Tạp chí Hồng Lĩnh số 200 tháng 4/2023 trân trọng giới thiệu bài viết “Tập trung các hoạt động hướng tới Lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” của tác giả Nguyễn Tùng Lĩnh
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một danh nhân lớn của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XVIII. Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung triển khai nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 300 ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào năm 2024.
1. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn 1724, quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Tuy nhiên, cuộc đời ông chủ yếu lại gắn bó với quê mẹ thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc. Không những thế ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học xuất sắc trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII. Lê Hữu Trác để lại một sự nghiệp đồ sộ với các tác phẩm nổi tiếng như Thượng kinh ký sự, Châu ngọc cách ngôn, Đạo lưu dư vận quyển, Nữ công thắng lãm, Bảo thai thần hiệu diễn ca, Vệ sinh yếu quyết… Đặc biệt là bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (28 tập, chia thành 66 quyền), được coi là cuốn Bách khoa toàn thư về Đông y, là cột mốc đánh dấu bước tiến mới, mở đường cho sự phát triển của y học cổ truyền Việt Nam. Hải Thượng Y tông tâm lĩnh cho thấy nền y học cổ truyền Việt Nam có chân lý riêng, gắn liền kinh nghiệm thực tiễn, phù hợp với phong thổ và dược liệu Việt Nam; một nền y học thuần Việt, thấm nhuần đạo đức và đầy tính nhân văn, nhân đạo. Ngoài lĩnh vực y học (Đông y), bộ sách còn có giá trị về nhiều lĩnh vực như: văn học, lịch sử, giáo dục, văn hoá học. Hải Thượng Y tông tâm lĩnh có giá trị không chỉ ở trong nước Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Về mục đích làm thuốc, ngay trong bài giảng đầu tiên về phương pháp hành y (Y nghiệp thần chương), Lê Hữu Trác đã viết: "Nghề làm thuốc tức là một nghề cầm cái sinh mệnh của con người ở trong tay mình. Nhưng đối với các y giả ở đời, phần nhiều coi là một nghề rất dễ, riêng ta đây thời lại coi là một nghề rất khó… Vả chăng, ta tuy chuyên theo về nghề làm thuốc nhưng thực ra thời cũng không ham đi chữa bệnh… Bởi thế nên không bày tủ thuốc, không sắm dao cầu, không mong ai mời, chẳng cầu ai tạ…”(1).
Trương Tú Dân (Trung Quốc) đã hết lời ca ngợi “có thể coi Hải Thượng Lãn Ông là y thánh của Việt Nam... Giả sử coi Nguyễn Du là Gớt (Goethe) của Việt Nam thì cũng không ngần ngại gì mà không gọi Lê Hữu Trác là Lý Thời Trân (1518 - 1593, nhà y học lớn của Trung Hoa đời Minh) của Việt Nam"(2). Trần Văn Giáp rong Lược truyện các tác gia Việt Nam đã đánh giá: “Ông là một người tài cao mà thức thời đạt thế, cương quyết bỏ học khoa cử, bỏ đường quan lại, đem tài năng chí khí xây dựng sự nghiệp trên nền y học; suốt trong thời gian hơn 30 năm, ông nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp ấy và đã thành công. Ông đã xây dựng được một nền y học Việt Nam toàn diện, về lý luận, về phương pháp điều trị, về dược vật, thiên về dùng dược vật Việt Nam"(3).
Sau khi qua đời (năm 1791), năm 1834, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được rước vào thờ ở Y Miếu Thăng Long. Năm 2016, cùng với Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Thiếp và Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh đã chọn Hải Thượng Lãn Ông để đúc tượng và đưa vào thờ tại Văn Miếu Hà Tĩnh.
2. Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 34 VH/QĐ ngày 09/01/1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Di tích này có các điểm chính gồm Khu lưu niệm Lê Hữu Trác ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn; khu Mộ nằm dưới chân núi Minh Tự, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn; Khu Tượng đài Lê Hữu Trác nằm trên đỉnh núi Minh Tự, cũng thuộc xã Sơn Trung.
Sau khi Lê Hữu Trác qua đời (1791), dòng họ và nhân dân trong vùng đã lập mộ xây lăng, lập đền thờ theo phong tục tập quán địa phương. Mộ do chính Lê Hữu Trác lựa chọn địa điểm, Nhà thờ được lập trong vườn nhà. Các hoạt động tế lễ Lê Hữu Trác mỗi năm thường diễn ra vào hai dịp Lễ Phật đản và ngày kỵ Lê Hữu Trác. Các hoạt động này được diễn ra ngay tại Mộ, Nhà thờ Lê Hữu Trác và chùa Tượng Sơn. Trải qua thời gian, ngày càng có rất đông người dân địa phương và du khách gần xa, nhất là những gia đình ân nhân vốn được Lê Hữu Trác cứu mạng, đã tìm đến Mộ và Nhà thờ Lê Hữu Trác để bày tỏ sự biết ơn, ngưỡng mộ bậc Đại danh y. Khi người dân về viếng Mộ và Nhà thờ Lê Hữu Trác ngày càng đông thì sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng gắn liền Khu di tích cũng dần hình thành.
Khu mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung,
huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh
Vào những năm đầu của thế kỷ XIX (1800 - 1944), lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được tổ chức thường niên tại các xã miền núi huyện Hương Sơn. Từ năm 1945 đến năm 1975, do ảnh hưởng của chiến tranh nên một số nội dung chi tiết trong phần lễ và phần hội được lược bớt. Tuy vậy, lễ hội vẫn không năm nào đứt đoạn nhờ sự bảo tồn, gìn giữ của con cháu dòng họ, bà con và các tăng ni, phật tử các xã miền núi huyện Hương Sơn.
Từ năm 1985 lại nay, nhất là sau khi Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác được xếp hạng di tích Lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, thì lễ hội ngày càng phát triển về cả quy mô, nội dung và hình thức thể hiện. Trên địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một trong những lễ hội có quy mô lớn nhất, được tổ chức đều đặn, bài bản nhất. Các hoạt động lễ hội Lê Hữu Trác vừa có yếu tố truyền thống (tế lễ), vừa kết hợp với những yếu tố hiện đại (thả diều, đua thuyền, vật tay, lễ cầu siêu, thả hoa đăng…) đã làm cho lễ hội ngày càng thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Sức sống của lễ hội ngày càng lan tỏa, bền vững.
Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác là di tích nguyên gốc duy nhất, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp y đức của Lê Hữu Trác. Mộ là nơi an nghỉ của Lê Hữu Trác từ khi mất (năm 1791) đến nay, tuy đã có một số lần trùng tu, tôn tạo nhưng vị trí mộ, hướng mộ, hình thức mộ không thay đổi. Nếu nhìn từ trên cao xuống, mộ giống như một cánh diều nằm giữa núi rừng, giữa một không gian bao la, thanh bình, yên tĩnh. Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đây là một khu lăng mộ rất hiếm và độc đáo, không có hình thức tương tự. Nhà thờ Lê Hữu Trác (nằm trong Khu lưu niệm) cũng là một di tích nguyên gốc. Ngôi nhà này là nơi gắn bó gần như cả cuộc đời của Lê Hữu Trác, đây cũng chính là nơi Lê Hữu Trác đã sinh sống, nghỉ ngơi, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Đặc biệt, tại ngôi nhà này, Lê Hữu Trác đã viết trọn bộ Hải Thượng Y Tông tâm lĩnh. Tượng đài Lê Hữu Trác cũng là một hạng mục khá hấp dẫn, đây là Tượng đài Lê Hữu Trác lớn nhất trong cả nước hiện nay. Vị trí xây dựng Tượng đài nằm trên ngọn núi Minh Tự, nơi gắn liền với cuộc đời làm thuốc, vui thú cảnh núi rừng Hương Sơn của ông.
Tại Khu lưu niệm Lê Hữu Trác hiện còn lưu giữ một số tư liệu, hiện vật quan trọng như các bản sách và dụng cụ bào chế thuốc của ông, trồng bảo tồn nhiều chủng loại cây thuốc nam quý, có thể xem như là nguồn gen dự trữ quan trọng cho y học cổ truyền hiện nay. Hằng năm Bộ Y tế, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, các Sở Y tế trong toàn quốc đều về thăm Khu di tích. Tỉnh Hà Tĩnh cũng xác định đây là di tích trọng tâm trọng điểm để đầu tư bài bản, quy mô nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
3. Ngày 30/11/2022, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 127-KH/TU ngày 30/11/2022 về Tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của tỉnh trong 03 năm 2023 - 2025, trong đó có nội dung Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) vào năm 2024.
Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai việc lập hồ sơ khoa học trình Bộ Ngoại giao Việt Nam để trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Hồ sơ đã được Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thuận cao. Tháng 11/2022, hồ sơ đã được Nhà nước Việt Nam trình lên UNESCO và đã có 4 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ đồng thuận, ủng hộ. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích, để qua đó làm cơ sở bảo tồn, phát huy tốt giá trị của Khu di tích này.
Với những công hiến to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cùng những giá trị văn hóa - lịch sử đặc biệt của khu di tích này ở huyện Hương Sơn, việc xếp hạng quốc gia đặc biệt rất cần thiết. Sự chủ động của tỉnh Hà Tĩnh cũng là bước đi, lộ trình đúng đắn, hợp lý hiện nay./.
N.T.L
________________
(1) Nguyễn An Nhân (1942), Sách thuốc Hải Thượng Lãn Ông toàn thư, Nam dược Thư quán xuất bản, Hà Nội, tr.11.
(2) Nhiều tác giả (2021), Danh nhân Hà Tĩnh, (Tái bản), Nxb Dân Trí, Hà Nội, tr.319.
(3) Trần Văn Giáp (1972), Lược truyện các tác gia Việt Nam, (Tái bản), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.317.