06-03-2021 - 15:24

Tản văn GÓC NHỚ! của Đinh Thu Huế

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tản văn “Góc nhớ!” của tác giả Đinh Thu Huế - Giáo viên Trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ.

       Mẹ bảo, người ta có gia tài này, gia tài nọ còn mẹ chỉ có các con và một gian bếp be bé phía sau nhà thôi. Gian bếp ấy cùng mẹ đã theo chúng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ nghèo khó nhưng đầy ắp kỷ niệm!

       Tôi nhớ tất cả những gì thuộc về gian bếp. Gọi là gian cho oai thế thôi chứ thật ra đó chỉ là một phần phụ nằm liền sau nhà được bố tôi dựng lên bằng bốn cọc tre già, mái thấp hơn và chỉ vừa đủ cho chúng tôi ra vào. Bốn phía che chắn bằng phên tre, nhìn đâu cũng thấy bồ hóng giăng đen ngòm cả những bức vách ấy. Giữa bếp mẹ đặt một cái kiềng 3 chân. Xung quanh chất đầy củi tre, tàu cau khô hoặc vài nhánh cây gãy được mẹ lượm trong vườn. Phía trên, mẹ treo vài thanh tre lên tạo thành một cái gác nhỏ gọn. Mấy cái nồi đủ mọi kích cỡ đã cũ, dính đầy nhọ đen, mấy dụng cụ nhà nông như sàng, giần, nia, thúng cùng với mấy chùm hạt giống treo lủng lẳng cộng thêm vài quả mướp già, vài quả bắp khô cứng như đá hay những vỏ bầu lâu ngày lên bóng đỏ au. Có lẽ gian bếp đã trở thành dấu ấn, kỷ niệm thân thương của bao người sinh ra từ đồng làng, thôn xóm. Nhớ về gian bếp, tôi lại nhớ dáng mẹ lom khom và những tiếng ho sặc sụa khi thổi lửa làm bữa sáng cho cả nhà vào mỗi sớm mùa đông, nhớ tiếng lửa cháy xèo xèo khi gặp những thanh củi ướt và đôi mắt cay xè của mẹ vẫn cố thổi bùng lên ngọn lửa, thắp sáng những ước mơ của lũ con thơ. Và nhớ cả mùi khói cay nồng tỏa ra dịu nhẹ trong ráng chiều đã ấp ủ tôi suốt những tháng năm dại khờ. Khi còn nhỏ, gian bếp của mẹ có lẽ đó là nơi thu hút chúng tôi nhất, là những chảo cốm mẹ rang mùi thơm bay khắp nhà, ăn hoài vẫn thòm thèm mỗi buổi chiều cắp sách đi học về hay khi bụng đói meo là những củ khoai nướng thơm nức mũi, chỉ về đến đầu ngõ thôi, là đã thấy rạo rực trong lòng. Vị ngọt nưng nức của khoai nướng quyện vào mùi khen khét của tro trấu tạo nên hương vị đặc trưng dẫu đi hết cả cuộc đời cũng chẳng thể nào quên. Và có cả những lần thèm thuồng đứng nhìn mẹ nấu một món ngon mà chả cần xin mẹ cũng cho ăn thử một miếng trước. Cho nên ngay ấy, anh em tôi cứ quẩn quanh chốn bếp với mẹ cũng là điều dễ hiểu. Nhớ một lần tôi đi chơi về, đôi dép bị đứt quai tôi khóc nức nở, mẹ dỗ dành và đưa tôi vào bếp. Mẹ bảo ngồi chờ mẹ, rồi bà đi lấy một cái liềm và từ từ đưa đầu lưỡi liềm vào bếp lửa đang đỏ rực. Chỉ vài phút sau, mẹ đưa hai phần dép đã đứt lại gần nhau và ém nhẹ phần lưỡi liềm vào giữa chúng làm nhựa chảy xèo, vài sợi khói đen sì bay lên. Kì lạ thay, đôi dép lại trở nên lành lặn. Tôi mỉm cười và bỗng thấy mẹ tôi lúc đấy chẳng khác nào một bà tiên trong những câu chuyện cổ tích tôi đã được nghe và gian bếp ngày đó với tôi cũng trở nên thật lung linh, kì diệu!

Góc bếp của mẹ - Ảnh: Nguồn Internet

       Gian bếp của mẹ chẳng tắt lửa bao giờ. Đặc biệt vào những ngày tết đến xuân về, dường như gian bếp lại trở nên ấm cúng, sung túc và níu chân mẹ chặt hơn bao giờ hết. Tôi luôn thấy mẹ cặm cụi cả ngày nấu nướng món ngày, nêm nếm món kia, rồi lo dọn dẹp để có mâm cỗ tươm tất bày cúng trên bàn thờ gia tiên cũng như có các món ăn để cho cả nhà cùng thưởng thức. Mùa hè lưng mẹ ướt đẫm nhưng bát canh với đủ loại rau lại mát rượi. Mùa thu mưa dầm, gian bếp thoảng đưa hương cá nục kho thơm nức mũi quyện mùi ớt xanh, mùi gừng nồng ấm lan xa tận ngoài ngõ. Bên bếp và mẹ, anh em chúng tôi xuýt xoa hơ đôi bàn tay ngồi quây tròn chờ giờ cơm những ngày đông buốt giá. Bữa cơm chỉ với những món ăn đợn sơ của mẹ nhưng lúc nào cũng đủ các thành viên, rộn rã tiếng cười đùa. Gian bếp của mẹ nuôi lớn tâm hồn tôi từ những món ăn bình dị, đong đầy tình yêu thương của mẹ, nhiều khi tôi có ý nghĩ mẹ và cái gian bếp thân thiết ấy dường như không tách rời nhau. Bốn vách bếp nhìn đâu cũng khắc sâu bóng hình của mẹ. Tôi nhớ khi anh tôi đỗ đại học, tiếng mẹ cười giòn tan hết cả một góc bếp, vang mãi lên tận nhà trên. Rồi lúc bà ngoại lâm bệnh nặng, mẹ lặng lẽ ngồi một mình thẫn thờ cời lửa. Cũng có khi, tôi còn thấy mẹ ngồi ủ dột nơi cái góc bếp của mình mà khóc nữa. Tôi hỏi: “Có phải chúng con làm gì sai không?” hay “Mẹ bị đau ở chỗ nào?” Mẹ sụt sịt cúi đầu lắc lia lịa và bảo: “Tại bụi than bay vào mắt mẹ thôi”. Từ gian bếp, tôi được mẹ hướng dẫn làm “nữ công gia chánh”, được mẹ răn dạy về bài học “cơm sôi, bớt lửa” trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Mẹ bảo, góc bếp chính là hồn cốt của một ngôi nhà, chỉ cần nhìn qua bếp là biết được gia cảnh hay người phụ nữ trong gia đình ấy là người như thế nào. Mẹ còn nói hôn nhân cũng tựa như căn bếp, dù ai có là đầu bếp chính thì việc cời than, nhóm lửa và nêm gia vị cho vừa vặn vẫn luôn cần sự chung tay của mỗi một thành viên trong gia đình. Ngày ấy, chưa hiểu được những điều sâu xa mẹ nói, chỉ biết rằng, bếp của mẹ lúc nào cũng ấm nóng, sáng, trưa, chiều với những mùi, những món ăn quen thuộc. Sau này lớn lên, tôi mới nhận ra những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời mình đã được mẹ nhen nhóm lên ở đó.

       Gian bếp của mẹ đi là nhớ, về là thương. Giờ đây, mẹ tôi đã có một căn bếp hiện đại hơn nhưng không hiểu sao, mẹ bảo vẫn thích gian bếp cũ ngày xưa hơn. Có lẽ vì đó là cả thế giới của mẹ. Một thế giới lộn xộn, cũ kỹ, ám đầy bụi tro và rất nhiều khói. Một thế giới với những mùi những vị khác nhau, có khi thơm phức, nóng hổi có lúc lại tanh nồng, mặn chát... Nhưng lại luôn là một chốn ấm áp, gói ghém rất nhiều kỷ niệm với gia đình, với tuổi thơ chúng tôi. Để rồi mỗi lúc tất bật mệt mỏi với vòng quay của công việc và cuộc sống, lang thang bao nhiêu chốn, đến bao nhiêu quán xá sang trọng, đưa lên miệng bao nhiêu sơn hào hải vị đi chăng nữa thì vẫn chỉ mong được trở về bên gian bếp ấy với những món ăn dung dị chứa đầy tình yêu thương của mẹ và lòng bỗng thấy dịu đi những lo toan thường nhật./. 

   Đinh Thu Huế

. . . . .
Loading the player...