Nhân kỷ niệm 87 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh, trân trọng giới thiệu ghi chép " Một thời tóc ngắn" của nhà văn Phan Trung Hiếu viết về nữ chiến sĩ Xô viết, đảng viên 30-31 Nguyễn Thị Khương, thành phố Hà Tĩnh.
MỘT THỜI TÓC NGẮN
( Ghi chép của Phan Trung Hiếu)
… Quê gốc của Khương ở Thừa Thiên – Huế. Bố Khương là ông Hường Quý – một nhân viên kế toán cho tòa sứ tại thị xã Hà Tĩnh. Khương sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này. Là một gia đình công chức nhưng đời sống cũng không khấm khá cho lắm vì nhà quá đông con. Tuy thế, Khương vẫn được bố cho theo học trường Pháp – Việt ở thị xã Hà Tĩnh cho đến lớp nhất (Primaire). Tiếp nhận trào lưu của tư tưởng ở vùng đô thị, chịu ảnh hưởng của những người thân trong gia đình họ hàng như anh Hà Huy Tập (anh rể), Nguyễn Khánh Toàn (anh con bác) nên Khương sớm đi theo cách mạng. Năm 16 tuổi, (khoảng năm 1928) cô đã vào Đảng Tân Việt với bí danh là La Loa, bạn của cô là Võ Thị Ngọ bí danh là La Xen (tên hai con sông của nước Pháp). Hồi đó, Khương là Tổ trưởng phụ nữ có nhiệm vụ tổ chức phong trào của chị em học sinh, buôn thúng bán mẹt ở vùng trung tâm thị xã. Cơ sở liên lạc hồi ấy là nhà chị Liên (em gái Trần Trọng Kim) – chủ cửa hàng buôn bán thuốc bắc, nuôi tằm dệt vải ở thị xã Hà Tĩnh. Cũng chính trong cơ sở được ngụy trang để che mắt địch này, Khương đã được kết nạp Đảng. Bữa đó, có mặt anh Nguyễn Huy Lung, Bá Cảnh, chị Võ Thị Ngọ… Thời gian này, Khương còn nhận nhiệm vụ liên lạc với các đồng chí của ta ở nhà lao, nhà binh. Hồi đó anh Trần Hậu Toàn bị chúng nhốt trong cachot (biệt giam) nhưng nhờ có cơ sở của ta trong hàng ngũ địch cho nên cô gái La Loa đã vào được đến tận phòng giam kín để đưa thư từ, chỉ thị liên lạc. Đến tháng 2/1930, Đảng cộng sản Đông Dương thành lập, bí danh của Khương đổi lại là “Hương”.
Nghi ngờ Hương có tham gia hoạt động cách mạng, bỏ bê công việc nhà cửa, bà mẹ ghẻ vốn cay nghiệt một lần đã đánh đập Hương làm om sòm cả xóm. Chuyện đến tai bọn mật thám, tòa sứ có giấy gọi vào. Hương đang lo lắng thì cũng đúng lúc ấy, tổ chức cúa ta sợ Hương bị lộ nên đã bố trí cho cô thoát ly công tác.
Đêm ấy, sau khi nhận được chỉ thị của cấp trên, Hương không sao ngủ được. Cô lẻn nhà đi từ biệt những người bạn gái thân thiết của mình. Biết chuyện, ai cũng ôm lấy Hương khóc ròng. Nhưng, không thể ở nhà thêm được nữa. Trong đêm, khi mọi người đã ngủ ngon, Hương trở mình thức dậy. Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu hỏa xanh lè chỉ dám vặn nhỏ như hạt đỗ, cô cắm bút vừa khóc vừa viết…
Ngày hôm sau, ông Hường Quý sững sờ trước bức thư của con gái để lại, được gấp bỏ dưới chiếc cặp da đi làm việc của ông: “ Bố ! Con không thể ở nhà thêm được nữa. Hãy xem con như giọt máu bỏ rơi. Hãy tha thứ ngàn lần cho con gái vì sự ra đi đường đột này…” Ông hốt hoảng đem lá thư ấy đi trình báo với nhà chức trách. Mọi người trong nhà đổ xô đi tìm nhưng lúc ấy, Hương đã đi xa. Năm ấy, cô vừa tròn 18 tuổi.
Theo đường Quốc lộ, qua ngã ba Vọt, rẽ lên đường 8, Hương được người giao thông liên lạc đưa đến một cơ sở của ta ở Đức Thọ. Các đồng chí của ta yêu cầu Hương thay đổi trang phục. Chiếc quần đen, áo cánh học sinh được thay bằng bộ váy áo màu nâu. Mái tóc dài được lấy vải quấn chít lại trên đầu. Trông Hương khi ấy đã có dáng dấp của một cô thôn nữ. Chỉ còn làn da và răng của cô gái này trắng quá, không hợp với bộ quần áo quê mùa kia. Mọi người chạy đi tìm mua lọ dầu Nhị Thiên Đường bôi vào răng để cho nó xỉn màu, ai đó còn lấy nhọ nghẹ bôi quệt lên nước da trắng hồng. Cải trang xong, thì cũng là lúc người giao thông liên lạc đến dẫn Hương đi bộ xuống vùng Can Lộc để nhận nhiệm vụ. Đến nơi thì chân hai người đã sưng vều. Tổ chức bố trí cho Hương ở tại nhà ông Đương cùng với các anh Phi Nhị, Lê Lương làm công việc ấn loát. Hương rất chịu khó trong công việc mới mẻ này. Ngoài việc tự tạo ra những dụng cụ để in, kéo dập Rulô, đốt dầu lấy muội đèn để làm mực in, Hương còn tham gia làm chế bản, dùng dui, dao khắc chữ lên mặt đá. Công việc nhiều, nào là thông cáo, chỉ thị, truyền đơn, lời hiệu triệu và các tài liệu khác của Đảng. Ngón tay giữa của Hương do kẹp tì vào dui dao khắc chữ nhiều nên bị vẹo đi.
Cơ quan ấn loát được chọn đặt tại một nơi có phong trào mạnh, cán bộ Đảng viên và quần chúng nhân dân hết sức đùm bọc nhưng vẫn không vượt qua được mọi sự chú ý của bọn mật thám. Trong chiến dịch khủng bố trắng gắt gao nhất, Hương và các đồng chí khác không dám ngủ trong nhà mà phải chui lủi, ngủ bờ ngủ bụi trên đồi trọc hay giữa bãi tha ma vắng lạnh. Một hôm, được tin cấp báo bị bao vây, Hương vội vàng mặc váy, chụp vội cái nón cời rách tướp vụt chạy ra bờ ruộng. Đang bì bõm dưới nước thì có một chị trong làng nhận ra nên chạy đến dúi thêm cho cái oi và bảo:
- Mày cứ làm bộ đi mò cua bắt ốc, đừng có để ý nhìn gì đến tụi nó nhé!
Chị ấy lại còn lấy bùn tô trát lem nhem lên váy áo, lên cả bộ mặt trắng trẻo của Hương rồi mới đi sang tiếp tục làm cỏ lúa ở thửa ruộng bên cạnh. Bữa đó, bọn địch sục sạo hết trong làng ngoài bãi nhưng không hề biết cô gái ăn bận nhếch nhác, mặt mũi lem luốc đang lúi húi dưới bờ ruộng kia lại chính là con Khương cộng sản nổi tiếng xinh đẹp với làn da trắng hồng và mái tóc dài bén gót.
Một lần bị bom địch truy đuổi gấp, Hương đang chạy thục mạng qua lùm cây ở bìa làng để tụt xuống mép sông thì bất ngờ bị giật ngửa ra phía sau, đầu nhói buốt. Thì ra mái tóc dài của Hương lúc chạy bị sổ tung ra đã quấn chặt vào một cành cây gai. Lúng túng gỡ chưa ra thì đã nghe thấy tiếng hô, tiếng súng nổ gần. Cô đánh ngồi thụp xuống giữa lùm cây rậm rạp. Đang ngồi im thin thít thì chợt nghe có bước chân tới gần. Nhìn qua kẽ lá, Hương giật thót người khi đụng phải đôi mắt của một tên lính đang soi vào chằm chặp. Bốn mắt nhìn nhau một lúc, không hiểu sao đôi mắt kia cụp xuống. Người lính ấy rời khỏi lùm cây nơi Hương đang ẩn nấp, nói to lên:
- Chỗ này tao khám kỹ rồi, chẳng có gì cả, đi tìm chỗ khác thôi, tụi bay! May là thoát nạn nhưng sau lần ấy, các đồng chí của cô đều bàn:
- Tóc Hương để dài đẹp thật nhưng hoạt động bí mật mà không cắt đi cho gọn thì có ngày bị chụp đấy!
Ngần ngừ một lúc rồi Hương cũng quyết định nhờ các anh xén hộ mái tóc của mình. Mái tóc dài đen cắt ra đong đầy cả miệng cái thúng nhỏ. Kể từ “xuống tóc”, ai cũng gọi cô là “Hương tóc ngắn”.
Sau vụ nhà thờ họ bị đốt, do bị chỉ điểm nên chi bộ Đảng ở đó và cơ quan ấn loát đã bị chúng bao vây. Sau khi vội vàng chôn giấu tài liệu, dụng cụ để in, các đồng chí chạy tóe ra mỗi người mỗi ngả nhưng rốt cuộc đều bị bắt. Bữa ấy, Hương đang bị sốt rét nằm ở một nhà dân khác để cơm cháo thuốc men và suy tính bắt nối kế hoạch liên lạc với tổ chức của mình thì bọn địch ập tới. Lính tây, lính ta lố nhố đứng chật sân. Bọn lính đạp cửa xông vào, chụp bắt Hương ngay trên giường bệnh, lấy báng súng thúc vào người, trói giật cánh khủyu hai tay rồi điệu ra xe dẫn về Sở mật thám. Tại phòng tra tấn, một tên vừa cầm chiếc roi dư dứ trước mắt vừa hằm hằm tra khảo:
- Chi bộ mày có mấy người? Mày được giao nhiệm vụ gì? tài liệu, dụng cụ ấn loát chôn giấu ở đâu? Hương trả lời: Không biết! Thế là nhận ngay một trận mưa roi phủ đầu để thị uy. Đánh một chặp, cô vẫn không hé răng nói thêm nửa lời. Bọn chúng lại chuyển qua thủ đoạn dụ dỗ: "Mày là con nhà công chức, ăn lương của Mẫu quốc, được học hành tử tế, tương lai đầy hứa hẹn, sao lại dại dột đi theo bọn cộng sản cho khổ sở. Khai hết đi rồi bọn tao cho về nhà đoạn tụ với gia đình!"
Chúng ấn vào tay chị một tờ khai đã viết sẵn, chị lắc đầu: “Tôi không làm gì, không biết gì nên không ký đâu”. Trước thái độ gan lỳ của Hương, bọn địch đành phải tống cô vào nhà lao cùng chỗ với những kẻ “làm loạn” cứng đầu cứng cổ khác. Lúc đó, vào khoảng cuối năm 1931. Trong thời gian ở tù, bọn quan lính cai ngục thấy Hương xinh đẹp nên tìm cách dở trò ve vãn, tán tỉnh. Không kể bọn lính Việt, chứ lũ lính Tây cũng rất mê Hương. Bữa Hương đi khám bệnh ở viện, một tên lính Pháp lại gần, ngắm nghía và thốt lên:
- Mày đẹp như Đức mẹ đồng trinh. Có lẽ, mày là con lai Tây mới đẹp được như thế!
Hương biết tiếng Pháp hiểu hết nhưng giả bộ làm ngơ. Bữa sau, thấy hắn tìm tới dúi cho cô mấy chiếc bánh mì và một bức thư viết nguệch ngoạc những chữ: Tu es tres jolie et sympathique… Je t’ aime beau coup…” rồi bỏ đi. Hương về phòng mời các chị ăn bánh mì, rồi đưa bức thư dịch ra tiếng Việt của anh chàng mũi lõ: “Mày đẹp và dễ thương… tao yêu mày lắm…” làm các chị được một bữa cười đùa thoải mái. Riêng Hương thì lo sợ, từ hôm đó không dám đi đâu một mình, khi nào cũng bắt một chị đi kèm.
Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại Ngã ba Nghèn, Can Lộc
Thời gian ở trong tù, chị em phụ nữ đùm bọc thương yêu nhau như con một nhà. Mỗi khi có ai ở phòng tra tấn về hoặc bị bệnh tất cả mọi người đều xúm xít vây quanh để săn sóc động viên. Họ cố kết với nhau để đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong lao tù. Ngoài song sắt, lính gác, hàng rào bọn địch vẫn sợ tù nhân vượt ngục nên thường bắt cùm chân lại. Hương và một số ít chị em khác nhờ chân nhỏ nhắn nên thường nhân lúc bọn gác ngục không chú ý, rút chân ra đi lại cho thoải mái, chăm sóc những chị em có sức khỏe yếu hơn, liên lạc với phòng giam của các anh bên cạnh qua cái lỗ nhỏ được đục bí mật ở bức tường. Nhiều bữa chị em còn bày trò công kênh nhau trèo lên ổ cửa nhỏ thông gió của nhà giam, thay phiên nhau nhìn ra ngoài một chút cho đỡ nhớ.
Hồi mới vào tù, chẳng hiểu do đâu mà có tin đồn là Hương đã mất trinh. Có lẽ nước da xanh xao do bệnh sốt rét trông giống như người mới đẻ dậy. Bởi thế mà có khả năng bọn địch tung tin xấu này với ý đồ muốn bôi nhọ phẩm chất của những người con gái tham gia cách mạng. Một lần Hương bị ốm nặng, phải đi khám và điều trị ở nhà thương. Bữa khám cho Hương, Docteur Soạn và Infirmier Lan sửng sốt vì thấy Hương vẫn còn trinh. Sau đó, nhờ cô y tá Lan đi thông tin cải chính nên mọi người mới tin Hương vẫn còn là trinh nữ.
Mãn hạn tù (1933), Hương được bọn chúng thả về quê chịu án treo thêm một thời gian. Ngoài việc một tuần lên trình diện ở bóp Police một lần, thỉnh thoảng Hương còn vào tù thăm hỏi các đồng chí trong nhà lao. Rồi Hương cũng đi lấy chồng, sau đó theo chồng vào Đà Nẵng. Anh Tinh vào đó làm kế toán cho nhà ga. Thời kỳ Mặt trận bình dân, nhà ở của vợ chồng Hương đã từng được đón tiếp đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai…
Cụ Khương đột ngột dừng câu chuyện, bảo cháu Anh Đào lấy hộ cái hộp sắt tây tròn nhỏ mà cụ cất kỹ trong tủ kín. Lục tìm một lúc, những ngón tay nhăn nheo run run lôi ra một tấm ảnh nhỏ. Cô gái trong bức ảnh trẻ đẹp, mái tóc cắt cao, xõa bay trước gió. Đôi mắt đen láy mở to, cương nghị nhìn thẳng về phía trước, đôi môi hơi mím lại.
- Đây là tấm ảnh chụp thời tóc ngắn khi ở tù mà Bảo tàng cách mạng mới gửi về biếu tôi đấy!
Bất giác, tôi ngước nhìn lên đầu cụ. Cái búi tóc bối ót cu sau gáy nay chỉ còn bé tẹo như quả cam bù. Mái tóc bạc trắng như cước ấy chắc sẽ còn dày và đẹp lắm nếu như không có một thời tóc ngắn – Tôi thầm nghĩ.
Vinh 1995- Hà Tĩnh thu 2017
P.T.H