05-03-2024 - 07:45

Tản văn Một ngày của Mẹ của tác giả Lê Thị Xuân

Nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tản văn Một ngày của Mẹ của tác giả Lê Thị Xuân, GV trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Lộc Hà, Hà Tĩnh.

 

MỘT NGÀY CỦA MẸ

                               Lê Thị Xuân

 

   Lúc còn nhỏ tôi thấy mẹ lúc nào cũng tranh thủ, tranh thủ tắm giặt, gội đầu, tranh thủ quét dọn, tranh  thủ nấu, tranh thủ ăn, tranh thủ về thăm ngoại... Mỗi thứ mẹ làm một nhoáng cho xong để dành thời gian đi làm đồng, đi chợ. Mẹ bảo công việc đồng áng phải khẩn trương cho kịp thời, kịp vụ, còn chợ phải đi sớm về trưa mới mua bán được nhiều hàng. Tôi nhìn đôi gót chân khô nứt nẻ bước đi không bao giờ kịp bén lên mặt đất mà lòng tự hỏi thời gian của mẹ quý giá biết là bao.

   Mỗi sáng tinh mơ, khi đàn gà vẫn đang còn nằm yên trên chạn, mẹ đã trở dậy lên đèn nhóm lửa nấu cơm. Lửa bén xong thì mẹ vội vàng ra sân quét đám lá vàng khô đêm qua rụng xuống. Heo ngoài chuồng nháo nhác đòi ăn, mẹ lại lật đật xắt chuối xắt rau trộn cùng cám bã rồi ì ạch bưng từng chậu đầy ắp đặt vào chuồng cho chúng. Đôi quang gánh đang nằm lặng lẽ trên tường bỗng giật mình khi bàn tay mẹ đột ngột dỡ xuống rồi chất lên mình bao nhiêu hàng hoá mà chuẩn bị lắc lư trên vai mẹ qua những nẻo đường xa vời vợi. Mọi thứ chuẩn bị xong thì nồi cơm cũng vừa chín tới. Mẹ nuốt vội bát cơm với mấy quả cà, miệng vừa ăn vừa gọi chúng tôi thức dậy sửa soạn đến trường. Khi miếng cơm sau cùng chưa kịp trôi qua thực quản thì mẹ đã đặt gánh trên vai, dặn dò chúng tôi thêm vài điều rồi bước đi thoăn thoắt dưới làn sương. Con đường đất uốn lượn quanh co hứng những cơn mưa dầm dề làm nhão sệt và bàn chân mẹ tôi cùng bao người mẹ khác dẫm lên chi chít nên mặt đường chẳng thể nào phẳng phiu cho được. Cỏ cây hẳn còn đang ngái ngủ cũng đã quen với âm thanh bình bịch trên đường. Ngày mới của mẹ tôi bắt đầu như thế.

   Tất bật bán mua cho đến khi hàng cau trước nhà đo bóng nắng tròn xoe lên mặt đất, mẹ mới trở về trong sự đợi chờ khắc khoải của đàn con. Mồ hôi ướt nhem trên từng vạt áo chưa kịp bốc hơi thì mẹ tất tưởi giở chiếc nia con rồi lấy từ trong thúng ra những cá mắm, rau dưa mà sáng nay vừa kiếm được. Tay mẹ thoăn thoắt kho cá, nấu canh rồi bảo chúng tôi sắp cơm ăn cho kịp bữa, còn mẹ thì tranh thủ lúi húi cho heo, cho bò uống nước, ăn rau cỏ, rạ rơm. Bữa cơm trưa cũng qua đi trong sự vội vàng, chóng vánh, mẹ lại lo sửa soạn quang gánh, liềm, lạt để ra đồng cắt cỏ, hái rau. Thau nước gội đầu mẹ tranh thủ phơi trước lúc ăn cơm vừa ngã màu cánh gián ngoài sân chỉ kịp tắm qua cho làn tóc mẹ, hương bồ kết còn vương trên những sợi tóc mềm vội theo bước mẹ đi. Buổi trưa cứ thế trôi qua như làn gió nhẹ, mẹ lại bước thấp bước cao cùng đôi quang gánh ra đồng.

Một ngày của Mẹ (Minh họa: Trần Nguyên)

 

      Mẹ cắm cúi làm mà chẳng biết trên bầu trời mây xanh hay trắng, người xung quanh đang bàn tán chuyện gì, ấm nước mang theo cạn dần theo dòng mồ hôi rỏ xuống tắm lấy từng hạt đất. Cây xanh rờn còn mẹ héo hon. Lúc mẹ ngẩng đầu lên thì hoàng hôn đã phủ xuống cánh đồng, người ta không còn nhìn thấy rõ mặt nhau, mẹ mới trở về trên đôi vai trĩu nặng. Đôi tay dường như đã mỏi vẫn không thôi nép dọn cửa nhà. Nào là trâu bò gà lợn nhao nhác đòi ăn, nào là em nhỏ bứt rứt đòi tắm, nào là  gánh rau khát nước thèm sương, nào là áo quần đầy thau nằm chờ giặt giũ và bao nhiêu việc không tên khác. Mẹ cứ như cỗ máy vận hành không biết mệt cho tới tận đêm khuya khi ánh trăng nghiêng chênh chếch bên thềm báo hiệu sắp qua ngày cũ. Lúc ấy mẹ mới tắm táp qua loa rồi lên giường khép mắt với đàn con. Dù chẳng mấy khi đợi được đến thời khắc ấy, tôi  vẫn hình dung ra sự tảo tần của mẹ, sự nhọc nhằn khắc lên từng vết chai sạn của bàn tay, lên vết chân chim hằn sâu bên khoé mắt, lên làn da chi chít những đồi mồi và lên tấm thân gầy lộ rõ những đốt xương. 

     Cuộc đời của mẹ là những chuỗi ngày như thế, lam lũ, tảo tần từng phút, từng giây. Mẹ cực khổ mưu sinh không phải vì ước mơ nhà cao cửa rộng, phú quý giàu sang mà chỉ vì muốn cho con một mái nhà bình yên trước cuộc đời nhiều giông bão. Cha đi làm ăn xa, mẹ phải thay cha gồng gánh cửa nhà, mọi nỗi lo toan chất chồng lên vai mẹ. Nhưng tôi không thấy mẹ than phiền, nhăn nhó, rầy la mà chỉ lặng lẽ làm, lặng lẽ hy sinh như cây sầu đông rút cạn nguồn nhựa sống bên trong cho xanh lá, xanh cành.

Cuộc sống bây giờ ấm êm no đủ, dù có đủ tiện nghi hỗ trợ thì người làm mẹ như tôi vẫn tất bật tối ngày với hàng trăm việc không tên huống hồ ngày ấy. Mỗi khi nằm bệt xuống giường vì tay chân nhức mỏi, tôi lại nghĩ đến những tháng ngày của mẹ, đến tấm thân gầy bốn mùa dải nắng dầm mưa. Nước mắt tôi cứ thế lại tuôn trào.

 

L.T.X

. . . . .
Loading the player...