08-04-2025 - 01:34

Tản văn Mùa hoa gạo tháng Ba của tác giả Nguyễn Hằng

Tháng Ba về, những bông hoa gạo bung nở rực rỡ, thắp lên nền trời sắc đỏ mê hoặc. Không kiêu sa, không hương nồng, hoa gạo mộc mạc mà thân thương, gợi nhớ những miền ký ức tuổi thơ, những cánh đồng làng bình yên và những câu chuyện xưa cũ. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tản văn Mùa hoa gạo tháng Ba của tác giả Nguyễn Hằng.

 

MÙA HOA GẠO

                                 Tản văn

 

Sinh ra trên cuộc đời, mỗi người đều dành tình yêu cho một loài hoa. Có người yêu thích vẻ kiêu sa quý phái của hoa hồng, có người lại thích vẻ rực rỡ của hoa hướng dương hay nét tinh khôi của cúc họa mi… Riêng tôi lại thường bị hút hồn trước sắc đỏ bung biêng của hoa gạo. Chẳng giống như các loài hoa khác mỗi mùa xuân sang thường đua nhau đâm chồi nẩy lộc rồi nở hoa; loài cây gạo lại cứ mang vẻ trọi trơ, xù xì thô ráp của thân cành cho đến khi hoa gạo nở rộ thắp lửa rực rỡ cả thân cành rồi rụng xuống đỏ gốc, lúc bấy giờ lá non lộc biếc mới xanh cành. Có lẽ vì sự đặc biệt hiếm có ấy, mà hoa gạo đã gieo vào lòng người nhiều xúc cảm rất riêng.

Đi qua những ngày tết, lòng tôi cứ nôn nao thấp thỏm nỗi chờ mong. Cho đến một buổi sáng thức dậy, mở cửa nhà, đập vào mắt tôi là những bông hoa gạo đầu tiên rơi rụng, nằm im lìm trên mặt sân. Tâm thức tôi bất giác thốt lên “Ồ! Mùa hoa mong đợi đã về”. Tôi hân hoan, sảng khoái dạo bước ra sân, ngửa mặt nhìn lên cây hoa gạo cổ thụ. Trên cành cao tít tắp, từng chùm hoa gạo đã bung nở đỏ rực tự bao giờ.

Chẳng biết từ thuở nào, mùa hoa gạo lại gắn liền với tháng ba. Tôi thường băn khoăn phải chăng hoa gạo bung nở để từ giã tháng ba hay bởi tháng ba mang nắng về thắp lửa cho hoa gạo. Chỉ biết, nhiều câu ca dao đã ra đời từ mối liên kết đồng điệu đó: “Tháng ba đom đóm bay ra/Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng” hay “Bao giờ cho đến tháng ba/Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Những câu thơ súc tích được ông cha cô đọng qua nhiều đời nhằm ám chỉ khi hoa gạo nở cũng là thời điểm tháng ba sắp hết, xuân sắp tàn để đón cái hè oi ả. Tôi cũng chẳng biết cây gạo trồng trước cửa nhà tôi đã bao nhiêu tuổi, chỉ biết ngày tôi lấy chồng về đây sinh sống, thân cây gạo đã già cỗi, xù xì to bằng ba vòng tay ôm của người lớn. Mỗi năm một mùa hoa, cứ mỗi khi hoa gạo rơi rụng đầy sân cũng là lúc tôi căn dặn các con giặt dũ phơi phong đồ mùa đông mang gấp cất để đón mùa hè đến.

Tôi từng rưng rưng xúc động khi nghe mẹ chồng kể về truyền thuyết loài cây hoa gạo. Rằng hoa gạo bắt nguồn từ một câu chuyện tình yêu vừa nồng nàn, thủy chung vừa bất hạnh của một cặp đôi hạ giới. Chuyện kể rằng rất lâu trước đây trần gian thường xuyên mưa gió thất thường. Vì vậy đã có một chàng trai dũng cảm lên tận thiên đình cầu xin ý kiến Ngọc Hoàng và được giữ lại làm thần mưa. Trong khi đó người yêu của chàng ở hạ giới ngày đêm trông ngóng, một lòng thủy chung, son sắt đợi ngày chàng trở về. Mãi về sau, nàng chọn hóa thân trở thành loài hoa gạo vừa mộc mạc vừa quyến rũ với sắc hoa đỏ rực hệt như màu chiếc khăn tay mà chàng đã trao tặng nàng trước khi lên đường, thể hiện tấm lòng thủy chung, tình cảm nồng nàn không bao giờ đổi thay.

Mùa hoa gạo (Ảnh: Đinh Văn Linh)

 

 Hẳn đúng là như thế bởi mỗi khi đông về, cây gạo trút lá, chỉ trơ trọi mỗi thân cành xù xì, cằn cỗi. Thân cây gạo trơ trọi cứ hiên ngang sừng sững vượt qua cả mái nhà, lặng lẽ gồng mình trong giá rét như cố vươn cao đón đợi điều gì. Nào ai hay biết, cũng chính thời gian đó là lúc cây gạo tích tụ nhựa sống, chờ đợi để chuẩn bị cho mùa hoa mới. Để rồi bước sang tháng ba, những búp hoa bắt đầu lớn nhanh, đua nhau bung nở. Mỗi bông hoa giống như một đốm lửa nhỏ thắp lên nền trời một gam màu rực đỏ. Hoa gạo nở đỏ rực như xua tan đi cái ảm đạm của cái lạnh cuối xuân, tạo nên những mảng màu ấm áp. Càng về cuối tháng ba đầu tháng tư, hoa gạo càng nở rộ, trông  xa chẳng khác gì ngọn đèn hoa khổng lồ. Sắc đỏ mê mẩn mỗi mùa hoa gạo bung nở khiến bao chị em thổn thức, lại xúng xính áo dài, vành nón để ghi lại những khoảnh khắc hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình bên loài hoa gợi nhớ vẻ thôn quê nhưng không kém phần rạo rực và kiêu hãnh.

Tháng ba, hoa gạo bung biêng sắc đỏ khiến lòng tôi chông chênh miền nhớ về một tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ trên cánh đồng làng. Nơi ấy, ngay giữa đồng là một cây hoa gạo cổ thụ có đến hàng mấy chục tuổi. Ngay dưới gốc cây gạo, đám trẻ chăn trâu chúng tôi thường tránh nắng và chơi đồ hàng, chơi trò đám cưới. Chuỗi vòng rực rỡ chú rể đeo lên cổ cô dâu chính là vòng hoa gạo được chúng tôi dùng chỉ xâu nối từ hàng chục bông gạo rơi rụng đầy trên đất… Chuỗi hoa đỏ rực hắt cả màu nắng lên những đôi má hồng tươi của đám trẻ, gieo vào miền nhớ của chúng tôi những kỉ niệm trong sáng, hồn nhiên và đẹp đẽ. Để mãi về sau, mỗi khi nghe đến tên loài hoa dung dị ấy, tôi lại liên tưởng ngay đến làng quê bình yên một thuở, nơi có đồng ruộng, triền đê, có con đường làng đầy nắng chạy dài giữa đôi bờ sóng lúa. Có bóng dáng lũ trẻ chúng tôi trong trò chơi đám cưới thuở nào. Chẳng thể ngờ, loài hoa dân dã, dung dị ấy đã gắn bó với cả cuộc sống của tôi cho đến mãi sau này.

Tháng ba ơi, hoa gạo đã thắp đèn!

 

 

                                                                                     Nguyễn Hằng

 

 

. . . . .