14-11-2023 - 12:10

Thiêng liêng tình nghĩa thầy trò

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết Thiêng liêng tình nghĩa thầy trò của tác giả Trần Quốc Thường (Đức Thọ), hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh

Thiêng liêng tình nghĩa thầy trò

 

Thầy Nguyễn Hồng Quang quê ở thôn Tiến Thọ xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh, vốn là cán bộ giao thông được đi học đại học sư phạm và tốt nghiệp năm 1967. Thầy ra trường từng làm giáo viên toán công tác ở trường cấp 3 Đức Thọ và cấp 3 Trần Phú. Thầy mất vào một ngày trời mưa to tháng 8 năm Quý Hợi (1983), hưởng dương 53 tuổi, đến nay đã tròn 40 năm. Vợ thầy Quang là bà Thiều vốn là một y tá của trạm y tế xã Yên Hồ. Sau khi thầy mất thì bà rơi vào cảnh bệnh tật, ốm đau không có thu nhập.

 Hồi đang dạy học, thầy vốn sức khỏe yếu, nhà nghèo nhưng lại hết lòng thương yêu học sinh. Chính cái tâm ấy của thầy mà các thế hệ học sinh luôn mong có thể báo đáp công ơn tình cảm của thầy. Hồi ấy vào những năm 1967- 1968 chiến tranh ác liệt, lớp 10E của thầy Bùi Xuân Tân (học sinh của thầy Quang là giáo viên THPT Minh Khai đã nghỉ hưu) do thầy Quang vừa ra trường về làm chủ nhiệm. Hôm tôi gặp thầy Bùi Xuân Tân xuống dự lễ động thổ xây nhà thờ cho vợ chồng thầy Quang, các bạn trong lớp của thầy Tân cũng góp được 17 triệu đồng giúp làm nhà thờ cho thầy Quang và vợ thầy. Lắng nghe câu chuyện thầy Tân kể hồi thầy còn ở Đức Lĩnh mà rơi nước mắt: “Thầy Quang dạy tuy không giỏi nhưng được cái là thương học sinh vô cùng. Bọn tôi ở xóm Quang Tân xã Đức Lĩnh (Đức Lĩnh 2 bây giờ thuộc huyện Vũ Quang). Thầy Quang đã thay mặt cha mẹ đến từng nhà trọ của học sinh để cảm thông và nhận trách nhiệm với từng gia đình. Bọn tôi coi thầy như cha mẹ”. Năm 1969, trường chuyển về xuôi, thầy Tân và mấy bạn trai tuổi đời mới 16,17 tuổi đã mạo hiểm làm một chuyến bè gỗ tạp và tre nứa chạy về bến Đò Hào cất cho thầy một nếp nhà nhỏ ở quê. Dấu tích ngôi nhà sau này vẫn còn cho đến 1982 thầy có sửa lại trước lúc qua đời. Năm 1983 thầy Quang qua đời để lại người vợ ốm yếu, tật bệnh. Thầy Quang có hai con gái là Nguyễn Thị Ngân lấy chồng ở Đắk Lắk và Nguyễn Thị Long lấy chồng ở Lộc Hà đều có hoàn cảnh đang khó khăn. Thầy còn có đứa con trai nuôi lúc nhỏ là Nguyễn Hồng Đức. Các học sinh lớp 10E ngày đó đã quyên góp tiền bạc cưới vợ cho Đức. Sau khi thầy mất, các học sinh cũ vẫn thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc vợ thầy. Họ đã lập cho bà Thiều một sổ tiết kiệm được 13 triệu đồng để bà có đồng ra đồng vào. Khi thầy qua đời, các học sinh cũ lại cùng bà con lo tang lễ cho thầy. Lớp trưởng Nguyễn Xuân Bình cùng các bạn học sinh lớp 10A trường cấp 3 Trần Phú khoá 1974 -1977 do thầy Quang chủ nhiệm đã cùng nhau góp tiền xây dựng ngôi mộ cho thầy cao ráo, khang trang ở nghĩa trang Làng Nghe. Trên mộ ghi 2 câu thơ lục bát: Âm dương cách biệt xa vời - Tình thầy nhớ mãi đời đời không quên. Nhân kỉ niệm 40 năm ngày thầy ra đi các em học sinh 10B khoá 1980-1983 lại góp tiền để làm nhà lưu niệm thờ vợ chồng thầy ngay trên mảnh vườn xưa. Dự kiến kinh phí 250 triệu đồng, sẽ được xây dựng xong trong 45 ngày. Thầy Bùi Xuân Tân đã thay mặt các thế hệ học trò làm sẵn đôi câu đối để treo ở nhà thờ thầy khi khánh thành như sau: Tuổi năm ba thầy vội quy tiên, đồng nghiệp, học trò ngẩn ngơ trăm lối nhớ -Xuân tám sáu chị rời cõi tục, xóm làng, con cháu xa xót vạn đường thương .

Học sinh lập bàn thờ và viết câu đối thờ vợ chồng thầy giáo cũ

Các thế hệ học trò đã tri ân người thầy yêu quý của mình qua những khoảnh khắc của một đời người cả khi còn sống hay khi thầy đã rời xa nhân thế. Nhà thờ của thầy làm ba gian, có cả phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, nhà vệ sinh tổng kinh phí hết 250 triệu đồng. Hiện cơ bản đã xây xong chờ ngày hoàn thiện các hạng mục như cửa sổ, thiết bị bếp, nhà vệ sinh, mái che để khánh thành đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 như món quà tri ân đến vợ chồng người thầy đáng kính.

Ngôi nhà thờ vợ chồng thầy giáo Nguyễn Hồng Quang tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh do học sinh cũ chung tay xây dựng gần hoàn thiện

 

Đây chính là đạo lý ở đời, tình nghĩa thầy trò thật đáng trân quý !

. . . . .
Loading the player...