01-09-2017 - 16:44

Những ngày sống và chiến đấu trên đất bạn Lào

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Lào, xin trích hồi ký của tác giả Phan Như Tám ( quê Bùi Xá, Đức Thọ) lúc bấy giờ là chiến sĩ thông tin được Bộ tư lệnh Quân khu IV giao nhiệm vụ cùng đơn vị sang giúp bạn Lào tiêu diệt các vị trí đóng quân, sân bay, đồn bốt từ đường số 8 , số 9 vào đến Ata Pư, Hạ Lào, bảo đảm an toàn vùng biên giới , phục vụ chiến dịch mở đường của Đoàn 559.

NHỮNG NGÀY  SỐNG VÀ CHIẾN ĐẤU TRÊN ĐẤT BẠN LÀO

                        ( trích hồi ký của Phan Như Tám)

            Những năm 1960 - 1962 tình hình của Lào có nhiều biến động. Để có thế chủ động trên bàn hội nghị Giơ ne ve 1962 về Lào, ta giúp Lào mở rộng các vùng giải phóng theo Neo Lào Hắc Xạt, chủ yếu ở các tỉnh Bô ly khăm say, Khăm Muộn, Sa va na khẹt, Sê Kông, Át Ta Pư, Trung và Nam Lào. Sang năm 1962, Hội nghị Giơ ne vơ được ký kết. Thời gian này, trước tình hình 3 phái ở Lào, Đảng và Bác Hồ nêu rõ quan điểm ủng hộ Xu pha nu vông, ủng hộ Neo Lào Hắc Xẹt đoàn kết giúp đỡ để lực lượng Pa thét Lào giành lấy chính quyền, thu hẹp vùng do Phu Mi Bul ùm chiếm giữ ở các tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Đường số 8, Xa va na khẹt, Đường số 9, Sê Kông, At Ta Pư. Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo Bộ tư lệnh Quân khu 4 phải tổ chức lực lượng tiêu diệt ngay sự chống phá đó với thời gian nhanh nhất.

            Cuối năm 1958, từ quê nhà Bùi Xá, Đức Thọ, tôi đi bộ đội, làm lính thông tin VTĐ 15W và 2W thuộc E78 F325 ở Bố Trạch, Quảng Bình. Đầu năm 1960,  khi được điều động lên đường làm nhiệm vụ, chỉ sau một ngày, tôi đã có mặt ở Xuân Thành, Nghệ An. Khi tới nơi thì đã thấy hàng trăm cán bộ chiến sĩ của ta và Lào đã được cấp phát quần áo, giày mũ, ba lô như quân của Đại úy Koong Le để ngụy trang. Lãnh đạo Quân khu 4 tuyên bố thành lập Tiểu đoàn độc lập mạnh có số lượng và trang bị như một Trung đoàn, có binh quân chủng hợp thành như pháo binh 105 ly, 76 ly, công binh, bộ đội tinh nhuệ, pháo phòng không, thông tin, cơ yếu, vận tải, trạm xá quân y......giao nhiệm vụ cho đơn vị sang giúp bạn với thời gian phải xong cuối năm 1961 để đón đầu hiệp định Giơ ne vơ 1962 về Lào. Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là quét sạch các vị trí đóng quân, sân bay, đồn bốt từ đường số 8 , số 9 vào đến Ata Pư, Hạ Lào, bảo đảm an toàn vùng biên giới , phục vụ chiến dịch mở đường của Đoàn 559.

           

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 103 quân tình nguyện Việt Nam

cùng bộ đội Pha Thét Lào tại mặt trận Thượng Lào năm 1953 ( ảnh tư liệu) 

       Tháng 6/1960, tiểu đoàn hành quân về đường số 8 tập kết ở Cầu Treo Hương Sơn. Sau hơn một tuần, trinh sát điều nghiên về báo cáo kết quả thì 3 ngày sau, tiểu đoàn ra lệnh cho 3 đại đội tấn công Na pê và 3 đại đội tấn công Kam Kơt. Với lực lượng áp đảo, ý chí quyết tâm cao nên hai điểm nói trên bị xóa sổ hoàn toàn, ta tiêu diệt 60 tên địch, làm tan rã 2 Đại đội địch, thu toàn bộ vũ khí quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm,....Số đông quân địch chạy vào rừng và về với gia đình. Điểm Lạc Xao có 300 quân địch, doanh trại kiên cố, có tường cao, giây thép gai bùng nhùng do một tên Đại úy chỉ huy, nằm sát rừng rậm, có sự hỗ trợ của sân bay Thà Khổng, sân bay Thà Khẹt.

            Tôi truyền đạt lệnh của Tiểu đoàn trưởng cho 2 Đại đội 1 và 2 bao vây phía tây, 2 Đại đội 3 và 4 bao vây phía Đông. Hai gọng kìm sẽ đồng loạt nổ súng khi có 3 phát pháo hiệu màu đỏ vào lúc 4 giờ sáng. Đêm hôm đó trời mưa to, nước hai bên rừng chảy ngập đường số 8. Bộ đội ta phải bơi trong dòng nước. Đã 4 giờ 30 phút mà hai đại đội phía Tây vẫn chưa tiếp cận được mục tiêu. Còn hai đại đội ở phía Đông còn cách Lạc Xao 2km. Đúng 5 giờ sáng, tiếng kẻng báo thức của đồn Lạc xao đã điểm để binh lính tập thể dục. Lúc đó hai đại đội phía Đông cũng vừa tới. Nhận lệnh của Tiểu đoàn trưởng, tôi rút khẩu pháo hiệu bắn làm 3 phát màu đỏ ( tín hiệu tấn công) khi còn cách cổng đồn địch chỉ khoảng 100 bước chân. Nhận được hiệu lệnh tấn công, hai Đại đội phía Đông ào ào bao vây doanh trại. Bộ đội công binh đặt bộc phá cho nổ ngay bốn điểm mở cửa phá tan một dãy tường và hàng chục mét dây kẽm gai. Cổng bị phá, bộ đội ta xông vào từng  nhà khiến bọn địch không kịp mặc quần áo, chưa kịp mở kho để lấy vũ khí đối phó. Trung liên, tiểu liên, AK của ta nổ vang. Bọn địch số bị giết tại chỗ, số ẩn nấp cuối giường, số chạy vào rừng lẩn trốn. Duy nhất chỉ có trung đội bảo vệ của địch chống đỡ với quân ta. Cả doanh trại hỗn loạn, kêu la thảm thiết, xin đầu hàng. Trận này ta đánh tan 2 đại đội địch, tiêu diệt hơn 50 tên, bên ta có 15 đồng chí hy sinh, 10 đồng chí bị thương.

Bộ đội Việt Nam tại chiến trường Lào năm 1972 ( ảnh tư liệu của Quang Hường)

            Trong khi ta đang thu dọn chiến trường thì một máy bay từ sân bay Thà Khổng đến oanh tạc vào doanh trại gây thương vong thêm 4 đồng chí. Trung đội pháo phòng không 12,7 ly đã bắt chiếc máy bay và viên phi công phải đền tội, bốc cháy ngay trên bầu trời Lạc xao. Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh cho hai đại đội hành quân thần tốc về sân bay Thà Khổng, đồng thời lệnh cho pháo 105 ly  trưa mai sẽ bắn pháo mở đường cho bộ binh vào sân bay lúc 12 giờ 30 phút cùng ngày. Tiểu đoàn phó Bun Thoong được cử vào làm việc với Trưởng bản lo việc mai táng các binh sĩ của địch bị ta tiêu diệt đồng thời cho đại đội vận tải chở số chiến sỹ hy sinh và bị thương về nước ngay trong buổi sáng. Sau khi căn cứ điểm  Lạc xao bị xóa bỏ, Bộ chỉ huy của địch biết được binh lực của phía ta nên tránh đối đầu với quân Bắc Việt, lệnh cho sân bay Thà Khổng di chuyển máy bay, phi công về ngay sân bay Thà Khẹt, chỉ để lại lực lượng lính đánh bộ trông coi sân bay. 11 giờ,  Đại đội pháo đã báo cáo tổ chức xong trận địa, đang chờ lệnh tiểu đoàn. Tôi chuyển lệnh đúng 12 giờ 15 phút cho pháo cấp tập dọn đường cho bộ binh tiến vào sân bay.

            Khi hai đại đội tiến vào sân bay thì Đài chỉ huy đến công sự, doanh trại đã  bị pháo của ta san phẳng. Binh lính địch đang toán loạn trong khói lửa mịt mùng và đang gom xác chết thì bộ đội ta xông vào. Thấy lực lượng của ta áp đảo, bọn địch giơ tay xin đầu hàng. Pháo ta đã phá tan tành sân bay, 10 binh sỹ địch thiệt mạng và 5 người bị thương. Đồng chí Đại đội trưởng ra lệnh cho số còn lại muốn theo Pa Thét Lào hay về với gia đình tùy ý. Hầu hết họ xin về với gia đình. Quân ta thu dọn chiến trường, chở chiến lợi phẩm về đơn vị và để lại một trung đội ở lại bảo vệ sân bay nhưng phải đào hầm trú ẩn cẩn thận đề phòng địch quay trở lại. Thừa thắng xông lên, ta chiếm luôn Ma ha xay,  Nhôm Ma Lát. Sau khi mất thế chân vạc Lạc Xao - Ma ha xay- Nhôm Ma Lát buộc địch ở Huội San, Bản Đoong, Mường Phìn trên trục đường số 9 rút lui về thị xã Thà Khẹt. Lệnh của Quân khu cho tiểu đoàn củng cố lại lực lượng, tổ chức làm công tác dân vận và chuyển hết thương binh bệnh binh về nước, nghiêm túc chờ lệnh cấp trên. Tiểu đoàn cho các Đại đội về các địa điểm an toàn và bảo vệ, quản lý các doanh trại, tài sản, trang thiết bị mà ta đã thu được. Quân khu giao Tiểu đoàn lấy Na Đu làm sở chỉ huy và lập tuyến phòng thủ ở đó, không cho quân địch lấn chiếm tái chiếm các điểm mà ta đã giải phóng, tổ chức lực lượng vào các thôn bản làm công tác dân vận, kêu gọi binh sỹ thất trận trở về với gia đình vợ con làm ăn sinh sống. Một tháng sau, chỉ trừ bọn sỹ quan cố tìm đường về thị xã Thà khẹt còn hơn 300 lính đã trở về thôn bản, một số xin gia nhập quân Pa Thét Lào hoặc tham gia dân quân tự vệ ở thôn bản.

            Na Đu là một núi đá chắn ngang 2 bên đường số 9 đi thị xã Thà Khẹt. Mất Na Đu, bọn địch mất con đường khống chế biên giới Việt Lào, đường 559, con đường giao thông huyết mạch với Hạ Lào, Quảng Trị, Đà Nẵng, Sê Kông, Át Ta Pư, là con đường vận chuyển vũ khí, đạn dược trang thiết bị đưa tài liệu, chuyển quân ra Bắc vào Nam của Việt cộng. Chúng tìm cách khống chế không để Bắc Việt chiếm Na Đu làm sở chỉ huy. Chúng cho trận địa pháo ở Đông thị xã Thà Khẹt bất kể ngày đêm liên tục nã pháo xối xả vào Na Đu. Pháo địch bắn che lấp cả cửa hầm, núi đá đổ rào rào làm kẹt cả đường đi lại, nhà bếp nấu ăn trong một hang núi cũng bị lấp đường vào, nấu cơm xong nhưng không có người đến nhận khẩu phần mang về hầm ăn. Đảng ủy Tiểu Đoàn quyết tâm phải nhổ bằng được trận địa pháo này.

            Vào một buổi trưa, tôi được lệnh của Tiểu đoàn trưởng gọi lên hầm chỉ huy và chỉ thị mang theo máy VTĐ 2W sang đài chỉ huy trận địa pháo ở cao điểm 525 cách đường số 9 chừng 500 mét về phía phải để kết hợp chuyển tin cho trận địa pháo. Tôi mang máy lên, bắt liên lạc thông suốt với các mạng xong và rời chỉ huy sở vượt qua cánh đồng để qua đường số 9 sang đài chỉ huy pháo binh. Đúng lúc đó thì một loạt pháo địch rít trên đầu. Tôi vừa nằm xuống thì pháo nổ chỉ cách tôi 10 mét nhấc bổng người tôi và văng xuống, tai phải tôi bị sức ép chảy máu ướt cả vai áo, ngực tức thở. Tôi vượt đến gần đường số 9 và lợi dụng một vũng trâu đằm để lấy bông nhét chặt vào tai không cho máu chảy đồng thời tranh thủ bắt liên lạc với các các đơn vị đang chờ tin nhưng không được. Tôi tháo nắp máy ra, cắm lại các phích, xiết lại ắc quy cho chặt, bật cao ăng ten, điều chỉnh tần số và rà các mạng thì nghe có tiếng máy rè rè, biểu hiện máy chưa hỏng hẳn. Một lúc thì tôi cũng đã liên lạc được, đài chỉ huy cho người ra đón tôi ở đường 9. Đồng chí Đại đội trưởng nhìn tôi ái ngại, bảo: Cố gắng làm việc nhé! Đồng chí chỉ thị cho tôi gọi ngay về trận địa pháo và thông báo các phần tử, mã số, thông số, mà kế toán và quan trắc đã tính toán. Tôi vừa chuẩn bị xong thì nghe một loạt pháo 4 quả liền của địch lại nổ trên cánh đồng, chính mấy quả pháo này đã làm bị thương người dự bị đi thay tôi khi máy tôi bị hỏng.

            Đứng trên cao điểm 525 nhìn qua ống nhòm và quan trắc tôi thấy trận địa pháo của địch gồm 4 khẩu 105 ly đều nằm trong công sự bê tông kiên cố, bố trí mỗi khẩu cách nhau 25 mét. Nó là kẻ thủ ác đã gây bao nhiêu khó khăn thương vong cho sở chỉ huy tiểu đoàn cả tuần qua. Sau khi nghe ông đọc các thông số rõ ràng, cự ly, gián cách góc tầm, góc tà, vật chuẩn.....mà kế toán vừa báo cáo, tôi thận trọng báo về trận địa pháo. Sau phát bắn thử từ xa để nghi binh địch và tính toán lại các thông số, Đại đội trưởng ra lệnh: Liều 5. Đạn phá! Ngòi tức thì. Toàn Đại Đội cấp tập 5 phát. Bắn! Chỉ sau 30 giây, 4 khẩu pháo 105 ly của ta liên tục nhả 20 quả đạn vào trận địa pháo địch ở Thà Khẹt. Đứng  trên đài chỉ huy, tôi sung sướng đến trào nước mắt. Cả 4 khẩu pháo địch bị hất đổ ngổn ngang, đạn pháo của địch trúng đạn pháo của ta nổ dây chuyền khiến cả trận địa pháo địch khói lửa mịt mù, các pháo thủ bị hất xa hoặc đè lên nhau mà chết. Nhà chỉ huy, cột Ăng ten máy VTĐ 15W bị đổ dạt. Xe cứu hỏa, xe cứu thương bị bốc lửa cháy. Tôi báo về sở chỉ huy tiểu đoàn: Trận địa pháo địch đã đền tội !

            Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho di chuyển pháo về trận địa 2. Đây là nguyên tắc chiến thuật của pháo binh, hễ bắn xong là phải di chuyển trận địa ngay, nếu để chậm sẽ bị pháo địch phản pháo. Đúng như dự báo, chỉ 2 giờ sau, trận địa pháo phía Tây thị xã Thà Khẹt của địch đã nã dồn dập vào trận địa cũ của ta. Tôi nhận được điện của đồng chí chính trị viên tiểu đoàn tuyên bố kết nạp tôi vào Đoàn thanh niên lao động Việt Nam vào ngày 01/05/1960. Trên đường trở về sở chỉ huy tôi gặp người đồng đội đang nằm trên xe cứu thương để chuyển về Việt Nam . Anh bị gãy một cánh tay khi nhận nhiệm vụ đi thay tôi lúc máy hỏng và bị địch bắn loạt cuối cùng.

            Thế là vùng quản lý của Pa Thét Lào được mở rộng, từ đường số 7 Nghệ An, đường số 8 Hà Tĩnh, đường số 9 Quảng Trị và từ Quảng Nam lên Sê Kông, Kontum lên At Ta Pư. Bọn địch chỉ còn lại phía biên giới giáp Thái Lan. Các con đường lưu thông với Việt Nam đều bị ta chia cắt để đảm bảo an toàn cho vùng biên giới của ta và Lào, bảo vệ cho đoàn 559 mở đường vào Nam. Tiểu đoàn Quân khu 4 đã kết hợp với Công an các huyện giáp biên giới tiêu diệt hàng trăm tên phỉ, bắt sống hàng trăm tên đã phá hoại đường 559.

            Đảng ủy tiểu đoàn giao cho đồng chí Bun Thoong -Tiểu đoàn phó chính trị làm Trưởng ban vận động quần chúng. Hàng ngày, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu thì phân công tổ chức lực lượng vào các thôn bản nơi đóng quân. Việc đầu tiên là tuyên truyền các chủ trương chính sách của Neo Lào Hắc Xạt, hướng dẫn nhân dân bầu chọn các chức danh Trưởng, Phó bản, thành lập tổ dân quân, an ninh tự vệ và các đoàn thể quần chúng như: thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi. Tổ chức tuần tra canh gác bảo vệ thôn bản, hướng dẫn nhân dân canh tác lúa nước, tổ chức trạm xá quân y xuống khám sức khỏe, cấp thuốc chống sốt rét, tả lị, đỡ đẻ cho nhân dân. .....Tổ chức mời các đoàn văn công về biểu diễn và tổ chức các đêm văn nghệ quần chúng đốt lửa trại, múa lăm vông ở các thôn bản....

Bộ đội tình nguyện Việt Nam liên hoan văn nghệ chia tay

nhân dân các bộ tộc Lào trước ngày về nước, năm 1961 ( ảnh tư liệu)

         

        Hàng ngày, tôi hay đi theo đồng chí Tiểu đoàn phó Bun Thoong xuống các bản nên hai chú cháu rất thân tình. Những khi ông đi công tác về muộn, tôi đi lấy khẩu phần ăn về cho ông. Bun Thoong vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1951 nay là Đảng NDCM Lào, quê ở Sầm Nưa nhưng đã 10 năm liền không có điều kiện về thăm vợ. Đứa con gái duy nhất đang theo học tại Trường ca múa Việt Nam tại Hà Nội cũng ngần ấy năm chưa gặp lại. Năm 1961, Tiểu đoàn có trách nhiệm bảo vệ Đoàn văn công Neo Lào Hắc Xạt về biểu diễn các đơn vị và nhân dân vùng giải phóng. May có dịp đó mà ông Bun Thoong mới gặp được con gái là cô Chăn tha ly. Gần hai tháng liền, Đoàn văn công sinh hoạt với tiểu đoàn bộ nên tôi thường xuyên có dịp gặp gỡ họ. Ban đêm thì đoàn đi biểu diễn, ban ngày thì hướng dẫn bộ đội tập hát múa. Hôm đoàn tạm biệt tiểu đoàn để về Việt Nam, tôi được giao tổ chức một mâm cơm mời trưởng phó đoàn và Ban chỉ huy tiểu đoàn, tôi và Chăn tha ly cũng có mặt. Chăn tha ly là cô gái dân tộc Lào lùm, trời phú cho nước da trắng hồng miệng cười có chiếc răng khểnh rất có duyên, đôi mắt đen như hạt nhãn với đôi lông mày dài và rậm. Tạm biệt tiểu đoàn, cô tặng tôi tấm ảnh và viết chữ Việt Nam " hẹn ngày gặp lại".

            Tháng 4/1962, sau khi được bổ sung quân số, tiểu đoàn cho hơn 300 chiến sỹ được trở về Việt Nam trong đó có tên tôi. Đại úy - Tiểu đoàn trưởng được đồng chí Bun Thoong thay chân cũng trở về đợt này. Tạm biệt đất bước Lào yêu quý, tạm biệt các đồng đội thân yêu ra về mà lòng chúng tôi xao xuyến nhớ thương. Về Quân khu 4, tôi xin nghỉ phép 10 ngày ra thăm chị gái ở Hà Nội. Đến ga Ô chợ Dừa, đang loay hoay tìm người hỏi đường thì thấy sau lưng có tiếng người hỏi: Sao em gọi mà anh không thưa ? Tôi giật mình vì  người đứng trước mặt tôi chính là Chăn tha ly. Vì là lưu học sinh đã 10 năm sống tại Thủ đô nên cô rất am hiểu phố xá Hà Nội. Biết tôi tìm người nhà ở phố Khâm Thiên, cô bảo: Trường múa của em cách phố này chỉ độ 100 mét, em sẽ đưa anh tới. Trong một tuần ở Hà Nội, tôi được Chăn tha ly đưa đi thăm quan công viên Lê Nin, Công viên Bách Thảo, Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, Chợ Đồng Xuân, ăn kem Tràng Tiền, về Trường múa xem học sinh tập và biểu diễn…Hết phép, tôi trở về Quân khu 4 và cứ hàng tuần, tôi và Chăn Tha ly gửi thư cho nhau đều đặn nhưng sau đó một tháng thì thư nào cũng bị trả lại vì không có người nhận. Một tháng sau, tôi được những người bạn còn ở lại học ở Trường múa thì biết tin dữ Chăn tha ly và 8 người khác trên đường trở về Sầm Nưa (Lào) đã bị máy bay Mỹ oanh tạc, Chăn tha ly và hai người khác đã thiệt mạng. Thế là chú Bun Thoong đã mất đi đứa con thân yêu duy nhất của mình. Thương chú thím, tôi có viết thư gửi sang thăm hỏi nhưng không thấy hồi âm. Cuối năm ấy, tôi được tuyển đi học ngành Công an và học tiếp Đại học tài chính, sau đó đảm nhiệm chức vụ Trưởng Phòng công tác tại Bộ công an cho đến lúc nghỉ hưu.

Tác giả ( người đội mũ trắng, thứ ba bên trái sang)

tại cuộc tiếp đón của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào năm 2001.

       Tháng 7/2001, tôi được Bộ Công an Việt Nam và Bộ nội vụ Lào mời trở lại thăm chiến trường xưa, nơi tôi và đồng đội đã sống và chiến đấu. Lần ấy, tôi được tới Thủ đô Viêng Chăn, xuống thăm Luông Fa Băng, về Hạ Lào và thị xã Thà Khẹt, nơi mà cách đây mấy chục năm đơn vị tôi bao vây và đánh tan trận địa pháo binh bảo vệ Thà Khẹt, giành giật từng bản làng để mở rộng vùng giải phóng cho Pa Thét Lào. Nhìn cảnh vật hôm nay quá nhiều thay đổi mà chợt động lòng nhớ tới một thời sống và chiến đấu gian khổ trên đất bạn, nhớ thương những đồng đội cũ đã hy sinh trên đất bạn nhưng không biết đã tìm được hài cốt để đưa trở về với đất mẹ hay chưa.

            Hôm tiếp chúng tôi, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Lào nói đại ý: Tình hữu nghị đặc biệt thủy chung giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí Thư Thủ tướng Chính phủ Cay xỏn phom vi hản đặt nền móng và dày công vun đắp để mãi bền vững như dải Trường Sơn hùng vĩ. Chúng ta nguyện làm tốt hơn nữa để mối tình đó đơm hoa kết trái, để con cháu và mọi lớp người sau mãi mãi tôn trọng. Sau mấy tuần, khi tôi đã trở về Việt Nam mà vẫn còn mãi bâng khuâng nỗi nhớ về những ngày ngắn ngủi được trở lại đất bạn, càng thấy thấm thía thêm câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt -Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hông Hà - Cửu Long".

Tháng 8 năm 2017

P.N.T

 

. . . . .
Loading the player...