26-03-2018 - 09:10

Núi Hồng, một biểu tượng quê hương

Hơn 30 năm đam mê, kiên nhẫn, miệt mài nghiên cứu, NNC văn hóa Võ Hồng Huy đã để lại một di sản hàng ngàn trang viết về địa chí, lịch sử, văn hóa, con người… của vùng đất Nghệ - Tĩnh, đóng góp lớn trong việc gìn giữ và lưu truyền những giá trị văn hóa của quê hương. Nhân lễ giỗ Đại Tường của NNC Võ Hồng Huy, Tạp chí Hồng Lĩnh số 139 xin giới thiệu bài viết “Núi Hồng, một biểu tượng quê hương” của nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy.

Núi Hồng, một trong bảy tên gọi của dãy Hồng Lĩnh. Địa danh ấy vừa nôm na, vừa chữ nghĩa, gọn nhẹ trong phát âm, đang là tên gọi thông dụng hiện nay. Nhiều tên gọi, nhưng dường như chỉ có chung một nghĩa: Núi Lớn
Một góc thị xã dưới chân núi Hồng (Ảnh: honglinh.gov.vn)
Núi Lớn - Núi Hồng, tương ứng với Sông Cả - Sông Lam.

Về kiến tạo địa lý, nó sinh sau đẻ muộn hơn Giăng Màn, Đèo Ngang. Tuy là đồ sộ, nguy nga, nó vẫn thuộc loại núi lẻ đồng bằng ven biển. Mặt bằng của nó khoảng 30km2, trải dài trong phạm vi địa phận 34 xã thuộc 3 huyện Can Lộc, Nghi xuân và Đức Thọ. Phần đất Đức Thọ nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh. Ngoài diện tích hoàn chỉnh nó còn có phóng ra các đồng bằng bao quanh nhiều quả núi nhỏ lẻ, riêng biệt, tạo nên một quần thể núi đẹp: núi Cơm - gói cơm ông Đùng, nơi lá cờ búa liềm được cắm trên đỉnh đầu tiên ở huyện Nghi Xuân trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh; núi Ngọc Sơn - nơi làng quê của hai trạng nguyên, vừa là hai cha con họ Sử, thời Trần - những vị mở đầu đại khôi nguyên vùng đất Nghệ Tĩnh…

“99 ngọn” chỉ là số ước lệ , chỉ một ‘đại lượng” không thể đếm. Thực tế ngọn núi trong dãy này, nếu chưa vội ghi ở hàng số nghìn thì cũng phải ở hàng số mấy trăm, đâu chỉ dừng lại ở hàng số chục; ngọn núi Ông - ngọn Tháp Cờ, đỉnh cao nhất của dãy núi này cũng chỉ 676m. Do tính riêng khoảnh của nó, vẫn gây cho ta cảm giác là nó rất cao.

Hồng Sơn cao ngất mấy trùng

                                        (Nguyễn Du)

Các nhà địa chí xưa, chia dãy núi thành 3 nhóm núi (Tam Điều - Nghi Xuân địa chí), chúng được phân cách bởi hai đường truông: Truông Cộng Khánh làm ranh giới giữa nhóm Thiên Tượng và nhóm núi Đụn; Truông Eo Bầu, ranh giới giữa nhóm Đụn với nhóm Hương Tích. Tên một ngọn núi tiêu biểu trong nhóm được chọn làm tên chung cho cả nhóm núi.

Núi Hồng mấy cụp, mấy khe?

Tháp cao mấy trượng, đi về mấy truông?

Câu ví ân tình vừa là câu hỏi địa lý. Không còn là núi nếu không có đá, khe, hang động, cây cối, chim muông, những yếu tố cấu thành ra nó. Chúng vừa là tài nguyên, của cải vật chất, vừa là tài nguyên, của cải văn hóa. Ở đây, vật thể cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo, sản phẩm kinh tế và văn hóa có sự hòa nhập, đan xen; vật tư lâm sản, khoáng sản, vừa là di tích văn hóa.

Trước hết, nói về đá. Có thể công bố, dãy núi này là “kho dự trữ” khá dồi dào đá hoa cương. Nó còn có một số trữ lượng khoáng sản, sa và đá quý khác. Ấy là vì đại bộ phận nham thạch núi này là đá mác-ma xâm nhập. Xa xưa núi được phủ kín nhiều lớp thảm xanh cây cối. Cả một quá trình bị chặt phá tai hại, núi đã bị bóc trần, trơ ra những khối đá, cụm đá, thậm chí cả những mái núi đá, chồng chất ngổn ngang. Tùy địa hình và hướng núi khác nhau, chúng đã tạo nên những hố lèn hang động, “Đá một”, “Đá đôi”, hình dáng khác nhau, kỳ vĩ, huyền ảo...

Trong dãy núi có 2 ngọn “mồng gà”, 3 ngọn “yên ngựa”, 4 ngọn “đầu” và “tai voi”. Và bao nhiêu những lèn đá, khối đá khác nhau như động “12 cửa”, động “chẻ hai”, đá lưỡi cày, đá mũi thuyền, đá cồng, đá nón... Động đá Hang ở ngọn Đụn, chứa hàng trăm người ngồi thoải mái, đã trở thành cung điện của “cố đô Ngàn Hống” trong truyền thuyết. Cặp đá Hàm Rồng bên cạnh chùa Hương Tích đã được tín ngưỡng tạo thành động “Hóa thân”của Phật bà Quan Âm. Đỉnh núi Ông còn có tên đỉnh Tháp Cờ. Tương truyền chúa Hai, con Mai Thúc Loan đã cắm cờ hiệu tại đó.

Từ Cơn Vạng đến Bằng Vai

Cụp cờ còn đó nhớ ai cắm cờ?

Cơn Vạng, Bằng Vai là tên những dốc động trên lối đi trên đỉnh. Câu ví vùng này gợi ta suy nghĩ: nó có liên quan gì đến trang lịch sử một thời oanh liệt đó chăng? Ngọn núi Lầu, sách Nghệ An cổ lục chép: Lý Thánh Tôn đã dựng hành cung tại đó.

Ai đã từng đến vùng dốc Chọ Hang, Khe Rãy, đều bị cuốn hút bởi những cảnh trí kỳ ảo, lạ lùng: những triền dài chọ đá hiểm hóc chất chồng. Vào được những động ấy, phải chui qua các kẽ hở của chạn đá chất chồng trong lòng núi, bằng nhiều động tác luồn lách, cúi, bò, trườn, trượt khác nhau mới có thể vượt qua. Qua từng chặng phải làm dấu để nhớ lối ra khi trở lại. Đó là căn cứ địa nuôi dấu lực lượng vũ trang bạo động của Thần Sơn Ngô Quảng trong thời hoạt động Duy Tân - Quang Phục (1905- 1911); đó là căn cứ đầu tiên cuộc nổi dậy của nông dân Hà Tĩnh chống triều đình nhà Nguyễn do Phan Bô (Cố Bu) cầm đầu (1834- 1837).

Mỏm núi Mũi Rồng có khu đất khá bằng phẳng, đó là ngôi mộ vị tổ phát tích của dòng họ Đặng Tất - Đặng Dung.

Dù trong, cũng chỉ nước đồng

Dù đục, vẫn nước Mũi Rồng chảy ra

                                              (Ca dao Nghệ Tĩnh)

Kia là đá Chân Tiên, in rõ dấu chân đang bước. Nọ là đá Ông -  Bà, hai người ngồi đối diện, như đang tâm sự hàn huyên.

Khe suối nhiều cũng là một đặc điểm của núi này.

Núi trọc, mái dốc, khe suối bị thoát nước nhanh. Mặt khác, vẫn không ít suối khe, nước ầm ào hoặc róc rách bốn mùa không bao giờ cạn. Bởi lẽ, trên nhiều ngọn núi, trong lòng nó, ngậm sẵn những khối nước ngầm khá lớn. Chúng tạo ra ngay trên đỉnh núi, lưng núi, những vũng trũng, đầm lầy có thể trồng lúa. Động khe Rãy, khởi đầu là trại khai hoang cố Bu, sau đó đã trở thành căn cứ cuộc nổi dậy.

Một số khe, nguồn nước khá lớn, người ta đã đắp thành đập loại tiểu, loại trung để giữ nước tưới ruộng như đập Cù Lây, Trường Lão, đập cồn Tranh, Khe Hao... Đó là loại khe suối dòng nước chảy thông thường. Nhưng có những loại khe dòng chảy khá đặc biệt. Đó là loại khe nước chảy vọt ngang từ kẻ hở hốc đá đứng thành như suối Hương Tích, nước cực kỳ tinh kiết, trong mát và phảng phất thơm - Suối ngọc một gầu vơi tục lụy (thơ Trần Công Soạn). Có loại khe, nước trút từ đỉnh xuống theo chiều thẳng đứng của thanh đá, cao hàng chục mét như khe Vằn Khăn ở dốc núi Sư Tử, khe nước nhỏ ở mỏm núi Thung Ao. Lại có khe Mưa Dông, ở ngọn Hàm Rồng, mưa trong lòng núi. Nước của khe này phát ra từ vòm trần của một cái hang. Hang rộng bằng cái thùng chứa hàng có mui của một xe tải loại lớn. Hang xuyên ngang vào sườn núi, không gian của cái hang chỉ có thế mà đã tạo ra trong hang một “thế giới” riêng biệt. Ngoài trời, khi mưa khi nắng. Trong hang, đêm ngày, năm tháng liên tục mưa. Từ vòm trần của hang, nước từng giọt rỉ đều đều có hàng nghìn giọt rả rích, lách tách rơi xuống. Qua nhiều tầng lóng lọc, nước khe trong mát cực kỳ. Giọt nước từ trần hang rơi xuống đáy hang có sẵn chứa nước, phát ra âm thanh lộp độp, như tiếng mưa dông. Tên khe ấy từ âm thanh ấy. Nguời ta đã đắp thành một con đập lưỡi liềm, bao quanh dưới chân hang để trữ nước tưới đồng ruộng, đó là đập khe Mưa Dông.

Nước ngầm còn tạo ra một số ao vực ngay trên đỉnh núi, lưng núi. Đó là vực Nguyệt ở ngọn núi Đụn. Sách xưa chép, vực ấy sâu không đáy. Có thể là vết tích tàn dư của cái miệng phểu phun trào trong nguyên đại trung sinh chăng? Đó là ao núi Lần, có hang xuyên ngang dưới núi, thông nước ra sông Lách dưới lòng truông, dù chân bước nhè nhẹ, vẫn nghe tiếng thình thình trong lòng núi.

Dưới chân dãy núi, một hệ thống hồ đầm hình thành. Bàu Mỹ Dương như dải lụa, uốn lượn vòng vèo dài trên 10km, vây quanh chân núi phía đông. Hồ Tiên trước chân núi Vân Am, sách Đại Nam nhất thống chí chép, nó còn có tên là Đầm Hồ Lô, rộng vài chục mẫu. Nằm cân đối giữa một bên bờ hồ là phiến đá Thạch Bàn, nhô ra giữa hồ nước, nước mấp mé lấp xấp chân đá. Ngày xưa bên bờ đá, một cây đa cổ thụ khom khom tỏa tán xum xuê. Rất tiếc cây đa này không còn nữa! Cảnh quan chung quanh chân núi đã bị thời gian tàn phá đi nhiều, nhưng thạch bàn vẫn còn đó. Phiến đá khá rộng và bằng phẳng, bồng bềnh kê trên mặt nước, như muốn tạo ra ở đây một không gian non nước, trời mây đơn sơ nho nhỏ, dành riêng cho du khách ngồi hóng mát, bơi tắm, buông câu…

                              Nước hồ yên lặng

                              Ta ngồi xem cá tôm bơi lặn

                              Nước hồ trong xanh

                              Khiến ta hứng khởi tâm tình...

                              (Thơ Dương Thúc Hạp - An Tĩnh sơn thủy vịnh - dịch)

Núi có 8 dải truông, dài ngắn, ngang dọc khác nhau. Truông Cộng Khánh nguyên xưa là một lối mòn. Sau những đợt công binh, quan gia hành quân có voi, đường được phát dọn, dùng cho voi đi để tránh cầu. Từ đó, đường dần được mở rộng thành dải truông hoàn chỉnh, nay là đường 18 Da Lách - Kẻ Treo.

Truông Vắn xưa cũng là một lối mòn, luồn lách trong gai góc rừng rậm. Từ năm Ất Tỵ (1425), một cánh nghĩa quân Lam Sơn chốt ở động Ngự Tiền, thuộc đất huyện Phi Lộc, vượt sang giải phóng vùng đất Nha Nghi, đã sử dụng đường truông này là lối đi nhanh nhất. Sau đó, nhiều thế hệ tiếp tục sửa sang mở rộng, trở thành đường truông duy nhất trong dãy núi này được ghép 1.645 bậc đá chiều dài, một công trình lát ghép đường thời xưa bằng đá hiếm thấy trong tỉnh ta. Tên người đứng ra tổ chức việc lát ghép đường được dân gian gắn với tên đường: Từ Truông Vắn thành truông Cố Ghép.

Là dãy núi đồng bằng ven biển, dễ có điều kiện phát triển cây cối, chim muông.

Một quá trình dài núi bị chặt phá, các loại gỗ quý, voi, hổ đã mất hẳn. Phần “của nổi” hầu như đã cạn kiệt.

Về cây cối, thông là loại cây trồng ở núi này thích hợp. Hiện còn 3 khu rừng thông, tuy đang non tơ nhưng phát triển khá nhanh: một ở đồi núi Chân Tiên, một ở núi Bãi Vọt và một ở núi Lách.Trước chân mỏm đá Lưỡi Cày, mái núi rất dốc, rừng thông vẫn bám trụ cheo leo trên mái đá dốc xanh tươi, ngạo nghễ, thách thức, gợi nhớ mấy câu vịnh cây thông của nhà thơ Nôm cổ lỗi lạc, ngang tàng quê ở vùng này.

Tại núi Hương Tích, vùng Chùa Hương và động Trang Vương, xưa có rừng thông xanh tốt bạt ngàn. Nay chỉ còn lại đơn độc, hiếm hoi hai cây thông cổ thụ!

Núi mái đông uốn cong vành nôi, như để đón chim trời về nghỉ. Hồ đầm nhiều, thức ăn cho chim phong phú. Hàng năm, cứ đến hai mùa Bạch lộ, Sương giáng, các đàn chim trên đường vượt đại dương đi về tránh nóng, tránh rét, thường phải nghỉ tại đây. Vào những tháng ấy, trên vùng đất có mái núi sát biển này, nhất là vùng đất Song Nam, điểm hội tụ các loại chim trời, có mật độ chim khá dày đặc. Người ta cũng tập trung đến vùng này, dùng mọi cách đánh bắt, bẫy bắn thẳng tay, không hề một chút nhẫn tâm! Cứ như thế, mỗi năm, hàng vạn chim bị tiêu diệt, trong đó có khá nhiều loại chim quý như Bạch lộ (cò trắng), Thiên nga (vịt trời), chim Phí (chim Sả), Hải Yến, Hoàng Anh... Quạ (chim Ô) và Xắc (chim Thước) là loại chim rất quen thuộc trong đời thường, rất đẹp trong thơ ca, trước đây ba bốn chục năm, chúng sinh sống tại vùng đông đúc là thế, nay không còn một bóng con nào! Tiêu diệt môi sinh, một thảm họa khôn lường, chưa hề được ngăn cấm.

Cùng với sông Lam, núi Hồng có một kho tàng đầy ắp truyền thuyết, huyền thoại, di tích thắng cảnh. Với vị thế xứng đáng văn hóa - lịch sử, kinh tế - quốc phòng của mình, từ lâu nó đã trở thành một biểu tượng quê hương xứ Nghệ. Nó cũng là biểu tượng văn hóa - văn học khi người ta muốn nói những gì về con người, phong thổ vùng này: Hồng Sơn thế  phổ, Hồng Sơn văn phái, vùng đất Hồng Lam, con người Hồng Lam, khí phách Hồng Lam...

Không chỉ trong nước, từ lâu người Trung Quốc đã rất ngưỡng mộ đối với dãy núi này. Họ xếp núi Hồng vào trong số 21 danh sơn nước Nam; có những họa sĩ tầm cỡ người Minh, đã vẽ nhiều cảnh đẹp núi này thành những bức tranh “ngự lãm” đem dâng Minh Thái tổ. Dưới tầm nhìn tinh tế của các nhà địa lý - lịch sử người Pháp, Hồng Lĩnh được trân trọng gọi “Khối quần sơn kỳ vĩ” (H.Le.Breton).

Mới sưu tầm bước đầu, đã có gần trăm bài thơ viết về núi Hồng trước cách mạng tháng 8 (Thơ Núi Hồng - Võ Hồng Huy sưu tập, giới thiệu - chưa xuất bản). Thơ đủ các thể loại: Hán, Nôm, Cổ phong, đường luật, tứ tuyệt, trường thiên... Không ít nhà thơ danh tiếng trong nước, qua nhiều thế hệ đều đã có bài trong phạm vi được biết cho đến hôm nay, người viết bài đầu tiên là Phạm Sư Mạnh, nhà thơ nổi tiếng thời Trần, người viết nhiều bài nhất là Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, thời cuối Lê đầu Nguyễn, và người viết bài kết thúc thời kỳ thơ viết về núi Hồng trước cách mạng tháng 8 là Võ Liêm Sơn, nhà thơ, chí sĩ, nhà ông sát ở núi, nhỏn cao thứ nhất trước nhà.

      Đó là di sản văn hóa dân tộc, quê hương vô cùng quý giá.

      Tất cả điều đó đã nói với ta rất nhiều…

                                                                                     Tháng 3 năm 1992

                                                                                                   V.H.H

. . . . .
Loading the player...