Tết cổ truyền của người Lào (còn gọi là Tết Bunpimay, Songkran, Bunhot Nậm…) được diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/4 dương lịch mang đậm bản sắc văn hóa xứ sở Triệu Voi, đây là dịp để người dân đất nước này thể hiện niềm tin yêu, sự tôn kính cũng như ý thức trách nhiệm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống
Trong 3 ngày này thì ngày đầu tiên được gọi là ngày tiễn năm cũ là ngày để dọn dẹp nhà cửa rũ sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa để đón chào những cái mới. Ngày thứ 2 được gọi là ngày giao thời giữa năm cũ và năm mới, là ngày đi chùa để thực hiện nghi thức tắm phật, buộc chỉ cổ tay cầu phúc. Ngày thứ ba gọi là ngày Tân niên ngày đầu năm mới. Trong những ngày này, con cái sẽ thể hiện lòng tôn kính với bố mẹ bằng cách rửa tay, hoặc rửa chân cho bố mẹ kèm theo những lời chúc phúc, chúc mừng bố mẹ hoặc cầu mong bố mẹ tha thứ khi có những việc làm sai trong năm qua.
Trong dịp này, ở các ngôi chùa sẽ là nơi vui nhất. Người dân Lào thường đổ Nam Ob (một loại nước được ngâm từ các loại hoa thơm) vào chai, lọ, xô, chậu… để tắm cho các tượng phật và các nhà sư nhằm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống dư giả, đất nước yên bình và hạnh phúc.
Nghi lễ tắm cho tượng phật và các nhà sư
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về thì người Lào thường tổ chức nghi lễ cầu may trong đó té nước là một nghi lễ không thể thiếu. Có thể nói, Tết Bunpimay của người Lào diễn ra vào thời điểm thời tiết chuyển mùa, vào lúc nóng của năm, chính vì vậy nước là điều mát lành nhất, khát khao nhất, gột rửa những điều không may mắn, mang đến nguồn sống sinh sôi cho mọi vật. Chính vì vậy mà người ta còn gọi Tết của người Lào là Tết té nước. Người dân Lào quan niệm rằng, người càng được té nước nhiều thì người ấy càng sung sướng, càng gặp nhiều may mắn và chứng tỏ người đó càng được mọi người yêu mến, tôn trọng.
Lễ buộc chỉ cổ tay (còn gọi là lễ Sou khoẳn) cũng là nghi lễ cầu may trong dịp năm mới. Đây là phong tục, tập quán tâm linh gắn với đời sống của người dân Lào từ lâu đời; trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống của cả dân tộc; với những ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho người được buộc chỉ. Vào buổi lễ, mọi người ngồi xung quanh chiếc mâm khoẳn (cách gọi của người Lào). Trên mâm lễ có bày hoa chủ đạo là cúc vàng, hoa chăm pa, một số loại quả, rượu, nước thơm… Chiếc mâm được trang chí theo hình tháp, khá đẹp mắt. Những sợi chỉ màu cũng được trang trí theo hình tháp, kéo dài từ đỉnh tỏa tròn ra khắp mâm, đủ dài để những người ngồi làm lễ xung quanh có thể cầm vào một đầu dây. Hoặc cũng có thể nhà sư cầm đầu dây, và người dự làm lễ sẽ cầm các đầu dây còn lại. Chính lễ, sư thầy sẽ làm lễ và khấn. Những người ngồi quanh mâm để khấn, một tay cầm sợi chỉ. Các sợi chỉ được nối vòng, tạo thành sợi dây liên kết từ người này sang người khác. Sau khi khấn xong, sư thầy sẽ buộc chỉ cho người được nhận lễ trước khi buộc cho những người khác. Hoặc mọi người cũng có thể buộc chỉ vào tay nhau. Sợi chỉ buộc tay được đeo suốt dịp Tết, ít nhất là ba ngày đeo liên tục, không được tháo ra. Nếu đeo được ba ngày trở lên, thì lời cầu chúc sẽ linh ứng. Sau khi làm lễ, nhà sư buộc chỉ vào tay người làm lễ.
Sinh viên Lào ở Trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức Tết Bunpimay
Ngoài các nghi lễ cầu may thì đầu năm mới người Lào còn có tục phóng sinh chim, cá… nhằm mang lại an lành, ấm no; xây tháp cát hoặc dâng cát cho chùa với mong muốn sức khỏe, hạnh phúc. Ngoài ra còn tổ chức lễ hội đua thuyền và rước nữ chúa xuân - một trong bảy người con gái của Thần bốn mặt - vị thần đem lại những điều tốt lành cho người dân Lào.
Món ăn ưa thích và phổ biến trong dịp Tết cổ truyền của người Lào là món Lạp. “Lạp” trong tiếng Lào nghĩa là lộc, là may mắn. Ngay từ cái tên đã tiềm ẩn ý nghĩa hết sức lớn lao của món ăn này trong đời sống ẩm thực của người dân Lào. Không có sắc màu rực rỡ giống như món xôi gấc của Việt Nam, cũng không cầu kỳ như những món ăn truyền thống khác của Lào, món lạp cũng giản dị như chính những nguyện ước bình an của người dân nơi đây trong cuộc sống. Nguyên liệu chủ yếu làm nên món lạp là thịt nạc băm nhỏ, có thể là thịt bò, thịt gà, vịt, thịt hươu, thịt lợn… Ðôi khi người ta còn làm Lạp bằng thịt hổ với cái tên là hổ lạp.
Nhìn chung, trong dịp Tết người Lào tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn phù hợp với đặc điểm, tập quán từng vùng với quan niệm vui chơi là chính, ăn uống là phụ. Chính vì vậy, ở đâu có tiếng trống, tiếng nhạc và điệu múa lăm vông thì ở đó vui chơi đến sáng nhưng không bao giờ xảy ra cãi vã, ẩu đả. Điều đó đã làm nên bản sắc riêng biệt của văn hóa đất nước Lào.
Trong những ngày này, khi đến đất nước Lào chúng ta sẽ cảm nhận được sự thân thiện, hiền lành, hiếu khách và đặc biệt sẽ được đắm mình trong những lễ hội độc đáo ở đất nước Triệu Voi tươi đẹp.
Hưng Thái - Nguyễn Ngọc Vượng