27-06-2018 - 08:27

Thơ chọn - Lời Bình: Cúc ơi!

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, Văn nghệ Hà Tĩnh điện tử hân hạnh giới thiệu bài thơ "Cúc ơi!" của tác giả Yến Thanh qua lời bình của Nhà lý luận phê bình Hà Quảng.

             CÚC ƠI!
                                  

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập họp
Chín bạn đã quây quần đủ mặt:
Nhỏ - Xuân- Hà,
Hường - Hợi - Rạng - Xuân -Xanh
A truởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
( Chín bỏ làm mười răng được)

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần 
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

Cúc ơi em ở đâu 
Đất nâu lạnh lắm
Áo em thì mỏng
Cúc ơi em ở đâu 
Về với bọn anh tắm nước trong Ngàn Phố
Ăn quít đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ

Bài toán lớp 5 em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở 
Cơm chiều chưa ăn

Em ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em: đũa găm, cơm úp
Gọi em 
Gào em
Khản cổ cả rồi
Cúc ơi…ời…ơi!

                                         Ngã ba Đồng Lộc 25-07-1968
                                                                       Yến Thanh

Tác giả bên mộ Liệt nữ - Ảnh: Anh Đức

 

Lời bình:

       Viết về Đồng Lộc đã có rất nhiều tác phẩm hay bao gồm cả văn, thơ, nhạc, họa và nhiều loại hình nghệ thuật khác. Nổi bật trong cảm xúc người đọc, vượt khỏi giới hạn thời gian và không gian còn lại với chúng ta là bài thơ “CÚC ƠI!” của tác giả Yến Thanh, người bạn, người đồng đội của các o ứng tác xuất thần trong lúc đi tìm thi thể đồng đội, sau trận đánh(1). Đến nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua, mà những câu  thơ đọc lên vẫn xúc động sâu xa người đọc, tưởng chừng câu chuyện như mới vừa đâu đây.
       Bài thơ viết về người thực việc thực. Nhân vật chính là o Hồ Thị Cúc quê xã Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cúc mồ côi cha lúc một tuổi, mẹ đi lấy chồng , em phải đi ở với chủ chăn trâu cắt cỏ qua ngày. Lớn lên vào TNXP làm tiểu đội phó tiểu đôi 4, đại đội 552 ( Hà Tĩnh ), đơn vị Cúc nhận nhiệm vụ bảo đảm giao thông  tại ngã ba Đồng Lộc – túi bom cực kỳ tàn khốc. 14 giờ ngày  24-7-1968  một quả bom tấn rơi trúng hầm, nơi có 10 cô gái  ẩn nấp, cả tiểu đội hy sinh, nhưng hôm đó chỉ tìm thấy thi thể 9 cô. Riêng Hồ Thị Cúc 3 ngày sau mới tìm thấy thi thể. Bài thơ này tác giả viết  vào ngày thứ hai khi đang cùng đồng đội đi tìm Cúc. 
       Tứ bài thơ là “tiếng gọi hồn người đã khuất” của tác giả: Cúc ơi…ời…ơi! Gọi em, Gào em…Về với bọn anh… Gọi hồn để mong mau chóng tìm ra thi thể người đã khuất, một phương thức ngoại cảm truyền thống dân gian giàu chất tâm linh, nhưng chứa đựng trong đó bao thương yêu của tình đồng đội, tình quê hương…Các em hy sinh, đã tìm thấy như đủ cả tiểu đội. Câu thơ vắt  dòng  hiện lên thứ tự những người đồng đội thân yêu 
       Chín bạn đã quây quần đủ mặt :
       Nhỏ - Xuân - Hà
       Hường - Hợi - Rạng - Xuân – Xanh
       A trưởng Võ Thị Tần điểm danh…

      Chỉ thiếu mình em! Các chiến sĩ trong đơn vị giao thông, những người còn sống, tất cả tìm em trong tâm trạng khắc khoải: Bọn anh đã bới tìm em vẹt cuốc/ Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng. Lòng quyết tâm sức mạnh có thừa nhưng sợ em đau (chạm thi thể em) nên không dám cuốc mạnh. Tình thương trùm lên những câu thơ thiết tha, chân thực Cúc ơi  em ở đâu / Đất nâu lạnh lắm/ Da em thì xanh/ Áo em thì mỏng… Kỷ niệm như thầm gọi, thầm nhăc nhở, tác giả thầm mong em sống lại về với quê hương, với người thân:
       Về với  bọn anh tắm nước trong Ngàn Phố
       Ăn quít đỏ Sơn Bằng / Chăn trâu cắt  cỏ/ Gối còn thêu dở / Cơm chiều chưa ăn...

       Trong tâm trạng nhớ nhung, khẩn thiết, tiếng gọi em vang lên  Cúc ơi…ời…ơi.!.    như lay động đất trời.
       Bài thơ không kể về chiến công gan dạ anh hùng của người đã khuất như ta thường gặp mà chỉ nhắc đến những kỷ niệm quê hương nước trong Ngàn Phố, quít đỏ Sơn Bằng, chăn trâu cắt cỏ… nói về sự nhung nhớ xót thương của người còn sống đất nâu lạnh lắm, da em thì xanh, áo em thì mỏng…, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp cuộc đời người nữ chiến sĩ. Thành công bài thơ là chỗ đó. Vì sự hy sinh của em như mặt trời trên quê hương không cần nhiều lời, người đọc  vẫn thấy rõ.. Cái rực rỡ  của chiến công lùi về sau nhường cho sự tiếc thương, nhớ nhung. Sức lay động vĩnh hằng ở đấy : Em còn rất trẻ ,  người con gái “chửa hình dung ra hạnh phúc , khi Tổ quốc cần ngã xuống chẳng từ nan”  (2) 
       Thể thơ tự do, ngôn ngữ mộc mạc như tâm tình, như lời tự kể, toàn bài không gợn một chút gì là kỹ thuật, là trau chuốt Chỉ thiếu mình em, Chín bỏ làm mười răng  được!, … Em ở đâu hỡi Cúc , Đồng đội tìm em: đũa găm, cơm úp...nhưng lại làm  xúc  động độc giả  sâu xa..
       Cúc ơi ! thêm một  đài bia ngôn ngữ kỷ niệm các cô gái Đồng Lộc mà tác giả Yến Thanh đã để lại cho chúng ta. Hình ảnh không phai nhạt về các cô gái quê huơng nhỏ bé, kham khổ nhưng can trường, hình ảnh những  người con hóa thân vào đất đai Tổ quôc, vào  cuộc sống các gia đình, vào bao hạnh phúc thời nay! 


H.Q

_____________________                                                            
 (1) Tác giả bài thơ Yến Thanh( tên thật là Nguyễn Thanh Bình) nguyên là kỹ sư cầu đường , trong thời gian chiến tranh biệt phái  làm cán bộ kỹ thuật Tổng đội TNXP-N53, đồng đội của C552 đơn vị 10 cô gái Đồng Lộc 
 (2) Ý một câu thơ của  Xuân Diệu  
 

. . . . .
Loading the player...