. Con người trong truyện Tố Tâm đã được soi chiếu từ chiều sâu trong đời sống tâm lý với mọi cảm xúc riêng tư của con người cá nhân. Đề tài của truyện do đó chỉ  đề cập đến vấn đề  riêng tư của con người, những con người khao khát tình yêu, tình yêu lãng mạn và hết sức hiện đại. Những vấn đề khác có được nói đến (gia đình, sự nghiệp) cũng là để làm nền cho câu chuyện tình yêu. Chính vì thế truyện đã có cách tiếp cận con người mới mẻ so với văn học trung đại, nó đã khai thác con người ở góc độ riêng tư, ở khát vọng của cá nhân. Câu chuyện tình yêu của đôi trai gái Tố Tâm và Đạm Thủy, những con người bình thường có trái tim đa cảm, có tâm hồn tinh tế khao khát muốn tìm đến một tình yêu trọn vẹn đã thực sự làm xúc động lòng người. Họ đã chủ động đến với nhau dù không được phép của bố mẹ, dù gặp nhiều rào cản và cuối cùng mối tình đẹp đẽ của họ đã tan vỡ. Tố Tâm phải lấy người chồng mà cô không yêu để rồi ốm tương tư và chết. Đạm Thủy khổ đau cứ mãi thương nhớ người xưa. Xem xét bề ngoài, tác phẩm có vẻ như không có ý lên án luân lý, đạo đức phong kiến nhưng nội dung khách quan của tác phẩm đã tạo nên một ý nghĩa xã hội lớn lao. Cái chết của Tố Tâm đã có một giá trị về tư tưởng, nó như một quả bom đánh mạnh vào luân lý lễ giáo phong kiến và kêu gọi thanh niên hãy bảo vệ tình yêu tự do. Có lẽ ra đời còn quá sớm khi thành trì lễ giáo phong kiến còn mạnh nên vấn đề mà nhà văn đặt ra đã phải rào trước đón sau. Tuy nhiên qua tác phẩm, người đọc cũng tự thấm thía cái gánh nặng của lễ giáo phong kiến đang đè nặng lên tình cảm riêng tư của con người. Đây là sự khơi dòng có ý nghĩa quan trọng về đề tài tình yêu tự do để đến những năm 1930 trở đi sẽ phát triển thành một dòng rộng lớn trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn.     Về mặt nghệ thuật, Tố Tâm chính là cuốn tiểu thuyết có vinh dự mở đầu nền tiểu thuyết mới và khai mạc nền văn xuôi lãng mạn Việt Nam. Hướng về đời sống tâm lý của nhân vật, nhà văn đã đổi mới hẳn về kết cấu và phương thức miêu tả. Có thể nói ở Tố Tâm đã có sự gặp gỡ, kết hợp giữa nội dung mới và hình thức mới mẻ, hiện đại. Khác hẳn tiểu thuyết truyền thống, Hoàng Ngọc Phách đã thể hiện lối kể chuyện chủ yếu theo quan điểm nhân vật chứ không theo quan điểm tác giả. Ngoại trừ phần đầu có sự dẫn dắt câu chuyện của người trần thuật, câu chuyện chủ yếu được kể theo ngôi thứ nhất - nhân vật tự kể theo  điểm nhìn của nhân vật. Nhà văn xây dựng câu chuyện theo dòng hồi tưởng, theo qui luật tâm lý chứ không theo trình tự diễn biến thời gian như tiểu thuyết chương hồi. Vì thế truyện có sự đảo tuyến thời gian theo dòng tâm tư nhân vật. So với truyện trung đại thì đây thực sự là một điều mới mẻ hiện đại. Tác giả đã dành vị trí ưu tiên cho sự miêu tả những diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật qua những bức thư và những trang nhật ký. Một điểm độc đáo của tác phẩm chính là phần kết cấu hết sức sáng tạo tổ chức xoay quanh những bức thư của hai nhân vật trao đổi cho nhau và tâm tình của nhân vật trong những trang nhật ký. Các diễn tiến của sự kiện có liên quan đến mối tình của hai nhân vật chính vì thế được lồng vào trong những trang thư và nhật ký. Quyển Tố Tâm gồm 136 trang thì đã có đến 18 trang thư và 21 trang nhật ký. Kết cấu truyện theo lối này, tác giả vừa tái hiện diễn tiến câu chuyện vừa khắc họa, phơi bày thế giới thầm kín riêng tư trong tâm hồn nhân vật. Có thể nói so với tiểu thuyết truyền thống, chưa bao giờ thế giới nội tâm phong phú của con người lại được tách ra biệt lập để trở thành một đối tượng miêu tả chủ yếu như ở Tố Tâm. Đến thời điểm ra đời quyển Tố Tâm cũng chưa có cách miêu tả tâm lý độc đáo như thế. Với Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đã thực sự làm “một cuộc cách mạng vào cõi thầm kín” (Trần Thị Trâm), qua đó truyện đã đưa đến cho người đọc “chân dung những tâm hồn” (Trần Thị Trâm). Đi sâu vào thế giới tâm hồn con người chính là một đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại, nên ở điểm này, nhà văn đã có đóng góp đáng kể cho việc cách tân thể loại tiểu thuyết. Ông cũng bỏ lối kết thúc có hậu để cho câu chuyện kết thúc một cách tự nhiên theo cái logic phát triển của các nhân vật, sự kiện. Kết thúc truyện là một bi kịch tình yêu - Tố Tâm chết sau hơn 30 ngày làm vợ để lại cho Đạm Thủy sự đau khổ - đã cho thấy nhà văn đã xóa bỏ lối kết thúc theo kiểu truyền thống.

Truyện Tố Tâm tuy vẫn còn có những hạn chế nhất định (đôi chỗ còn dùng ngôn ngữ ước lệ, câu văn biền ngẫu) nhưng lối viết của Hoàng Ngọc Phách đã góp phần khép lại ngôi nhà tiểu thuyết cũ kỹ để mở cánh cửa cho các nhà văn bước vào lâu đài tiểu thuyết tráng lệ, hiện đại.    

Trong lĩnh vực văn chương, Hoàng Ngọc Phách có thể được xem là một hiện tượng đặc biệt. Với Tố Tâm, tác phẩm đầu tay và cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất của ông đã làm cho ông nổi tiếng từ thời còn trẻ. Đó cũng là cuốn tiểu thuyết có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Vị trí của ông trong nền văn học cũng được xác định từ đó.  

Ngoài tiểu thuyết Tố Tâm, ông còn viết một số truyện ngắn và bút ký, đặc biệt là hai tập hồi ký đặc sắc Chuyện trường Bưởi và Chuyện trường Cao đẳng sư phạm. Đồng thời ông còn có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu công phu đối với thơ văn cổ dân tộc với một giọng phẩm bình văn chương khiêm tốn, nhẹ nhàng, tinh tế.

Bên cạnh hoạt động sáng tác văn chương và trước thuật, Hoàng Ngọc Phách còn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giáo dục. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, ông được bổ về dạy học trường Thành chung, Nam Định. Trong quá trình dạy học ở đây, ông còn kiêm nhiệm các chức vụ như Phó Thanh tra học chính và Quản đốc trường Sư phạm tỉnh này. Ông có cái duyên may được dạy dỗ lớp thanh niên trưởng thành trong hoàn cảnh sôi động của đất nước lúc bấy giờ. Một số học trò của ông ở Nam Định như Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) sau này trở thành nhà cách mạng lỗi lạc. Thời gian dạy học tại Hải Phòng (từ 1926 -1930), ông đã đào tạo được không ít nhân tài cho xã hội như nhà thơ, nhà soạn kịch và đạo diễn sân khấu Thế Lữ; nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh… những tên tuổi sáng chói trong lịch sử và văn hóa Việt Nam hiện đại. Thời gian hoạt động giáo dục dài nhất của Hoàng Ngọc Phách  là ở  Bắc Ninh (từ 1935 - 1946). Tại đây ông có nhiều đóng góp cho hoạt động giáo dục, được bầu làm Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ, Hội Khuyến học, Hội Hướng đạo học sinh. Uy tín nhà giáo của ông ngày càng được khẳng định.

Cách mạng tháng Tám thành công, Hoàng Ngọc Phách vẫn được giữ nguyên chức Giám đốc học khu Bắc Ninh đồng thời còn được bầu vào các cơ quan chính quyền mới. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, từ thị xã Bắc Ninh, ông lại cùng gia đình ra đi tham gia công tác giáo dục trong vùng kháng chiến, được giao nhiều chức vụ quan trọng của ngành. Trong những năm này, ông lao vào công việc với một niềm hào hứng, say mê mà không quản ngại những vất vả khó khăn trong thời kỳ kháng chiến gian khổ. Năm 1952 với tuổi 56 lại lao lực quá nhiều, ông ốm nặng. Được Bộ Giáo dục cho phép về dưỡng bệnh ở Hà Tĩnh, vừa khỏe lại ông đã xin trở lại dạy học ở trường Trung học Phan Đình Phùng. Khi Viện Văn học thành lập, ông được điều về Viện làm chuyên viên nghiên cứu. Ông đã giã từ hẳn ngành giáo dục sau gần 40 năm gắn bó để chuyển san sưu khảo và trước tác các tài liệu văn học một cách hứng thú cho mãi đến năm 1963 mới nghỉ hưu. Mười năm còn lại với cuộc đời, ông lại miệt mài với những trang văn cho đến khi ông vĩnh viễn ra đi năm 1973.   

Sinh thời, Hoàng Ngọc Phách là một trí thức tân học nhưng lại mang cốt cách nhà nhà Nho, sống cần, kiệm, liêm, chính, an nhiên, tự tại, lạc quan, yêu đời. Khi ông ốm nặng sắp mất, nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, người học và bạn văn cùng thời, đã đến thăm và ghé tai đọc cho ông nghe một bài thơ “viếng sống” để đưa tiễn:                                                                           

Mấy lời thăm hỏi bác Song An,

Có phải va-ly đã sẵn sàng?                               

Công việc trần gian đà trọn vẹn,

Đường về tiên giới rất xênh xang.

Đây thằng bố lếu thơ tinh nghịch,

Đấy bạn cô-le[1] nghĩa cũ càng.

Bác thượng thọ rồi tôi cũng thượng,                   

Bác ra tàu trước, đệ còn khoan.

Nghe xong, mặc dù rất mệt, Hoàng Ngọc Phách đã gật đầu nở một nụ cười  rồi thều thào nói: “Thú đấy!”. Ông từ trần ngày 24 tháng 11 năm 1973

Đã gần nửa thế kỷ đi xa, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Ngọc Phách vẫn rọi ánh hồi quang trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều thế hệ sau này sẽ mãi còn nhớ đến tên tuổi của ông, nhớ đến tác giả của cuốn tiểu thuyết Tố Tâm –  một nhà văn, nhà giáo có tầm vóc lớn của đất nước.

    Phạm Quang Ái

______________

[1] Cô-le là phiên âm của từ tiếng Pháp “collège” (trung học phổ thông). Bạn cô-le tức là bạn học thời trung học phổ thông

 Tài liệu tham khảo:

(1). Phan Cự Đệ và những người khác (1998). Văn học Việt Nam 1900 – 1945, NXB Giáo dục, Hà Nội;

(2). Lê Quang Hưng (2003). Thiếu Sơn toàn tập, NXB Văn học, Hà Nội:;

(3). Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn;

(4). Song An Hoàng Ngọc Phách (1988). Tố Tâm, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội;                                                               

        (5). Trần Thị Trâm (1996). Tiểu thuyết Tố Tâm và vị trí của tác phẩm trong quá trình phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, luận án phó tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội:;   

(6). Nguyễn Huệ Chi (1996), Hoàng Ngọc Phách, Đường đời và đường văn. NXB Văn học, Hà Nội.

. . . . .
Loading the player...