09-08-2017 - 10:06

Thơ chọn lời bình: Đò Lèn

Tạp chí Hồng Lĩnh số 132 tháng 8 giới thiệu bài thơ Đò Lèn qua phần bình thơ của tác giả Người bình thơ.

Đò Lèn

 

 

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá

Níu váy bà đi chợ Bình Lâm

Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật

Và đôi khi ăn trộm  nhãn chùa Trần

 

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị

Chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng

Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm

Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

 

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

Bà mò cua, xúc tép ở đồng Quan

Bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.

 

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực

Giữa bà tôi và tiên phật thánh thần

Cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng

Cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm.

 

Bom Mỹ giội, nhà bà tôi bay mất

Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền

Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn !

 

Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại

Dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi

Khi tôi biết thương bà thì đã muộn

Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi !

                                                Nguyễn Duy
 


Chiều quê - Ảnh: Linh Châu
 

Lời bình:

 

Trong các bài thơ viết về miền quê, thì Đò Lèn của Nguyễn Duy là bài gây ấn tượng mạnh - Bởi từ một miền quê Đò Lèn cụ thể nhà thơ đã bắt được Hồn quê đau đáu của xứ Thanh và rộng ra cả Hồn Việt của Đất nước thân yêu chúng ta. Bài thơ liệt kê rất nhiều những địa danh cụ thể: chùa Trần, đền Cây Thị, Đồng Quan, Ba Trại, quán Cháo, Đồng Giao… như những mảng kí ức rứt ra, được thổi vào đó hồn vía thi sĩ tài hoa vừa đằm sâu vừa bay bổng, vừa chi tiết, vừa gợi cảm. Cái không khí làng quê Việt vừa có gì bảng lảng sương khói tâm linh nhưng cũng rất rõ rệt tưởng như có thể nắm bắt được. Một lối tạo hình ngữ nghĩa như chạm khắc chìm khuất sau đó những tầng vỉa của kỷ niệm tươi ròng lấp lánh như một thứ quặng vàng sa khoáng ấm áp tình người, tình đời. Ta hãy đọc và hình dung ra một Nguyễn Duy đáng yêu thạnh thật đến hồn nhiên: “Níu váy bà đi chợ Bình Lâm” rồi “Bắt chim sẻ ở vành tai tượng phật” và “Đôi khi ăn trộm nhãn Chùa Trần”. Tứ thơ gợi về một thời xa lắc thả vào không gian làng quê là những đền, những chùa là không khí phật giáo - nét đặc trưng của nông thôn Việt. Chỉ vài câu thơ tài hoa Nguyễn Duy đã dựng dậy cả một không gian tâm linh thuần Việt: “Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắng/ Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”. Đây là những câu thơ cảm bằng thị giác đẩy lên thành trực giác. Hai chữ “lảo đảo” làm xô lệch cả không gian vốn cấu trúc rất cân đối, thật gợi, thật sống. Từ sự cảm nhà thơ chuyển sang một cung bậc mới là sự nghĩ. Đó cũng là bước chuyển từ cái tuổi thiếu niên sang người lớn. Vận động của tứ thơ là chuyển dịch thời gian tuyến tính. Hình cảnh người bà là tâm điểm hạt nhân tình cảm bài thơ. “Bà tôi đi chợ Đồng Lâm”, bà tôi “Mò cua xúc tép ở Đồng Quan; bà tôi “Gánh chè xanh Ba Trại”. Và tôi là cái gạch nối giữa: Bà tôi và tiên phật thánh thần. Khi tôn vinh bà lên thành thần tượng lung linh kỳ ảo, nhà thơ đột ngột lại đưa hình ảnh của bà về cuộc sống đời thường: “Bà tôi đi bán trứng ở Ga Lèn” khi mà: “Bom Mỹ dội nhà bà tôi bay mất”. Từ cảm nghĩ đến nhận thức: “Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết” là một ý tưởng hay có tính triết lý nhưng không áp đặt. Thơ Nguyễn Duy là thế, cứ tưng tửng mà thành hệ trọng. Ở đây ta phải ghi nhận cách dùng từ rất đắc địa của ông: “Cái năm đói củ dong riềng luộc sượng” hay “Quán cháo Đồng Giao thập thững những đêm hàn”. Một chút “sượng” đến “đêm hàn” như chạm, như khắc, như phả vào dựng dậy cả hồn vía bài thơ ngỡ như không có từ nào chính xác hơn thay thế được.
Ở Đò Lèn, miền tâm tưởng chính là thần thái của bài thơ đầy chi tiết nhưng cũng rất biểu cảm. Hình ảnh: “Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi” như cái chấm hết của bài thơ nhưng tiếng vọng của nó vẫn còn day dứt mãi bởi: “Khi tôi biết thương bà thì đã muộn: vì “Tôi đi lính lâu không về bên ngoại”. Bài thơ không viết trực diện về chiến tranh, về người lính nhưng vẫn giữ được cái không khí thời điểm ấy. Đây cũng là cách tiếp cận với hiện thực đời sống qua hiện thực tâm trạng. Từ hai bờ sông Thiện – Mỹ, Đò Lèn đã chở nặng phù sa bồi đắp ấm áp tình người…

                                                                        Người bình thơ

. . . . .
Loading the player...