19-04-2023 - 10:27

Những vấn đề nghệ thuật nhìn từ một kỷ lục của nhiếp ảnh Việt Nam

Báo Thanh niên ngày 11.4.2023 có bài viết với nhan đề “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hải xác lập kỷ lục Việt Nam với 1.128 giải thưởng”. Bài viết đó đã gây xôn xao dư luận trong giới nghệ sĩ nhiếp ảnh nói riêng và những người yêu mến bộ môn nghệ thuật này nói chung.. Sau đó ngày 12.4.2023, Báo Tuổi trẻ có bài viết “Vua giải thưởng triển lãm ảnh thế giới Vũ Hải nói gì khi kỷ lục bị nghi ngờ?”. Từ sự kiện này, có thể nhìn ra nhiều vấn đề nghệ thuật của nhiếp ảnh Việt Nam cần làm rõ. Đặc biệt không chỉ riêng trong giới nhiếp ảnh, mà đời sống văn hóa nghệ thuật của Việt Nam thời đương đại có không ít nghệ sĩ đi “mua danh” bởi sự khát khao danh vọng ảo.

 

Nhà nghiên cứu Hà Thanh Vân

Từ câu chuyện của một nhà văn

Cách đây không lâu khi được hỏi ý kiến về chất lượng tác phẩm của một nhà văn hay khoe giải thưởng, tôi đã trả lời: “Về quan điểm cá nhân thì tôi không hề thấy nhà văn đấy viết hay, thậm chí nói nặng nề là thứ “văn chương minh họa”. Bản thân tôi không thể nhớ nổi một câu thơ hay một câu văn của nhà văn đó, thậm chí tên tác phẩm cũng không nhớ. Nhưng đó chỉ là quan điểm cá nhân của tôi. Còn xét từ góc độ chuyên môn chung thì có những điều cần làm rõ thêm: Thứ nhất, ở khoa Ngữ văn của các trường đại học ở Việt Nam có môn học tên là “Văn học Việt Nam từ sau 1975”, có khi gọi là “Văn học đương đại Việt Nam” hoặc có tên tương tự, thường là 30 tiết. Vậy những tác giả nào được dạy hoặc nhắc đến trong đó? Đó là những cái tên quen thuộc như Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Bảo Ninh, Chu Lai… Và chắc chắn không thể có tên nhà văn hay khoe giải thưởng đó. Thứ hai, nếu tên nhà văn đó không có xuất hiện trên giảng đường đại học thì có luận văn cao học hay luận án tiến sĩ nào làm về nhà văn đấy không? Câu trả lời cũng là không. Điều này rất dễ tra cứu ở hệ thống dữ liệu trong thư viện của các trường đại học. Thứ ba, có nhà xuất bản ở nước ngoài nào uy tín mua bản quyền và dịch tác phẩm của nhà văn đó chưa? Hay có tạp chí văn học quốc tế uy tín nào đăng tác phẩm của nhà văn đó chưa? Nhà văn đó có giải thưởng quốc tế uy tín nào không? “Uy tín” ở đây là hàm nghĩa được giới chuyên môn và có hiểu biết thừa nhận. Câu trả lời cũng là không. Thứ tư, nếu mang tên nhà văn đó ra hỏi sinh viên ngành Ngữ Văn, hỏi có biết tác giả đó là ai không? Chắc chắn sinh viên đều trả lời là không biết. Bạn bè trên Facebook của nhà văn đó khoảng vài ba ngàn người, một status khoe giải thưởng được khoảng vài ba trăm like và khoảng 100 bình luận (comment) toàn những lời có cánh khen ngợi, đến từ toàn những người thân quen, đồng nghiệp, bạn bè và họ hàng, gia đình. Nhà văn đó được vinh danh qua mấy bài báo, nhưng công chúng rất ít đọc những bài kiểu đó, hoặc có thì chỉ lướt qua, trừ những ai có liên quan đến chuyên môn. Nhưng nhà văn đó tự nghĩ, tự đánh giá là mình có tài, nổi tiếng, ghi dấu ấn bằng những giải thưởng. Tự đánh giá và đánh giá nhau là quyền của mỗi người. Khen hay chê cũng là quyền của mỗi người. Vấn đề ở đây không phải là người ta khen mình như thế nào mà ai là người khen mình mới là quan trọng. Nhà văn ấy cứ tự sung sướng với thành tích, nhưng nhà văn ấy không hề nhận ra rằng bản thân đang sống trong một thế giới chật hẹp, một cộng đồng công chúng chật hẹp và những lời khen chỉ đến từ cộng đồng đó!”

Có thể thấy rất nhiều phiên bản tương tự như câu chuyện của nhà văn đó ở những lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác.

Đến chuyện đi thi ồ ạt và các giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh

Bài trên báo Thanh niên cho biết: “Về việc thi ảnh quốc tế, chỉ trong 18 tháng (9.2021 – 3.2023), NSNA Vũ Hải đã tham dự 368 cuộc thi ảnh ở hơn 70 quốc gia thuộc 5 châu lục và có 6.354 tác phẩm được triển lãm, đoạt 1.128 giải thưởng. Trong đó có 290 huy chương vàng, 90 huy chương bạc, 150 huy chương đồng và 598 giải thưởng khác”. Nếu như vậy thì 18 tháng đi thi 368 cuộc thi ảnh quốc tế, có nghĩa là 1 tháng thì nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hải đi thi 20,444… lần. Một tháng trung bình 30 ngày, nghệ sĩ này thi gần như suốt tháng và một lần thi, trung bình có 17,5 tác phẩm được giải và triển lãm. Như vậy cũng có nghĩa là nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hải phải gửi ảnh nhiều hơn con số 6.354 tác phẩm, chứ không thể gửi tác phẩm nào cũng có giải và được triển lãm. Một ngày có 24 giờ, rồi còn tốc độ xử lý ảnh, chọn ảnh, upload ảnh, và đặc biệt là thời gian sáng tác ảnh nữa v.v… vì một nghệ sĩ chân chính không thể chỉ sử dụng toàn ảnh cũ. Và nghệ sĩ thực thụ nếu sáng tạo/sáng tác để gọi là “tác phẩm” không dễ dàng! Với “6.354 tác phẩm được triển lãm” thì chính xác nên gọi là “bức ảnh” hay “tác phẩm”? Dùng từ “tác phẩm” trong trường hợp này có dễ dãi quá không và có phủ nhận/cào bằng/đánh đồng với những tác phẩm có chất lượng của những nghệ sĩ nhiếp ảnh khác không?

Đặc biệt không thể đánh đồng các giá trị giải thưởng quốc tế với nhau vì uy tín, bề dày lịch sử, hội đồng giám khảo, chất lượng thí sinh ở các cuộc thi khác nhau. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hải khẳng định trong bài phỏng vấn của báo Tuổi trẻ là ông chỉ tham gia các cuộc thi ảnh quốc tế do hai tổ chức uy tín nhất bảo trợ là Liên đoàn Nhiếp ảnh thế giới (FIAP) và Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA). Thế nào là “uy tín” nhất? Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không muốn nói cụ thể về các tổ chức này và “uy tín” của nó đối với những nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, có tầm vóc quốc tế và tôi tin rằng rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có tài, có tâm, có hiểu biết, đã từng có có những giải quốc tế lớn, có uy tín đích thực hiểu rất rõ về thực chất các cuộc thi của hai tổ chức này.

FIAP với danh xưng “Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới” đã gây ra những ngộ nhận từ nhiều năm nay trong giới nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và công chúng yêu mến bộ môn nghệ thuật này. Đó là một tổ chức lớn mang tính phát triển nhiếp ảnh nghệ thuật nhưng mang tính phong trào nhiều. Dù các cuộc thi đều mở rộng cho cả giới chuyên nghiệp và nghiệp dư dự thi nhưng chủ yếu chỉ giới nghiệp dư dự thi, còn thỉnh thoảng một vài cuộc thi lớn trong năm, giải có giá trị hiện kim cao là thu hút thêm những tay máy chuyên nghiệp. Website chính thức của FIAP thể hiện đầy đủ những thông tin đó.

Về mặt chuyên môn, giá trị giải FIAP chỉ là những tấm huy chương những danh hiệu A.FIAP (nghệ sĩ), E.FIAP (nghệ sĩ xuất sắc), M.FIAP (nghệ sĩ bậc thầy)… mang tính hư danh nhiều mà không đem lại những giá trị thiết thực cho sự nghiệp của nhà nhiếp ảnh. Ảnh đoạt giải của FIAP thường mang vẻ đẹp chung chung mà không đại diện cho các xu hướng nhiếp ảnh lớn nào trên thế giới. Nhưng đây là một tổ chức có tính chất phong trào, thu hút nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh nghiệp dư, tạo cho họ một sân chơi, giao lưu với nhau. Tương tự như vậy, hai tổ chức Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) và Hội hình ảnh không biên giới (ISF) cũng hoạt động theo tiêu chí như thế, dù sau này cả ba tổ chức có mở rộng sang cả lĩnh vực ảnh báo chí trong nhiều cuộc thi, nhưng dĩ nhiên nó không thể so được với ảnh báo chí ở các cuộc thi danh giá khác.

Hơn nữa nếu xem xét kỹ thêm, có thể thấy Hội đồng giám khảo của các cuộc thi của FIAP, PSA, ISF và cả RPS (Hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh) rất ít có sự tham gia của các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp mà đa phần là nghiệp dư, coi nhiếp ảnh như một thú vui, không phải là sự nghiệp. Các cuộc thi này lại không cấm ảnh đoạt giải ở cuộc thi khác thi tham dự nên một bức ảnh có thể đoạt tới hàng chục giải cũng không quá lạ lùng. Thậm chí trong giới nhiếp ảnh Việt Nam còn hay đùa nhau là “thâm canh” ảnh đi thi. Có không ít nghệ sĩ Việt Nam khoe một bức ảnh của mình đã đoạt hàng chục giải thưởng quốc tế khác nhau.

Trong khi đó, nhiều cuộc thi ảnh quốc tế có uy tín thì thành phần Ban giám khảo không chỉ là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, có uy tín trên thế giới, mà họ còn là tổng biên tập, biên tập viên của các tạp chí nhiếp ảnh có uy tín, là các giáo sư dạy về nghệ thuật thị giác trong trường đại học, là giám tuyển, giám đốc nghệ thuật, giám đốc sáng tạo, nhà phê bình mỹ thuật v.v… International Photography Awards (IPA) với thành phần giám khảo có nhiều các tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp nhiếp ảnh thế giới, số lượng lên đến vài ba trăm người, với những thương hiệu uy tín như Sotheby’s, Saatchi and Saatchi đồng hành…

Vai trò và trách nhiệm của hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam: chạy theo số lượng hay chất lượng?

Nhưng thực tế là các cuộc thi của FIAP, PSA, ISF và cả RPS tuy là những tổ chức mang tính phong trào, đại chúng, lại đều là cái đích hướng tới của phần lớn các nhiếp ảnh gia Việt Nam, cũng vì các giải thưởng trên được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thừa nhận và coi đó là những giá trị để xét “tước hiệu”, thành tích, giải thưởng ảnh xuất sắc quốc gia hàng năm và cao hơn nữa là giải thưởng Nhà nước. Những văn bản của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam quy định rõ những điều này. Vậy tại sao những giải thưởng danh giá, uy tín như International Photography Awards (IPA), World Press Photo (WPP) The National Geographic Photo Contest… lại không được tính vào?

Thậm chí ngay cả cách sử dụng danh xưng phong tặng của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng không chuẩn xác. Theo bài viết trên báo Thanh niên thì: “Trải qua trên 40 năm hoạt động trong lĩnh vực ảnh báo chí và nghệ thuật, NSNA Vũ Hải đã được phong tặng nhiều tước hiệu cao quý của nhiều nước và tổ chức nhiếp ảnh trên thế giới như E.FIAP (NSNA xuất sắc Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới); E.VAPA (NSNA xuất sắc Hội NSNA Việt Nam) cũng như tước hiệu của nhiều tổ chức nhiếp ảnh quốc tế khác”. Nhưng từ “tước hiệu” dễ dẫn đến một vài hiểu lầm về ngoại giao và chính trị, nên tránh dùng. Văn bản của VAPA (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) ghi rất rõ về việc phong “tước hiệu”. Tuy nhiên “Tước là danh vị nhà vua phong cho các quan to hoặc cho những người có công lớn” và “Tước hiệu là tên gọi chức vị được nhà vua ban cho” (“Từ điển tiếng Việt” – Viện Ngôn ngữ học, NXB Khoa học xã hội, 2005, trang 1079). “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học là cuốn từ điển chuẩn nhất hiện nay về tiếng Việt với giải thưởng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2005 cho người chủ biên là GS. Hoàng Phê. Còn “Danh hiệu là tên gọi nêu lên phẩm chất tốt đẹp, cao quý, dành riêng cho đơn vị, cá nhân, hoặc địa phương có nhiều thành tích”. (“Từ điển tiếng Việt” – Viện Ngôn ngữ học, NXB Khoa học xã hội, 2005, trang 241). Ví dụ cụ thể có thể thấy nhiều trên báo chí như các tin tức: “Giáo sư X được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” hay “Vua Charles III phong cho hoàng tử Edward tước hiệu Công tước xứ Edinburgh”.

Vậy vấn đề đặt ra là phải chăng Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cần có những cải tổ, thay đổi triệt để về mặt quy định, thể chế, cũng như sự phong tặng, danh xưng… để có thể nâng cao chất lượng nghệ thuật của nền nhiếp ảnh Việt Nam đương đại, đưa nhiếp ảnh Việt Nam phát triển theo xu hướng phát triển của thế giới, tránh dậm chân tại chỗ hay thậm chí thụt lùi. Sự thay đổi, cải tổ trước hết phải đến từ những người làm công tác quản lý có uy tín về mặt chuyên môn, có tư duy nghệ thuật ở trình độ cao, có sự hiểu biết sâu rộng không chỉ về nhiếp ảnh Việt Nam, mà còn phải hiểu biết về nền công nghiệp nhiếp ảnh thế giới. Sự thay đổi cũng phải đến từ những nỗ lực của những cá nhân nghệ sĩ cầm máy ảnh, với lòng yêu nghề, sự say mê sáng tạo, mong muốn tác phẩm của bản thân mình đến được với công chúng và đi ra với thế giới. Số lượng dĩ nhiên là cần thiết bởi vì đó là một khía cạnh để đo đếm thành tích, song chất lượng nghệ thuật mới là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Đánh giá chất lượng nghệ thuật là việc khó khăn, song vẫn có một số tiêu chí có thể dựa vào

Giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh có nhiều loại. Có không ít cuộc thi nhiếp ảnh nghe rất hoành tráng nhưng trao rất nhiều giải thưởng mang tính phong trào và nhằm mục đích là để thu lợi nhuận, với hàng trăm các giải thưởng lớn nhỏ khác nhau. Chẳng hạn như lệ phí nộp ảnh thi khá cao, thường ít nhất từ 10 USD đến 50-70 USD cho một bức ảnh hay một series ảnh dự thi. Giải thưởng khi được thông báo sẽ kèm theo câu, chẳng hạn: Lệ phí Cúp vàng chứng nhận có giá trị 200 USD, giấy chứng nhận 35 USD, chưa kể người thắng giải phải chịu tiền ship. Do vậy cần tỉnh táo và phân biệt rõ. Chưa kể bản thân một giải thưởng có uy tín có thể chỉ tập trung vào một chủ đề, nhưng cũng có thể có nhiều thể loại dự thi cho nhiều đối tượng, chuyên nghiệp hay nghiệp dư, với các thể loại phong phú, đa dạng như: con người, đời sống, thiên nhiên, truyền cảm hứng, thể thao, thời sự v.v… Giải thưởng quốc tế chỉ là một yếu tố và vấn đề vẫn ở chỗ giải do ai chấm, do ai tổ chức và thí sinh dự thi là những ai? Sau khi đoạt giải, thí sinh có được giới chuyên môn ghi nhận, đánh giá cao hay không?

Giữa mê hồn trận các giải thưởng quốc tế đủ mức độ, uy tín khác nhau, vậy chúng ta làm thế nào để phân định. Dĩ nhiên ngoài kiến thức và sự hiểu biết về các giải thưởng, tôi cho rằng một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng ở tầm mức quốc tế thì phải có ảnh được sưu tầm/trưng bày ở các bảo tàng lớn trên thế giới hay các bộ sưu tập cá nhân uy tín, phải được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế uy tín, và dĩ nhiên giá ảnh phải cao trên thị trường. Đặc biệt là có các triển lãm cá nhân không chỉ ở Việt Nam, có các cuốn sách ảnh riêng và chung được giới chuyên môn đánh giá chất lượng tốt, có những bài phê bình nghệ thuật của những nhà chuyên môn.

Một nghệ sĩ nhiếp ảnh không thể chỉ căn cứ vào danh xưng “vua giải thưởng quốc tế” và xác lập kỷ lục Việt Nam, tiến tới là kỷ lục châu Á để tự huyễn hoặc bản thân và huyễn hoặc công chúng, muốn các nghệ sĩ khác cũng làm theo mình như trong bài viết trên báo Thanh niên: “NSNA Vũ Hải hy vọng, trong tương lai sẽ có những NSNA trẻ phá được kỷ lục của mình và tiếp tục mang đến những ấn tượng sâu sắc cho bạn bè quốc tế về vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam”.

Tôi cho rằng đi thi và thi nhiều là quyền của mỗi nghệ sĩ, khoe hay là đi đăng ký xác lập kỷ lục quốc gia cũng là quyền của của nghệ sĩ, tự đánh giá quá cao về bản thân cũng là quyền của họ. Không ai cấm/chê bai/lên án nghệ sĩ vì điều đó, vì họ không làm gì vi phạm pháp luật cả, cùng lắm người ta chỉ cười họ “mua danh” thôi. Nhưng cần cho công chúng hiểu rõ rằng thực chất của những giải thưởng quốc tế về nhiếp ảnh ồ ạt, nghe có vẻ rất hoành tráng đó là gì. Đồng thời cũng là để cho các nghệ sĩ hiểu rằng không nên bắt chước ai đó/các nghệ sĩ khác, hay chạy đua theo họ. Chúng ta có thể nhìn các nghệ sĩ khác để học hỏi, chứ không phải để so sánh hay cố gắng vượt lên họ. Nghệ sĩ thực thụ thì khi họ sáng tạo, họ không nên đi so sánh hay tìm cách vượt qua nghệ sĩ khác. Ai có thể vượt qua hay so sánh mình với Leonardo Da Vinci, Picasso, Dali… trong hội họa? Ai có thể vỗ ngực tự xưng: Tôi viết văn hay hơn Lev Tolstoy, Dostoyevsky…? Theo tôi, một nghệ sĩ chân chính là người không tự bằng lòng với chính mình, luôn tìm cách vượt qua chính mình về mặt sáng tạo và cũng biết rõ giới hạn hay khả năng của mình. Có thể họ thành công, có thể họ thất bại trong sự nghiệp. Nhưng ít ra họ không tự so sánh mình với ai, không tự mình nêu bản thân lên thành tấm gương, không huyễn hoặc bản thân mình.

Từ một câu chuyện của một nghệ sĩ tạo dựng một “kỷ lục” cho nhiếp ảnh Việt Nam, có thể ngẫm thấy nhiều điều về thực trạng của nền nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng và mở rộng ra những lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác. Công chúng yêu văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam rất cần những hiểu biết để tránh những ngộ nhận về chất lượng tác phẩm, danh xưng của nghệ sĩ. Đồng thời các nghệ sĩ cũng rất cần biết mình là ai, tự định vị được bản thân mình trong sân chơi nghệ thuật, một sân chơi khắc nghiệt đòi hỏi tài năng, công sức, sự lao động nghiêm túc, say mê…, chứ không chấp nhận sự “mua danh” hay ảo tưởng.

Dẫn nguồn: Hà Thanh Vân/ vanvn.vn

. . . . .
Loading the player...