23-03-2020 - 09:13

SỐ PHẬN ĐÌNH LÀNG CHỢ TRỔ

Tạp chí Hồng Lĩnh số 164 hân hạnh giới thiệu ghi chép "Số phận của đình làng Chợ Trổ" của Nhà văn Phan Trung Hiếu.

Đình làng một thủa

Đình Kẻ Trổ được khởi tạo vào năm 1760 thuộc xã Đức Nhân (cũ), nay là xã chung mới Bùi La Nhân làm nơi thờ thành hoàng làng và cũng là chỗ sinh hoạt chung của cộng đồng làng xã. Tương truyền trong làng có người Nho sỹ họ Trần học giỏi, đỗ đạt cao được bổ làm quan đã đứng ra khởi xướng việc làm đình. Làng giao cho dân cứ mười hộ đóng góp một cây gỗ mít để làm cột hoặc xà, mười gánh rơm để đốt lửa chạm lộng, mười gánh lá cọ (tro) lợp mái đình. Thợ mộc được chọn từ các làng nghề gỗ nổi tiếng như Thái Yên (Đức Thọ) Xa Lang (Hương Sơn) cùng một số thợ trong làng. Mọi công việc bắt đầu chuẩn bị từ năm Canh Thìn (1760) cho mãi đến hai năm sau mới tập kết đủ vật liệu. Sau rằm tháng Giêng, làng làm lễ khởi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp hội làng nhân tết Đoan Ngọ năm sau. Hơn 1 năm,  gần sát đến ngày hoàn công, toàn bộ khung nhà đã được dựng lên, riêng hai cái đầu rồng cột trước gian thứ ba (giữa) vẫn không vào khớp mộng làm cho mọi người vô cùng lo lắng. Sáng tinh mơ ngày mùng 3 tháng 5, có một cụ già hành khất không rõ tung tích đi qua, ghé vào xem thợ làm rồi tình nguyện xin được lắp đầu rồng vào cột. Được làng đồng ý, cụ già cởi bỏ hành trang bi gậy, cùng mấy thợ làng phụ giúp làm liên tục trong một ngày một đêm thì ghép xong cả hai đầu rồng khớp vào mộng cột. Sáng ngày mùng 5 tháng 5, cả làng phấn khởi tổ chức lễ hội mừng công. Hội đồng hương lý làng Kẻ Trổ bàn bạc thống nhất trích ba quan tiền đồng thưởng cho người hành khất. Cụ già vui vẻ nhận tiền để vào cái nón mê nhưng sau khi mãn cuộc đã gửi lại cho làng làm tiền thưởng cho con em làng ta đang còn đi học. Kể từ ngày ngôi đình Kẻ Trổ dựng lên, việc học hành của con em trong làng ngày thêm tấn tới, nhiều người thành đạt tạo nên truyền thống hiếu học của vùng quê này. Từ đó, trên sập thờ đình Kẻ Trổ, bên cạnh các loại đồ tế khí thờ tự Thành Hoàng làng còn có chiếc nón mê - kỉ vật của người hành khất.

Đình làng Kẻ Trổ làm bằng gỗ mít, có giá trị về mặt kiến trúc thuần Việt với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ dân gian. Trên xà hạ, vì kèo được các nghệ nhân chạm lộng một cách điêu luyện về các đề tài truyền thống như tứ linh: long, ly, quy, phượng; tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai; cá chép hóa rồng, hoa sen; cảnh sinh hoạt lễ hội dân gian, trong đó có cảnh Nho sinh cắp sách đến trường. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, đình được sử dụng làm trường học sau đó lại làm đình chợ bán các loại vải vóc, quần áo và hàng tạp hoá. Kiến trúc sư Hoàng Anh chia sẻ “Đình Kẻ Trổ được xây dựng trong quần thể gồm có đền thờ, nhà Văn Thánh (còn gọi là nhà Thánh). Hàng năm tổ chức dâng lễ Thành Hoàng hoặc lễ vinh qui bái tổ đón rước các danh nhân, con em quê hương đậu đạt khoa bảng về quê đều tổ chức tại nhà đình. Đồng thời, đình cũng là nơi xã tổ chức đón tết mừng xuân, lễ khai hạ xuống đồng làm ăn. Những năm trước Cách mạng khi cụ Phạm Khắc Khoan (thân sinh cụ Phạm khắc Hoè) làm Lý trưởng, Chợ Trổ trở thành nơi mua bán sầm uất rất nhiều hàng hoá nhưng phần lớn lại là lều quán tranh tre nền đất chật chội nên cụ Khoan và các vị chức sắc xã cho sử dụng nhà đình làm chỗ bán những hàng khô ráo như vải vóc, quần áo, chăn màn, đồ hàng mã. Những năm có những trận lụt lớn hay bị hỏa hoạn một số gia đình phải sơ tán ở nhờ trong đình để nương thân”. Ông Phan Như Tám sinh năm 1938 quê Bùi Xá kề cạnh cũng bồi hồi nhớ lại: “Năm 1952, tôi đã 15 tuổi, hằng ngày đi qua Chợ Trổ tới Trường Nguyễn Biểu đi học, ban đêm để tránh máy bay  Pháp oanh tạc nên thường ghé vào đây. Đình to, lợp ngói, những cây cột, kèo xà ngang, xà dọc vàng óng chạm trổ công phu. Những tấm vách ngăn bằng gỗ bị tháo tung để tiểu thương buôn bán hàng khô như kẹo lạc, miến, bột lọc, đường phèn, áo quần, cả quán cháo phở... Sau năm 1954, nhiều đình, chùa, miếu ở một số tỉnh miền Trung bị phá, vật liệu  được tháo dỡ về làm chuồng trại, lát đường… Số phận của những chùa, đền, đình này không có cái may mắn và vinh dự như Đình Chợ Trổ được đưa về Khu lưu niệm Nguyễn Du ở Nghi Xuân”.

Hành trình 55 đi sứ làm nhiệm vụ văn hóa

Năm 1965, ngành văn hóa có chủ trương xây dựng Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân nhân kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du và được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Các nhà nghiên cứu văn hóa đã đề xuất đưa đình Chợ Trổ vốn là một công trình có kiến trúc cổ cùng thời với Nguyễn Du để làm nhà trưng bày các hiện vật. Theo yêu cầu của tỉnh lúc đó, địa phương đã nhường lại ngôi đình Chợ Trổ cho Khu di tích. Từ đó đến nay, đình Kẻ Trổ cũng thường xuyên được trùng tu, tôn tạo. Năm 2000, thực hiện dự án của Bộ Văn hoá - Thông tin, Ban Quản lý di tích đã cho thay toàn bộ cầu phong, mèn, đảo lại ngói, làm lại ván thưng, cửa và xử lý chống mối mọt. Năm 2003, khi nhà trưng bày Bảo tàng Nguyễn Du hoàn thành, các hiện vật, tài liệu được chuyển về nhà trưng bày mới. Đình Chợ Trổ chỉ còn là nơi để giới thiệu cho du khách gần xa biết về kiến trúc về một đình cổ Hà Tĩnh, từng là nơi trưng bày hiện vật liên quan đến cuộc đời sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn – Tiên Điền.

Sau hơn nửa thế kỷ rời quê đi sứ đi làm “nhiệm vụ văn hóa”, người dân xã Đức Nhân cũ đã vài lần ngỏ ý muốn xin lại đình để làm nơi thờ tự và duy trì các bản sắc văn hóa tâm linh của địa phương nhưng vì nhiều lí do, thủ tục, điều kiện về kinh phí nên việc chuyển ngôi đình trở về làng cũ vẫn chưa thực hiện được. Gần đây, theo Đề án tôn tạo lại Khu lưu niệm Nguyễn Du được Thủ tướng phê duyệt, ngôi đình được hạ giải để chuẩn bị di dời về vị trí đình xã (đình Tiên) nằm trong khu di tích, chính quyền và nhân dân xã mới Bùi La Nhân một lần nữa khởi động việc xin trả lại ngôi đình. Ngày 28/2/2020, một văn bản của xã Bùi La Nhân có đến 4 con dấu của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ xã được cấp tốc gửi lên lãnh đạo tỉnh, ngành văn hóa như khẳng định sự đồng lòng quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân địa phương.

Đình làng Chợ Trổ đặt tại Khu lưu niệm Nguyễn Du trước khi hạ giải. Ảnh: TL

Tâm nguyện của người dân

Dư luận báo chí và cộng đồng mạng một lần nữa nóng lên với nhiều ý kiến tâm huyết và đầy trách nhiệm.  Nhà thơ Vương Trọng bình luận: “Năm 1965, kỷ niệm 200 năm sinh cụ Nguyễn Du, khu lưu niệm chưa có gì mấy, thì đưa đình Chợ Trổ về Khu di tích có một phần hợp lý. Hiện hay, vai trò đình Chợ Trổ ở đây không quan trọng nữa,  nếu hoàn lại Chợ Trổ thì rất hợp lý”. Anh Bùi Đức Hạnh- nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cũng chia sẻ: “ Khi làm ở Sở, tôi đã khuyên xã Đức Nhân nên đòi lại ngôi đình này. Nếu khu di tích Nguyễn Du không dùng nữa thì tỉnh nên giúp kinh phí dời trả về cho nhân dân chợ Trổ. Đây là ngôi đình có giá trị lớn về điêu khắc, chạm trổ rất tinh xảo. Đưa làm đình xã Tiên Điền thì không hợp lý tý nào!”. Kiến trúc sư Hoàng Anh, nguyên Giám đốc Sở xây dựng cũng cho rằng: “Hàng trăm năm đình làm bằng gỗ mít, mối mọt không phá được nhưng bị con người phá hủy mất giá trị văn hoá nhân văn. Ngay cả thời gian đặt trong khu lưu niệm Nguyễn Du, đình là một vật thể hữu xác vô hồn”. Thầy giáo  Nguyễn Đức Ân tâm sự:“ Đình là nơi thờ Thành Hoàng của làng. Nên chỉ khi ngôi đình đó, vốn là một công trình có cấu trúc theo chuẩn xưa của làng quê Việt Nam đặt tại một địa danh cụ thể, nó tức thời trở thành vật thiêng theo tín ngưỡng dân gian. Sự chắp vá khập khểnh tự nó làm đánh mất những giá trị văn hoá làng xã truyền thống ở Việt Nam”. Anh Phan Huy là người Nghi Xuân viết: “ Mỗi miền quê đều có phong tục, tập quán riêng, đều muốn có những mái Đình riêng để cho nhân dân trong vùng tụ họp mỗi khi có sự kiện, là nơi thờ cúng thần linh, thành hoàng. Tôi nghĩ đã đến lúc Bảo vật đáo cố nhân!”. Thầy giáo Hoàng Hồ chia sẻ: “Đình Chợ Trổ là di sản văn hoá của một vùng đất văn vật, là tài sản vật chất và cao hơn là hồn cốt người Chợ Trổ. Một thời, việc đưa ngôi Đình nổi tiếng làm nhà lưu niệm cụ Nguyễn Tiên Điền cũng tạm chấp nhận được nhưng bây giờ lại chuyển thì không nên mà trả về cho chủ nhân của Đình là hợp lý. Tôi tin mọi chuyện sẽ được giải quyết thoả đáng. Hy vọng văn hoá được ứng xử đúng bằng hành vi văn hoá. Nếu Đình Chợ Trổ được trở về với Chợ Trổ sẽ nâng cao uy tín của những người quyết định”. Đại tá Đặng Cầm quê Bùi Xá, gửi về quê: “Hơn 50 năm phục vụ sự nghiệp văn hóa nơi khu lưu niệm Nguyễn Du rất hiệu quả, thiết nghĩ Hà Tĩnh nên cấp kinh phí để vận chuyển và bổ sung sửa chữa khắc phục dựng lại ngôi đình, chứ không phải xin chuộc lại”. Anh Hồ Bách Khoa, Giám đốc Khu lưu niệm Nguyễn Du trước sau như một cho rằng: “Khi phục hưng văn hóa, địa phương có nguyện vọng như vậy thì nên chuyển trả về cho họ. Bởi đó là thiết chế văn hóa làng. Đó cũng là hồn cốt của làng”. Anh Trần Quyết Thắng- nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh:“Nếu ngôi đình đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử tại Khu di tích và người dân Đức Nhân có nguyện vọng thì cũng nên hoàn lại đình cho họ. Quan trọng nhất cần tránh bất hoà, mất đoàn kết. Về mặt thủ tục, mặc dù có khó khăn do quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng nếu tỉnh có ý kiến, địa phương quyết tâm thì cũng không phải không làm được”. Ông Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy là người đã xem đình chợ Trổ là di sản của di sản gần đây khi biết tin đình đã hạ giải, ông cũng buồn và tâm sự “Nếu đã vậy thì nên trả luôn về chợ Trổ chứ không nên lấy làm đình của Tiên Điền”. Anh Phan Tấn Linh- Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân cũng đã cởi lòng: “Theo tôi, cơ quan quản lí nhà nước về văn hoá cần tham mưu theo hướng: Đình Chợ Trổ phải được trả về nơi xuất xứ của nó là xã Đức Nhân, nay là xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ. Di sản phải được đối xử có văn hoá và phải được bảo tồn, phát huy theo các quy định của Nhà nước. UBND huyện Nghi Xuân tạo mọi điều kiện để cơ quan chức năng trả di sản về đúng nơi xuất xứ”.  Về việc này, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Võ Hồng Hải cũng đưa ra ý kiến: “Vấn đề cốt lõi nhất là chính quyền và nhân dân xã Đức Nhân (nay là Bùi La Nhân) có thực sự nhiệt huyết và huy động đủ nguồn lực để chuyển và phục dựng lại Đình tại quê được không, vì mình tin “muộn còn hơn không”, chắc vẫn xử lí được về thủ tục và thực sự về mặt đạo lý thì nên được ưu tiên hơn việc phục dựng lại Đình Tiên trong khu di tích”… 

Nhiều người đã bộc bạch tâm tư qua những vần thơ viết vội nhưng rất nỗi niềm: “Bao năm trên đất Tiên Điền/ Đình chợ Trổ vẫn còn nguyên nếp làng/ Biết là thêm nỗi đa đoan/ Châu mong Hợp Phố biết làm sao đây?”( Bảo Phan); “Đình là cát khí, tâm linh/ Là hồn cốt, thấm đẫm tình ông cha” (Lê Mai Anh); “Chợ Trổ chẳng phải Tiên Điền/ Đình làng thuở ấy nên duyên bao đời/ Xin rằng: Đừng lấy làm chơi?!( Nguyễn Tiến Chưởng);  “Dâu bể tang điền hơn năm lăm năm có lẻ/ Ai cũng bùi ngùi mong ngóng mái đình xa/ Khao khát đem đình về lại đất ông cha/ Là trả lại đạo nghĩa nhân mà bao đời đã tạc” (Nguyễn Vĩnh Truyền)…

Cuộc họp do Sở VHTT&DL Hà Tĩnh chủ trì ngày 20/3/2020 - Ảnh: Bảo Phan

Sau khi tiếp nhận Tờ trình của xã Bùi La Nhân,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đã giao ngay các sở, ngành liên quan tham mưu hướng giải quyết trước ngày 28/3/2020. Chiều ngày 20/3, Sở Văn hóa, TT&DL Hà Tĩnh chủ trì tổ chức buổi làm việc bàn về phương án tham mưu hướng xử lí đình Chợ Trổ.  Tại cuộc họp này, nhiều ý kiến đã cho rằng việc hoàn trả lại đình làng chợ Trổ cho Bùi La Nhân là việc đáng làm nhưng phía ngành vẫn nêu ra hai phương án để lựa chọn. Đó là việc xin kinh phí “phục dựng”, làm thêm một ngôi đình “phiên bản” khác cho xã mới Bùi La Nhân hoặc chuyển đình gốc về quê?!

Một lần nữa, dư luận lại sôi lên vì ý nguyện của người dân quê muốn được có ngôi đình cổ của cha ông chứ không phải là việc “phục dựng” một “phiên bản” vì ngôi đình gốc hiện vẫn tồn tại và chất lượng hãy còn tốt. Tại sao lại không “phục dựng” một bản sao mới để đặt ngay tại đình xã Tiên Điền và trả lại bản gốc cho dân Kẻ Trổ? Dân quê họ không hề muốn kêu xin để rồi chỉ để nhận về thứ “hàng nhái”, giả cổ! Chưa biết nay mai số phận ngôi đình sẽ được xử lí theo hướng nào nhưng riêng tôi vẫn cứ thầm tin mọi sự dẫu có khó khăn nhưng câu chuyện này sẽ được giải quyết một cách thỏa đáng, đáp ứng mong mỏi của người dân và chắc cũng sẽ hợp lòng cụ Nguyễn. Đại thi hào đã từng xót thương cho thân phận nàng Kiều lưu lạc tới những 15 năm nên đến câu thứ 3254, cũng phải kết truyện để Kim- Kiều được hoan hỉ đoàn viên. Giá như có thể tập hợp được những tâm tư của những người dân quê qua thơ ca và những lời gan ruột về ngôi đình làng trong 55 năm qua, tôi tin sẽ còn dài hơn thế. Khi chứng kiến ngôi đình hạ giải, có người đã xa xót tập Kiều: “Nỗi niềm tưởng đến mà đau/ Thấy đình nằm đó, biết sau thế nào?!”

Mỗi lần có việc về thăm lại quê Bùi Xá cũ, tôi vẫn thích men theo lối đi dưới chân đê, vòng qua chợ Trổ. Ngắm nhìn khúc đê La Giang cong mềm bao bọc trước mặt khu đất trước đây có ngôi đình cổ, tôi lại tưởng như đấy là vòng tay khao khát của làng quê mong đợi bóng dáng cố nhân đã bao năm lưu lạc sẽ có ngày hồi hương trở về chốn cũ.

Tháng Ba, năm 2020

P.T.H

. . . . .
Loading the player...