Miếu thờ ông Nguyễn Văn Hiền (còn gọi là miếu Văn Hiền), “người chịu chém cho xã” thủa xưa nằm ở đầu làng Nhượng Bạn[1]. Miếu xưa có quy mô tương đối khiêm tốn, phía trước là nhà bia, bia đá, hai cột nanh với đôi câu đối: “Chính khí ức niên tiêu vũ trụ; Phương danh thiên cổ đối sơn hà”[2], kế đến là bức bình phong, sân và điện chính. Mặt chính điện quay về hướng Nam nhìn xa xa là dãy núi Giăng Màn, phía trên khắc ba chữ “Văn Hiền miếu”, miếu có một cửa chính, hai cửa tả hữu[3].
Miếu thờ ông Văn Hiền trước lúc trùng tu, tôn tạo
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, miếu bị bom Mỹ tàn phá hết sức nặng nề, đáng tiếc nhất là bia đá ghi thần tích cũng không còn vết tích. Năm 1992, sau nhiều nỗ lực, ngôi miếu hoang tàn đổ nát một thời được nhân dân tôn tạo trở lại đúng nghĩa là nơi phụng thờ người có công lao với quê hương. Năm 2020, nhà bái đường được xây dựng, xung quanh là hệ thống tường rào, cây cối bao bọc tạo nên một quần thể cảnh quan đẹp và tôn nghiêm.
2. Những câu chuyện xung quanh hiện tượng ông Văn Hiền.
Do tấm bia đá và các văn bản ghi thần tích bị hủy hoại nên tư liệu thành văn về ông Văn Hiền gần như thất truyền. Việc xác định nguyên nhân, thời điểm ông Văn Hiền bị hành quyết đến nay vẫn là câu hỏi lớn. Mấy chục năm gần đây, câu chuyện về “ông Văn Hiền chịu chém cho xã Nhượng Bạn” được tản mạn đề cập trong một số bài viết, sử sách địa phương.
Thứ nhất, bài “Cửa Nhượng - Kỳ La” trong cuốn “Du lịch Nghệ Tĩnh”[4] của Bùi Thiết và bút ký“Có nên gọi là huyền thoại…”[5] trong cuốn “Nhượng Bạn của tôi” của Sơn Hải Du đều cho rằng: “Vào khoảng cuối đời Tự Đức, khi bùng nổ khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) ở Nghệ Tĩnh, thì Nhượng Bạn là nơi lui tới cả nghĩa quân. Nhân một lần quân triều đình truy đuổi nghĩa quân đến đây, nhưng không có kết quả, chúng bèn đòi “làm cỏ” Nhượng Bạn. Thấy vậy lý trưởng Nguyễn Văn Hiền nhận hết tội lỗi về mình và xin chết thay cho dân. Bấy giờ vợ lý trưởng có mặt, can ngăn ông, ông bèn bảo vợ về nhà têm cho cơi trầu. Bà vợ vâng lời, nhưng khi bưng trầu ra thì ông đã bị hành quyết”. Sơn Hải Du còn viết thêm: “Vào khoảng cuối thời Tự Đức, khi cuộc khởi nghĩa Cần Vương bùng nổ ở Nghệ Tĩnh”.
Có thể khi viết bài “Cửa Nhượng – Kỳ La”, nhà sử học Bùi Thiết đã đi điền dã và tham khảo tư liệu từ nhiều bậc cao tuổi ở Cẩm Nhượng nên giải thích hiện tượng ông Văn Hiền liên quan đến cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874), tuy nhiên đối chiếu với tiến trình lịch sử của đất nước và địa phương chúng tôi nhận thấy một số chi tiết còn chưa chính xác. Bởi vua Tự Đức (1829 - 1883), trị vì (1847 -1883) thì năm 1874 chưa phải là “cuối thời Tự Đức” và khi đó nước ta chưa nổ ra phong trào Cần Vương. Sự kiện đánh dấu khởi đầu phong trào Cần Vương diễn ra vào ngày 13/7/1885, khi Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương (lần thứ nhất) kêu gọi văn thân và nhân dân đứng lên giúp vua cứu nước. Nghĩa là 11 năm khi cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất bị dập tắt.
Thứ hai, trong cuốn “Ký ức đời tôi” [6], với cách đặt vấn đề khá thận trọng, tác giả Phạm Thể suy đoán: Vào thời kỳ nào đó, có thể vào phong trào Văn Thân, nhân dân nổi dậy chống triều đình và triều đình cho quan quân về để dẹp. Nhưng khi về đây, họ không thấy nhân dân có hành vi gì chống triều đình - có lẽ nhân dân giữ thái độ im lặng trước vũ lực của triều đình, họ mới đặt điều kiện cho làng Nhượng Bạn phải nộp thủ cấp, đem về triều đình để chứng minh là làng Nhượng Bạn không có hành vi chống đối. Ông Văn Hiền là lý trưởng, xin đứng ra chịu chém thay cho làng nộp thủ cấp của mình cho triều đình để tránh sự tàn sát đối với nhân dân. Nhân dân đã lập miếu thờ ông, gọi là miếu “Văn Hiền”.
Thứ ba,“Lịch sử Hà Tĩnh” (tập 1)[7] chép: Làng Nhượng bạn thờ lý trưởng Nguyễn Văn Hiền vì việc nghĩa bị chém chết, nên khi làm cố tế ông, người ta kiêng mổ lợn, giết gà để tránh chảy máu. Tài liệu này không đề cập đến nguyên nhân, mốc thời gian cụ thể.
Dưới lớp bụi mờ của thời gian và những biến cố dữ dội của lịch sử, có lẽ như câu chuyện về ông Văn Hiền chỉ được dừng lại với sự tích: Dưới thời Tự Đức nhà Nguyễn, nhân dân Nhượng Bạn tham gia các hoạt động nổi dậy chống triều đình và bị triều đình đưa quân về đàn áp. Để cứu giúp người dân Nhượng Bạn thoát khỏi “án tử” hoặc tù đày, lý trưởng Nguyễn Văn Hiền đã đứng ra nhận hết mọi tội lỗi và bị quan quân triều đình chém đầu.
Tuy nhiên, năm 2006, với kết quả dịch thuật những bản sắc phong mà triều Hậu Lê, triều Nguyễn ban tặng cho các vị danh thần của làng Nhượng Bạn trước đây chúng tôi đã phát hiện thêm nhiều chi tiết làm thay đổi căn bản nhận thức phổ biến về hiện tượng ông Văn Hiền. Đó là:
Sắc phong ngày 24/11 năm Tự Đức thứ 33 (1880); sắc phong ngày 01/7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887); sắc phong ngày 11/8 năm Duy Tân thứ 3 (1909); sắc phong ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (1924) đều ghi: “Phong công Văn Hiền Thịnh đức tôn thần”. Trong đó, sắc phong (1924) của vua Khải Định còn ghi rõ: Sắc phong cho xã Nhượng Bạn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh phụng thờ như trước. Nguyên tặng Dực bảo trung hưng, Phong công Văn Hiền thịnh đức tôn thần. Là bậc bảo vệ đất nước, giúp đỡ muôn dân, thường hiển hiện linh thiêng. Nay được ban cấp sắc phong để chuẩn cho phụng thờ. Đến nay đúng dịp Trẫm lễ khánh tuổi bốn mươi, mới cho ban cấp sắc bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, mới gia tăng Đoan túc thần. Đặc chuẩn phụng thờ như cũ, cho ghi làm ngày lễ đất nước và cho thờ tự”[8].
Sắc phong là văn bản hành chính cao cấp của vương triều, do nhà vua ban hành để tặng thưởng, truy tặng cho bách thần (thần linh), thần dân trăm họ và quan viên có công lao đối với vương triều, đất nước. Do đó, những gia tộc, làng xã, danh thần nào được vua cấp ban sắc phong thì đó là niềm tự hào, vinh dự to lớn cho gia tộc, làng xã ấy. Mặc dù sắc phong không ghi rõ thần tích nhưng qua thời điểm, mỹ tự được tặng thưởng hoặc vinh danh và cho nhập vào điển chế thờ tự của triều Nguyễn đã thể hiện vị thế, vai trò của “Văn Hiền thịnh đức tôn thần” đối với đất nước, với làng xã là “bậc bảo vệ đất nước, giúp đỡ nhân dân”. Đây là nguồn sử liệu chính thức khẳng định vị thế, công trạng của ông với làng Nhượng Bạn, là chìa khóa mở ra hướng tiếp cận mới về ông Văn Hiền.
Như chúng ta biết, các triều đại phong kiến nói chung và nhà Nguyễn nói riêng luôn coi những cuộc nổi dậy của nhân dân chống lại chính quyền là “nổi loạn”, “giặc cỏ” nên thường tổ chức đàn áp rất tàn khốc. Sau những cuộc hành quân đánh dẹp, triều đình thường truy lùng, bắt bớ, tra khảo để xử chém, phạt tù, lưu đày nhằm thanh trừng bằng hết những phần tử phản loạn. Qua những văn bản sắc phong hiện có, nếu cho rằng người Nhượng Bạn trực tiếp hay gián tiếp tham gia các hoạt động “nổi loạn” và ông Văn Hiền là người chịu chém để cứu giúp nhân dân thoát tội bởi những hoạt động này sẽ là điều hết sức mâu thuẫn, thiếu tính thuyết phục.
Dưới thời Nguyễn, thủ tục cấp ban sắc phong được thực hiện rất chặt chẽ. Bộ máy hành chính nhiều tầng cấp với các quy định của luật lệ vận hành theo đó không dễ gì bỏ lọt những hành vi khuất tất, gian dối, đổi trắng thay đen trong việc đề nghị cấp ban sắc phong, đặc biệt là tặng thưởng, tôn vinh những ai từng được xem là “giặc” vì phạm tội “mưu phản nghịch lớn”[9]. Bộ luật Gia Long quy định xử chém hoặc những hình phạt khác vô vùng nghiêm khắc, mang tính trừng trị, răn đe mạnh đối với những ai phạm tội “mưu phản nghịch lớn”[10]. Không lẽ triều đình đưa quân về đàn áp cuộc “nổi loạn” của nhân dân rồi chính triều đình lại ban cấp sắc phong cho những người liên quan đến hành vi này.
Tuy luật hình nghiêm khắc như vậy nhưng thái độ, quan điểm xử lý của triều đình trong từng tình huống cụ thể cũng có sự phân hóa, tách bạch rõ ràng khi xử chém với người cầm đầu, chủ mưu, chính phạm nhưng có phần mềm dẻo, khoan hồng, tha chết cho người bị kích động, lôi kéo mà “a tòng”[11].
Ở một giác độ khác, nếu cho rằng việc xử chém trên là oan sai, sau đó triều đình có hành động “sửa sai” bằng việc cấp ban sắc phong cho ông Văn Hiền cũng là điều rất khó xẩy ra, đặc biệt trong thời đoạn nhà Nguyễn đang phải bộn bề đối phó với nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân và thời gian còn quá ngắn để phân định rõ đúng sai. Ví như việc Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi ở thảm án Lệ Chi viên phải 22 năm sau đó mới được thực hiện bởi những công lao lẫy lừng của Nguyễn Trãi với đất nước và còn trải qua một quá trình thôi thúc, vận động của lịch sử.
3. Bối cảnh lịch sử của vùng đất Hà Tĩnh dưới thời vua Tự Đức.
Ngày 01/9/1858, thực dân Pháp nổ súng ở Đà Nẵng phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước sự tấn công hung bạo của kẻ thù, triều đình nhà Nguyễn không dám kiên quyết kháng chiến. Vua quan nhà Nguyễn dần lùi bước, để rồi ký Bản điều ước Nhâm Tuất (1862) cắt ba tỉnh miền đông Nam Kỳ dâng cho Pháp. Nhân dân cả nước vô vùng phẫn nộ, bất bình với hành vi nhu nhược đó. Văn thân sĩ phu Hà Tĩnh cũng như các địa phương khác cùng đã sôi nổi đứng dậy vừa chống đế quốc xâm lược vừa chống triều đình đầu hàng: “Dập dìu trống đánh cờ xiêu; Phen này quyết đánh cả triều lẫn Tây”[12]. Đầu năm 1874, cuộc nổi dậy của nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã giành được một số thắng lợi, ảnh hưởng đến các tỉnh ngoài Bắc cũng như trong Nam, làm rung động bộ máy thống trị của nhà Nguyễn. Triều đình Huế đưa binh lính dưới sự chỉ huy của Nguyễn Văn Tường, Lê Bá Thận về đàn áp. Cuối năm 1874, phong trào suy yếu dần và hoàn toàn bị tan rã, các chỉ huy trước sau nối tiếp đều bị sát hại[13].
Là địa danh thường được sử sách nhắc đến, đặc biệt trong những thời đoạn đất nước xẩy ra binh đao, giặc giã, năm 1874, khi cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyễn bùng phát tại Hà Tĩnh, Nhượng Bạn chỉ được sách Đại Nam thực lục duy nhất một lần nhắc đến với chi tiết: Sau khi dẹp được “giặc” nổi loạn ở Hà Tĩnh, triều đình phái 2 chiếc tàu Mẫn Thỏa và Thuận Tiệp từ cửa Thuận An ra cửa Nhượng chở quân đi đánh “giặc biển” đang nổi lên ở Hải Dương. Quân triều đình trú tại huyện, phủ, thành (Hà Tĩnh) hành quân theo đường bộ đến cửa Nhượng để lên tàu[14]. Đến nay chúng tôi chưa phát hiện thêm bất kỳ ghi chép nào có tính sử liệu ở mức độ tin cậy cao để khẳng định xã Nhượng Bạn từng tham gia cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) hoặc Nhượng Bạn là địa bàn mà quân khởi nghĩa thường xuyên lui tới.
4. Đi tìm lời kết.
Do chưa có điều kiện tiếp cận nguồn sử liệu từ các bản sắc phong của triều Nguyễn nên việc lý giải của một số nhà nghiên cứu về hiện tượng ông Văn Hiền còn nhiều thiếu sót và chưa thỏa đáng. Qua tìm hiểu về bối cảnh lịch sử nước ta và tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn nửa cuối thế kỷ thứ 19, khai thác một số tư liệu liên quan, với thái độ cầu thị, cẩn trọng, khách quan, chúng tôi tạm gợi mở hướng nghiên cứu mới về hiện tượng ông Văn Hiền chịu chém ở xã Nhượng Bạn như sau:
(1). Khi bị hành quyết, ông Văn Hiền đang giữ chức lý trưởng xã Nhượng Bạn. Đây là chức quan cuối cùng trong bộ máy chính quyền phong kiến do nhân dân bầu ra để quản lý việc chung của làng xã. Nước ta từ thời vua Lê Thánh Tông trở đi, chức sắc này được gọi là xã trưởng[15], sang đến thời Minh Mệnh đổi thành lý trưởng[16]. Như vậy, ông Văn Hiền phải là người sống dưới thời Minh Mệnh, Thiệu Trị hoặc Tự Đức và bị hành quyết trước năm 1880[17].
(2). Vào thập kỷ 60, 70 của thế kỷ thứ 19, khi cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược và triều đình nhà Nguyễn nổ ra ở Nghệ - Tĩnh, có thể có một số người dân Nhượng Bạn do bị “lôi kéo” hoặc bị “kích động” mà tham gia chứ không phải đông đảo nhân dân. Quan quân nhà Nguyễn đã phát hiện điều này nên đã đưa lực lượng về Nhượng Bạn và gọi lý trưởng Nguyễn Văn Hiền ra hỏi tội. Để minh chứng, đại đa số người Nhượng Bạn không tham gia các hoạt động nổi loạn, có chăng chỉ là thiểu số do bị “lôi kéo”, “kích động”, nhằm cứu nhân dân thoát khỏi cảnh đầu rơi máu chảy hoặc bị tù đày mà ông Văn Hiền đã nhận hết tội lỗi về mình và bị chém đầu. Cảm kích trước hành động đó của lý trưởng Nguyễn Văn Hiền, nhân dân Nhượng Bạn đã chôn cất, lập miếu thờ, sau đó đề nghị nhà vua ban tặng sắc phong cho ông. Chắc chắn rằng Tự Đức và các đời vua sau này đã nhận thấy được nghĩa khí cao đẹp từ cái chết vì dân của ông Văn Hiền mà cấp ban sắc phong “Văn Hiền thịnh đức tôn thần”, “là bậc bảo vệ đất nước, giúp đỡ muôn dân”.
(3). Việc triều Nguyễn cấp ban sắc phong như đã nêu trên, ngoài ý nghĩa tôn vinh, tặng thưởng công trạng của ông Văn Hiền còn là thông điệp “vỗ yên” thần dân trăm họ, trong đó có làng Nhượng Bạn. Xét về mặt lịch sử, việc từng bước đầu hàng quân xâm lược rồi để nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về triều Nguyễn là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên bộ máy cai trị của chính quyền nhà Nguyễn còn tồn tại đến tháng 8/1945. Do đó, các văn bản hành chính, các bộ quốc sử, các bản sắc phong ban hành dưới thời kỳ này vẫn được xem là chính thống, có giá trị ở cấp nhà nước, là nguồn tư liệu lịch sử, pháp lý vô cùng quan trọng, giúp chúng ta nghiên cứu làm rõ thể chế, phương thức và chính sách trị nước của triều Nguyễn dưới các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội....
Chúng tôi thiết tha đề nghị chính quyền, nhân dân Cẩm Nhượng, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa địa phương và trong nước giành nhiều hơn thời gian, công sức, tâm huyết sưu tầm tư liệu, phân tích luận giải, từng bước làm sáng tỏ hơn cội nguồn thân thế, công lao của ông Văn Hiền đối với con người và vùng đất Nhượng Bạn.
Thu 2020
Nguyễn Trọng Thanh
Miếu thơ mới được tôn tạo lại. Ảnh: Hương Thành
[1] Nay là xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
[2] Ts. Nguyễn Xuân Diện, Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch: “Chính khí muôn thu trùm vũ trụ; Danh thơm vạn thủa với non sông”.
[3] Phần này được tôn tạo năm 1992 vì mặt chính của miếu bị phá hủy.
[4] Bùi Thiết - Du lịch Nghệ Tĩnh do Công ty Du lịch Nghệ Tĩnh xuất bản năm 1988, tr113.
[5] Sơn Hải Du - Nhượng Bạn của tôi, Nxb Văn hóa - Thông tin, năm 1995, tr 59.
[6] Phạm Thể (Nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Indonesia), Ký ức đời tôi, Nxb Lao động, năm 2009, tr 17.
[7] Lịch sử Hà Tĩnh, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr 338.
[8] Ts. Phạm Văn Tuấn, Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch.
[9] Tội nổi loạn trong Hoàng triều luật lệ (Luật Gia Long).
[10] Nguyễn Q. Thắng, Khảo lược Hoàng Việt luật lệ (tìm hiểu Luật Gia Long), Nxb Văn hóa Thông tin, 2003.
[11] Khảo lược Hoàng Việt luật lệ và Đại Nam thực lục, tập 7 sđd.
[12] Bài ca chống Pháp năm Giáp Tuất (1874).
[13] Lịch sử Hà Tĩnh, tập 1, sđd, tr 346 đến tr 350.
[14] Viện Sử học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo dục, 2007.
[15] Thời Tây Sơn xã Nhương Bạn đã có người giữ chức xã trưởng.
[16] Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Thông tấn, 2019, tr 668.
[17] Năm vua Tự Đức lần đầu ban tặng sắc phong ông Văn Hiền.