Tạp chí Hồng Lĩnh số 225 phát hành tháng 5/2025 trân trọng giới thiệu Tản văn Chiếc bát chiết yêu của Ngoại của tác giả Nguyễn Thị Thúy Vân
Chiếc bát chiết yêu của ngoại
Tản văn
NGUYỄN THỊ THÚY VÂN
Có những thứ lúc bình thường sẽ không có gì khiến người ta để ý nhưng vào một thời điểm nào đó lại trở nên đặc biệt. Nhất là thời điểm nó trở thành thứ nhắc người ta nhớ về những ngày tháng đã qua, về những người đã mất. Bà ngoại để lại cho mẹ một vài món đồ đã trở thành “đồ cổ”: chiếc mâm đồng, cái cối đá, vài hũ sành… Nhưng tôi thích nhất là mấy chiếc bát chiết yêu. Tôi xin mẹ một cái về làm kỉ niệm.
Trong tủ gỗ, chiếc bát chiết yêu không quá lạc loài giữa hàng bát đĩa hiện đại tráng men trắng sáng, nhưng lúc nào cũng làm tôi phải để ý. Nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao ngày xưa người ta có thể làm ra được những chiếc bát bền đẹp, tinh tế đến thế. Phải chăng bởi người xưa làm mọi sản phẩm bằng chính tâm huyết của một nghệ nhân cầu kì và cả những mong muốn đem đến điều tốt đẹp phục vụ cho người khác. Chợt nghĩ đến bây giờ, cái gì cũng làm giả, hỡi ôi… thấy sợ và xót xa. Chiếc bát chiết yêu nằm đó, phô vẻ đẹp giản dị, mộc mạc với nước men ngả màu vàng kem, chất sứ có độ bóng vừa chừng, dày dặn nhưng không hề nặng tay. Một đường viền nhỏ màu xanh lam chạy vòng trên miệng bát, sau bao năm tháng mà nước men vẫn tươi màu. Điều khiến tôi ngạc nhiên thật sự là chiếc bát được mua về từ khi mẹ còn nhỏ và đã qua ba đời người sử dụng mà không hề sứt mẻ, rạn xước một chút nào. Khi gõ vào, âm thanh phát ra trầm đục, chắc chắn chứ không vang chói, nghe mong manh, dễ vỡ như loại bát bây giờ.
Tôi là người ưa hoài niệm. Đôi lúc vô tình thoảng nghe một mùi hương hay đứng trước một cánh đồng lộng gió, nhìn một làn mưa bay hay thấy nắng mới sáng trắng trên đầu ngọn lá… chỉ cần bắt gặp một chút thân quen là hoài niệm lại ùa về. Như được ngâm mình trong dòng sông mát giữa nắng gắt trưa hè, hoài niệm khiến lòng tôi dịu lại và trong giây phút ấy tôi thấy mình đang sống chậm hơn.
Chiếc bát chiết yêu luôn đem đến cho tôi cảm giác êm dịu được sống trong hoài niệm, những hoài niệm ngọt ngào thuở ấu thơ mà nhiều khi tôi ao ước các con tôi có thể trải qua.
Nhà bà ngoại ở quê là một ngôi nhà lợp lá, vách trát đất và nền nhà đắp đất sét pha bùn đen bóng nhưng mát rượi bàn chân. Ông mất, bà sống một mình trong gian nhà lá ấy, ở ngay cạnh nhà dì Hựu. Khoảng sân nhà bà nhỏ, đất cát pha, bao quanh là dãy cây tra (tôi cũng không biết thực ra nó là cây gì, chỉ nhớ hồi nhỏ nghe người ta quen gọi bằng tên ấy) thấp lòa xòa, rợp bóng, cành dẻo dai vươn dài, uốn cong ken vào cành cây bên cạnh. Mỗi lần về quê, chúng tôi lại đua nhau trèo lên cây tra rồi dún dẩy chuyền từ cành cây này sang cây khác như lũ khỉ, mãi đến khi bà ngoại gọi mới chạy về. Bà đã nấu sẵn một cạu khoai lang đặt trên chõng tre, bốc khói. Những củ khoai trắng bột, sáng như có lân tinh, ăn ngọt thơm, đậm đà trên cuống lưỡi. Bà không ăn, chỉ ngồi cạnh nhìn chúng tôi, vừa cười móm mém vừa đều đều tay quạt: “Cha bây, nhởi chi mà mồ hôi mồ kê ra ri.”
Ăn chán, chúng tôi lại lấy tay bà để nghịch. Bà để yên cho chúng tôi kéo lớp da nhăn nheo bắt thành một đường hằn chạy ngoằn ngoèo trên bàn tay đã nổi gân chằng chịt, đầu ngón tay nứt nẻ và những chiếc móng đen xỉn mủ cây. Chúng tôi cười khúc khích nhìn đường da tay vừa kéo đang từ từ xẹp xuống. Bà cũng cười, mái tóc bạc như cước lòa xòa trên những mái tóc xanh tơ.
Những hôm chúng tôi không về, bà để phần thức ăn trong chiếc bát chiết yêu, đặt trên chạn bát. Chờ. Kể cả lúc mắt đã lòa đi, bà vẫn luôn để dành đồ ăn cho chúng tôi như một thức quà không thể thiếu. Khi thì bát khoai xéo, khi thì con cá tươi đã nấu, khi thì cái bánh rán bọc đường… Ai cho gì bà cũng để dành. Có khi chúng tôi không về, khoai cứng, cá thiu, cái bánh chảy mật, bà vẫn ngước đôi mắt đùng đục ra tận ngõ, trông.
Bà mất vào một chiều tháng Năm nắng nhạt. Mẹ khóc ngất bên giường bà. Tôi cũng khóc, vừa bởi tôi thấy mẹ khóc nên khóc theo vừa bởi trong tâm hồn thơ trẻ đã phần nào hình dung ra sự mất mát. Dì Hựu gạt nước mắt: “Trước ngày bà mất, bà không chịu ăn gì, cứ bảo cất dành trong bát chiết yêu cho các cháu”. Như một thói quen, tôi lần lại chạn bát, cầm chiếc bát chiết yêu trống không, bỗng thấy rưng rưng nỗi nhớ bà.
Tôi dần lớn lên, lập gia đình và cũng sống xa quê. Mỗi lần về thăm dì Hựu, ngang qua khoảnh vườn nhà bà lại đứng yên lắng nghe tiếng lá rụng xạc xào trong tiếng gió. Ngôi nhà lợp lá không còn nữa, dãy cây tra cũng bị chặt đi từ hồi làm nông thôn mới nhưng khoảnh đất cát pha ngày nào in dấu kỉ niệm thơ ấu của chúng tôi vẫn còn. Dưới nắng hè gay gắt, mảnh đất sáng trắng lên như màu tóc bạc của bà. Tôi lại nhớ bàn tay nhăn nheo với những đường gân chằng chịt, nhớ nụ cười móm mém, nhớ củ khoai bốc khói, nhớ bao yêu thương đong đầy trong từng chiếc bát chiết yêu. Tôi giữ chiếc bát như chìa khóa mở ra hoài niệm. Và chợt nghĩ, người ta không lớn lên bằng hoài niệm nhưng có lẽ nhờ hoài niệm mà phần nào trưởng thành, cứng cáp hơn.
N.T.T.V